Trung Quốc tài trợ chi phí nghiên cứu tuyến đường sắt 100.000 tỷ đồng
Chi phí nghiên cứu quy hoạch tuyến đường sắt liên vận quốc tế Hải Phòng – Trung Quốc với tổng mức đầu tư tạm tính 100.000 tỷ đồng sẽ do phía Trung Quốc tài trợ.
Xác nhận với VTC News, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, liên danh tư vấn Trung Quốc vừa gửi Bộ Giao thông vận tải Việt Nam về báo cáo nghiên cứu cuối kỳ quy hoạch tuyến đường sắt liên vận quốc tế Hải Phòng – Trung Quốc, với tổng mức đầu tư tạm tính 100.000 tỷ đồng. Chi phí nghiên cứu quy hoạch do phía Trung Quốc tài trợ.
Liên danh tư vấn gồm Công ty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT (TRICC) và Công ty hữu hạn Tập đoàn Viện Khảo sát thiết kế số 5 đường sắt (Trung Quốc).
Kinh phí xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng ước tính tốn 100.000 tỷ đồng.
Theo quy hoạch, tổng chiều dài toàn tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng là 392 km, chạy theo hướng đông qua 8 tỉnh, thành phố gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng (điểm cuối tại cảng Lạch Huyện thuộc huyện Cát Hải – Hải Phòng).
Cuối tháng 10, đầu tháng 11/2019, Bộ GTVT có các buổi làm việc với UBND các tỉnh Yên Bái, Hưng Yên, Hải Dương, TP Hải Phòng về phương án quy hoạch tuyến đường sắt này.
Hiện tuyến đường sắt từ Lào Cai đến Hải Phòng có tuyến đường sắt khổ 1.000 mm. Liên danh tư vấn Trung Quốc đề xuất 2 phương án là cải tạo đường hiện có thành khổ lồng (thêm khổ đường 1.435 mm) hoặc giữ nguyên hiện trạng tuyến cũ, xây dựng tuyến mới khổ tiêu chuẩn 1.435 mm.
Video đang HOT
Trên tuyến có 73 cây cầu lớn (tổng chiều dài hơn 130 km), 25 hầm (tổng chiều dài 25 km), 38 nhà ga, trong đó xây mới 29 nhà ga.
Dự báo năng lực vận tải là 10 triệu tấn hàng hóa/năm và khai thác 15 đôi tàu/ngày, vận tải cả hàng hóa và hành khách. Tốc độ thiết kế là 160 km/h (tuyến hiện tại có vận tốc trung bình 50 km/h, vận tốc tối đa 80 km/h).
Dự kiến tổng mức đầu tư (chưa bao gồm chi phí mặt bằng) ước tính khoảng 100.000 tỷ đồng. Diện tích sử dụng đất toàn dự án khoảng 1.654 ha.
Báo cáo cuối kỳ quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng sẽ do Bộ GTVT và các cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt. Nếu được thông qua, tuyến đường sắt này được chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2020 – 2025 và xây dựng sau năm 2025.
Thông tin Bộ GTVT lên phương án xây dựng tuyến đường sắt liên vận quốc tế nhận được sự quan tâm và nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia kinh tế.
Trả lời VTC News, tiến sỹ Phạm Chi Lan cho rằng, xây thêm tuyến đường sắt mới với vốn đầu tư lên đến 100.000 tỷ đồng, trong khi đã có đường cao tốc là lãng phí và vô lý. Chuyên gia nhấn mạnh việc xây dựng tuyến đường sắt phía Bắc ở thời điểm này là chưa cần thiết, thậm chí là lãng phí.
“ Chúng ta đang đổ quá nhiều tiền cho các dự án đầu tư phía Bắc. Ngoài ra, nếu nối đường sắt từ đó về thì sẽ tạo nhiều cơ hội cho chủ yếu hàng Trung Quốc đổ vào Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, giao thương với Trung Quốc cần có chấn chỉnh lại để làm sao cho đỡ thua thiệt với Việt Nam, làm sao cho hàng Trung Quốc nhập khẩu không chèn ép các mặt hàng nội địa. Do đó, cần tính toán lại về dự án này“, bà Lan nói.
Cũng theo tiến sĩ Phạm Chi Lan, ngành giao thông đang quá quan tâm đến đầu tư nối đường sắt lên các tỉnh phía Bắc. Trong khi đó, cả vùng Đồng bằng Cửu Long rộng lớn như thế, cả một vùng miền Nam đang là động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước, quan trọng hàng đầu thì lại đầu tư rất ít, rất chậm. “Có những dự án cam kết bao nhiêu lâu nay vẫn không có tiền hoặc tiền về rất chậm. Điều này rất vô lý‘, chuyên gia kinh tế nhận định.
