Trung Quốc tăng gấp đôi nỗ lực ‘không COVID’ trong đợt bùng dịch ở Thượng Hải
Thượng Hải, thành phố từng là hình mẫu về khả năng kiểm soát COVID-19 linh hoạt, hiệu quả ở Trung Quốc, đang phải đối mặt với đợt phong tỏa nghiêm ngặt do biến thể Omicron bùng phát.
Trung Quốc đã cử hơn 10.000 nhân viên y tế từ khắp cả nước đến Thượng Hải hỗ trợ chống dịch. Ảnh: AFP
Tăng gấp đôi nỗ lực “ không COVID”
Theo hãng tin CNA, trong làn sóng COVID-19 tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bùng phát ở Trung Quốc, trung tâm tài chính Thượng Hải đã phong tỏa lần lượt thành hai nửa để triển khai chiến dịch xét nghiệm toàn dân. Theo đó, thành phố này đã phong toả các khu vực ở phía đông sông Hoàng Phố, gồm quận trung tâm hành chính và các khu công nghiệp lớn trong 4 ngày kể từ ngày 28/3. Sau đó, nửa tây Thượng Hải bắt đầu phong toả trong 4 ngày tiếp theo.
Thông báo của chính quyền địa phương ngày 27/3 yêu cầu người dân không ra khỏi nhà. Phương tiện giao thông công cộng và các ứng dụng gọi xe sẽ bị tạm dừng hoạt động. Trong khi đó, phương tiện cá nhân không được phép chạy trên đường phố trừ khi thực sự cần thiết. Thông báo cũng lưu ý cần phải được đảm bảo nhu cầu y tế khẩn cấp của người dân.
Điều này cho thấy Trung Quốc đang tăng gấp đôi nỗ lực thực hiện chiến lược “không COVID”, với tần suất xét nghiệm, quy trình cách ly và các lệnh hạn chế đi lại nghiêm ngặt. Bắc Kinh đã bắt đầu áp dụng chiến lược “không COVID năng động” thay thế cách tiếp cận “không khoan nhượng với COVID” từ năm ngoái. Chiến lược này trái ngược hoàn toàn với các quốc gia đang nới lỏng hạn chế để sống chung với COVID-19 như bệnh đặc hữu.
Song trái ngược với việc phong tỏa toàn thành phố, Trung Quốc đang triển khai các biện pháp phòng dịch linh hoạt hơn nhằm đạt được sự cân bằng giữa việc kiểm soát dịch bệnh và tạo điều kiện bình thường hóa cuộc sống của người dân.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều tỉnh thành vẫn không thể giữ được thành quả số ca mắc bằng 0 như trong năm 2020 – 2021. Hơn nữa, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang phải đối mặt với những bất ổn trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến Chính phủ Trung Quốc phải ưu tiên ổn định tăng trưởng kinh tế.
Thượng Hải không còn là thành phố chống dịch kiểu mẫu
Nhân viên cầm tấm biển có nội dung “Không chen chúc” trong ngày xét nghiệm hàng loạt ở phía tây Thượng Hải hôm 4/4. Ảnh: AP
Từng được cộng đồng y tế công cộng Trung Quốc ca ngợi là khu vực kiểm soát đại dịch “khoa học” và hiệu quả, mô hình chống dịch ở Thượng Hải cho phép thành phố này vừa kiểm soát COVID-19 vừa tiếp tục hoạt động kinh tế thông qua phát hiện sớm, truy vết tiếp xúc thường xuyên và phong tỏa có mục tiêu.
Video đang HOT
Hồi tháng 9/2021, Ủy ban Y tế Quốc gia thậm chí còn tổ chức một hội nghị đặc biệt ở Thượng Hải để kêu gọi các tỉnh thành khác học theo kinh nghiệm chống dịch hiệu quả, ít tốn kém của thành phố này.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, Thượng Hải đã đánh mất vị thế là hình mẫu kiểm soát COVID-19. Với “không COVID năng động”, giới chức đã tuyên bố rằng họ sẽ không ngần ngại phong tỏa toàn bộ thành phố khi ca nhiễm ở địa phương gia tăng nhanh chóng. Cuối cùng, giới Thượng Hải đã quyết định phong tỏa nửa phía tây của thành phố sớm hơn 2 ngày so với kế hoạch vào ngày 30/3. Đồng thời, giới chức cũng mở rộng phong tỏa ở một số quận phía đông vào ngày 1/4.
Việc phong tỏa kéo dài sẽ khiến chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn, làm gia tăng áp lực lạm phát và suy yếu nhu cầu tiêu dùng nội địa. Theo các chuyên gia phân tích của Tập đoàn Everbright Securities, tăng trưởng kinh tế hàng quý của Trung Quốc có thể suy giảm 10 điểm phần trăm nếu nước này kiên quyết duy trì “không COVID”.
Tập đoàn Eurasia nhận định việc duy trì chính sách “không COVID” của Trung Quốc là rủi ro kinh tế toàn cầu hàng đầu vào năm 2022. Tập đoàn này cho biết: “Các hạn chế về vận chuyển, tình trạng thiếu nhân viên, nguyên liệu thô và thiết bị, hàng hóa – tất cả đều nghiêm trọng hơn do chiến lược chống dịch của Trung Quốc”.
