“Trung Quốc sẽ hiện đại hóa toàn diện quân đội sau duyệt binh”
Báo giới Hồng Kông tiết lộ Trung Quốc sẽ công bố một bản kế hoạch tham vọng, cải tổ toàn diện lực lượng quân đội theo hướng nhỏ gọn hơn, hiện đại hơn để sánh ngang tầm các quân đội mạnh nhất phương Tây.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mong muốn đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội (Ảnh: Xinhua)
Thông tin được tờ Bưu điện Hoa nam buổi sáng của Hồng Kông đăng tải, dẫn lời các chuyên gia và nguồn tin từ đại lục.
Theo đó, Chủ tịch Tập Cận Bình, người đồng thời là tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Trung Quốc, có thể nhân lúc tinh thần xã hội lên cao sau cuộc duyệt binh hoành tráng ngày 3/9 để công bố bản kế hoạch cải tổ mạnh mẽ này.
“Nhiều quan chức của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đang kỳ vọng sẽ có những công bố quan trọng sau cuộc duyệt binh”, chuyên gia hải quân Li Jie tại Bắc Kinh cho biết.
“Các cuộc duyệt binh như sắp diễn ra luôn kích thích tinh thần và chủ nghĩa ái quốc. Nó sẽ giúp ông Tập có cơ hội tốt để công bố những kế hoạch tham vọng của mình để cải tổ PLA thành một quân đội thực sự hiện đại, có khả năng chiến thắng trong các cuộc chiến”, vị chuyên gia nhận định.
Nhiều năm qua, lãnh đạo quân đội Trung Quốc đã có những bàn luận mạnh mẽ về cách thức thay đổi cấu trúc tổ chức thời Liên Xô cũ sang một hệ thống mới, với khả năng thích ứng đủ để đáp ứng yêu cầu ngày một cao của chiến tranh hiện đại. Cấu trúc mới sẽ nâng cao khả năng giám sát và kiểm tra để ngăn ngừa tham nhũng, vốn đã làm giảm nhuệ khí trong quân đội và thui chột năng lực chiến đấu.
Một số nguồn tin cho biết ông Tập đã chủ ý bài trừ những thành phần tham nhũng trong quân đội trước khi công bố kế hoạch cải tổ, với hy vọng khôi phục căn bản sức sống trong PLA. Trong hai năm qua, hai cựu phó chủ tịch Quân ủy trung ương – Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng – đã bị “đả” với cáo buộc tham nhũng.
Với việc hai vị quan tham này cùng các tay chân bị loại trừ, ông Tập giờ đã sẵn sàng triển khai kế hoạch của mình.
Hiện đang có những đề xuất trái ngược về cách thức cải tổ PLA, và sẽ phải mất nhiều năm để triển khai đầy đủ các đề xuất này. Nhưng các lãnh đạo hàng đầu đều thống nhất về định hướng chung, các nguồn tin cho biết.
Về cơ bản, quy mô của PLA sẽ được thu gọn, với trọng tâm được dịch chuyển nhiều hơn sang phía hải quân và không quân. Cấu trúc truyền thống với ưu tiên dành cho lục quân sẽ được thay đổi theo mô hình phương Tây, trong đó các lực lượng hải, lục và không quân đều được đầu tư như nhau.
Video đang HOT
Trong số nhiều đề xuất được trình lên lãnh đạo Trung Quốc có một kiến nghị phải cải tổ toàn diện cấu trúc chỉ huy của PLA. Hiện chưa rõ ông Tập sẽ chọn đề xuất nào, hay sẽ kết hợp các đề xuất.
Theo bản đề xuất toàn diện của các cố vấn quân sự mà Bưu điện Hoa nam buổi sáng có được, quy mô của PLA và cảnh sát vũ trang sẽ được giảm từ mức 3 triệu quân xuống còn 2 triệu quân. 7 bộ tư lệnh quân đội sẽ được tổ chức lại thành 4 vùng chiến lược. Cấp bậc của các tư lệnh địa phương sẽ bị hạ xuống để giảm bớt ảnh hưởng chính trị.
Các chuyên gia quân sự từng nghiên cứu đề xuất này nhận định đây là “kế hoạch cải tổ mạnh mẽ nhất và tham vọng nhất” trong lịch sử Trung Quốc hiện đại.
