Trung Quốc sẽ giúp Nga theo cách nào?
Theo mạng tin “ Nhà Ngoại giao” ngày 14/3, việc Trung Quốc tăng cường trợ giúp những quốc gia gặp khó khăn về tài chính là một phần trong ý đồ của Bắc Kinh nhằm đưa Trung Quốc “can dự nhiều hơn với thế giới”.
Và việc Trung Quốc ra tay giúp Nga sẽ là một “mắt xích” trong vành đai cứu trợ tài chính của Trung Quốc. Tuy nhiên, sự hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc đối với Nga dù đã được tăng cường song vẫn còn hạn chế và chủ yếu được thực hiện một cách gián tiếp.
Các khoản cho vay và hoạt động nhập khẩu tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc đã mang lại cho Nga một số lợi thế đáng kể về kinh tế. Kim ngạch nhập khẩu của nước này từ Nga đã tăng mạnh. Ngoài ra, Bắc Kinh còn hứa hẹn với Moskva về các dự án hạ tầng và những thỏa thuận dài hạn. Một số ngân hàng của Trung Quốc – trong đó có Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, Ngân hàng Cáp Nhĩ Tân, Công ty Bảo hiểm xuất khẩu và tín dụng Trung Quốc, Tập đoàn đầu tư tài chính chiến lược Trung Quốc – đã đồng ý cho các ngân hàng Nga vay 13,8 tỷ USD. Trung Quốc thậm chí đã đồng ý gánh vác phần lớn trong dự án xây dựng đường sắt cao tốc trị giá 242 tỷ USD giữa Bắc Kinh và Moskva.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: scmp.com)
Tại Hội nghị Thượng đỉnh về Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương ở Bắc Kinh hồi cuối tháng 11/2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng “chúng ta đã cùng nhau vun đắp cho “cây quan hệ” Nga-Trung. Mùa thu đã tới, giờ là lúc thu hoạch, giờ là lúc chúng ta hái quả”.
Theo nghiên cứu của Tập đoàn Nomura Holdings, Trung Quốc đã ký với Nga hai thỏa thuận về khí đốt, có thể cung cấp tới 17% nhu cầu về khí đốt của Trung Quốc vào năm 2020. Tuy nhiên, bất kể những khoản tín dụng, những thỏa thuận lớn về năng lượng và những đóng góp đáng kể vào thương mại của Nga, sự hỗ trợ của Trung Quốc sẽ không đủ để cứu nền kinh tế Nga. Hiện nay, phần đóng góp của Trung Quốc vào nền kinh tế Nga còn rất nhỏ so với phần đóng góp của Liên minh châu Âu (EU), với đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 75% tổng lượng vốn huy động của Nga. Các nguồn tài chính đáng kể từ Trung Quốc cũng chưa đạt 10% trong tổng số 265 tỷ USD tín dụng và trái phiếu mà Nga cần phải trả.
Hơn nữa, ngay cả khi Trung Quốc có thể cung cấp cho Nga một khoản tín dụng đáng kể trong trường hợp xảy ra khủng hoảng thì Trung Quốc vẫn không thể đáp ứng các nhu cầu của Nga trong lĩnh vực công nghệ năng lượng. Nga cung cấp cho Trung Quốc gần 1/3 lượng khí đốt mà họ xuất khẩu ra toàn thế giới, song Nga vẫn phải phụ thuộc vào công nghệ khai thác của phương Tây – những công nghệ được đánh giá là rất cần thiết đối với nền kinh tế Nga. Trung Quốc có sức mạnh về tài chính, nhưng họ không có công nghệ tiên tiến cần thiết để có thể khai thác năng lượng tại những khu vực giàu năng lượng nhưng khắc nghiệt về điều kiện tự nhiên như Bắc Cực và Đông Siberia.
Video đang HOT
Cho đến nay, Trung Quốc mới chỉ thể hiện những cử chỉ nhỏ thông qua các cơ quan chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước. Một gói cứu trợ đáng kể vẫn chưa được cam kết. Ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Tổng thống Vladimir Putin, cho biết: “Nga chưa chính thức đàm phán với Trung Quốc về bất kỳ sự trợ giúp tài chính lớn nào”.
