Trung Quốc tăng mua đẩy giá thanh long tăng cao, nông dân lãi lớn
Một kg thanh long ruột trắng mua tại vườn đang ở mức trên 16.000 đồng, còn thanh long ruột đỏ giá dao động quanh mức 35.000 – 40.000 đồng. Với mức giá này, nông dân trồng thanh long lãi lớn.
Nông dân Bình Thuận vận chuyển thanh long đi tiêu thụ. Ảnh: I.T
Từ tháng 6 đến nay là thời điểm thanh long chính vụ đến ngày thu hoạch. Nếu các năm trước, giá thanh long giảm mạnh thì nay giá loại trái cây này đang tăng nhanh. Hiện, giá thu mua thanh long ở Bình Thuận ở mức 16.000 – 20.000 đồng một kg, tăng 3.000 đồng so với tuần trước đó và tăng 40% so với năm ngoái.
Anh Hòa, trồng 2 ha thanh long cho biết, thanh long chính vụ thường chỉ 8.000 đồng một kg là đã có lãi. Tuy nhiên, năm nay giá tăng vọt nên người dân lãi cao. Do đó, vụ năm nay gia đình nhà anh có thể thu lãi 350 triệu đồng.
Theo nông dân địa phương, mùa thanh long năm nay sản lượng ổn định. Đầu mùa giá còn đạt mức kỷ lục 30.000 đồng một kg. Nguyên nhân khiến giá luôn ở mức cao hơn so với mọi năm vì Trung Quốc tăng thu mua, song song đó, tỉnh mở rộng thị trường tiêu thụ đến một số thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Canada, Dubai, Nga… Mặt khác, nông dân Bình Thuận đang hướng đến trồng thanh long sạch để có thể xuất khẩu đến nhiều thị trường thế giới.
Cùng với thanh long ruột trắng, loại ruột đỏ ở khu vực chợ Gạo ( Tiền Giang) được thu mua ở mức 30.000 – 40.000 đồng một kg. Khảo sát tại các chợ và siêu thị TP HCM cho thấy, thanh long ruột trắng được bán ra với giá 30.000 đồng, còn ruột đỏ ở mức 40.000 – 70.000 đồng một kg (tùy kích cỡ).
Tỉnh Bình Thuận hiện có khoảng 30.000 ha thanh long với sản lượng hơn 550.000 tấn một năm, tập trung nhiều tại các huyện: Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân và Bắc Bình. Còn Tiền Giang có khoảng 7.000 ha thanh long trồng chuyên canh, sản lượng gần 200.000 tấn một năm, đây được xem là loại cây trồng chủ lực của tỉnh này.
Video đang HOT
Theo Thi Hà (Vnexpress)
Trung Quốc trồng ồ ạt thanh long, Việt Nam tìm gấp thị trường mới
Giá thu mua thanh long nhiều năm qua luôn bấp bênh vì phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Vì vậy, loại nông sản lợi thế này cần được đa dạng hóa thị trường hơn nữa, nhất là đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Trung Quốc tăng nguồn cung nội địa
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), bình quân lượng thanh long Trung Quốc nhập khẩu từ nước ngoài khoảng 530.000 - 550.000 tấn/năm, trong đó chủ yếu là từ Việt Nam với tỷ trọng chiếm tới 98%. Địa bàn chính tiêu thụ thanh long Việt Nam là các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam.
Thanh long Việt Nam đang được xuất khẩu sang thị trường của 25 nước và vùng lãnh thổ.
Ngoài ra, nguồn cung thanh long từ nội địa nước này cũng đang được đẩy mạnh. Hiện tổng diện tích gieo trồng thanh long của Trung Quốc đạt gần 40.000ha. Quảng Tây là vùng trồng lớn nhất (gần 15.300ha, chiếm gần 40% tổng diện tích toàn Trung Quốc).
Dự kiến diện tích gieo trồng và sản lượng thanh long của Trung Quốc trong vài năm tới sẽ tiếp tục tăng. Mới đây, quả thanh long đã được một số địa phương như Quảng Tây, Hải Nam đưa vào danh mục hoa quả trọng điểm phát triển trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13.