“Trong số các tướng lĩnh hàng đầu là thành viên Quân ủy trung ương, 8 người xuất thân từ lục quân trong khi chỉ có 2 của không quân và hải quân”, một thượng tá về hưu tại Thượng Hải cho biết. “Đây chính là hệ quả của hệ thống kiểu cũ, thiên về lục quân. Hầu như mọi cơ hội để thăng tiến đều nằm trong tay các bộ chỉ huy quân sự”.
Bản kế hoạch cũng đề xuất tăng cường quyền lực cho Bộ quốc phòng. Tổng cục chính trị, phụ trách tư tưởng và cất nhắc sỹ quan, và tổng cục hầu cần và khí tài được đề xuất sáp nhập về bộ này. Lực lượng cảnh sát vũ trang sẽ được đổi tên thành Vệ binh quốc gia và tập trung vào nhiệm vụ chống khủng bố, giảm trừ thiên tai và bảo vệ an ninh nội địa.
“Đó là một bản kế hoạch khả thi nhưng rất quyết liệt và sẽ là thách thức lớn cho PLA trong quá trình triển khai”, một nguồn tin thân cận với Bộ chỉ huy quân khu Quảng Châu cho biết.
Theo trang tin IBTimes, Chủ tịch nước Tập Cận Bình sẽ tiến hành cải cách toàn diện lực lượng chỉ huy quân đội nước này, gần với mô hình tác chiến quân đội Mỹ.
Trong lần cải cách này, lực lượng bộ binh, hải quân, không quân và các lữ đoàn tên lửa Trung Quốc sẽ đặt dưới sự chỉ huy hợp nhất của một cơ quan tác chiến. Đồng thời, vai trò của hải quân và không quân sẽ được chú trọng.
Kế hoạch trên được đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra lần đầu tiên vào năm 2013. Tuy nhiên, kế hoạch đã bị trì hoãn nhiều tháng do ông Tập tập trung vào chiến dịch chống tham nhũng.
Quân đội Trung Quốc tháng trước đã bắt đầu áp dụng mô hình chỉ huy hợp nhất trong một loạt cuộc tập trận quy mô lớn, các nguồn tin cho hay. Trong báo cáo trình lên Quốc hội Mỹ hồi tháng 5, Lầu Năm Góc đã cảnh báo Trung Quốc sẽ áp dụng mô hình chỉ huy hợp nhất và đây là thay đổi lớn nhất trong quân đội Trung Quốc từ năm 1949.
Lần cải cách này diễn ra trong bối cảnh cường quốc châu Á đang tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng quân sự cả trên biển và trên không. Việc Trung Quốc tăng cường bồi đắp và xây đảo nhân tạo ở Biển Đông đã khiến quan hệ ngoại giao với các quốc gia láng giềng bị rạn nứt và vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ Washington.
Sách Trắng quốc phòng Trung Quốc đưa ra hồi tháng 5 đã nhấn mạnh tới việc tăng cường vai trò chủ động tác chiến, cáo buộc các quốc gia khác trong việc tăng cường sự hiện diện quân đội trên Biển Đông, đặc biệt là quân đội Mỹ và các nước đồng minh tại châu Á, cũng như đề cập tới nỗ lực gần đây của Nhật Bản nhằm gia tăng vai trò của quân đội.
Thanh Tùng-Vũ Duy
Theo SCMP
Trung Quốc sẽ cải tổ quân đội theo mô hình giống Mỹ
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tiến hành một cuộc đại cải tổ quân đội nhằm tăng sức mạnh cho hải quân và không quân để đối phó với các cường quốc khác trong bối cảnh thế giới có nhiều biến đổi hiện nay.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama duyệt đội danh dự khi thăm Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Ông Tập Cận Bình được cho là sẽ tuyên bố kế hoạch này nhân dịp Trung Quốc tổ chức buổi duyệt binh qui mô lớn vào ngày 3.9 nhân kỷ niệm ngày Chiến thắng cũng là kết thúc Thế chiến II, hãng Bloomberg cho hay hôm 31.8.
Bloomberg dẫn một nguồn tin uy tín cho biết, kế hoạch này có ý nghĩa đối với Trung Quốc. Theo đó Bắc Kinh sẽ liên kết các lực lượng bộ binh, hải quân, không quân và binh đoàn tên lửa chiến lược dưới quyền chỉ huy của một bộ tư lệnh. Việc sắp xếp này sẽ cắt giảm lực lượng bộ binh truyền thống nhưng lại nâng cao vai trò của hải quân và không quân. Theo Bloomberg, nếu việc cải tổ theo hướng như nguồn tin cung cấp, mô hình quân đội của Trung Quốc sẽ giống cấu trúc tư lệnh liên quân của Mỹ.
