Trung Quốc sẽ không để Triều Tiên manh động
Trung Quốc đang dần điều chỉnh chính sách với Triều Tiên theo nguyên tắc vẫn ủng hộ Triều Tiên nhưng sẽ không để Triều Tiên manh động vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Nghị quyết trừng phạt chưa từng có
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua nghị quyết mới với nội dung và mục đích là mở rộng phạm vi và tăng thêm mức độ quyết liệt những biện pháp trừng phạt Triều Tiên. Đây là nghị quyết thứ 5 của HĐBA LHQ về Triều Tiên kể từ khi nước này tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân đầu tiên vào năm 2006 và được đánh giá là có phạm vi áp dụng sâu rộng chưa từng thấy và mức độ quyết liệt chưa từng thấy. Ngay sau đó, EU gia tăng mức độ trừng phạt Triều Tiên, rồi Hàn Quốc đã tiếp theo sau. Tiếp đó, Philippines đã bắt giữ con tàu của Triều Tiên ở cảng Subic để các thanh sát viên của LHQ đến kiểm tra.
Triều Tiên hứng chịu một lệnh trừng phạt khắt khe nhất từ trước tới nay. Ảnh: I.T
Trung Quốc và Nga không thể không hậm hực khi Mỹ vừa tranh thủ và lôi kéo họ để có được nghị quyết mới của HĐBA LHQ về Triều Tiên lại cùng Hàn Quốc bàn tính bước đi mới là đàm phán về triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Phản ứng và đối phó của Triều Tiên cũng khác hẳn những lần trước đó về mức độ. Triều Tiên ngay lập tức bác bỏ nghị quyết và tiếp tục phóng thử tên lửa tầm ngắn, đặt lực lượng vũ khí hạt nhân vào tình trạng sẵn sàng đánh đòn phủ đầu. Cách phản ứng và đối phó như trên của Triều Tiên đã khiến ngay đến cả Trung Quốc và Nga vốn là những nước thường xuyên hậu thuẫn Triều Tiên trong HĐBA LHQ và Trung Quốc còn là đồng minh và đối tác chiến lược quan trọng nhất và duy nhất của Triều Tiên cũng phải cho rằng Triều Tiên chưa nhận ra hoặc cố tình bất chấp một thực tế là tình thế đã trở nên khó khăn phức tạp đối với nước này hơn rất nhiều so với trước.
Ủng hộ nhưng không dung túng
Mới đây nhất, Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu tiến hành đàm phán về triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc. Một khi Mỹ và Hàn Quốc thực thi dự định này thì chuyện hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ vốn bị Trung Quốc và Nga kịch liệt phản đối sẽ lôi kéo theo cả nhiều đồng minh chiến lược khác nữa của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương như Nhật Bản hay Philippines tham gia. Chuyện chiến tranh hay hoà bình giữa Triều Tiên và một số nước dây mơ rễ má liên đới sang cả những chuyện chính trị an ninh và địa chính trị khác nữa ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Tình thế mới đã định hình đối với các bên liên quan. Xem ra, Triều Tiên gặp nhiều khó khăn mới nhất và công thức ứng xử của Triều Tiên vẫn không khác trước về bản chất và chỉ gia tăng thêm về mức độ. Giữa Triều Tiên và Trung Quốc không chỉ thêm khó xử mà còn thêm cả nhạy cảm. Rõ ràng, Trung Quốc đang dần điều chỉnh chính sách với Triều Tiên theo hướng trong nguyên tắc vẫn đứng về phía Triều Tiên nhưng trên thực tế sẽ không để Triều Tiên manh động làm những việc ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của Trung Quốc về mọi phương diện ở khu vực.
Cuộc chơi mới đang manh nha ở khu vực Đông Bắc Á bởi cục diện chính trị và quân sự ở đây đã khác trước, bởi đã hình thành những cấp độ và hình thức tập hợp lực lượng mới, và bởi thực chất bây giờ đâu chỉ xoay quanh có mỗi vấn đề chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Theo Danviet