Trung Quốc: Tham quan khai “ghế” bí thư giá hơn 16 triệu USD
Nguyên bí thư thành phố Mậu Danh, tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc, người bị kết án tử hình vì tham nhũng hồi năm ngoái, từng khai chiếc “ghế” của mình có giá 100 triệu nhân dân tệ (16,3 triệu USD), trong khi “ghế” phó thị trưởng có giá 10 triệu nhân dân tệ.
Thông tin được tờ Bưu điện Hoa nam buổi sáng của Hồng Kông đăng tải, trích dẫn một bài viết trên Tân Hoa Xã đã bị gỡ bỏ không lâu sau khi xuất hiện.
Nguyên phó chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc Từ Tài Hậu đang bị điều tra vì ăn hối lộ cực lớn
Ai mua, ai bán?
Bài viết có tiêu đề “ Ai là người mua và ai là kẻ bán” được đánh giá là bất thường, bởi nó cho thấy tình trạng tham nhũng tại Trung Quốc là có hệ thống, đi ngược lại với quan điểm của giới lãnh đạo nước này đó là tham nhũng chỉ là sự suy đồi đạo đức của một số cá nhân. Và do chỉ là sai sót cá nhân, nên giải pháp đó là khai trừ đảng, đưa ra xét xử và tống giam những kẻ phạm tội.
Tuy nhiên, nếu tham nhũng là vấn đề mang tính hệ thống, rõ ràng giải pháp không thể dừng lại ở đây.
Theo bài viết, các cơ quan chống tham nhũng Trung Quốc đã nhận diện được 3 dạng người có thể “chạy chức”, đó là những người nóng lòng muốn thăng tiến, những người muốn được thuyên chuyển từ một đơn vị hay khu vực nghèo sang một đơn vị giàu có hơn, và những người chưa phải quan chức chính phủ nhưng muốn làm quan.
Những kẻ bán là các quan chức cấp cao, đặc biệt là giới lãnh đạo chóp bu tại một vùng hoặc một đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm nhân sự. Cấp phó, và đôi khi là những quan chức đứng hàng thứ ba hoặc thứ tư tại mỗi vùng hoặc đơn vị đó sẽ nhận hối lộ để giúp người khác thăng tiến.
Chạy ghế…trả góp
Tân Hoa Xã thậm chí còn chỉ rõ nhiều phương thức “thanh toán” trong các thương vụ “mua ghế” và thời điểm hoạt động này diễn ra sôi động nhất.
Trong khi một số kẻ chạy chức sẽ vay vốn ngân hàng để “đầu tư”, thì một số khác lại tìm kiếm sự “tài trợ” từ các doanh nhân, những người sẽ thu được lợi sau khi phi vụ chạy chức thành công. Một số khác thì dùng chính tiền nhận được từ các vụ tham nhũng hoặc hối lộ khác.
Video đang HOT
“Người mua” cũng có thể thanh toán cho việc chạy chức của mình làm nhiều đợt, cho đến khi chính thức được bổ nhiệm vào vị trí mong muốn, không mấy khác những người mua nhà trả góp.
Hoạt động “mua ghế” thường tăng lên ngay trước mỗi kỳ bầu cử và những đợt thay đổi nhân sự lớn trong đảng và đội ngũ lãnh đạo chính phủ Trung Quốc, có nghĩa là số lượng giao dịch thường nở rộ sau mỗi 5 năm.
Thời điểm tốt nhất để hối lộ một quan chức cấp trên đó là khi họ đi nghỉ, khi một thành viên trong gia đình họ bị ốm, khi con của quan chức này đi du học nước ngoài hoặc trong những sự kiện quan trọng của gia đình họ như đám cưới hay sinh nhật.
