Trung Quốc thèm muốn Su-35 của Nga để tăng sức mạnh ở biển Đông
Mặc dù vừa có mẫu tiêm kích mới J-11D, Trung Quốc vẫn đang rất muốn mua được chiến đấu cơ đa năng SukhoiSu-35 của Nga để tăng khả năng khống chế biển Đông, truyền thông Mỹ bình luận.
Chiến đấu cơ Su-35 của Nga – Ảnh: Reuters
Vào cuối tháng 4.2015, quân đội Trung Quốc đã cho bay thử tiêm kích J-11D, chuyên san National Interest (Mỹ) đưa tin hồi tuần trước. Đây là phiên bản cải tiến của mẫu chiến đấu cơ J-11B, được cho là bản copy của loại tiêm kích Sukhoi Su-27 do Nga sản xuất, theo National Interest.
Trong bài bình luận ngày 5.5, chuyên san này cho rằng điểm đáng chú ý nhất của mẫu máy bay chiến đấu mới của Trung Quốc có lẽ là nó được trang bị hệ thống radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) tối tân của J-16 (được cho là “đối thủ tin đồn” của Su-35).
AESA cho phép J-16 phát hiện máy bay đối phương ở phạm vi rộng hơn những radar phiên bản trước, cũng như có thể tấn công cùng lúc nhiều mục tiêu, tạp chí khoa học công nghệ Popular Science (Mỹ) đánh giá. Ngoài ra, AESA còn có thể kết nối với các khí tài khác của Trung Quốc, chẳng hạn như các loại máy bay không người lái.
Trang tin Want China Times (Đài Loan) mới đây trích dẫn bản tin tiếng Trung từ trang tin quốc phòng Sina Military Network cho biết mặc dù một số chuyên gia đã ví J-11D với Su-35, nhưng Bắc Kinh vẫn đang tìm cách sở hữu Su-35.
Trung Quốc rất cần Su-35 vì mẫu tiêm kích này giúp Bắc Kinh có thể cầm cự với F-35 của Nhật Bản và Su-30MKI cùng T-50 của Ấn Độ trong thời gian chờ có chiến đấu cơ thế hệ thứ 5, theo Sina Military Network.
“Thậm chí nếu Trung Quốc có thể tăng sản lượng J-11 lên 2 chiếc/tháng, thì số lượng chiến đấu cơ này vẫn sẽ không đủ, chưa kể hiện vẫn chưa rõ liệu J-11 có đủ sức đối đầu với các mẫu chiến đấu cơ thế hệ thứ năm khác hay không”, Want China Timestrích bản tin của Sina Military Network.
Chiến đấu cơ J-16 – Ảnh: Tân Hoa xã
Video đang HOT
Trong khi đó, với tốc độ bay tối đa đến 2.390 km/giờ (Mach 2,25), Su-35 được đánh giá là rất linh hoạt và được trang bị hệ thống vũ khí lợi hại, giúp mẫu chiến đấu cơ này có khả năng không chiến đáng gờm, theo National Interest.
Ngoài khả năng đối phó với các loại chiến đấu cơ hiện đại khác, tầm hoạt động lớn của Su-35 sẽ giúp tăng cường mạnh mẽ sức mạnh quân sự của Trung Quốc tại biển Đông, tạp chí Mỹ nhận xét.
The Diplomat, chuyên san chuyên về tin tức châu Á – Thái Bình Dương, có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản), cho biết Bắc Kinh đang gặp khó khăn trong việc duy trì sự hiện diện thường trực tại vùng biển này. Thông qua cái gọi là đường 9 đoạn, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển rộng gần 2,25 triệu km2, chiếm gần như 2/3 biển Đông.
Các chiến đấu cơ của Không quân Trung Quốc hiện chỉ có thể tuần tra trong một phạm vi hạn chế tại khu vực phía nam của biển Đông, và khả năng chứa nhiên liệu có hạn khiến thời gian tuần tra rất ngắn.
Để khắc phục điều này, nhất là trong bối cảnh căng thẳng tại biển Đông, Bắc Kinh rất cần có được tầm hoạt động và tốc độ của tiêm kích Su-35, theo The Diplomat.