Trong khi đó, bên hành lang Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Đặng Ngọc Nghĩa (Đoàn Thừa Thiên Huế) lại cho rằng việc bỏ kinh phí 100.000 tỷ đồng để đầu tư cho một dự án đường sắt trong bối cảnh ngành đường sắt đang thiếu vốn nghiêm trọng là thiếu hợp lý.
Theo ông Nghĩa, với kinh phí lớn như thế này không một doanh nghiệp nào dám bỏ ra số tiền lớn như thế này để làm dự án. Đại biểu đoàn Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, hãy lấy dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông như một bài học “đắt giá” trong việc quy hoạch bất kỳ một dự án đường sắt nào tiếp theo.
ĐÀO BÍCH
Theo vtc.vn
Kéo dài tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông thêm 20km: Chỉ là quy hoạch, chưa lập dự án?
Báo cáo của Chính phủ gửi tới Quốc hội cho biết, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được đầu tư thêm đoạn Hà Đông - Xuân Mai với chiều dài khoảng 20km.
Trong báo cáo thực hiện chính sách phát triển giao thông vận tải đường sắt và việc sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho đường sắt vừa được Chính phủ gửi tới Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có chiều dài khoảng 14km, đi trên cao với tổng số 12 ga và 1 depot tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông.
Theo quy hoạch, thời gian tới, sẽ kéo dài tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông khoảng 20 km, theo hướng Quốc lộ 6, bố trí đề pô tại Xuân Mai.
Dự án Cát Linh - Hà Đông đến nay vẫn chưa thể vận hành.
Tuy nhiên, trả lời về vấn đề này với Dân Trí, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định: " Đó chỉ là quy hoạch trong tương lai xa, hiện chưa có cơ sở lập dự án Cát Linh - Hà Đông kéo dài tới Xuân Mai".
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, trước đây Bộ GTVT là cơ quan lập quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải trong hệ thống quốc gia, sau đó việc quy hoạch giao thông vùng giao về các địa phương cụ thể.
Ông Đông thông tin, năm 2004, Hà Nội nhận được tài trợ của Nhật Bản về lập quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô, trong đó có chiến lược phát triển mạng đường sắt đô thị. Hà Nội lập quy hoạch phát triển mạng giao thông đường sắt theo hình cánh quạt, vươn từ trung tâm Thủ đô tới các thành phố vệ tinh, trong đó có Xuân Mai, Hòa Lạc... định hướng phát triển sau năm 2020.
Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng việc lập quy hoạch nhằm định hướng chiến lược phát triển giao thông đường sắt trong tương lai, điều này không có nghĩa là sẽ triển khai dự án, bởi để lập dự án phải căn cứ vào nhiều yếu tố như: Nhu cầu thực tiễn, sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...
Liên quan đến nguồn lực, dẫn báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân TP.HCM, Bộ GTVT cho biết, nguồn lực đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn vừa qua là 29.994 tỷ đồng. Trong đó, Hà Nội là 12.750 tỷ đồng để chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư đối với 2 dự án (tuyến số 2 và tuyến số 3) và TP.HCM là 17.244 tỷ đồng để chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư đối với 2 dự án (tuyến số 1, tuyến số 2).
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải thực hiện đầu tư tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) giai đoạn 1, tuyến 2A (Cát Linh - Hà Đông), chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện đầu tư 2 tuyến (tuyến số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội và tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo).
Tại TP.HCM, Chính phủ cũng đang chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện đầu tư 2 tuyến (tuyến số 1, Bến Thành - Suối Tiên và tuyến số 2, Bến Thành - Tham Lương). Hai dự án đang thực hiện điều chỉnh tổng mức đầu tư, sau khi đã xin ý kiến Bộ Chính trị.
Theo VTC
Đường sắt Cát Linh Hà Đông biết lỗ vẫn làm: Cần truy trách nhiệm, không thể có ngoại lệ Bàn về những sai phạm của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông', theo nguyên ĐBQH Bùi Thị An, cần chỉ rõ trách nhiệm cụ thể, không nên có "vùng cấm" hay ngoại lệ. Kiểm toán Nhà nước vừa chỉ ra những sai phạm của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Theo Kiểm toán Nhà nước, dự án...