Bên cạnh đó, sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Nga về mặt chính trị – đáng chú ý là trong những vấn đề liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine – vẫn còn thận trọng. Đây có thể là một lập trường có tính toán của Bắc Kinh bởi Trung Quốc không thể hy sinh mối quan hệ của họ với phương Tây chỉ vì Nga.
Nhiều khả năng, Trung Quốc sẽ cung cấp cho Nga một gói cứu trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua một thỏa thuận tại Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, được thành lập vào năm 2001 giữa Nga, Trung Quốc và các quốc gia khác thuộc Liên Xô trước đây. Và gói cứu trợ này có thể sẽ xuất phát từ Ngân hàng Phát triển mới, còn được gọi là Ngân hàng Phát triển BRICS. Trung Quốc sẽ tránh đầu tư trực tiếp vào Nga bởi hành động này có thể gây ra hậu quả trên quy mô quốc tế. Thay vào đó, Trung Quốc sẽ sử dụng các phương pháp gián tiếp để giúp đỡ Nga, bởi họ không muốn gây căng thẳng với phương Tây.
Theo TTK/baotintuc.vn
Sức đề kháng bất ngờ của kinh tế Nga
Theo đánh giá của báo Pháp "Le Monde" số ra ngày 4/3, nước Nga đã tránh được suy thoái và kịp rút ra bài học từ những cuộc khủng hoảng trước đây, bất chấp việc các hoạt động kinh tế vẫn tiếp tục bị đóng băng.
"Le Monde" dẫn đánh giá của Natalia Orlova - nhà kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Alfa - cho rằng bất chấp lệnh trừng phạt từ phương Tây và các biện pháp trả đũa do Moskva đưa ra khiến cho nhập khẩu hàng hóa giảm tới 40%, Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) của Nga vẫn tiếp tục tăng trưởng 0,6% trong năm 2014. Điều này cho thấy nền kinh tế nước này đã chứng tỏ có sức bền và khả năng kháng cự khá tốt.
Tuy vậy, triển vọng không thực sự sáng sủa vào năm 2015, với dự báo nước Nga khó tránh khỏi suy thoái và GDP có thể giảm từ 2% đến 3%. Chuyên gia kinh tế Nga nhận xét: "Mức độ đi xuống này thấp hơn nhiều so với thời kỳ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1998 (-5,3%) và năm 2009 (-7,8%), nhưng đủ để người dân Nga cảm thấy rằng họ còn khá lâu mới quay trở lại giai đoạn tăng trưởng khoảng 4%/năm như trước đây".
Cơ sở khai thác dầu LUKOIL của Nga tại mỏ dầu Korchagin ở biển Caspie (Ảnh: AFP-TTXVN)
Phát biểu tại một cuộc hội thảo về kinh tế Nga tổ chức tại Paris ngày 2/3, bà Natalia Orlova cho rằng các dự báo về sự co lại của nền kinh tế này được đưa ra gần đây tương đối khiêm tốn, khác với giai đoạn 2009. Mối đe dọa lớn nhất đối với nước Nga, vốn là một trong những đầu tàu phát triển mạnh nhất trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi lớn (BRICS), gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, từ nay chính là tình trạng kinh tế trì trệ.
Trong một bài viết trên tạp chí của Ngân hàng Trung ương Phần Lan (Bofit) gần đây, hai chuyên gia kinh tế Alexey Kudrin và Evsey Gurvich đã nhắc lại nước Nga đã trải qua giai đoạn phát triển nhanh từ năm 1998-2008, trong đó GDP đã tăng tới 83%, năng suất lao động tăng 70%, chi đầu tư tăng gấp đôi...
Từ năm 2000-2008, GDP của Nga tăng bình quân 6,9% hàng năm, trước khi giảm xuống còn trên dưới 1% từ năm 2009-2013. Song song với dòng ngoại tệ khá lớn chảy vào, một phần lớn do nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt, trong giai đoạn sau này nước Nga cũng chứng kiến sự ra đi của nguồn vốn ước tính lên tới 285 tỷ USD từ năm 2009-2013.