La Ấm Quốc nguyên bí thư thành phố Mậu Danh đã lĩnh án tử hình vì ăn hối lộ “khủng”
Tiền càng nhiều ghế càng to
Những vụ án tham nhũng bị phanh phui gần đây đã cho thấy rõ quy mô của các vụ “chạy chức”. Hồi năm ngoái, La Ấm Quốc nguyên bí thư thành phố Mậu Danh, tỉnh Quảng Đông đã bị tòa tuyên án tử hình sau khi nhận hối lộ hơn 100 triệu nhân dân tệ (16,3 triệu USD) từ 64 thuộc cấp muốn thăng tiến.
Ông La đã khai ra một bảng giá cụ thể cho từng vị trí có thể “chạy”: 200.000 nhân dân tệ (32.587 USD) cho một vị trí ngành công nghệ, 2 triệu nhân dân tệ cho vị trí tại cấp sở, 10 triệu nhân dân tệ (1,63 triệu USD) cho vị trí phó thị trưởng thành phố. Thậm chí ngay cả “ghế” bí thư của mình cũng được La treo giá 100 triệu nhân dân tệ.
Trong hai vụ việc gây chấn động khác, phó chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc, tướng Từ Tài Hậu, người từng là ủy viên Bộ chính trị cho đến khi về hưu năm 2012, và Cốc Tuấn Sơn, nguyên chủ nhiệm tổng cục hậu cần của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, cũng đã bị cáo buộc nhận hối lộ để đề bạt cho hàng trăm sỹ quan, thu lợi bất chính hàng chục triệu nhân dân tệ.
Quy luật của thị trường này rất đơn giản, khoản “đầu tư” cho mỗi “chiếc ghế” càng lớn, mức độ sinh lời mà người mua mong muốn kiếm được càng cao. Các khoản tiền này cũng giải thích vì sao việc trở thành viên chức nhà nước là công việc được giới trẻ tại Trung Quốc đại lục khát khao nhất.
Khảo sát cho thấy, có tới 76,4% sinh viên tốt nghiệp đại học nước này xem việc trở thành viên chức nhà nước là lựa chọn số 1. Trong khi đó ở các nước phát triển như Mỹ, Pháp hay Singapore, tỷ lệ này chỉ lần lượt là 3%, 5% và 2%.
Thanh Tùng
Theo SCMP
Trung Quốc tuyên bố giám sát chặt những ai "một tay che cả bầu trời"
Chủ tịch Trung Quốc (TQ) cảnh báo không được phép tạo bè kéo cánh, hay bất cứ nhóm lợi ích nào để đổi chác lợi thế, đồng thời yêu cầu giám sát chặt chẽ hơn các vị cấp trưởng ở địa phương và bộ ban ngành trung ương TQ.
Tân Hoa xã dẫn lời ông Tập Cận Bình nói tại hội nghị tổng kết chiến dịch chống tham nhũng hôm 9/10: "Nhiều người lo rằng chiến dịch đã kết thúc và mọi thứ sẽ dừng lại. Nhưng 'tứ phong' sẽ không bao giờ được phép quay trở lại".
"Tứ phong" - tức các thói hình thức, quan liêu, khoái lạc và lãng phí - là mục tiêu tấn công của chiến dịch rầm rộ do ông Tập Cận Bình khởi xướng từ khi nhậm chức Tổng bí thư cuối năm 2012, với mục đích kìm hãm nạn tham nhũng đang lan tràn trong đảng.
Ông Tập Cận Bình: Không được phép tạo bè kéo cánh. Ảnh: THX
Kết quả nổi bật của chiến dịch này là hai "hổ lớn" bị lôi ra ánh sáng - Chu Vĩnh Khang và Từ Tài Hậu, đều từng nắm giữ những chức vụ quan trọng trong Trung ương đảng và Quân ủy Trung ương. Trong chiến dịch này, ông Tập Cận Bình cũng nhận được sự ủng hộ gần như tuyệt đối của Quân đội.
Tuần trước, đảng Cộng sản TQ cho biết đại hội sắp tới diễn ra từ 20-23/10 ở Bắc Kinh sẽ tập trung cải cách pháp quyền. Vì theo ông Tập Cận Bình, môi trường chính trị xã hội TQ bị vấy bẩn thời gian qua là do đảng buông lỏng kỷ luật với đảng viên.
