Trung Quốc thử nghiệm chính sách ngoại giao hòa hoãn
Trung Quốc đang áp dụng những sách lược ngoại giao mới, thể hiện một bộ mặt thân thiện hơn nhằm xây dựng “quyền lực mềm”, nhưng việc này có thành công hay không còn phụ thuộc vào việc giải quyết các vấn đề gốc rễ trong quan hệ với một loạt quốc gia.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại một cuộc họp ở Brisbane, Australia, sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi G20. Ảnh:AFP
Với việc hoàn thành thỏa thuận thương mại tự do bị trì hoãn gần 10 năm với Australia, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khép lại một tuần hoạt động ngoại giao đầy tích cực, đồng thời cho thấy một Bắc Kinh đang rất nỗ lực trong việc tìm kiếm tiếng nói chung với các đối thủ cạnh tranh cũng như láng giềng, theo Wall Street Journal.
Sau hàng loạt hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại Trung Quốc, Myanmar và Australia, Bắc Kinh đã thiết lập trạng thái hòa hoãn tạm thời với Nhật Bản, đạt một số thỏa thuận về biến đổi khí hậu và quân sự với Mỹ, hoàn thành nhiều hiệp định thương mại, gợi ý một hiệp ước hữu nghị với Đông Nam Á, đồng thời, dọn đường cho một mặt trận quốc tế chống tham nhũng.
Về hợp tác đầu tư, Bắc Kinh cũng không hề dè dặt. Trung Quốc hứa chi 40 tỷ USD vào Quỹ Con đường Tơ lụa để xây dựng tuyến đường nối nước này với châu Âu trên biển và qua Trung Á, đầu tư 8 tỷ USD vào Myanmar, cho các nước Đông Nam Á vay 20 tỷ USD…
Theo WSJ, xét trên cả chiều rộng và chiều sâu, tất cả những động thái này đều khắc họa một Trung Quốc mới, đầy nhiệt thành và sẵn sàng kết bạn. “Trung Quốc sẽ không bao giờ khuếch trương bản thân mà bất chấp lợi ích của các quốc gia khác”, ông Tập nói trước Quốc hội Australia hôm 17/11 sau khi ký kết một hiệp định thương mại tự do với Canberra.
Video đang HOT
“Trung Quốc đang thử nghiệm việc sử dụng viện trợ và phát triển như công cụ để đạt được quyền lực mềm”, Merriden Varrall, chuyên gia về Trung Quốc tại viện Chính sách Quốc tế Lowy, Sydney, nhận định. “Họ biết rằng, nếu áp dụng đúng cách, chúng sẽ mang tới những mối quan hệ ấm áp hơn với các quốc gia khác”.
Cách thức mới của Trung Quốc được thực hiện sau một cuộc tranh luận gay gắt ở trong nước này về chính sách ngoại giao những năm qua, trong đó Bắc Kinh đề cao ưu tiên phát triển kinh tế và tránh đối đầu, trong khi vẫn nắm thật chặt những vấn đề mà nước này cho là “lợi ích cốt lõi” quốc gia, Huang Jing, chuyên gia về chính trị và ngoại giao Trung Quốc tại trường Chính sách công Lý Quang Diệu, nhận xét.
“Cuộc tranh luận xoay quanh vấn đề liệu Trung Quốc nên theo đuổi chính sách đối ngoại dựa trên năng lực của mình, hay trên lợi ích quốc tế theo cách phù hợp với vị thế mà họ muốn có được”, Huang nói. “Nay Trung Quốc đi theo chiến lược ngoại giao dựa trên nguyên tắc sẽ làm “việc nên làm” và “việc gì có thể” làm, đó là một thay đổi lớn”.
Tuy nhiên, ông Tập nghiêm túc trong việc hiện thực hóa chiến lược này đến đâu và hiệu quả của nó như thế nào còn phụ thuộc rất nhiều vào cách mà Bắc Kinh xử lý các mâu thuẫn với láng giềng trong tương lai gần. “Chúng ta nên chờ xem điều gì sẽ xảy ra trong 6 đến 12 tháng tới, thậm chí là lâu hơn”,Reuters dẫn lời Shi Yinhong, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Remnin, Bắc Kinh, nhận xét. “Dù sao đây là thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại”.
