‘Trung Quốc tham lam từ Hoa Đông đến Biển Đông’
Hậm hực trước cái bắt tay Nhật-Đài trong việc thỏa thuận đánh bắt cá trên Hoa Đông nhưng lại chủ động đề xuất “hợp tác cùng phát triển” trên Biển Đông, Trung Quốc cho thấy những đề xuất hình thức không thể che dấu được sự tham lam xuyên suốt từ Hoa Đông đến Biển Đông.
Đây là nhận định của Giáo sư Joel Brinkley thuộc Đại học Stanford trên tờ Kansas City ngày 23/8. Theo đó, ông cho rằng chính những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc nhằm “nuốt trọn” gần như toàn bộ diện tích Biển Đông đã thổi bùng lên các căng thẳng trong khu vực. Trong bài viết của mình, ông đã liệt kê ra một số sự kiện nhằm cho người đọc có được những so sánh về tình hình và cách hành xử của Bắc Kinh trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Riêng trên Hoa Đông, một cuộc tranh chấp tương tự cũng đang diễn ra quyết liệt giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan. Tokyo không ít lần tuyên bố chủ quyền không tranh cãi đối với nhóm đảo Senkaku và khẳng định không tồn tại các tranh chấp này bởi nơi đây thuộc phần lãnh thổ cố hữu của Nhật Bản. Do vậy, nước này không phải tranh chấp với bất kỳ quốc gia nào. Trong khi đó, Trung Quốc dùng cách gọi Điếu Ngư để ám chỉ Senkaku hiện do Nhật quản lý và liên tục có các động thái điều tàu vào quấy rối khu vực lãnh hải này để phát đi các thông điệp chủ quyền đơn phương. Còn phía Đài Loan, đảo này cũng tự đặt cho Senkaku một cái tên khác là Điếu Ngư Đài và từng nhiều lần tuyên bố chủ quyền đối với Senkaku. Thậm chí, tàu thuyền Nhật – Đài còn có màn đụng độ quyết liệt hồi tháng 1, trong đó, các tàu của Lực lượng phòng vệ Nhật đã phải dùng vòi rồng để đánh đuổi một chiếc tàu cá Đài Loan dưới sự hộ tống của 4 tàu cảnh sát đã xâm phạm hải phận Nhật.
Tàu Nhật đã dùng vòi rồng để xua đuổi tàu cá Đài Loan khỏi lãnh hải do Nhật quản lý. Ảnh: Reuters
Trước những căng thẳng không ngớt trên Hoa Đông, tháng 8/2012, Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đã đề xuất sáng kiến hòa hoãn nhằm khẳng định “chủ quyền không thể chia sẻ, nhưng tài nguyên thì có”. Nhưng theo quan điểm của Giáo sư Joel Brinkley, phương pháp này không có tác dụng và ý nghĩa gì với Trung Quốc. Có thể thấy rõ điều này khi Nhật Bản và Đài Loan ký kết thỏa thuận về quyền đánh bắt cá trên khu vực biển quanh quần đảo Senkaku vào ngày 10/4, Bắc Kinh lập tức lên tiếng bày tỏ “quan ngại”. Trong khi đó, gần như ngay sau khi lên nhậm chức, ông Tập Cận Bình đã khẳng định: “không bao giờ thương lượng về “lợi ích cốt lõi” quốc gia của mình – bao gồm cả Đài Loan”.
Và giờ đây, trên Biển Đông, cũng chính ông Tập Cận Bình hồi cuối tháng 7 trong khi nhấn mạnh tham vọng trở thành cường quốc biển, cũng đã đề cập tới việc “gác lại các tranh chấp để cùng chia sẻ, hợp tác”. Để rồi, trong tháng 8, gần 10 nghìn tàu cá của tỉnh Hải Nam ồ ạt lấn sâu vào các ngư trường trên Biển Đông để vơ vét nguồn lợi thủy sản một cách táo tợn. Cùng với việc duy trì yêu sách “đường lưỡi bò” bao trùm hơn 80% diện tích Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng tới chủ quyền của các nước trong khu vực, Bắc Kinh vẫn tiếp tục củng cố sức mạnh hải quân để sẵn sàng gây sự trong tương lai.
Trên CNA, giáo sư Lý Đại Quang thuộc đại học Quốc phòng Trung Quốc nhận định rằng thông điệp mà vị Chủ tịch Trung Quốc muốn gửi tới là “nếu động đến lợi ích quốc gia cốt lõi của Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt”.
Điều này hoàn toàn đi ngược lại với xu thế hòa bình, ổn định của khu vực, cũng như các luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS mà chính Trung Quốc cũng ký kết. Hơn nữa, các động thái và tuyên bố hăm dọa đó còn trái ngược với cái gọi là “trỗi dậy hòa bình” mà các quan chức Trung Quốc vẫn thường rêu rao. Sự tranh chấp lãnh thổ, muốn dành về gần như toàn bộ Biển Đông đang cho thấy Bắc Kinh quá tham lam, Giáo sư Joel Brinkley bình luận.
Theo Sông mới