Bất chấp sự thay đổi đáng kể của bức tranh kinh tế Nga, thu nhập từ lương tiếp tục tăng trong năm 2014. Bà Orlova nhận định việc người Nga có sở thích mua sắm là điều khá rõ ràng, nhưng tình trạng lạm phát cao có khả năng đe dọa mô hình kinh tế nội địa được thúc đẩy bởi chi tiêu của các hộ gia đình. Theo hai chuyên gia Kudrin và Gurvich, đó chỉ là sự "nhập khẩu tăng trưởng" nhờ nguồn thu nhập từ dầu khí. Giá tiêu dùng đã tăng 11,4% trong tháng 12/2014 và tăng 16% hiện nay.
Tổng thống Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn đầu tư "Nước Nga kêu gọi" ở Moskva cuối năm 2014, trong đó ông nhấn mạnh kinh tế Nga vẫn phát triển ổn định (Ảnh: THX-TTXVN)
Lạm phát vẫn khá cao một phần do nguồn cung thiếu. Nga không còn khả năng sản xuất thêm, do đó không có khả năng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Nước này cũng đang rơi vào tình trạng thiếu nhân lực do dân số giảm rất nhanh. Năm 1989, có 44 triệu người dưới 20 tuổi, nhưng con số này giảm xuống chỉ còn 30 triệu người vào năm 2012.
Hơn nữa, áp lực lên tỷ giá của tất cả các nền kinh tế mới nổi, có liên quan với sự thay đổi chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), không thể giúp cho Ngân hàng Trung ương Nga đưa lạm phát quay trở lại đúng đường ray mong muốn (4-4,5%).
Bà Orlova nói: "Nền kinh tế gần như bị đóng băng. Tình trạng trì trệ có thể kéo dài. Đầu tư ít thường liên quan đến chất lượng môi trường kinh doanh và thể chế: Nga bị coi là chưa bảo vệ đầy đủ quyền sở hữu, có nhiều lỗ hổng về luật pháp, nạn tham nhũng, quan liêu". Theo chuyên gia kinh tế Tania Sollogoub của Ngân hàng Crédit Agricole, Pháp, năm 2012, khi phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng chậm lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiến hành tự do hóa nền kinh tế.
Tuy nhiên, ông đã lựa chọn mô hình tư bản nhà nước và tập trung hết quyền lực vào trong tay. Điều này đã không có lợi để thúc đẩy đầu tư. Từ hai năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài liên tục than phiền về tham nhũng. Họ cũng lo ngại về nguy cơ can thiệp quá lớn của Nhà nước.
Thực tế nước Nga vẫn có rất nhiều thế mạnh. Moskva đã rút ra bài học từ các cuộc khủng hoảng tỷ giá lần trước. Chính sách tiền tệ tương đối cân bằng và tỷ lệ nợ nước ngoài thấp, mặc dù giá dầu giảm mạnh gần đây. Thế nhưng sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu khí vẫn rất lớn.
Bà Orlova nói: "Với chế độ tỷ giá cố định, ngân sách của Nga chỉ cân bằng nếu như giá dầu lên tới 110 USD/thùng. Khi đồng ruble thả nổi, ngân sách có thể cân bằng với giá dầu ở mức 70 USD/thùng". Mặc dù Nga chưa tỏ ra thiếu khả năng đối phó với các biến động lớn từ bên ngoài, nhưng nguy cơ vẫn rất lớn. Dòng vốn chảy khỏi nền kinh tế ra nước ngoài đã tăng gấp đôi trong hai năm nay, có thể lên tới 20 tỷ USD. Nhiều nhà kinh tế cho rằng vấn đề kiểm soát dòng vốn có thể sẽ lại được đề cập đến trong thời gian tới.
Theo TTK
Báo Tin tức
Mọi toan tính gây sức ép lên Tổng thống Putin đều vô ích Hãng thông tấn RIA Novosti ngày 2/3 dẫn tuyên bố của Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov nêu rõ mọi cố gắng gây áp lực lên Tổng thống Nga Vladimir Putin hòng làm ông thay đổi lập trường đều hoàn toàn vô ích. Các biện pháp trừng phạt từ phía Mỹ và phương Tây chưa hề làm lung...