Hai tuyến đường nằm trong dự án Con đường Tơ lụa mới mà Trung Quốc mong muốn xây dựng. Ảnh: Star Daily
Những nguyên nhân gốc rễ
Khả năng những bất đồng tiếp tục nổ ra là rất lớn khi có quá nhiều vấn đề còn tồn tại, từ gián điệp kỹ thuật số tới tranh chấp trên Biển Đông hay Hoa Đông. Những nguyên nhân sâu xa của các mâu thuẫn trong quá khứ hiện có thể được xếp sang một bên nhưng không phải là mãi mãi.
Cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập và Tổng thống Mỹ Barack Obama tuần trước cùng một số hiệp định được ký kết sau đó khiến dư luận thế giới rất kỳ vọng vào một tương lai tốt đẹp trong quan hệ song phương. Tuy nhiên, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua vẫn khá thận trọng, cho rằng dù đôi bên sử dụng “giọng điệu hòa nhã” nhưng còn nhiều thứ phải làm để biến lời hứa thành hiện thực.
“Rất nhiều vấn đề còn tồn tại, và sẽ có tình trạng không chắc chắn trong những tháng ngày tới đây”, Hia Qingguo, hiệu trưởng Trường Nghiên cứu Quốc tế Đại học Bắc Kinh và là cố vấn của chính phủ, nhận xét.
Như để nhắc nhở Mỹ về sức mạnh quân sự đang lên của mình, trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Trung Quốc trình làng một loạt vũ khí, máy bay chiến đấu, phi cơ tàng hình mới, tại một triển lãm hàng không ở thành phố phía nam đất nước.
Bắc Kinh từ lâu cố gắng xoa dịu mối lo ngại của các nước trong khu vực và trên thế giới quanh việc kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh sẽ đi kèm với những động thái ngoại giao và quân sự hung hăng.
Tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo khu vực Đông Nam Á (ASEAN), tổ chức ở Myanmar tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đề xuất một hiệp ước hữu nghị nhưng vẫn khẳng định Bắc Kinh sẽ chỉ giải quyết tranh chấp Biển Đông trực tiếp với các nước liên quan.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết ông và Chủ tịch Tập đã có cuộc gặp mặt tốt đẹp ở Bắc Kinh. Nhưng quân đội Philippines nói, chưa có dấu hiệu thể cho thấy Trung Quốc sẽ giảm sự hiện diện của mình trên vùng biển tranh chấp với Manila.
Căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc dù đi vào thế hòa hoãn nhưng vẫn chưa có chiều hướng lắng dịu khi những tranh cãi xung quanh vấn đề chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trên biển Hoa Đông vẫn gay gắt. Thái độ lạnh nhạt giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Tập, tại buổi gặp mặt, bên lề hội nghị APEC, cho thấy tương lai hàn gắn quan hệ đôi bên còn rất mong manh. Việc lễ kỷ niệm 70 năm chấm dứt Thế chiến II sẽ được tổ chức như thế nào tại Trung Quốc cũng là một mối lo ngại của Nhật Bản.
Tranh chấp biên giới với Ấn Độ vẫn đang trong tình thế bế tắc là một vấn đề đau đầu khác mà ông Tập cần giải quyết.
Hàng xóm vẫn chưa tin tưởng hoàn toàn vào mục đích thật sự của Trung Quốc. Đối với Bắc Kinh, những cử chỉ mềm mỏng trên lĩnh vực thương mại và văn hóa thường đi kèm với lập trường cứng rắn về an ninh và chủ quyền,WSJ dẫn lời bà Varrall cho biết.
Để trả lời cho những mối lo âu của thế giới, hôm 17/11, trước quốc hội Australia, ông Tập dùng một lối nói cổ để làm dịu căng thẳng: “Một quốc gia buôn bán chiến tranh cuối cùng cũng sẽ diệt vong dù nó lớn đến đâu”. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một nửa của câu nói, ông Tập đã không kết thúc nó, với những dòng cuối như sau: “Dù thế giới đang yên bình, đất nước vẫn sẽ đối mặt với hiểm nguy nếu quên chuẩn bị cho chiến tranh”.
Vũ Hoàng
Theo VNE