Trung Quốc sẽ ‘trả giá đắt’ trong vụ kiện Biển Đông
Các chuyên gia nhận định Trung Quốc sẽ phải trả “một cái giá quốc tế” khi tòa án quốc tế ra phán quyết đối với đơn kiện Philippines phản đối tuyên bố chủ quyển phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Người dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc hồi tháng 6.2015 – Ảnh: Reuters
Tòa trọng tài thường trực (PCA, trụ sở tại The Hague, Hà Lan) hồi cuối tháng 10.2015 khẳng định họ có quyền tài phán để phân xử vụ Philippines kiện phản đối tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc chiếm gần hết Biển Đông. Bắc Kinh đã bác bỏ tuyên bố của PCA khi cho rằng phiên tòa này “sẽ chẳng đi về đâu”, theo Reuters.
Tuy nhiên các quan chức Philippines, một số nhà ngoại giao nước ngoài cùng các chuyên gia cho biết Trung Quốc có thể sẽ phải hứng chịu nhiều áp lực về mặt pháp lý và ngoại giao nếu PCA ra phán quyết có lợi cho Philippines.
Các chuyên gia pháp lý nhận xét Manila có cơ hội thành công cao trong vụ kiện này vì PCA bác bỏ luận điểm của Trung Quốc (cho rằng PCA không có quyền tài phán) trong phiên điều trần hồi tháng 10.2015. PCA sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng dự kiến vào giữa năm 2016.
PCA khẳng định tòa này có quyền tài phán đối với 7/15 vấn đề Philippines đưa ra trong đơn kiện, theo đó Manila yêu cầu tòa xem “đường lưỡi bò” (hay đường 9 đoạn) của Trung Quốc là bất hợp pháp, trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà cả Trung Quốc và Philippines đều ký kết.
Nếu PCA đưa ra phán quyết vào giữa năm 2016 thì đây là lần đầu tiên một tòa án quốc tế can thiệp vào tranh chấp lãnh thổ, điều này khiến Trung Quốc khó trốn tránh trách nhiệm hay phớt lờ vấn đề tranh chấp lãnh thổ Biển Đông tại các kỳ họp thượng đỉnh trong khu vực và quốc tế, các chuyên gia và nhà ngoại giao nhận định.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, kể từ khi Manila đệ đơn kiện vào năm 2013 (dù Trung Quốc phớt lờ tham gia các phiên phân xử), các nước châu Á và phương Tây bắt đầu bày tỏ sự ủng hộ đối với vụ kiện này. Nhiều quốc gia đã đề nghị được quan sát các phiên phân xử của PCA, bao gồm Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Úc và Anh.
Một chuyên gia cho Reuters biết nếu PCA ra phán quyết chống lại Trung Quốc, điều này sẽ dẫn đến việc các nước phương Tây phối hợp gây áp lực với Bắc Kinh trong những hội nghị và diễn đàn quốc tế.
“Các nước sẽ dùng phán quyết của PCA như một cây gậy “đập” Bắc Kinh. Đó mới là lý do vì sao Trung Quốc rất sợ hãi phiên tòa này”, ông Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) nhận xét.
Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough từ tay Philippines vào năm 2012 và cản trở hoạt động của ngư dân Philippines khiến họ đành phải neo tàu, gác lưới tìm việc khác. Trong ảnh: một ngư dân Philippines chạy xuồng gần tàu đổ bộ USS Green Bay của Hải quân Mỹ đang tham gia tập trận chung với Philippines, cách bãi cạn Scarborough 220 km đầu năm 2015 – Ảnh: AFP
Bà Bonnie Glaser, chuyên gia an ninh thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, ở thủ đô Washington, Mỹ) cho biết thêm: “Có một bí mật nhỏ ở đây là… Trung Quốc giả vờ rằng họ dễ dàng phớt lờ và bác bỏ mọi thứ. Tôi nghĩ rằng thực tế họ sẽ phải trả một cái giá quốc tế cho hành động này”.
Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý cho hay bất kỳ phán quyết nào của PCA chống lại Trung Quốc chỉ có thể dừng ở mức gây áp lực chính trị, vì PCA chưa có cơ chế đảm bảo thực thi phán quyết, nên nhiều quốc gia dễ phớt lờ phán quyết của PCA, theo Reuters.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 2.12 tái khẳng định Bắc Kinh sẽ không chấp nhận bất kỳ phán quyết nào. Vào ngày 24.10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết vụ kiện này là “một nỗ lực vô ích nhằm bác bỏ chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc ở Biển Đông” (?).
