Trung Quốc tăng dự trữ dầu thô với đội tàu ‘khủng’
Giá dầu thấp khiến nhiều nhà sản xuất ở Mỹ và vùng Vịnh điêu đứng. Song Trung Quốc đang tận dụng hiện trạng này, thực hiện kế hoạch nới rộng kho dự trữ dầu chiến lược cho đến 500 triệu thùng trong thời gian tới.
Tàu chở dầu cực lớn Knock Nevis dài 466 mét – Ảnh: AFP
Jeff Brown, lãnh đạo nhóm tư vấn dầu khí thuộc hãng tư vấn năng lượng FGE (Singapore) cho biết Trung Quốc đang tích cực xây dựng kho dự trữ chiến lược. “Mục đích của họ là trữ đến 500 triệu thùng dầu trong thời gian tới, không kém nhiều so với lượng dự trữ ở Mỹ vốn trong khoảng từ 700 đến 800 triệu thùng dầu”, ông nói.
Ông Brown nói rằng vẫn chưa rõ lượng dự trữ chính xác, nhưng cho hay nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới hăng hái mua dầu khi giá rẻ và đến nay đã có 150 triệu thùng dầu dự trữ. Sức chứa của kho dự trữ này sẽ không ngừng tăng lên cho đến cuối năm nay.
Theo CNN, giải pháp trữ dầu của Trung Quốc nằm ở eo biển Malacca, giữa bán đảo Mã Lai và đảo Sumatra, nối Biển Đông và Ấn Độ Dương.
Tại đây hiện diện các tàu chở dầu lớn nhất thế giới với sức chứa 440.000 tấn, do công ty dầu khí quốc doanh Trung Quốc thuê với giá 40.000 USD/ngày. Các thùng dầu yên vị ở đây đến khi được vận chuyển sang Đại lục trên các con tàu nhỏ hơn.
Nhà phân tích tàu chở dầu Richard Matthews thuộc Gibson Shipbroking (Anh) cho rằng gần đây, số tàu loại “khủng” được thuê để trữ dầu như trên tăng đột biến.
“Thông thường, trừ tàu của Iran, bạn có thể chỉ thấy chừng 1 đến 2 tàu trữ dầu và chúng thường được dùng để hỗ trợ các dự án ngoài khơi. Song hiện nay, có đến 17 đến 18 chiếc như vậy lênh đênh trên biển”, ông nói.
Video đang HOT
Trên thực tế, Trung Quốc vẫn có thể trữ dầu ở các cơ sở trên cạn vốn nằm chủ yếu ở Nam Phi. Song eo biển Malacca vẫn có vị trí địa lý thuận lợi hơn khi nằm giữa các nhà sản xuất dầu lớn và Đại lục.
Tàu chở dầu cực lớn dạng này thường được dùng để trữ dầu thô khi giá thành tương lai được cho là sẽ cao hơn nhiều so với giá thành hiện tại. Các nhà đầu cơ mua dầu giá rẻ, cố chịu đựng chi phí lưu trữ cao để hưởng lợi nhuận cuối cùng khi bán nó ra vài tháng sau đó.
Tuy nhiên giới phân tích cho rằng trong tình hình hiện nay, chênh lệch giữa giá dầu hiện tại và tương lai là không nhiều để giới đầu cơ có lợi nhuận.
CNN cho biết thêm người tiêu dùng Trung Quốc đang tích cực tiêu thụ nhiên liệu trong bối cảnh giá dầu đang rẻ.
Neil Beveridg, nhà phân tích tại hãng Sanford C. Bernstein (Hồng Kông) cho hay tiêu thụ dầu ở Đại lục vẫn giữ ở tầm 10 triệu thùng/ngày dù nền kinh tế có tăng trưởng chậm lại ở mức quanh 7%. Doanh số bán xe SUV chạy xăng ở Trung Quốc cũng tăng 48% trong thời gian qua.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Hải tặc hoành hành vùng biển Đông Nam Á
Thời gian gần đây hải tặc đã tiến hành hàng loạt những vụ tấn công, cướp bóc các tàu chở dầu, hàng ở vùng biển Đông Nam Á, dấy lên mối lo ngại khu vực này trở thành điểm nóng cho các hoạt động cướp biển.