Cải tiến quan trọng của Su-35 so với phiên bản Su-27 (mẫu tiêm kích mà Trung Quốc sao chép để tạo J-11B) là khả năng mang thêm bình nhiên liệu, giúp tăng thêm 20% khả năng chứa nhiên liệu của mẫu chiến đấu cơ này, The Diplomat cho hay.
J-11D, phiên bản cải tiến của mẫu chiến đấu cơ J-11B – Ảnh: Popular Science
Hoàng Uy
Theo Thanhnien
Mời Mỹ dùng đảo nhân tạo trên Biển Đông, Trung Quốc 'vừa đấm vừa xoa'
Bằng việc mời các nước cùng sử dụng cơ sở xây dựng bất hợp pháp tại Biển Đông, Trung Quốc hy vọng có thể xoa dịu được sự giận dữ của các nước trong khi vẫn duy trì kiểm soát những khu vực chiếm đóng.
Trung Quốc đẩy mạnh cải tạo trái phép đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bắc Kinh đã lấp cát và san hô cành để bồi đắp khu vực có diện tích khoảng 2,42 km2, tính đến ngày 13/4. Ảnh: Victor Robert Lee & DigitalGlobe
Gần đây, Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo, bồi đắp đảo tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, nhằm củng cố yêu sách chủ quyền phi lý của mình trên Biển Đông.
Đầu tháng 4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố kế hoạch chi tiết, thông báo các hoạt động trên để phục vụ nghiên cứu khoa học, quan sát khí tượng, bảo vệ môi trường và cung cấp dịch vụ nghề cá. Các cơ sở hỗ trợ điều hướng, trú ẩn, tìm kiếm và cứu hộ cũng đang được xây dựng. Theo đó, các cơ sở trên sẽ có lợi cho Trung Quốc, và "những nước láng giềng cũng như chính các tàu trước nguy cơ gặp bão".
Thậm chí, trong cuộc hội đàm trực tuyến giữa Tư lệnh hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi với Tham mưu trưởng hải quân Mỹ Jonathan Greenert hôm 29/4, tướng Ngô một lần nữa khẳng định hoạt động xây dựng trên các đá ở Biển Đông "không ảnh hưởng đến tự do đi lại trên biển và trên bộ", đồng thời cho biết Bắc Kinh hoan nghênh Washington, các nước liên quan và các tổ chức quốc tế sử dụng các cơ sở trên.
Theo Wall Street Journal (WSJ), phát ngôn đến từ một tướng lĩnh cao cấp như trên là động thái "hòa hoãn bất thường", đặc biệt trong bối cảnh Mỹ và nhiều nước châu Á lên án hành động thay đổi hiện trạng tại Biển Đông của Trung Quốc.
Các nhà phân tích lưu ý rằng lời mời được đưa ra từ giới chức quân sự và Trung Quốc dường như hy vọng có thể xoa dịu căng thẳng trong khu vực.
"Bằng việc mở các cơ sở cho sử dụng dân sự trong tương lai, quân đội Trung Quốc (PLA) hy vọng xoa dịu được sự giận dữ đối với hoạt động xây dựng ở các đá trên Biển Đông", Ni Lexiong, bình luận viên quân sự ở Thượng Hải, cho biết với SCMP. "So với những gì PLA luôn nói, rằng Trường Sa thuộc về Trung Quốc và không ai có thể can thiệp vào công việc của họ, thì đây là cách tiếp cận hòa hoãn và ngoại giao hơn".
Ông cũng cho rằng Trung Quốc dùng cách tiếp cận "vừa đấm vừa xoa" tức, vừa muốn phô diễn sức mạnh, sự thống trị của mình trong khu vực, vừa không muốn đẩy sự giận dữ của các nước khác đi quá xa.
Theo sĩ quan quân đội kỳ cựu của Trung Quốc Yue Gang, lời mời là "biện minh hợp lý" cho những gì PLA đang xây dựng ở Biển Đông. "Nó thể hiện Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ sử dụng các cơ sở với mục đích hòa bình nhưng vẫn có thể kiểm soát các bãi đá này", Yue nói.
Cùng chung nhận định trên, bình luận viên Ankit Panda của Diplomat cho rằng, Trung Quốc có thể thay đổi các lý do biện bạch cho hành động xây đắp đảo trên Biển Đông, nhưng không vì vậy mà làm dịu đi mối quan ngại của Mỹ và khu vực.
