Trung Quốc tìm cách hủy diệt đôla Mỹ
Tháng 9 hoặc tháng 10-2015, Trung Quốc sẽ khởi động “Hệ thống thanh toán quốc tế Trung Quốc”.
Các công ty châu Âu đang giảm thanh toán bằng nhân dân tệ Trung Quốc (TQ). Báo Les Échos (Pháp) ngày 17-4 ghi nhận đây là cú hãm phanh đầu tiên trong tiến trình quốc tế hóa nhân dân tệ TQ.
Tìm giá trị mới cho nhân dân tệ
Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen đã tiến hành khảo sát 1.610 doanh nghiệp (DN) có làm ăn với TQ. 17% trong số này đã thanh toán bằng nhân dân tệ so với 22% cách đây một năm.
Ở châu Á, 52% DN Hong Kong hay 38% DN Đài Loan được hỏi có thanh toán bằng nhân dân tệ. Còn ở châu Âu, trong quý I-2015, chỉ 10% DN Pháp được hỏi thanh toán bằng nhân dân tệ so với 26% trong năm 2014. Nguyên nhân do đồng euro có giá hơn nhân dân tệ.
Dù vậy, TQ vẫn tiếp tục chiến lược quốc tế hóa nhân dân tệ. Hồi tháng 3, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân TQ Dịch Cương thông báo TQ đã trao đổi với Quỹ Tiền tệ Quốc tế để đưa nhân dân tệ vào giỏ các tiền tệ có quyền rút vốn đặc biệt.
Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) là tiền tệ dự trữ quốc tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế bao gồm bốn loại tiền euro, bảng Anh, yen Nhật và đôla Mỹ.
Ngân hàng Deutsche Bank đánh giá có 40% khả năng nhân dân tệ sẽ trở thành tiền tệ có quyền rút vốn đặc biệt vào tháng 10-2015. Deutsche Bank cho rằng sự kiện TQ kêu gọi thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á đã cho thấy TQ mong muốn giữ vai trò lớn hơn trong hệ thống tài chính quốc tế.
Theo đánh giá của Ngân hàng HSBC, đến năm 2017 nhân dân tệ sẽ trở thành loại tiền tệ có thể chuyển đổi hoàn toàn và đến năm 2025, nhân dân tệ sẽ trở thành một trong năm ngoại tệ dự trữ hàng đầu, chiếm 10% dự trữ ngoại tệ trong các ngân hàng trung ương.
Video đang HOT
Lập hệ thống thanh toán riêng
Để xúc tiến thanh toán rộng rãi bằng nhân dân tệ, TQ đã chuẩn bị sẵn sàng một hệ thống thanh toán quốc tế riêng mang tên “Hệ thống thanh toán quốc tế TQ” (CIPS). Hệ thống này sẽ được khởi động vào tháng 9 hoặc tháng 10-2015.
“Hệ thống thanh toán quốc tế TQ” nhắm đến nhiều mục đích: Quốc tế hóa nhân dân tệ và tăng cường sử dụng nhân dân tệ trên toàn cầu bằng cách giảm chi phí và thời gian giao dịch; đưa nhân dân tệ lên hàng bình đẳng với các loại tiền tệ mạnh khác như đôla Mỹ.
Trước nay các nước sử dụng “Hệ thống giao dịch tài chính liên ngân hàng quốc tế” (SWIFT). Việt Nam cũng đã gia nhập SWIFT vào tháng 3-1995. Khi một ngân hàng hay một vùng lãnh thổ bị loại khỏi hệ thống SWIFT thì mọi giao dịch ngân hàng đều bị chặn.
Ví dụ từ năm 2012, khoảng 30 ngân hàng Iran đã bị loại khỏi hệ thống SWIFT do lệnh cấm vận của Mỹ về chương trình hạt nhân Iran. Như vậy Iran có bán dầu thô thì các khoản thanh toán tiền mua dầu đều bị phong tỏa. Nga cũng đã bị phương Tây dọa sẽ loại Nga ra khỏi hệ thống SWIFT sau sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga.