Lực lượng đặc nhiệm Malaysia trong một cuộc diễn tập chống hải tặc - Ảnh: AFP
Trong nhiều thế kỷ qua, hải tặc từng hoành hành ở eo biển Malacca, vốn là đường hàng hải chiến lược giữa Indonesia, Malaysia, Singapore, theo AFP.
Hàng năm có hàng chục ngàn tàu thuyền đi qua Malacca và 1/3 lượng giao thông hàng hóa toàn cầu được vận chuyển qua eo biển này.
Cách đây năm năm hoạt động cướp biển ở eo biển Malacca thuyên giảm nhờ các nước tăng cường tuần tra trên biển.
Nhưng kể từ tháng 4.2014, hàng loạt những tàu chở dầu, chở hàng bị tấn công tại eo biển Malacca và vùng biển Đông Nam Á. Bọn hải tặc tấn công và cướp hàng trăm tấn dầu từ những tàu này.
"Mọi người đều lo ngại về những vụ cướp biển gần đây bởi vì họ biết tình hình sẽ tồi tệ hơn", AFP dẫn lời ông Noel Choong, người đứng đầu trung tâm báo cáo hải tặc thuộc Cục Hàng hải Malaysia (IMB).
"Hải tặc sẽ trở nên hung hăng và không thể kiềm chế được như ở Somalia", ông Choong nhận định.
Các số liệu của IMB cho thấy số vụ cướp biển đã gia tăng trở lại ở khu vực Đông Nam Á, từ 46 vụ trong năm 2009 lên 128 vụ vào năm 2013 và dự đoán tiếp tục tăng trong năm 2014.
Trong một vụ tấn công ngày 28.5, tàu chở dầu Thái Lan MT Orapin 4 bị hải tặc cướp dầu ở ngoài khơi đảo Bintan, phía bắc Indonesia.
Bọn hải tặc còn ngang nhiên sơn tên nhóm của chúng lên tàu MT Orapin 4, phá hủy các thiết bị thông tin liên lạc với đất liền, cướp 3.700 tấn dầu, bắt cóc nhưng sau đó trả tự do cho các thành viên thủy thủ đoàn.
Các chuyên gia chống hải tặc nhận định các băng nhóm tội phạm có tổ chức lớn mạnh phối hợp với hải tặc để tuồn số dầu hay hàng hóa cướp được ra thị trường.
"Tội phạm hàng hải luôn là một vấn đề nhức nhối trong khu vực. Chúng tôi đang nhận thấy các hoạt động hải tặc có chiều hướng gia tăng bởi vì dầu khí là một mặt hàng cực kỳ béo bở trên thị trường chợ đen", ông David Rider, Tổng biên tập trang tin nổi tiếng về an ninh hàng hải Maritime Security Review, nhận định.
So với một thập niên trước đây, hải tặc Đông Nam Á manh động và chuyên nghiệp hơn, có trang bị vũ khí, bắt con tin đòi tiền chuộc, ông Choong cho biết.
"Ở đâu có tiền, ở đó hải tặc xuất hiện", theo ông Martin Sebastian, người đứng đầu Trung tâm An ninh hàng hải và Ngoại giao Malaysia.
IMB kêu gọi các quốc gia khu vực Đông Nam Á phối hợp chặt chẽ và tăng cường các hoạt động tuần tra để đề phòng hải tặc hoành hành khu vực này.
Các chuyên gia cũng đồng thời kêu gọi các nước cho phép các tàu chở dầu và chở hàng được trang bị vũ khí để chống hải tặc.
Theo TNO
Ấn Độ điều 3 tàu chiến đến Biển Đông tập trận Bốn tàu hải quân Ấn Độ, bao gồm 3 chiến hạm tối tân, đã có mặt ở Biển Đông để tập trận chung cùng 5 quốc gia thành viên ASEAN, nhật báo Deccan Herald (Ấn Độ) đưa tin ngày 1.6. Tàu hộ tống tàng hình INS Satpura của Hải quân Ấn Độ - Ảnh: Hải quân Ấn Độ Bốn tàu chiến này gồm...