"Cả ASEAN và Mỹ đều không thấy thuyết phục trước những mục đích mà Trung Quốc tự cho là thân thiện", ông Panda bình luận."Bắc Kinh sẽ phải vật lộn khó khăn để khiến các nước có lợi ích liên quan khác trong khu vực thuận theo phương thức của họ".
Ngay trước cuộc hội đàm giữa lãnh đạo hải quân Mỹ - Trung, ngày 28/4, Hội nghị Cấp cao ASEAN ra tuyên bố chung nhấn mạnh việc tôn tạo, bồi đắp đang diễn ra ở Biển Đông làm xói mòn lòng tin, sự tin cậy và phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định tại đây.
Cùng ngày, phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng cáo buộc Bắc Kinh "phô diễn sức mạnh" thông qua các tuyên bố chủ quyền và việc xây đảo nhân tạo tại Biển Đông.
Trong bối cảnh chung trên, Washington đã khước từ đề nghị của đại diện quân đội Trung Quốc. Hôm 1/5, Ông Jeff Rathke, quyền phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, khẳng định các hoạt động xây đảo của Trung Quốc tại Biển Đông không đóng góp gì cho hòa bình ở khu vực. "Điều này vẫn đúng kể cả khi một số quan chức Trung Quốc vừa tuyên bố, các cơ sở đang bị nghi vấn được dùng cho mục đích dân sự, đối phó với thiên tai", ông Rathke cho biết.
Mặt khác, nội bộ giới quân sự và học giả Mỹ cùng chung nhận định rằng hoạt động xây đảo của Trung Quốc, đặc biệt là đường băng dài 3.000 m trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhằm mục đích thâu tóm về quân sự vùng biển xung quanh thông qua kiểm soát vùng trời.
"Chúng tôi khẳng định rằng công trình này là dành cho máy bay quân sự, dù đương nhiên một đường băng vẫn là một đường băng, miễn là nó đủ dài thì mọi thứ đều có thể cất - hạ cánh", biên tập viên James Hardy thuộc tuần san quốc phòng Jane's bình luận. "3.000 m là đủ dài cho hầu hết mọi loại hình máy bay".
Ông này cũng cho rằng, quân đội Trung Quốc dường như có ý định chọn đảo đá Chữ Thập làm trung tâm chỉ huy và điều hành các hoạt động quân sự tại quần đảo Trường Sa.
Lời mời dùng đảo nhân tạo của Trung Quốc và khước từ thẳng thừng của Mỹ phản ánh thực tế mất niềm tin và bất đồng trong nhận thức trong quan hệ Mỹ - Trung, cặp quan hệ song phương được cho là quyết định cục diện thế giới hiện nay. Cùng với việc quan hệ hai nước mở rộng từ lĩnh vực kinh tế thương mại, sang các vấn đề chiến lược và quân sự, sự bất đồng này ngày càng được mở rộng với sự chuyển dịch tương quan lực lượng hai bên.
"Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh với thực lực không ngừng lớn mạnh, đang tranh giành không quan chính trị, ngoại giao và an ninh. Còn chính sách lâu dài của Băc Kinh là loại bỏ Mỹ khỏi châu Á, rồi xây dựng vành đai thế lực của Trung Quốc phủ khắp khu vực" cựu thủ tướng Australia Kevin Rudd cho biết.
Một số nhà quan sát đưa ra nhận định bi quan về tương lai quan hệ hai nước, cho rằng những sự bất đồng trên cuối cùng sẽ dẫn đến sự xung đột giữa cường quốc chủ đạo - Mỹ và cường quốc mới nổi - Trung Quốc, mà tranh chấp tại Biển Đông là một dây dẫn nổ.
Để tránh đối đầu nguy hiểm lâu dài, điều cần làm là các bên "cần phải thừa nhận những bất đồng đang tồn tại, và đạt được thỏa thuận về cách xử lý trên từng vấn đề một", ông Rudd nói.
Đức Long
Theo VNE
Mỹ theo sát Trung Quốc trên biển Đông Máy bay tuần tra Mỹ thường xuất hiện ở biển Đông để theo dõi nhất cử nhất động của Trung Quốc trên các bãi đá trong khu vực. Máy bay tuần tra hiện đại P-8A của Mỹ - Ảnh: US Navy Tờ USA Today hôm qua đưa tin đội tuần tra của hải quân Mỹ đang nhận nhiệm vụ cấp bách mới giữa...