Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng quân sự trên Biển Đông
Biên đội 4 tàu chiến của Hạm đội Nam Hải xâm nhập trái phép quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam nhưng đó chưa phải là tất cả.
Trung Quốc đang nỗ lực bành trướng trên Biển Đông bằng sức mạnh tổng hợp của tất cả các lực lượng Hải quân, Hải giám, Hải cảnh, Ngư chính,…
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc vừa chính thức khẳng định, trong thời gian tới, quân đội nước này mà trực tiếp là lực lượng Hải quân sẽ hậu thuẫn tích cực cho lực lượng chấp pháp trên biển thực hiện các hoạt động của mình.
Tờ Nhân dân nhật báo ngày 28/3 cho biết, trong cuộc trả lời họp báo cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc chính thức khẳng định, trong thời gian tới, quân đội nước này mà trực tiếp là lực lượng Hải quân sẽ hậu thuẫn tích cực cho lực lượng chấp pháp trên biển thực hiện các hoạt động của mình.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Quốc vụ viện Trung Quốc vừa thông qua Đề án tái cơ cấu các lực lượng chấp pháp trên biển. Theo đó, Trung Quốc sẽ tiến hành cải tổ Cục Hải dương Quốc gia, thành lập Cục Cảnh sát biển – thống nhất chỉ huy các lực lượng “tuần tra, chấp pháp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông”, bao gồm Hải giám, Hải cảnh, Ngư chính, Hải sự và Hải quan. Các lực lượng này khi hoạt động ở Biển Đông và Biển Hoa Đông “đều phải lấy danh nghĩa Cảnh sát biển Trung Quốc” và sẽ chịu sự “chỉ huy nghiệp vụ” của Cục Cảnh sát biển thuộc Bộ Công an Trung Quốc và “quản lý hành chính” của Bộ Đất đai và tài nguyên.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn khẳng định, thời gian tới lực lượng quân đội sẽ đẩy mạnh hoạt động giao lưu thúc đẩy cùng nhau duy trì cái gọi là “chủ quyền” trên Biển Đông.
Video đang HOT
Có thể thấy đây là một động thái gây rối mới của Trung Quốc, một mặt tăng cường khả năng kiểm soát tình hình trên Biển Đông, mặt khác tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế trái phép của Bắc Kinh diễn ra thuận lợi, khai thác triệt để nguồn tài nguyên trong vùng biển này.
Điều này được minh chứng khá rõ trong thời gian qua, đặc biệt, khi biên đội 4 tàu chiến của Hạm đội Nam Hải xâm nhập trái phép quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, đồng thời còn diễn tập liên hiệp tuần tra trái phép với các tàu Ngư chính đang hoạt động tại đây.
Theo XH
Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ ra biển Đông
Chính quyền Trung Quốc thông báo đưa giàn khoan "khủng" nhất của nước này ra khu vực phía đông của biển Đông.
Giàn khoan Hải Dương 981 - Ảnh: Nhân Dân nhật báo
Reuters ngày 3.5 dẫn thông cáo từ Cơ quan năng lượng Quốc gia Trung Quốc (NEA) cho hay giàn khoan Hải Dương 981 được triển khai đến giếng dầu Lệ Loan 6-1-1 vào ngày 9.5. Khu vực này nằm trong lòng chảo Châu Giang, tức khu vực bồn địa cửa sông Châu cách Hồng Kông khoảng 300 km, gần sát đảo Hải Nam và tương đối gần Philippines.
Được cư dân mạng Trung Quốc gọi bằng cái tên phô trương "tàu sân bay dầu khí", Hải Dương 981 là giàn khoan kiểu nửa chìm nửa nổi được đầu tư kinh phí 935 triệu USD và do Tập đoàn đóng tàu quốc gia hoàn tất vào cuối năm 2011. Theo thông báo của Tập đoàn dầu khí xa bờ quốc gia Trung Quốc (CNOOC), với chiều dài hơn 650 m, chiều cao 136 m, trọng tải 30.000 tấn, giàn khoan có khả năng hoạt động ở độ sâu tối đa 3.000 m, độ sâu giếng khoan tối đa 12.000 m.
Chiến lược tham vọng
"Bảo bối" Hải Dương 981 được thiết kế chuyên khai thác dầu trên biển Đông, vốn nằm trong chiến lược đối với khu vực của Trung Quốc. Giám đốc điều hành CNOOC Dương Hoa từng khẳng định về kế hoạch "tiếp tục tập trung vào việc thăm dò và khai thác dầu ở biển Đông trong tương lai gần". Vì vậy CNOOC đã có kế hoạch đầu tư 350 tỉ nhân dân tệ (khoảng 54 tỉ USD) trong 5 năm tới để khai thác tài nguyên dầu và khí tự nhiên. Bên cạnh đó, tờ Tin nhanh Hàng Châu đưa tin trong vòng 5 năm tới, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh khai thác thêm 30 giếng dầu nữa, và cần xây dựng thêm 70 giàn khoan. Báo này cũng tiết lộ để hỗ trợ cho các giàn khoan sẽ có khoảng 200 tàu bè các loại đi theo, nhưng không cung cấp thêm chi tiết.
