Trung Quốc thay máu Quân khu Hải Nam vì biển Đông?
Truyền thông đang loan truyền về những động thái ráo riết của Trung Quốc về việc thay đổi nhân sự tại Quân khu Hải Nam. Nhiều ý kiến cho rằng việc bổ nhiệm một loạt cán bộ quân sự chủ chốt mới cho quân khu này và Hạm đổi Nam Hải cho thấy Trung Quốc sẽ cứng rắn hơn trong vấn đề Biển Đông.
Mạng Tin tức Trung Quốc ngày 11/7 dẫn nguồn chính quyền tỉnh Hải Nam cho biết tỉnh này vừa công bố quyết định của Quân ủy Trung ương Trung Quốc bổ nhiệm một loạt cán bộ quân sự chủ chốt tại Quân khu Hải Nam, từ Chính ủy Quân khu cho tới các chức vụ Phó Tư lệnh, Phó Chính ủy và Chủ nhiệm Chính trị Quân khu Hải Nam.
Trước đó, quân đội Trung Quốc đã điều động tướng Vương Đăng Bình từ Hạm đội Bắc Hải về làm Phó Chính ủy Đại Quân khu Quảng Châu, kiêm Chính ủy Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc.
Tướng Vương Đăng Bình vốn được đánh giá là nhân vật thuộc phe “diều hâu” trong quân đội Trung Quốc.
Video đang HOT
Tân Chính ủy Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc, tướng Vương Đăng Bình
Các động thái liên tiếp của Trung Quốc diễn ra đúng thời điểm nhạy cảm khi những căng thẳng trên Biển Đông chưa có dấu hiệu lắng dịu. Trong khi đó, đây cũng là chủ đề quan trọng được đưa ra bàn thảo tại tuần lễ hoạt động cấp cao của ASEAN đang diễn ra tại Campuchia.
Trung tướng Từ Phấn Lâm, Tư lệnh Đại Quân khu Quảng Châu tại lễ công bố các quyết định bổ nhiệm trên đã nhấn mạnh tỉnh Hải Nam có vị trí rất quan trọng trong chiến lược an ninh cũng như phát triển toàn cục của Trung Quốc. Cùng với diễn biến và thay đổi của tình hình, vị trí vai trò quan trọng kể trên ngày càng nổi bật.
Liên quan tới việc thành lập đơn vị hành chính cấp thành phố mà Trung Quốc gọi là Tam Sa, “Global Times” cùng ngày đăng bài viết của tác giả Trình Cương cho biết Trung Quốc đang tập trung đẩy nhanh việc xây dựng và kiện toàn hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu như trụ sở làm việc, bệnh viện, bưu điện, ngân hàng…trên đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam và gọi là đảo Vĩnh Hưng).
Không những thế, Trung Quốc cũng cho khởi công xây một trại tạm giam chuyên để giam giữ ngư dân cùng tàu thuyền các nước bị Trung Quốc bắt giữ.
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép
Các động thái ngông cuồng và bất chấp công luận cũng như luật pháp quốc tế của Trung Quốc diễn ra khi mà ASEAN kêu gọi Bắc Kinh tham gia đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC).
Ngay trước thềm Hội nghị ASEAN-Trung Quốc diễn ra ngày 11/7 tại Campuchia, các nước ASEAN đã đạt được đồng thuận về COC.
Nội dung COC hiện chưa được công bố, song giới chức ngoại giao của ASEAN tiết lộ thì tinh thần chung của bộ quy tắc này là giải quyết các tranh chấp theo luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc.
Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN-Trung Quốc tại Campuchia ngày 11/7
Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông mà ASEAN đã đồng thuận còn đề cập việc quyết giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ Hiệp ước Hòa bình và hữu nghị (TAC) do ASEAN tạo lập từ năm 1976 mà Trung Quốc đã ký tham gia. TAC nghiêm cấm việc dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp.
Tuy nhiên, tới giờ Trung Quốc vẫn chưa chịu “gật đầu” để ngồi vào đàm phán chính thức về bộ quy tắc sẽ mang tính pháp lý bắt buộc này.
Theo Phunutoday