Lệnh phong tỏa khỏi hệ thống SWIFT như thanh gươm Damocles treo lơ lửng trên đầu nên các nước BRICS (Nga, TQ, Ấn Độ, Nam Phi, Brazil) tìm cách thoát vòng kềm tỏa bằng cách nhất trí thanh toán với nhau bằng nội tệ.
Nhân dân tệ không đạt tiêu chuẩn
Trang web Business Insider dẫn lời nhà kinh tế Mỹ Wolf Richter nhận định một khi nhân dân tệ TQ được quốc tế hóa thì ảnh hưởng của Mỹ sẽ suy giảm.
Ông ghi nhận Mỹ khó kìm hãm ý đồ quốc tế hóa nhân dân tệ vì nhiều nước đã chấp thuận thanh toán thương mại bằng nhân dân tệ. Hiện nay các ngân hàng đối lưu bằng nhân dân tệ đã hoạt động ở 15 TP trên thế giới, trong đó có Los Angeles ở Mỹ.
TQ cũng đã ký hiệp định trao đổi nhân dân tệ với các ngân hàng trung ương của 20 nước, trong đó có hai đồng minh của Mỹ là Anh và Úc.
Nhà kinh tế Wolf Richter nhận định đây là các bước đi ngắn nhưng nằm trong khuôn khổ quốc tế hóa nhân dân tệ một cách chậm rãi, có hệ thống, liên tục nhằm hủy diệt sức mạnh đồng USD và ảnh hưởng của Mỹ.
Ông kết luận: “TQ sẽ tiến hành một bước đi mới để trở thành đối thủ cạnh tranh về kinh tế, tài chính và chính trị với Mỹ”.
Vì lẽ đó, hồi cuối tháng 3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew đã tuyên bố Mỹ từ chối xem nhân dân tệ như giỏ ngoại tệ dự trữ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Ông nhấn mạnh: “Cần phải tự do hóa và cải cách hơn nữa để nhân dân tệ đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết”.
Hãng tin Sputnik (Nga) ghi nhận qua tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Jack Lew, Mỹ đã mở một mặt trận mới trong cuộc chiến tiền tệ với TQ vào thời điểm TQ đang xúc tiến thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á.
Theo Pháp Luật TPHCM
"Cuộc chơi" của siêu cường!
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã làm tan sóng trên các thị trường toàn cầu với quyết định không thay đổi mức lãi suất siêu thấp 0-0,25% đã duy trì suốt nhiều năm qua.
Trước đó, những đồn đoán về khả năng cơ quan quyền lực này sẽ chấm dứt sự kiên nhẫn với tỷ lệ lãi suất gần như bằng 0 để cứu nền kinh tế Mỹ khỏi bãi lầy khủng hoảng cách đây gần 7 năm đã khiến cả thế giới "nhớn nhác". Chứng khoán Mỹ đồng loạt tăng điểm, giá dầu thô cũng nhảy vọt và tỷ giá đồng USD giảm nhẹ khi các nhà đầu tư nhận được tín hiệu rõ ràng rằng Fed chưa có ý định điều chỉnh lãi suất vốn.
USD đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 12 năm qua so với đồng euro
Về tổng thể, động thái này sẽ giúp "ghìm cương" đà tăng giá mạnh nhất của đồng USD kể từ năm 1992. Nhưng dù vậy thì đồng bạc xanh vẫn có thêm 20% giá trị so với đồng euro và yen Nhật chỉ trong vòng một năm qua.
Đã có những quan ngại về việc đồng nội tệ của Mỹ mạnh lên với cường độ như vậy sẽ khiến xứ Cờ hoa cách xa mục tiêu nâng lạm phát lên 2% và ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu và các công ty Mỹ có nhiều hoạt động ở nước ngoài. Tuy nhiên, cùng lúc đó niềm vui lại đến với người dân Mỹ bởi họ có thể rủng rỉnh mua hàng hóa với giá rẻ hơn hay có thêm cơ hội thực hiện những chuyến du lịch nước ngoài với đồng tiền đang lên giá. Nhờ đó, sức mua của người dân Mỹ sẽ tăng và thúc đẩy các ngành công nghiệp sản xuất. Điều này sẽ giúp cải thiện thị trường việc làm và tạo một môi trường kinh doanh nhộn nhịp hơn tại xứ Cờ hoa.
