Trung Quốc sợ nhất tham nhũng
Trong bối cảnh kinh tế u ám, Trung Quốc còn phải đối mặt với nỗi lo đáng sợ không kém là cuộc khủng hoảng vì nạn tham nhũng có thể đe dọa sự sinh tồn của Đảng Cộng sản nước này (CPC).
Những số liệu mới nhất công bố hôm 8-9 tiếp tục cho thấy sự ảm đạm trong cả kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của nước này trong tháng 8. Theo đó, kim ngạch nhập khẩu giảm 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm mạnh hơn so với mức 8,6% của tháng 7.
Đây là tháng giảm thứ 10 liên tiếp, đồng thời là mức giảm tệ nhất kể từ tháng 5. Kim ngạch xuất khẩu giảm 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Những con số này đồng nghĩa với việc thặng dư thương mại của Trung Quốc tăng gần 40% so với tháng trước, lên 57,8 tỉ USD.
Chiến dịch chống tham nhũng tại Trung Quốc đã “hạ bệ” nhiều tham quan cỡ bự. (Trong ảnh là “hổ lớn” Bạc Hy Lai trước tòa. Nguồn: AP)
Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm mức cao kỷ lục 93,9 tỉ USD trong tháng 8 xuống 3,56 ngàn tỉ USD. Mức giảm chưa từng thấy này được cho là cái giá phải trả từ động thái bán đồng USD của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) để hỗ trợ đồng nhân dân tệ (NDT) sau đợt phá giá mới đây.
Nhà phân tích Lý Diệu Tiển tại Công ty Bocom International Holdings (Hồng Kông) nhận định rằng: “Nếu PBOC tiếp tục can thiệp, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc sẽ còn co lại nữa. Càng can thiệp mạnh, con số này sẽ càng giảm sâu”. Vị chuyên gia Hồng Kông này còn nhấn mạnh rằng dù rất nỗ lực, Trung Quốc sẽ không thể ngăn được NDT mất giá và dòng vốn tiếp tục chảy khỏi nước này trong vài tháng tới.
Video đang HOT
Ngoài ra, tập đoàn đa quốc gia Goldman Sachs Group Inc. của Mỹ cho biết Bắc Kinh còn chi 1,5 ngàn tỉ NDT (tương đương 236 tỉ USD) nhằm nỗ lực vực dậy thị trường chứng khoán từ đợt trượt dốc không phanh từ 3 tháng trước.
Trong bối cảnh đó, Tổng cục Thống kê Trung Quốc hôm 7-9 bất ngờ điều chỉnh tăng trưởng GDP năm 2014 xuống 7,3% thay vì 7,4% như số liệu được công bố trước đó. Giới phân tích không còn xa lạ gì với việc xem xét lại số liệu tăng trưởng hằng năm của Trung Quốc nhưng trước đây GDP thường được điều chỉnh tăng.
Ngay cả khi kinh tế có vấn đề thì ông Vương Gia Thụy – ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng ngày 8-9 – cho biết điều Bắc Kinh lo sợ nhất chính là sự sống còn của CPC có thể bị đe dọa vì nạn tham nhũng. Đây là thừa nhận hiếm thấy từ một quan chức cấp cao của Trung Quốc được đưa ra trong cuộc gặp các học giả của nước này và phương Tây ở Bắc Kinh.
Theo lời ông Vương, sau nhiều thập kỷ cầm quyền (từ năm 1949), CPC đã và đang nảy sinh vấn đề tham nhũng nghiêm trọng. “Trong tình trạng đó, một số quan chức chắc chắn sẽ bị thải loại. Nhưng nếu các quan chức tham nhũng quá nhiều thì sẽ gây ra khủng hoảng đối với CPC. Đó là vấn đề mà chúng tôi lo ngại nhất” – ông Vương nhấn mạnh.
Tuy nhiên, vị quan chức này tin tưởng rằng người dân sẽ ủng hộ chiến dịch chống tham nhũng “đả hồ đập ruồi” được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng kể từ khi lên nắm quyền.
Theo Thu Hằng
Người Lao động
Trung Quốc có thể hỗ trợ nhân dân tệ trong bao lâu?
Theo chuyên gia của Societe Generale, Trung Quốc có thể duy trì chiến lược tỷ giá nhân dân tệ hiện tại trong vòng nhiều tháng. Giới phân tích cho hay chuyện nhân dân tệ tiếp tục sụt giá chỉ là vấn đề thời gian.
