Trung Quốc sắp hết cơ hội biện hộ “đường lưỡi bò” phi pháp ở Biển Đông
Thời hạn mà Tòa Trọng tài Thường trực của Liên Hợp Quốc giao cho Trung Quốc để tham gia vụ kiện “đường lưỡi bò” do Philippines khởi xướng sẽ hết vào 15/12.
Thời hạn cuối cùng để Trung Quốc chấp nhận tham gia vụ kiện và giải thích về “đường lưỡi bò” phi lý, phi pháp mà họ đơn phương vạch ra trên Biển Đông trước tòa án quốc tế theo đơn kiện do Philippines đệ trình.
Trước đó, Tòa Trọng tài Thường trực của Liên Hợp Quốc ở The Hague (Hà Lan) đã ra thời hạn cuối cùng cho Trung Quốc trước ngày 15/12 phải đưa ra quyết định có tham gia vụ kiện của Philippines về tính pháp lý của “đường chín đoạn” (hay còn gọi là đường lưỡi bò) mà họ tự tuyên bố trên Biển Đông hay không.
Tàu Hải cảnh Trung Quốc ngăn cản tàu Philippines hoạt động trên Biển Đông
Tuy nhiên, có vẻ như Trung Quốc sẽ vẫn ngang nhiên tiếp tục hoạt động bành trướng của mình trên Biển Đông, bất chấp tòa án và dư luận quốc tế nói gì, và bất chấp cả bản báo cáo gần đây của Mỹ về tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.
Bản báo cáo do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm thứ Sáu tuần trước nhấn mạnh rằng những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông vừa không rõ ràng vừa không nhất quán.
Báo cáo này cho hay ngay cả những tấm bản đồ mà Trung Quốc xuất bản cũng “thiếu sự chính xác, rõ ràng và nhất quán để có thể truyền tải bản chất và phạm vi của tuyên bố chủ quyền trên biển”.
Báo cáo Biển Đông của Bộ Ngoại giao Mỹ kết luận: “Có vẻ như không có luật pháp, tuyên bố hay bất cứ văn bản chính thức nào của Trung Quốc mô tả và thông báo cho cộng đồng quốc tế về tuyên bố chủ quyền của họ đối với vùng biển trong đường 9 đoạn”.
Ngay lập tức, hôm thứ Ba vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã sử dụng những lời lẽ gay gắt để phản đối bản báo cáo Biển Đông của Mỹ.
Video đang HOT
Hoạt động xây đảo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông
Hồng Lỗi tuyên bố: “Mỹ đã vi phạm cam kết không thiên vị và không ngả về bên nào trong vấn đề Biển Đông, và động thái này là không có lợi cho việc giải quyết tranh chấp, giữ gìn hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.
Cho đến nay, mặc dù “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đã bị Philippines kiện ra tòa án quốc tế, song Trung Quốc vẫn kiên quyết không tham gia vụ kiện này khi viện cớ rằng Tòa Trọng tài Thường trực không có quyền phân xử đối với tuyên bố chủ quyền của họ trên Biển Đông.
Song song với đó, Trung Quốc còn đẩy mạnh hoạt động đào đắp, biến một số bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành đảo để xây dựng căn cứ quân sự và đường băng sân bay.
Tiến sĩ Malcolm Davis, giáo sư tại Đại học Bond, Úc nhận định: “Đây là một diễn biến rất đáng lo ngại. Nó đồng nghĩa với việc Trung Quốc chỉ đơn giản là quay sang sử dụng các phương tiện bất hợp pháp để tuyên bố chủ quyền trên vùng lãnh thổ mà họ không kiểm soát”.
Với việc thời hạn cuối cùng mà Tòa Trọng tài Thường trực đưa ra cho Trung Quốc sắp hết, cuộc chiến ngoại giao đối với những tuyên bố và hành động trái luật pháp quốc tế của Trung Quốc đang dần trở thành một vấn đề toàn cầu.
Tàu chiến Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông
Tiến sĩ Davis cho rằng những phản ứng quyết liệt của Mỹ trước các động thái của Trung Quốc trong thời gian gần đây là có thể hiểu được.