Ngoài ra, nếu việc phong tỏa kéo dài, cuộc sống và sinh kế của người dân sẽ gặp nhiều bất tiện và khó khăn nghiêm trọng. Do đó, quan điểm của Trung Quốc là kiểm soát đại dịch càng nhanh càng tốt, bất kể chi phí ngắn hạn có thể tốn kém đến mức nào.
“Không COVID” có hiệu quả với đợt bùng dịch ở Thượng Hải?
Một siêu thị trống trơn hàng hóa trước đợt phong tỏa ở Thượng Hải. Ảnh: AFP
Chiến lược loại bỏ hoàn toàn COVID-19 bằng cách phong tỏa nghiêm ngặt, xét nghiệm nhiều lần, có thể sẽ gặp phải thách thức lớn trước biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn với nhiều ca nhiễm không triệu chứng.
Có thể nhìn vào Hong Kong, khu vực đang theo đuổi chính sách không COVID năng động giống như Trung Quốc đại lục. Kể từ đầu năm 2022, sự bùng phát của Omicron đã khiến việc áp dụng chính sách phòng dịch của thành phố gặp trở ngại lớn. Trung tâm tài chính châu Á vẫn ghi nhận hàng chục nghìn trường hợp mới hàng ngày vào thời điểm cao điểm của đợt dịch mới, mặc dù hiện số ca mắc hàng ngày đã giảm xuống còn vài nghìn trường hợp. Ở những nơi khác của Trung Quốc, tỉnh Cát Lâm đã bị phong tỏa từ ngày 14/3, nhưng tỉnh phía đông bắc này vẫn ghi nận 1.150 trường hợp mới và 1.032 ca nhiễm không triệu chứng vào ngày 29/3.
Còn quá sớm để khẳng định liệu Trung Quốc có thể kiểm soát hiệu quả làn sóng lây nhiễm ở Thượng Hải như ở Vũ Hán vào năm 2020 hay không. Tuy nhiên, do Cát Lâm, Thượng Hải và những nơi khác đã phải chống chọi với làn sóng lây nhiễm mới nhất trong suốt một tháng, nên sự mệt mỏi đang gia tăng.
Song nhà phân tích Chen Gang của Viện Đông Á thuộc trường Đại học Quốc gia Singapore cho rằng việc Trung Quốc chuyển sang “sống chung với virus” là điều phi thực tế, trong bối cảnh biến thể Omicron vẫn đang hoành hành và Bắc Kinh sẽ tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 20.
Nhìn ra khắp thế giới, ngày càng có nhiều quốc gia từ bỏ chính sách không COVID khi đối mặt với biến thể Omicron và biến thể tàng hình của nó. Mặc dù “sống chung với COVID-19″ vẫn là điều xa vời Trung Quốc, song có thể thấy nhà chức trách đang nỗ lực thích ứng với điều bình thường mới này bằng các biện pháp linh hoạt, nhân văn hơn vì lợi ích sức khỏe tinh thần và thể chất của người dân.
Số ca mắc cao nhất 2 năm, Trung Quốc bước vào giai đoạn mới của cuộc chiến COVID-19
Hôm 6/3, Trung Quốc đã ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày cao nhất hai năm, tăng vọt lên 526 trường hợp tại 14 tỉnh và thành phố.
Tăng kỷ lục 2 năm
Các chuyên gia và quan chức y tế tin rằng tình trạng lây nhiễm nhiều hơn là do biến thể Omicron gây ra nhiều khó khăn cho giới chức Trung Quốc trong duy trì chiến lược "không COVID".
Giới chuyên môn cho rằng Trung Quốc đã bước vào giai đoạn kiểm soát COVID-19 mới, do vậy cần có các biện pháp phòng chống virus cụ thể hơn để đạt được cân bằng giữa kiểm soát lây nhiễm và duy trì cuộc sống bình thường.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Các chuyên gia cũng lưu ý sẽ điều chỉnh chính sách "không COVID" trong tương lai khi đạt được một số điều kiện như hàng rào miễn dịch mạnh hơn, sẵn có thuốc điều trị hiệu quả cũng như tỷ lệ lây nhiễm bên ngoài Trung Quốc ổn định.
Ông Lu Hongzhou - người đứng đầu nhóm chuyên gia chống dịch của Thâm Quyến và là Giám đốc Bệnh viện Nhân dân số 3 của thành phố này - cho biết tình trạng lây nhiễm tràn lan ở đặc khu Hong Kong là một phần nguyên nhân gây bùng phát dịch bệnh ở Quảng Châu, do có nhiều tài xế xe tải đi lại giữa hai địa phương.
Thâm Quyến, một thành phố ở Quảng Đông tiếp giáp với Hong Kong, vừa đưa ra các quy định mới cho những người đến từ Hong Kong, trong đó yêu cầu họ phải xuất trình kết quả xét nghiệm axit nucleic do 33 viện được chỉ định cấp và phải là lấy mẫu dịch tỵ hầu, hoặc kết hợp cả dịch họng và dịch tỵ hầu, thay vì chỉ cần lấy mẫu dịch họng như vốn phổ biến ở Trung Quốc đại lục.