Trong kế hoạch này, Trung Quốc sẽ giảm từ 7 quân khu xuống còn 4 quân khu, theo Bloomberg. Đây được xem là cuộc cải tổ lớn nhất của quân đội Trung Quốc trong vòng 30 năm qua. Cuộc cải tổ trước đó vào năm 1985 do ông Đăng Tiểu Bình khởi xưởng đã giảm từ 11 xuống còn 7 quân khu như hiện nay và cắt giảm 1 triệu binh lính lúc bấy giờ.
Thời điểm chín muồi
Quân đội Trung Quốc sẽ được cải tổ - Ảnh: Bloomberg
Kế hoạch cải tổ được ông Tập Cận Bình ấp ủ từ lâu với mục tiêu quân đội Trung Quốc có thể "chiến đấu và chiến thắng trong mọi cuộc chiến tranh hiện đại". Tuy nhiên, nó đã bị trì hoãn để nhường cho kế hoạch truy quét tham nhũng làm trong sạch quân đội. Hàng chục tướng lĩnh đương chức và nghỉ hưu đang bị điều tra vì những bê bối liên quan đến tham nhũng. Trong số này có tướng Quách Bà Hùng, cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc.
Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình nhắm vào các tướng lĩnh cũng nhằm mục đích tăng uy lực cho ông trong quân đội và để kế hoạch cải tổ dễ dàng được thực hiện thành công, Bloomberg dẫn nhận định của đại tá về hưu Yue Gang, cựu sĩ quan của Bộ Tổng tham mưu quân đội Trung Quốc.
"Bây giờ, thế lực của ông ấy đã đủ mạnh để thực hiện mục tiêu cải tổ quân đội và lập một lộ trình tranh đua với (quân đội) Mỹ", ông Yue Gang phát biểu với Bloomberg.
Kế hoạch thành lập bộ tư lệnh liên quân được đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra hồi tháng 11.2013 ở cả 2 cấp vùng và quốc gia. Cấu trúc này là cần thiết để nâng cao khả năng liên lạc và phối hợp giữa các lực lượng và cho phép lực lượng bộ binh có thể nhanh chóng chuyển thành lực lượng tác chiến ở vùng duyên hải.
Không quân và hải quân sẽ là lực lượng nòng cốt của quân đội Trung Quốc - Ảnh minh họa: AFP
Kế hoạch cũng sẽ sáp nhập 2 tổng cục hậu cận và vũ khí thành một. Và Bộ Quốc phòng chỉ đảm nhận nhiệm vụ hành chính và quan hệ ngoại giao, trong khi những quân nhân không trực tiếp chiến đấu và viện quân sự sẽ bị giảm thiểu.
Mất nhiều năm để triển khai
Thực ra, theo Bloomberg, quân đội Trung Quốc đã thử nghiệm mô hình liên quân trong các cuộc tập huấn bắt đầu từ tháng trước. Theo số liệu hiếm hoi được Bắc Kinh công bố, bộ binh nước này có khoảng 850.000 quân, không quân có 398.000 quân và hải quân có 235.000 quân. Tuy nhiên, con số này là thống kê của năm 2013, chưa có số liệu của năm 2014 hay hiện nay.
Phillip Saunders, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quân sự Trung Quốc thuộc Đại học Quốc phòng (National Defense University) ở Washington, Mỹ nhận định việc chồng chéo giữa các lực lượng hiện nay là một nhược điểm khi Trung Quốc triển khai tác chiến.
"Việc thành lập bộ tư lệnh liên quân và có cơ chế kiểm soát sẽ giúp khắc phục nhược điểm trên. Tuy nhiên, một khi Mỹ mất nhiều năm để có thể phối hợp giữa các lực lượng và thực hiện triển khai tác chiến, thì quân đội Trung Quốc sẽ phải mất nhiều năm hơn thế", ông Saunders kết luận.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Trung Quốc: Xôn xao bút tích của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân bị gỡ bỏ Giới chức Trung Quốc ngày 31/8 đã lên tiếng bác bỏ tin đồn việc một tảng đá lớn mang bút tích của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân đặt trước trường đảng trung ương bị di dời là dấu hiệu về "đấu đá quyền lực" trong nội bộ. Một bức ảnh chụp khu vực đặt tảng đá có bút tích của ông Giang...