Ông nói: “Vấn đề đối với Mỹ là tự do hàng hải trên vùng biển quốc tế. Nếu Mỹ cho phép Trung Quốc kiểm soát các vùng biển quốc tế và hạn chế quyền tự do hàng hải trong khu vực ở Biển Đông, nó có thể mở ra cánh cửa cho Trung Quốc thực hiện các hành động tương tự ở khu vực khác, hoặc để các nước khác có những hành động như vậy”.
Chuyên gia này giải thích thêm: “Nếu việc này xảy ra, tuyến hàng hải chiến lược cho cả tàu bè dân sự và quân sự qua Biển Đông có thể bị cắt đứt, thế nên Mỹ hoàn toàn có quyền tham gia vào vụ việc để đảm bảo viễn cảnh đó không xảy ra”.
Theo Dân Việt
Tại sao các nước trên thế giới quan tâm đến tình hình Biển Đông?
- Hỏi: Tôi thấy không chỉ có những nước ven biển quan tâm đến tình hình Biển Đông mà rất nhiều nước lớn trên thế giới cũng quan tâm, vì sao lại như vậy? Ảnh hưởng của Biển đông với Việt Nam ra sao
Đó là câu hỏi của độc giả Trịnh Văn Khải, Hà Nội (email: khaitrinhvan23xx@gmail.com)
Trả lời: Biển Đông mang nhiều giá trị không chỉ tài nguyên, khí hậu với các nước ven biển mà còn là huyết mạch hàng hải quốc tế quan trọng. Do đó an toàn an ninh trên Biển Đông không chỉ các nước ven Biển Đông quan tâm mà là mối quan tâm của thế giới nhất là những nước có nền hàng hải phát triển như Mỹ, Nga, Ấn Độ và các nước EU...
Mặt khác, an ninh ở Biển Đông là điều quan trọng, cần thiết để không chỉ khu vực và các nước trên thế giới cùng phát triển hòa bình, ổn định.
Khu vực Biển Đông
Thêm vào đó, theo Sách 100 câu hỏi về biển đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam của Ban Tuyên giáo Trung ương do NXB Thông tin và Truyền thông ấn hành, Biển Đông là một biển nửa kín, có diện tích khoảng 3,5 triệu km2, trải rộng từ 3o vĩ Bắc đến 26o vĩ Bắc và từ 100o kinh Đông đến 121o kinh Đông; là một trong những biển lớn nhất trên thế giới với 90% chu vi được bao bọc bởi đất liền.
Có 9 nước tiếp giáp với Biển Đông là Việt Nam, Trung Quốc, Phi-líp-pin, In-đô-nê-xia, Bru-nây, Ma-lai-xia, Xin-ga-po, Thái Lan, Cam-pu-chia và một vùng lãnh thổ là Đài Loan. Theo ước tính sơ bộ, Biển Đông có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của khoảng 300 triệu dân các nước này. Biển Đông không chỉ là địa bàn chiến lược quan trọng đối với các nước trong khu vực mà còn của cả Châu Á - Thái Bình Dương và Châu Mỹ.
Biển Đông còn là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên biển quan trọng cho đời sống và sự phát triển kinh tế của các nước xung quanh, đặc biệt là nguồn tài nguyên sinh vật, khoáng sản, du lịch, đồng thời đây cũng là khu vực đang chịu sức ép nhiều về bảo vệ môi trường sinh thái biển.
Biển Đông được coi là một trong năm bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới. Theo đánh giá của Bộ Năng lượng Mỹ, lượng dự trữ dầu đã được kiểm chứng ở Biển Đông là 07 tỉ thùng với khả năng sản xuất 2,5 triệu thùng/ngày. Theo đánh giá của Trung Quốc, trữ lượng dầu khí ở Biển Đông khoảng 213 tỷ thùng, trong đó trữ lượng dầu tại quần đảo Trường Sa có thể lên tới 105 tỷ thùng. Với trữ lượng này, sản lượng khai thác có thể đạt khoảng 18,5 triệu tấn/năm duy trì liên tục trong vòng 15 - 20 năm tới.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, khu vực Biển Đông còn chứa đựng lượng lớn tài nguyên khí đốt đóng băng (băng cháy). Trữ lượng loại tài nguyên này trên thế giới ngang bằng với trữ lượng dầu khí và đang được coi là nguồn năng lượng thay thế dầu khí trong tương lai.
Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, Châu Âu - Châu Á, Trung Đông - Châu Á. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Mỗi ngày có khoảng 150 - 200 tàu các loại qua lại Biển Đông. Nhiều nước và vùng lãnh thổ ở khu vực Đông Á có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào tuyến đường biển này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Xin-ga-po và cả Trung Quốc. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua Biển Đông. Biển Đông có những eo biển quan trọng như eo biển Ma-lắc-ca, eo biển Đài Loan là những eo biển khá nhộn nhịp trên thế giới. Do đó, Biển Đông có vai trò hết sức quan trọng đối với tất cả các nước trong khu vực về địa - chiến lược, an ninh quốc phòng, giao thông hàng hải và kinh tế.
Xét về an ninh, quốc phòng, Biển Đông đóng vai trò quan trọng là tuyến phòng thủ hướng đông của đất nước. Các đảo và quần đảo trên Biển Đông, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, không chỉ có ý nghĩa trong việc kiểm soát các tuyến đường biển qua lại Biển Đông mà còn có ý nghĩa phòng thủ chiến lược quan trọng đối với Việt Nam.
Nước ta giáp với Biển Đông ở ba phía Đông, Nam và Tây Nam. Các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam là một phần Biển Đông trải dọc theo bờ biển dài khoảng 3.260 km, từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, với nhiều bãi biển đẹp như Trà Cổ, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Cam Ranh, Vũng Tàu... Như vậy, cứ 100 km2 lãnh thổ đất liền có 1 km bờ biển, tỷ lệ này cao gấp 6 lần tỷ trung bình của thế giới (600 km2 đất liền có 1 km bờ biển). Không một nơi nào trên lục địa của Việt Nam lại cách xa bờ biển hơn 500 km.
Việt Nam có vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rộng lớn theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982; có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm giữa Biển Đông và hàng nghìn đảo lớn, nhỏ, gần và xa bờ, hợp thành phòng tuyến bảo vệ, kiểm soát và làm chủ các vùng biển và thềm lục địa.
Biển Đông đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cả trong lịch sử, hiện tại và tương lai. Không chỉ cung cấp nguồn thức ăn cho cư dân ven bờ từ hàng nghìn năm nay, Biển Đông còn tạo điều kiện để phát triển các ngành kinh tế và là cửa ngõ để Việt Nam có quan hệ trực tiếp với các vùng miền của đất nước, giao thương với thị trường khu vực và quốc tế, là nơi trao đổi và hội nhập của nhiều nền văn hoá.
Về kinh tế, Biển Đông tạo điều kiện để Việt Namphát triển những ngành kinh tế mũi nhọn như thủy sản, dầu khí, giao thông hàng hải, đóng tàu, du lịch...
Ngoài ra, ven biển Việt Nam còn chứa đựng tiềm năng to lớn về quặng sa khoáng như titan, zircon, thiếc, vàng, đất hiếm... trong đó cát nặng, cát đen là nguồn tài nguyên quý giá của đất nước.
Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở trung tâm Biển Đông, rất thuận lợi cho việc đặt các trạm thông tin, xây dựng các trạm dừng chân và tiếp nhiên liệu cho tàu thuyền... phục vụ cho tuyến đường hàng hải trên Biển Đông.
Theo Infonet
Bắc Kinh bẻ cong luật pháp, thách thức dư luận, bành trướng Biển Đông Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc thực tế nhằm cảnh báo các bên tranh chấp khác như Việt Nam, Malaysia và Brunei không khởi kiện Bắc Kinh. Từ khi lên cầm quyền, ông Tập Cận Bình - Chủ tịch Trung Quốc theo đuổi mạnh mẽ chủ trương bành trướng ở Biển Đông với nguyên tắc chỉ đạo cấp dưới đi đàm...