Trong khi đó, các quan chức địa phương chưa thể tìm ra nguồn gốc gây bùng phát dịch tại Cát Lâm và Thanh Đảo. Tại cuộc họp báo ngày 7/3, ông Jiang Fachun, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Thanh Đảo, nói rằng hầu hết các trường hợp mới ở Thanh Đảo là những người nhiễm không triệu chứng. Thanh Đảo đã cách ly tập trung 8.077 người tính đến sáng 7/3. Thành phố Cát Lâm cũng thông báo tạm dừng làm việc và sản xuất, đồng thời yêu cầu các trường học đóng cửa để chống dịch.
Nổi tiếng có khả năng truy vết ca mắc nhanh chóng, Thượng Hải cũng đang phải vật lộn để đối phó với làn sóng lây nhiễm mới nhất. Wu Jinglei, Giám đốc Ủy ban Y tế Thượng Hải cho biết trong cuộc họp báo ngày 7/3 rằng thành phố đã xét nghiệm diện rộng cho hơn 150.000 người trong đợt bùng phát này.
Một số tòa nhà văn phòng và khu dân cư ở Thượng Hải đang bị phong tỏa. "Công ty của tôi đã giảm một nửa số lượng nhân viên đi làm hàng ngày", một nhân viên ở Thượng Hải nói với Global Times.
Cuộc thảo luận mới
Sau khi tình trạng lây nhiễm lan rộng hơn trên toàn quốc, chính sách "không COVID" của Trung Quốc đã được thảo luận thêm. Tính đến nay, chính quyền Bắc Kinh đã thông qua chiến lược diệt trừ tận gốc virus SARS-CoV-2 hơn hai năm qua và xem đây là biện pháp tối ưu để khống chế đại dịch.
Trong phiên họp Quốc hội khai mạc ngày 4/3, chính sách này đã trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi của các quan chức và đại biểu. Tờ Global Times dẫn lời người phát ngôn Guo Weimin của kỳ họp phát biểu rằng chính sách "không COVID" hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh của quốc gia, đồng thời đem đến lợi ích cho cả thế giới.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 5/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế lại cùng lên tiếng nhất trí rằng nguy cơ kép của các ca bệnh từ nước ngoài và trong cộng đồng đã đẩy việc kiểm soát COVID-19 của Trung Quốc lên một giai đoạn mới.
Với thực tế là biến thể Omicron lây lan nhanh và âm thầm hơn so với các biến thể trước đây, ông Lu Hongzhou - người đứng đầu nhóm chuyên gia chống dịch của Thâm Quyến - đề xuất Trung Quốc cần nỗ lực hơn nữa trong giám sát người nhiễm bệnh bằng các phương pháp hiện đại. Điều này không chỉ giúp cơ quan chức năng đối phó với biến thể Omicron mà còn giảm tác động tiêu cực lên đời sống xã hội.
Các chuyên gia tin rằng việc điều chỉnh chính sách COVID-19 không thể hiểu đơn giản là Trung Quốc từ bỏ chiến lược "Không COVID". Quan chức CDC cho biết: "Chính sách sẽ được điều chỉnh trong tương lai và điểm mấu chốt là tìm đúng thời điểm khi các điều kiện đã chín muồi".
Theo mô hình dự báo do nhóm nghiên cứu tại Đại học Lan Châu thực hiện, nếu Trung Quốc nới lỏng các chính sách hạn chế, một đợt bùng phát xảy ra ở nước này sẽ dẫn đến hơn 10 triệu ca lây nhiễm. Nhóm nghiên cứu giải thích rằng ở giai đoạn hiện tại, chiến lược "không COVID" của Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự bùng phát trở lại ở trong nước và các ca mắc từ nước ngoài vẫn là phương án tốt nhất để đối phó với đại dịch.
Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Zhang Wenhong cho biết ông đã thảo luận về những biện pháp khả thi để điều chỉnh chiến lược hiện tại với các chuyên gia trên khắp đất nước. Ông lưu ý rằng bất kể Trung Quốc áp dụng loại chiến lược nào để chống lại SARS-CoV-2, điểm quan trọng là cần ngăn chặn tái bùng phát quy mô lớn và duy trì các nguồn lực y tế.
Ông cho biết giai đoạn tiếp theo trong phòng chống COVID-19 nên tập trung vào việc đạt được kết quả tốt nhất với chi phí tối thiểu.
Lý do Trung Quốc cấm xét nghiệm nhanh kháng nguyên trong phòng chống COVID-19 Nhiều nước phương Tây đã bắt đầu phân phát bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên (RAT) miễn phí cho người dân. Tuy nhiên, riêng Trung Quốc vẫn bảo lưu quan điểm PCR là tiêu chuẩn vàng trong xét nghiệm tại quốc gia này. Trung Quốc thường kích hoạt xét nghiệm axit nucleic diện rộng mỗi khi xuất hiện một ổ dịch COVID-19 mới....