Trung Quốc sắp thảo luận chi tiết luật an ninh Hong Kong
Cơ quan lập pháp hàng đầu Trung Quốc sẽ thảo luận dự thảo luật an ninh Hong Kong trong tuần này, trong đó nêu rõ 4 hành vi bị cấm.
Dự thảo hôm nay được đệ trình lên Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (NPC), tức quốc hội Trung Quốc, sau khi quốc hội bỏ phiếu thông qua nghị quyết xây dựng luật an ninh Hong Kong hồi cuối tháng 5. Ủy ban Thường vụ, cơ quan ra quyết sách hàng đầu của Trung Quốc, sẽ họp và thảo luận vào ngày 20/6.
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua cho biết dự thảo “nêu rõ” 4 hành vi bị cấm, gồm ly khai, lật đổ chính quyền, hành động khủng bố và thông đồng với các lực lượng nước ngoài, bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh, cũng như các biện pháp xử phạt hình sự đối với những tội danh này.
Dự thảo luật an ninh Hong Kong trước đó không được đưa vào chương trình nghị sự trong phiên họp lần này của Ủy ban Thường vụ.
Video đang HOT
Người Hong Kong biểu tình phản đối dự luật an ninh hôm 25/5. Ảnh: Reuters.
Ngôn ngữ trong dự thảo dường như đã trở nên cứng rắn hơn bản đề xuất được đưa ra tại kỳ họp quốc hội tháng trước, hình sự hóa “việc thông đồng với các lực lượng nước ngoài và bên ngoài” thay vì “sự can thiệp của nước ngoài và bên ngoài vào các vấn đề Hong Kong”.
Hong Kong năm ngoái đã bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng để phản đối dự luật dẫn độ cho phép đưa nghi phạm tới xét xử tại những khu vực thành phố chưa có hiệp ước dẫn độ, gồm Trung Quốc đại lục. Sau khi chính quyền hủy bỏ dự luật, hàng nghìn người vẫn biểu tình để yêu cầu giới chức đáp ứng các yêu cầu như Trưởng đặc khu Carrie Lam từ chức, mở cuộc điều tra độc lập về hành vi bạo lực của cảnh sát với người biểu tình, miễn tội cho những người bị bắt, rút lại việc coi các cuộc biểu tình là hành vi bạo loạn và khởi động quá trình cải cách chính trị đang bị đình trệ của đặc khu.
Vài ngày trước khi quốc hội Trung Quốc thông qua nghị quyết xây dựng luật an ninh Hong Kong, hàng nghìn người Hong Kong cũng đã xuống đường biểu tình. Cảnh sát sử dụng vòi rồng, hơi cay để giải tán đám đông và bắt hàng trăm người, bao gồm trẻ vị thành niên.
Nhiều người Hong Kong lo ngại luật an ninh mới có thể áp dụng hồi tố và khiến những người bị truy tố trong các cuộc biểu tình năm ngoái chịu bản án nặng hơn theo luật mới. Giới chức Bắc Kinh và Hong Kong liên tục khẳng định luật sẽ tập trung vào những “kẻ gây rối” đe dọa tới an ninh quốc gia và người dân Hong Kong không có lý do gì để lo lắng về nó.
Ngoại trưởng các nước G7 hôm 17/6 ra tuyên bố chung, kêu gọi Trung Quốc xem xét lại luật an ninh Hong Kong và bày tỏ “quan ngại sâu sắc” rằng luật này có thể sẽ đe dọa các quyền và sự tự do của đặc khu Hong Kong. Trung Quốc cho biết họ “kiên quyết phản đối” ý kiến từ các ngoại trưởng G7 và khẳng định “quyết tâm” thực thi luật pháp của Bắc Kinh “không hề nao núng”.
G7 'mạnh mẽ kêu gọi' Trung Quốc nghĩ lại về luật an ninh cho Hong Kong
Ngoại trưởng các nước G7 ngày 17/6 ra tuyên bố kêu gọi Trung Quốc cân nhắc lại luật an ninh cho Hong Kong, giữa lúc các quan chức cao cấp Mỹ - Trung đang có cuộc gặp.
"Chúng tôi mạnh mẽ kêu gọi Trung Quốc xem xét lại quyết định", các ngoại trưởng G7 cho biết trong tuyên bố ngay trước khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đối thoại với quan chức cao cấp Trung Quốc Dương Khí Trì ở Hawaii, theo AFP.
Ông Dương nguyên là bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, hiện là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương.
Các ngoại trưởng G7 cho biết có "lo ngại sâu sắc" về luật an ninh mà Trung Quốc đang soạn thảo cho Hong Kong. Bắc Kinh vốn hứa hẹn cho Hong Kong sự tự trị, theo chủ trương "một quốc gia, hai chế độ", trước khi Anh trao trả Hong Kong về cho Trung Quốc năm 1997.
Một cuộc biểu tình phản đối luật an ninh tại Hong Kong. Ảnh: AFP.
Luật an ninh sẽ cấm các hoạt động mà phía Bắc Kinh cho là chống đối ở Hong Kong, thành phố đã chứng kiến biểu tình lớn nhiều tháng liền vào năm 2019, theo AFP. Biểu tình cũng bùng phát trở lại sau quyết định ban hành luật an ninh quốc gia.
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa xã cho biết quy tắc một quốc gia, hai chế độ đã "đạt thành công chưa từng có ở Hong Kong", nhưng cũng đem lại "các rủi ro an ninh quốc gia đáng kể".
"Quyết định của Trung Quốc không phù hợp với Luật Cơ bản của Hong Kong và các cam kết quốc tế của Trung Quốc theo nguyên tắc của Tuyên bố chung Trung Quốc - Anh, vốn đã được nộp lên Liên Hợp Quốc và có tính ràng buộc pháp lý", thông cáo của các ngoại trưởng G7 cho biết.
"Chúng tôi cũng rất lo ngại hành động này sẽ tước đi và đe dọa các quyền tự do cơ bản của (người dân Hong Kong) đang được bảo vệ bởi sự thượng tôn pháp luật và một hệ thống tư pháp độc lập", thông cáo nói thêm.
G7 bao gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ.
Tác động của luật an ninh mới tới Hong Kong Luật an ninh do quốc hội Trung Quốc thông qua có thể ảnh hưởng sâu sắc đến hệ thống tư pháp, truyền thông và vị thế thương mại của Hong Kong. Nửa triệu dân Hong Kong hồi năm 2003 xuống đường biểu tình phản đối việc chính quyền đặc khu đề xuất dự luật an ninh theo Điều 23 trong Luật Cơ bản....