Trung Quốc thêm chiến thắng trong cơn khát dầu mỏ
Trung Quốc vừa hoàn thành việc xây dựng đường ống xuất khẩu dầu thô ở Iraq, giúp Trung Quốc thỏa cơn khát dầu mỏ ở đất nước giàu dầu mỏ này.
TTXVN dẫn nguồn mạng Chinadaily, Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Trung Quốc (CNPC), nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt lớn nhất nước này, ngày 11/8 cho biết họ vừa hoàn thành việc xây dựng đường ống xuất khẩu dầu thô ở Iraq.
Đường ống dẫn dầu nói trên là dự án xuất khẩu dầu thô đầu tiên nằm trong kế hoạch tái thiết hậu chiến tranh của Iraq. Mục tiêu của kế hoạch này là cải thiện sự hợp tác giữa Trung Quốc và Iraq trong lĩnh vực dầu mỏ.
Đường ống mới dài 272km này có công suất vận chuyển 50 triệu tấn/năm, giúp các công ty dầu mỏ Trung Quốc vận chuyển dầu thô từ các mỏ dầu Halfaya và Burzugan ở tỉnh Missan tới cảng Al-Fao. Đây là dự án liên doanh giữa CNPC và Tập đoàn Dầu mỏ Hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC).
Video đang HOT
Ảnh minh họa.
Chuyên gia Lin Boqiang của trường Đại học Hạ Môn của Trung Quốc cho rằng việc hoàn thành dự án sẽ giúp nâng công suất sản xuất hai dự án dầu mỏ trên của CNPC và CNOOC.
CNPC vận hành mỏ Halfaya, hiện sản xuất 106.000 thùng dầu/ngày, trong khi CNOOC, nhà sản xuất dầu mỏ và khí lớn thứ ba Trung Quốc, vận hành mỏ Burzugan.
Bắt chặt tay với Brazil
Thời gian qua, Trung Quốc đã và đang đóng nhiều giàn khoan nước sâu ở nhiều khu vực khác nhau. Mới đây, Trung Quốc cũng đã ký hợp đồng dự án cho thuê 2 giàn khoan nước sâu trị giá 1,08 tỷ USD với một đối tác Brazil.
Hai giàn khoan trên do Nhà máy đóng tàu Lai Phúc Sĩ Yên Đài, thuộc tập đoàn Trung Tập của Trung Quốc chế tạo và sẽ được giao cho Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Brazil sử dụng.
Được biết, thời gian thuê giàn khoan thứ nhất là 8 năm. Giàn khoan này dài 105m, rộng 73,1m, có độ sâu khoan vuông góc lớn nhất là 7.500m, có sức chứa 148 người. Giàn khoan còn lại có thời hạn thuê là 4 năm.
Đây được cho là một cơ hội để Trung Quốc tiến dần đến mục tiêu nắm rõ thông tin và chi phối lượng dầu mỏ khổng lồ của Brazil.
Những năm trở lại đây, Trung Quốc đầu tư lớn vào lĩnh vực dầu khí của Brazil với loạt hợp đồng mà các tập đoàn hàng đầu của Trung Quốc ký với đối tác Brazil. Một trong những chiêu bài chiến lược mà nước này thực hiện để làm chủ các mỏ dầu của Brazil là mua lại cổ phần của các công ty dầu khí.
Tính đến năm 2012, khoảng 15 tỷ USD đã được các tập đoàn của Trung Quốc đầu tư để triển khai công việc này. Trung Quốc còn liên kết với các công ty của Brazil để tham gia các lĩnh vực lọc dầu, sản xuất và phân phối các thiết bị kỹ thuật phục vụ thăm dò và khai thác dầu.
Đã thỏa cơn khát dầu Trung Quốc?
Có thể thấy rằng, Trung Quốc đang mở rộng cách tiếp cận với năng lượng, tích cực bổ sung nguồn dự trữ dầu mỏ chiến lược của mình với một tốc độ kỷ lục nhằm can thiệp trên quy mô đủ lớn để tạo một xung lực mạnh mẽ thông qua thị trường dầu thô thế giới.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế của Mỹ (IEA) cho biết trong báo cáo hàng tháng mới nhất, Trung Quốc nhập khẩu 6,81 triệu thùng một ngày trong tháng 4/2014, một con số kỷ lục, cao nhất từ trước tới nay. Điều này đang gây ngạc nhiên bởi vì nền kinh tế của Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại trong nhiều tháng gần đây, trong bối cảnh nước này khủng hoảng ngành công nghiệp thép và suy thoái mạnh trong lĩnh vực xây dựng mới.
IEA ước tính rằng 1,4 triệu thùng/ ngày đổ vào các cơ sở dự trữ đang được mở rộng một cách nhanh chóng của Trung Quốc và đây là một sự phát triển “chưa từng có”. Các lô hàng dầu nhập khẩu được tập trung chủ yếu tại các cảng gần các lưu vực dự trữ mới tại Thiên Tân và Hoàng Đảo (Huangdao) của Trung Quốc. “Chúng tôi nghĩ rằng đây là một vấn đề lớn”, một quan chức của IEA cho biết.
Là một nước nhập khẩu khí tự nhiên lớn nhất thế giới, Trung Quốc phải hợp tác chặt chẽ với Nga để đa dạng nguồn cung, cũng như đầu tư vào thăm dò ở Mỹ và Australia. Hiện tại Trung Quốc đã có các hoạt động đầu tư và các dự án trên toàn cầu. Châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ và Bắc Mỹ, ở đâu cũng thấy sự hiện diện của Trung Quốc.
“Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế và nhu cầu năng lượng của Trung Quốc đang định hình lại thị trường năng lượng toàn cầu, Trung Quốc đang tiến hành triển khai mạnh mẽ những chiến lược về kinh tế và năng lượng” Mark J.Finley, Tổng Giám đốc thị trường năng lượng và kinh tế toàn cầu của Mỹ cho biết.
Theo Vietbao