Trung Quốc thử nghiệm đánh chặn tên lửa đạn đạo
Trung Quốc thử khí tài đánh chặn tên lửa đạn đạo ở giai đoạn giữa hành trình, có thể là loại dùng động năng để diệt mục tiêu.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 4/2 thông báo đã thử tên lửa thuộc hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm xa (IRMB), song không công bố thời gian và địa điểm diễn ra vụ thử. Giới chức Trung Quốc khẳng định vụ thử tên lửa đánh chặn mang tính phòng thủ và không gửi thông điệp cho bất cứ quốc gia nào.
Một số video xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy tên lửa đánh chặn dường như được phóng tại miền bắc Trung Quốc, có thể từ Trung tâm Phóng vệ tinh Thái Nguyên ở tỉnh Sơn Tây. Các video này gần giống những hình ảnh về vụ thử tên lửa đánh chặn của Trung Quốc vào năm 2018, vốn được coi là màn phô diễn năng lực phòng thủ tên lửa đạn đạo của nước này.
Vụ thử tên lửa đánh chặn của Trung Quốc có thể là lý do khiến trinh sát cơ RC-135S của Mỹ hiện diện tại Hoàng Hải hồi đầu tuần. Mỹ sở hữu ba trinh sát cơ RC-135S chuyên làm nhiệm vụ thu thập thông tin từ xa và các dữ liệu tình báo khác liên quan đến những vụ phóng vệ tinh hoặc tên lửa cỡ lớn khác.
Vệt sáng được cho là tên lửa đánh chặn của Trung Quốc. Video: Twitter/ HaoGao12 .
Trung Quốc chưa tiết lộ bất cứ chi tiết nào về việc chế tạo tên lửa đánh chặn. Trong báo cáo về Trung Quốc được công bố gần đây, Lầu Năm Góc nhận định nước này đang “phát triển khí tài đánh chặn giữa hành trình sử dụng động năng để tiêu diệt mục tiêu”.
Phương tiện đánh chặn động năng được thiết kế để tiêu diệt mục tiêu bằng cách đâm va, thay vì sử dụng đầu đạn nổ truyền thống. Hệ thống Phòng thủ Giữa hành trình Trên mặt đất (GMD) của Mỹ sử dụng phương tiện đánh chặn động năng. Tuy nhiên, khó khăn trong phát triển phương tiện đánh chặn động năng trở thành vấn đề lớn trong chương trình GDM những năm qua.
Biên tập viên Joseph Trevithick của Drive nhận định tên lửa đánh chặn giai đoạn giữa mà Trung Quốc mới thử nghiệm là phần mở rộng của chương trình phát triển tên lửa diệt vệ tinh Động Năng 3 (DN-3). Một số báo cáo cho biết tên lửa DN-3 được sử dụng trong cuộc thử nghiệm năm 2018 hạ gục mục tiêu là tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM) DF-21.
Ranh giới giữa tên lửa đánh chặn giai đoạn giữa và vũ khí diệt vệ tinh rất mong manh. Mỹ từng nhiều lần cáo buộc Trung Quốc sử dụng các vụ phóng tên lửa đánh chặn làm bình phong cho việc thử nghiệm vũ khí diệt vệ tinh.
Trung Quốc có thể phát triển tên lửa đánh chặn và cải thiện khả năng diệt vệ tinh nhằm đối phó với tên lửa đạn đạo của Ấn Độ, cùng các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo hoặc vũ khí siêu vượt âm của Nhật Bản và Hàn Quốc.
Mỹ đang hiện đại hóa hệ thống tên lửa đạn đạo chiến lược và nghiên cứu chế tạo các mẫu IRBM và MRBM sau khi rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tâm trung (INF), với mục tiêu triển khai chúng ở khu vực Thái Bình Dương.
Tên lửa đạn đạo Iran diệt tàu chiến ở cách 1.800 km
Iran phóng nhiều loại tên lửa trong cuộc tập trận Nhà tiên tri Vĩ đại 15, diệt mục tiêu mô phỏng tàu chiến đối phương trên Ấn Độ Dương.
Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hôm nay thông báo hoàn tất giai đoạn cuối cuộc tập trận Nhà tiên tri Vĩ đại 15 với hoạt động phóng tên lửa đạn đạo nhằm vào mục tiêu mô phỏng tàu chiến đối phương. "Sau khi hệ thống tình báo phát hiện mục tiêu ở bắc Ấn Độ Dương, nhiều mẫu tên lửa đạn đạo tầm xa đã được phóng từ miền trung đất nước và đánh trúng đích từ khoảng cách 1.800 km", IRGC cho hay.
Tên lửa đạn đạo Iran khai hỏa trong cuộc tập trận hôm 16/1. Ảnh: Sepah News .
Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Iran Mohammad Bagheri khẳng định đợt tập trận cho thấy "kẻ thù sẽ bị hủy diệt nếu thể hiện hành động sai trái nhằm vào lợi ích quốc gia, các tuyến thương mại hàng hải và lãnh thổ của Iran". "Chúng tôi không có ý định thực hiện vụ tấn công nào. Đợt tập trận cho thấy Iran sẵn sàng tự vệ bằng mọi giá trước những kẻ gây hấn", ông nói thêm.
Đợt tập trận cũng có nội dung tiêu diệt hệ thống phòng không đối phương bằng máy bay không người lái tự sát kết hợp tên lửa đạn đạo thế hệ mới.
Đây là cuộc tập trận thứ ba được Iran tổ chức trong hai tuần qua, trong bối cảnh căng thẳng tại Trung Đông vẫn ở mức cao. Mỹ lo ngại Iran hoặc lực lượng ủy nhiệm có thể tấn công mục tiêu phương Tây khi nước này rút lực lượng khỏi Iraq và Afghanistan, cũng như quá trình chuyển giao quyền lực đang diễn ra tại Washington.
Quân đội Mỹ đã ba lần triển khai oanh tạc cơ B-52H tuần tra khu vực và điều tàu ngầm hạt nhân USS Georgia đến vịnh Ba Tư. Một tàu ngầm hạt nhân Mỹ, dường như là chiếc Georgia, đã xuất hiện giữa ban ngày, gần mặt biển và ngay sát nơi Iran tập trận hải quân hôm 14/1.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cuối tháng 12/2020 nói rằng nước này sẵn sàng phòng thủ trước mọi nỗ lực "phiêu lưu quân sự" của Mỹ trong giai đoạn chuyển giao quyền lực tổng thống, khẳng định Tehran không muốn gia tăng căng thẳng và kêu gọi "những người có lý trí ở Washington nên làm như vậy".
Trung Quốc phản đối Mỹ bán khí tài liên lạc cho Đài Loan Trung Quốc lên tiếng phản đối sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ duyệt hợp đồng bán khí tài liên lạc quân sự trị giá 280 triệu USD cho Đài Loan. "Trung Quốc kiên quyết phản đối các thương vụ vũ khí của Mỹ với Đài Loan và kêu gọi Mỹ lập tức hủy các dự án bán vũ khí cho Đài Loan", phát...