Việc nhân dân tệ tiếp tục sụt giá, theo giới phân tích, chỉ là vấn đề thời gian - Ảnh: Bloomberg
Ngày 11.8, Trung Quốc phá giá nhân dân tệ. Kể từ thời điểm đó, động thái này được xem là nguyên nhân sâu xa dẫn đến hàng loạt biến động trên thị trường tài chính, khiến nhiều quốc gia khác có cơ chế tỷ giá hối đoái cố định hạ giá đồng bản tệ.
Luồng vốn thoái từ lâu đã là chuyện khiến giới chức Đại lục đau đầu. Các đợt sóng tiền tệ chảy khỏi nền kinh tế là nguồn cơn gây nên áp lực giảm giá đồng nhân dân tệ và làm ảnh hưởng đến thanh khoản nội địa. Vì thế, Bắc Kinh lập tức hỗ trợ tỷ giá nhân dân tệ ngay sau khi phá giá, tránh để đồng tiền mất giá quá mạnh khiến luồng vốn chảy khỏi Đại lục nhiều hơn.
Tuy nhiên hỗ trợ nhân dân tệ không phải là một giải pháp lâu dài. Các chuyên gia đặt ra câu hỏi liệu thế cân bằng mà Bắc Kinh đã thiết lập duy trì được bao lâu và kết thúc như thế nào?
Tuần trước, các nhà phân tích tại ngân hàng Deutsche Bank, Barclays và Societe Generale dự báo rằng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sẽ dùng khoảng 100 đến 200 tỉ USD từ dự trữ ngoại hối của họ trong tháng 8 để ổn định tỷ giá nhân dân tệ.
"PBOC đã hành động khá quyết liệt trong thị trường tự do ngay sau khi họ thay đổi cơ chế tỷ giá tiền tệ vào ngày 11.8 để ổn định đồng nhân dân tệ. Trong vòng 15 ngày giao dịch sau ngày 11.8, lượng giao dịch nhân dân tệ trong nước gần như tăng gấp đôi so với mức trung bình của 20 phiên giao dịch trong vòng 1 năm trở lại đây", chuyên gia Wei Yao thuộc Societe Generale viết.
Chuyên gia Yao cho biết Trung Quốc có thể chú trọng việc duy trì dự trữ ngoại hối lớn nên sẽ chỉ sẵn lòng bán đi 1.000 tỉ USD từ dự trữ để bảo vệ tỷ giá. Như vậy, chiến lược tỷ giá hiện giờ chỉ có thể duy trì trong vòng nhiều tháng, không phải là nhiều năm.
Dù vậy, can thiệp vào thị trường ngoại hối không phải là cách duy nhất Bắc Kinh có thể sử dụng. Trung Quốc có thể dùng thêm nhiều biện pháp kiểm soát vốn, mở cửa thị trường tài chính cho những thành phần khác như công ty bảo hiểm nhằm thu hút thêm vốn, theo chuyên gia Zhiwei Zhang thuộc ngân hàng Deutsche Bank.
Chuyên gia Zhang cho hay trong hai ngày giao dịch đầu tiên của tháng 9, tỷ giá nhân dân tệ so với đô la Mỹ đã lạc quan hơn khi tăng đáng kể. Song theo giới phân tích, chuyện nhân dân tệ tiếp tục sụt giá chỉ là vấn đề thời gian.
Barclays và Societe Generale cho rằng nội tệ Trung Quốc sẽ giảm giá 7% so với đồng USD từ nay đến cuối năm. Deutsche Bank cũng chung hướng nhận định nhưng dự báo mức giảm giá khiêm tốn hơn con số 7% trong cùng giai đoạn.
Giới chức Đại lục có thể sẽ quan sát phản ứng của các thị trường tài chính trước đợt nâng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trước khi quyết định sẽ làm gi tiếp theo.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Dự trữ ngoại hối Trung Quốc giảm kỷ lục vì nhân dân tệ Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc vừa giảm 93,9 tỉ USD - kỷ lục trong vòng một tháng - sau nỗ lực của Bắc Kinh nhằm chặn đà rơi của đồng nhân dân tệ và thị trường chứng khoán. Trung Quốc vừa công bố số liệu dự trữ ngoại hối giảm kỷ lục - Ảnh: Reuters Reuters và Bloomberg dẫn số liệu...