Trên bình diện quốc tế, việc đồng bạc xanh đang bỏ xa những đồng tiền khác sẽ khiến những nỗ lực nhằm đảo ngược đà lao dốc của giá dầu thô trở nên vô vọng. Đã trở thành quy luật, mỗi khi đồng tiền đang có vị trí số 1 trong thanh toán quốc tế mạnh lên, các mặt hàng có giá trị như dầu thô trở nên kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.
Đặt trong bối cảnh Mỹ đang tham gia vào "cuộc chiến giá dầu" - hiện đã bóp nghẹt nền kinh tế của các đối thủ chính trị như Nga, Iran, Venezuela, thì việc đồng USD tăng cao chắc chắn sẽ trở thành một "trợ tá" đắc lực để Washington thực hiện chiến lược lâu dài nhằm duy trì vị thế thống soái nền chính trị và kinh tế thế giới.
Cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ năm 2008 đã cho thấy những lỗ hổng trong hệ thống quản lý kinh tế Mỹ để sau đó xuất hiện những lời tiên đoán về sự yếu đi của cường quốc số 1 thế giới. Nhưng cho đến thời điểm này, không thể phủ nhận một sự thật là cái nôi của cơn khủng hoảng gần 7 năm trước cũng lại là điểm sáng rực rỡ nhất trong bức tranh có phần hỗn độn của nền kinh tế toàn cầu.
Trên thực tế, một đồng USD mạnh cũng là một phần của tờ giấy chứng nhận loại ưu cho sức khỏe của kinh tế Mỹ với những cải thiện rõ ràng và khá bền vững trên thị trường nhà đất, việc làm, sản xuất... trái ngược hoàn toàn với "con rồng" Trung Quốc đang giảm tốc độ tăng trưởng hay một Châu Âu ì ạch tìm cách thoát khỏi những di chứng của cơn bão nợ công.
Đề cập tới vấn đề nợ nần, chuyện đồng USD đắt đỏ cũng đang là cơn ác mộng đối với nhiều nước, đặc biệt là những nền kinh tế đang phát triển. Trong thời kỳ Fed bơm hàng nghìn tỷ USD để kích thích tăng trưởng, một làn sóng đi vay ồ ạt đã diễn ra bởi tiền quá nhiều và quá rẻ. Nhưng giờ đây, sự tăng giá của đồng bạc xanh khiến gánh nợ trên vai nặng nề hơn và ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tăng trưởng.
Do vậy, nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo nguy cơ về một cuộc khủng hoảng tài chính giống như ở Châu Á năm 1998 cho dù không có nhiều dấu hiệu ủng hộ cho giả thuyết này. Song, vị thế kinh tế của Mỹ đã được nâng lên trong khi khả năng cạnh tranh của nhiều quốc gia trở nên yếu đi.
Vì thế, dường như đợt tăng giá đột ngột thứ tư của đồng USD trong vòng 45 năm qua không chỉ mang đến những lợi ích về kinh tế mà còn hàm chứa những ý nghĩa chính trị để Mỹ thực hiện mục tiêu duy trì vị thế siêu cường số 1 thế giới.
Theo Vân Khanh
Hà Nội mới
Cuộc tấn công của đồng đôla Mỹ - Kỳ cuối: "Đế chế lừa dối" và cuộc chiến hủy hoại nước Nga Sức mạnh của đồng USD theo truyền thống được hỗ trợ bởi sức mạnh quân sự và các đòn bẩy bí mật khác. Tại hội nghị thượng đỉnh nhóm G-20 tháng 11/2014, Tổng thống Mỹ đã nói tới niềm tin vào dân chủ, rằng khi những người bạn của chúng ta cần sự trợ giúp, Mỹ xuất hiện để giúp đỡ. Thứ trưởng...