Trung Quốc sẽ thực sự “ra tay” vào tháng sau ở Biển Đông?
Bắc Kinh đang toan tính kĩ càng thời điểm ra tay trong bối cảnh thế giới xao nhãng tập trung với những sự kiện chính trị quan trọng như bầu cử tổng thống Mỹ.
Bãi cạn Scarborough của Philippines được cho sẽ là mục tiêu của Trung Quốc trong tháng tới.
Có vẻ như Trung Quốc sẽ có những động thái mới ở Biển Đông bằng việc bồi lấp trái phép bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Nhiều nhà quan sát dự đoán thời gian Bắc Kinh thực hiện kế hoạch đầy tham vọng này là đầu tháng 9, sau khi hội nghị thượng định G-20 ở Trung Quốc kết thúc và trước bỏ phiếu bầu tổng thống Mỹ đầu tháng 11.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng ngày 13.8 có bài viết đáng chú ý trong đó “dẫn nguồn tin thân cận” cho biết Bắc Kinh sẽ chưa bồi lấp trái phép bãi Scarborough, ít nhất là sau khi hội nghị G-20 kết thúc.
Lí do đưa ra là bởi hội nghị G-20 sẽ được tổ chức ở Hàng Châu, Trung Quốc vào tháng sau và ổn định khu vực vẫn là chủ đề chính giữa những nhà lãnh đạo thế giới, Trung Quốc sẽ chưa vội ra tay với kế hoạch phi pháp của mình, bài báo viết.
Tác giả Harry Kazianis từ trang tin nổi tiếng National Interest cũng viết: “Tôi cho rằng Trung Quốc muốn cải thiện vị thế siêu cường của mình và nhấn mạnh rằng nước này đủ lớn để các quốc gia khác không nên gây hấn. Trung Quốc sẽ phát ngôn gây sốc nhưng không leo thang quân sự trong thời điểm hiện tại. Phải đợi sau khi G-20 kết thúc, Trung Quốc mới tung đòn quyết định chứ chẳng dại gì mất mặt khi thực hiện hành động bồi lấp trái phép của mình”.
Video đang HOT
Thành Đô 10, một mẫu tiêm kích đa nhiệm vụ của Trung Quốc sản xuất, được cho là sẽ có mặt trái phép ở Biển Đông.
Tính thời điểm theo tác giả Harry là rất quan trọng, đặc biệt khi Mỹ xao nhãng vấn đề Biển Đông để tập trung vào việc tìm người đứng đầu nước Mỹ. Lúc đó, truyền thông thế giới sẽ tập trung vào cuộc chiến Donald Trump – Hillary Clinton thay vì để tâm tới châu Á.
Với hành động điều lượng lớn tàu chiến và máy bay tới bãi cạn Scarborough trong thời gian qua, có thể thấy Trung Quốc đánh động rằng nước này chuẩn bị ra tay mạnh hơn trong tương lai gần.
Chưa kể hành động cử người đại diện Philippines là cựu Tổng thống Fidel Ramos tới Hong Kong để “phá băng”, có thể thấy rằng chính quyền Manila đang chịu sức ép đẩy nhanh đàm phán và đồng ý với một thỏa thuận dựa trên các điều kiện của Trung Quốc.
Theo Quang Minh – NI (Dân Việt)
Quan hệ TQ-Singapore xấu đi vì Biển Đông dậy sóng
Bất chấp quan hệ kinh tế tốt đẹp vài thập niên qua, gần đây Trung Quốc không vui khi nhận được quan điểm "trái chiều" của Singapore về vấn đề Biển Đông.
Mỹ coi Singapore là "cái neo" quan trọng ở châu Á-Thái Bình Dương.
Sự nghi ngờ đang dâng cao trong mối quan hệ Trung Quốc-Singapore sau phán quyết vụ kiện Biển Đông lịch sử hôm 12.7. Theo giới quan sát, dù Singapore không phải là nước có tranh chấp ở Biển Đông nhưng động thái gần đây của chính quyền nước này đã làm Bắc Kinh không vui.
Trung Quốc và Singapore có mối quan hệ hết sức gần gũi, đặc biệt là về kinh tế trong vài thập niên qua. Singapore đã trở thành một điểm đến ưa thích của các quan chức Trung Quốc để học hỏi cách quản lý một thành phố hiệu quả.
Gần đây, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã làm Bắc Kinh lo ngại sau vụ kiện Biển Đông lịch sử. Ông Lý khẳng định phán quyết là "một sự khẳng định mạnh mẽ" của luật pháp quốc tế với khu vực tranh chấp.
Quan hệ Singapore-Bắc Kinh hiện nay đang trong tình cảnh "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt".
Bắc Kinh yêu cầu Singapore có một "quan điểm công bằng và khách quan hơn" trong bối cảnh nước này là điều phối viên quan hệ giữa Trung Quốc và cộng đồng ASEAN.
Shen Shishun, nhà nghiên cứu cao cấp của Học viện Nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương của Trung Quốc nói nếu Singapore trùng quan điểm với Mỹ, Trung Quốc sẽ coi rằng quốc gia này "đang đùa với lửa".
Shen nói: "Trung Quốc cho rằng Singapore có thể là cầu nối giữa các nước lớn nhưng tốt nhất không nên dính dáng tới các vấn đề khác. Là một quốc gia châu Á, Singapore nên gần gũi hơn với Trung Quốc".
Căng thẳng cũng xuất hiện đầu tháng 8 khi ông Lý nói với Tổng thống Barack Obama rằng Singapore hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục can thiệp tích cực hơn ở Biển Đông. Obama đáp lời bằng tuyên bố Singapore-Mỹ là một "đồng minh rắn như đá".
Thời báo Hoàn cầu, một chuyên san của Nhân dân Nhật báo có bài xã luận nói rằng chuyến thăm của ông Lý Hiển Long tới Mỹ khiến nhiều quan chức Trung Quốc "ngứa mắt", nhất là khi Obama khen Singapore là "cái neo của Mỹ" ở châu Á. Trước đây, hai "cái neo" thường được ám chỉ ở khu vực này là Australia và Nhật Bản.
Oh Ei Sun, một học giả ở Viện Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam tại Singapore nói rằng nước này có quan điểm trùng với những quốc gia khác trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.
"Hầu hết chúng tôi xem phán quyết Biển Đông là một công cụ hiệu quả và hữu hiệu để giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế. Chúng tôi thấy không có vấn đề gì nếu một lãnh đạo quốc gia đồng tình với quan điểm này", Oh Ei Sun nói.
Du Jifeng, chuyên gia các vấn đề Đông Nam Á ở Học viện Xã hội Nhân văn Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh sẽ cảnh giác hơn vai trò của Singapore trong mối quan hệ chiến lược với Mỹ ở châu Á- Thái Bình Dương. Tuy nhiên, quan hệ kinh tế giữa Singapore và Trung Quốc sẽ vẫn phải tiếp tục duy trì.
Theo Quang Minh - SCMP (Dân Việt)
Vì sao ông Obama bất ngờ nói về phán quyết Biển Đông? Trước chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Singapore, Tổng thống Mỹ Barack Obama yêu cầu Trung Quốc giải quyết bất đồng sau phán quyết. Hôm nay, trả lời phỏng vấn báo The Straits Times qua email trước thềm chuyến thăm của lãnh đạo Singapore, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhắc lại lời kêu gọi Trung Quốc và các bên yêu sách khác ở...