"Nếu có bất cứ vấn đề gì xảy ra ở đất nước này, thì chủ yếu là từ đảng Cộng sản mà ra", ông Tập nói. "Nếu có bất cứ vấn đề gì xảy ra trong đảng, thì chủ yếu từ đảng viên mà ra".
Trong bài phát biểu, Chủ tịch TQ cũng cảnh báo: "Không được phép tạo bè kéo cánh, hay bất cứ nhóm lợi ích nào để đổi chác lợi thế, đồng thời yêu cầu giám sát chặt chẽ hơn những người "một tay che cả bầu trời", tức cấp trưởng ở địa phương và bộ ban ngành trung ương.
Theo thông tin từ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, một nhân vật cấp trưởng nữa vừa bị cáo buộc tham nhũng, cựu Bí thư tỉnh ủy Quảng Châu Vạn Khánh Lương (Wan Qingliang), và bị khai trừ đảng.
Cựu Bí thư tỉnh ủy Quảng Châu Vạn Khánh Lương bị khai trừ đảng. Ảnh: Reuters
UB Thanh tra Kỷ luật của đảng Cộng sản TQ xác nhận ông này đã lợi dụng chức vụ làm lợi cho nhiều cá nhân để đổi lại những khoản hối lộ lớn. Ông Vạn cũng ra vào các câu lạc bộ xa xỉ, vi phạm nghiêm trọng điều lệ đảng viên.
Theo một thông tin khác do mạng Want China Times đưa ra, cơ quan quy hoạch kinh tế quốc gia được cho là tổ chức tham nhũng nhất ở TQ.
Cụ thể, UB phát triển và cải cách quốc gia (NDRC), một cơ quan quản lý kinh tế vĩ mô đầy quyền lực, bao quát tất cả các hoạt động quy hoạch và hành chính đối với toàn bộ nền kinh tế TQ, chính là mảnh đất màu mỡ nhất cho tham nhũng, qua khảo sát của Tuần báo Pháp lý ở Bắc Kinh.
Cựu phó giám đốc NDRC Lưu Thiên An bị bắt vì nhận hối lộ. Ảnh: CNS
Từ tháng 5 năm ngoái đến tháng 9 năm nay, đã có 19 quan chức đương nhiệm và cựu của cơ quan này bị bắt vì tham nhũng, nhiều nhất trong số 25 cơ quan thuộc Quốc vụ viện TQ, nhiều hơn cả tổng số quan chức bị điều tra ở tỉnh Sơn Tây, địa phương "đi đầu" TQ trong chiến dịch của ông Tập Cận Bình.
Cao cấp nhất trong số 19 người này là cựu phó giám đốc Lưu Thiên An (Liu Tienan), với cáo buộc nhận hối lộ.
Các nhà bình luận cho rằng con số trên nói lên nhu cầu bức thiết phải cải cách ủy ban này, nơi tập trung tất cả thẩm quyền phê duyệt các dự án. Quyền lực quá lớn, ảnh hưởng đến thị trường và xã hội quá sâu rộng, không ngạc nhiên khi ở đây có đầy các xung đột lợi ích và các khoản lót tay.
Theo các chuyên gia, hướng cải cách quan trọng nhất chính là tách quyền thẩm định ra khỏi quyền phê duyệt các dự án.
Theo Chung Hoàng
Vietnamnet/THX, SCMP, WantChinaTimes
Triều Tiên khẳng định lãnh đạo Kim Jong-un vẫn khỏe Một quan chức trong phái đoàn tới thăm Hàn Quốc hôm qua khẳng định nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không gặp phải vấn đề gì về sức khỏe. 3 quan chức cấp cao Triều Tiên dự lễ bế mạc ASIAD 17 tại Hàn Quốc. Bộ trưởng thống nhất Hàn Quốc Ryoo Kihl-Jae, người đã có các cuộc hội đàm với phái...