Một đặc điểm khác là vụ thu hoạch của Trung Quốc không chênh lệch nhiều với Việt Nam nên giá bán cũng bị ảnh hưởng theo. Thanh long nội địa Trung Quốc bắt đầu thu hoạch từ tháng 5 - 11, rải rác khắp các vùng trồng. Trong khi mùa chính vụ của Việt Nam bắt đầu từ tháng 4 - 8.
Theo ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), các vùng trồng thanh long quy mô lớn thường có giá ổn định. Giá thu mua tại vườn hiện bình quân từ 6 - 8NDT/kg. Khi đến tay người tiêu dùng Bắc Kinh, giá thấp nhất là khoảng 21NDT/kg.
Giá thanh long nội địa Trung Quốc thường cao vào thời điểm cuối năm trước và đầu năm sau. Từ tháng 5 trở đi, cùng với thanh long, nhiều loại trái cây tại Trung Quốc như táo, đào, lê, dưa hấu, vải, anh đào... cũng vào vụ thu hoạch. Do đó, không chỉ riêng thanh long, giá trái cây nói chung tại thị trường này đều có xu hướng giảm mặc dù nhu cầu tiêu thụ vẫn tăng nhất định.
Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thanh long vừa giúp giảm bớt lệ thuộc, vừa để xây dựng chiến lược phát triển bền vững. Ảnh: Nguyên Vỹ
Nhìn chung, ông Toản cho biết, nhu cầu tiêu thụ thanh long nói riêng cũng như trái cây nói chung của Trung Quốc vẫn còn lớn, đặc biệt là các tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông và khu vực phía Bắc.
"Tuy nhiên, Trung Quốc đang có xu hướng giảm nhập khẩu nhờ tự nội địa hóa nguồn cung. Hoạt động xuất khẩu trái cây nói chung và thanh long nói riêng của Việt Nam sang thị trường này trong thời gian tới sẽ bị tác động nhất định" - ông Toản nói.
Đa dạng thị trường
Đồng tình với nhận định trên, ông Trương Quang An - Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) thanh long Tầm Vu (Long An) cho biết, ngoài gia tăng diện tích gieo trồng, Trung Quốc đang áp dụng công nghệ hiện đại nhằm bảo quản tốt hơn thanh long trong trường hợp gặp rủi ro về thiên tai và thương mại.
Bên cạnh đó, cùng với công tác cải cách cơ cấu tổ chức quản lý cũng như tăng cường áp dụng các biện pháp kiểm tra, kiểm soát về truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói và chất lượng đối với trái cây nhập khẩu, Trung Quốc ngày càng thể hiện sự chuyên nghiệp, chặt chẽ trong công tác quản lý lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Hiện nay, thanh long được xuất khẩu sang thị trường của 25 nước và vùng lãnh thổ. Tuy vậy, cũng như nhiều loại nông sản khác, thanh long vẫn dễ rơi vào tình trạng được mùa rớt giá do lệ thuộc vào Trung Quốc.
"Bên cạnh việc nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn nhằm ổn định thị trường truyền thống này, việc đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu là yêu cầu cấp thiết hiện nay" - ông An nói.
Tương tự, trái thanh long của Bình Thuận hiện đã xuất khẩu sang 12 nước và vùng lãnh thổ, trong đó, chủ lực là thị trường châu Á (chiếm 83%). Ông Phạm Văn Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, trong năm 2019, tỉnh tiếp tục đề ra mục tiêu phát triển mở rộng và đa dạng hóa thị trường nhằm đảm bảo đầu ra ổn định.
Tại thị trường Trung Quốc, tỉnh này sẽ tăng cường xuất khẩu chính ngạch thanh long bằng đường biển, cung cấp cho thị trường các tỉnh, thành phía Đông và các tỉnh nằm sâu trong nội địa Trung Quốc.
Ngoài ra, Bình Thuận sẽ tăng cường xúc tiến thương mại tại Úc, New Zealand và một số quốc gia khu vực Trung Đông hoặc các nước đã ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam để mở thêm thị trường mới cho việc xuất khẩu thanh long.
Theo Danviet
Bộ Nông nghiệp Mỹ khen quả thanh long, cơ hội cho trái rồng xanh Thông tin trên fanpage của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) giới thiệu về quả thanh long với những ưu điểm như giàu vitamin, khoáng chất và có nhiều chất xơ nhận được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng xứ cờ hoa. Ngày 19/3, trên fanpage chính thức, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã có một status ngắn gọn giới thiệu...