Một số chuyên gia đánh giá kế hoạch khai thác dầu đầy tham vọng nói trên nằm trong chiến lược lâu dài của Trung Quốc nhằm thâu tóm gần như toàn bộ biển Đông. Thời báo Hoàn Cầu từng dẫn lời một số quan chức không ngần ngại nói thẳng sự xuất hiện của Hải Dương 981 sẽ "giúp Trung Quốc hiện diện mạnh mẽ hơn" tại vùng biển này. Như vậy, triển khai giàn khoan "khủng" được cho là một bước khác để hiện thực hóa tham vọng độc chiếm biển Đông của chính quyền Trung Quốc. Ngay từ tháng 7.2011, cộng đồng người Mỹ gốc Philippines đã biểu tình trước Đại sứ quán và Lãnh sự quán Trung Quốc ở thủ đô Washington, San Francisco, New York, Los Angeles và Chicago để phản đối các hành động đơn phương của Trung Quốc ở biển Đông, đặc biệt là về giàn khoan Hải Dương 981, theo Đài ABS-CBN.
Đáng ngờ
Tuy hiện nay, khu vực triển khai Hải Dương 981 không nằm trong vùng biển đang có tranh chấp nhưng vẫn có nhiều lo ngại và ngờ vực về việc Bắc Kinh triển khai giàn khoan này ra biển. Như đã nói, lòng chảo Châu Giang nằm rất sát đảo Hải Nam và khá gần Philippines nên Trung Quốc có thể dễ dàng di chuyển Hải Dương 981 sâu xuống phía nam, tức vào khu vực đang có tranh chấp và nằm trong bản đồ "đường lưỡi bò" phi lý của nước này.
Vị trí lòng chảo Châu Giang - Đồ họa: Hoàng Đình
Mặt khác, theo thông cáo của NEA thì giàn khoan cũng sẽ khoan ở giếng Lệ Loan 6-1-1 trong vòng 56 ngày rưỡi. Với một giàn khoan được đánh giá "khủng" như Hải Dương 981 thì không thể có chuyện chỉ hoạt động có gần 2 tháng. Trung Quốc đến nay chưa thông báo rõ sau khoảng thời gian thử nghiệm tại lòng chảo Châu Giang thì giàn khoan sẽ được di dời tới đâu.
Ngoài ra, được coi như "bảo bối" quý giá của ngành dầu khí Trung Quốc nên Hải Dương 981 tất nhiên không thể thiếu một đoàn tàu hộ tống hùng hậu vây quanh. Tuy nhiên, đến nay chính quyền lẫn giới truyền thông chưa hề tiết lộ có bao nhiêu tàu thuộc những loại nào đi theo hỗ trợ giàn khoan cho lần triển khai này. Vì thế, cũng có ý kiến cho rằng việc Trung Quốc tỏ thái độ cứng rắn trên biển Đông trong thời gian qua và điều thêm tàu bè đến khu vực bãi cạn Scarborough đang căng thẳng với Philippines cũng nhằm chuẩn bị cho việc kéo giàn khoan đến các khu vực nhạy cảm hơn trong thời gian tới. Hiện Bắc Kinh có tới 14 tàu, bao gồm 4 tàu tuần tra, xung quanh Scarborough, theo báo Business Mirror.
Mỹ tăng viện trợ quân sự cho Philippines
Bộ Ngoại giao Philippines thông báo Mỹ sẽ tăng viện trợ quân sự cho nước này từ 11,9 triệu USD năm 2011 lên 30 triệu USD trong năm nay, theo Reuters hôm qua. Ngoài ra, Washington đồng ý chia sẻ với Manila dữ liệu về biển Đông và các hoạt động hải quân. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt ngày 4.5 lên đường sang thăm Mỹ theo tờ China Daily. Giới quan sát cho rằng vấn đề biển Đông và lập trường của Bắc Kinh về sự tăng cường hiện diện của Washington trong khu vực sẽ được ông Lương nêu ra trong chuyến thăm kéo dài đến ngày 10.5 này.
Cùng ngày, hãng tin CNA dẫn lời giới chức Đài Loan khẳng định đảo này sẽ không hợp tác với Bắc Kinh về tranh chấp trên biển Đông. Tuyên bố được đưa ra sau khi Tân Hoa xã dẫn lời quan chức Văn phòng phụ trách vấn đề Đài Loan của Trung Quốc, kêu gọi người dân hai bên cùng gánh trách nhiệm "bảo vệ các đảo" ở biển Đông. Ngoài ra, Cơ quan phòng vệ Đài Loan tuyên bố hiện nay không phải là thời điểm thích hợp để điều tên lửa đất đối không tầm ngắn tới 2 đảo mà Đài Bắc tuyên bố chủ quyền trên biển Đông vì lo ngại sẽ gây thêm căng thẳng, theo báo South China Morning Post.
Văn Khoa
Theo Thanh Niên