Giáo sư Michael Wesley, thuộc Đại học Quốc gia Úc cho hay những tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh sẽ không bao giờ chấp nhận phán quyết của PCA.
“Biển Đông là một ví dụ điển hình cho thấy cách nghĩ của chính quyền Trung Quốc và cũng là ví dụ cho thấy Bắc Kinh thành công trong việc bác bỏ và thay thế vị trị thống lĩnh của Mỹ trong khu vực, mà không cần phải gây chiến”, ông Wesley nói.
Nhưng với nhiều nhà ngoại giao, vụ kiện này là yếu tố then chốt khiến Trung Quốc phải chấp nhận luật pháp quốc tế liên quan đến Biển Đông, tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng với lượng hàng hóa trị giá hơn 5 nghìn tỉ USD được vận chuyển qua mỗi năm.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Trung Quốc từ chối đề nghị của tòa quốc tế về vụ kiện Biển Đông
Trung Quốc đã từ chối cơ hội phản biện mà Tòa trọng tài quốc tế đưa ra đối với vụ kiện Biển Đông, tiếp tục khẳng định không chấp nhận giải quyết tranh chấp thông qua bên thứ ba.
Một khu vực tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc trên Biển Đông - Ảnh: Reuters
Tân Hoa xã hôm 1.12 cho biết Trung Quốc sẽ không giải trình hay đưa ra phản bác đối với những cáo buộc của Philippines ở tòa án trọng tài quốc tế.
"Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định Tòa trọng tài được thành lập theo yêu cầu của Philippines không có thẩm quyền đối với vụ kiện. Vì vậy Trung Quốc sẽ không chấp nhận cũng như tham dự vụ kiện này ở Tòa trọng tài", bà Hoa Xuân Doanh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu sau cuộc họp báo thường kỳ.
Hôm 30.11, Tòa trọng tài đã kết thúc phiên điều trần kéo dài 5 ngày, ghi nhận yêu cầu của Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến những tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông. Tòa trọng tài cho Trung Quốc cơ hội phản biện đối với những cáo buộc của Philippines. Giải trình của Bắc Kinh phải được gửi đến tòa trước khi năm 2015 kết thúc.
Tuy nhiên, không chỉ từ chối cơ hội này, Bắc Kinh còn chỉ trích Manila. "Hành động đơn phương (kiện ở tòa) của Philippines là sự khiêu khích chính trị mang chiếc áo luật pháp. Đó không phải là nỗ lực để giải quyết tranh chấp mà là phủ nhận chủ quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông", bà Doanh nói.
Bắc Kinh luôn chỉ trích Manila vì vụ kiện và những chỉ trích thường được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhắc lại với mức độ nặng hơn.
Bà Doanh còn cho rằng Bắc Kinh không chấp nhận bất kỳ sự áp đặt hay giải quyết tranh chấp thông qua bên thứ ba, vì "đó là quyền của Trung Quốc với tư cách của một nước có chủ quyền và một thành viên tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS)".
UNCLOS là căn cứ đẻ Tòa trọng tài xem xét vụ kiện. Hồi tháng 11.2015, Tòa trọng tài quốc tế của Liên Hiệp Quốc ở Hà Lan tuyên bố có đủ thẩm quyền để xem xét vụ kiện.
Philippines khởi kiện Trung Quốc từ năm 2013 và yêu cầu tòa ra phán quyết không công nhận đòi hỏi chủ quyền vô lý của Bắc Kinh chiếm gần hết Biển Đông. Đồng thời Philippines cũng yêu cầu tòa công nhận quyền của Manila đối với vùng lãnh hải 200 hải lý tính từ bờ biển. Trong năm 2016, Tòa trọng tài sẽ đưa ra phán quyết đối với vụ kiện mà Philippines rất tự tin sẽ giành chiến thắng.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Những luận điểm của Trung Quốc bị tòa dập tắt trong vụ kiện 'đường lưỡi bò' Giới chuyên gia cho rằng việc tòa quốc tế đồng ý xử vụ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách chủ quyền tại Biển Đông là chiến thắng bước đầu cho Manila, và chiến thắng gián tiếp cho các bên tranh chấp khác. Luật sư Paul Reichler, chủ tịch ủy ban cố vấn Philippines trong vụ kiện "đường lưỡi bò", phát biểu trước...