Trung Quốc “săn cáo” tham nhũng trốn qua Mỹ
Hơn 150 đối tượng đào tẩu kinh tế, chủ yếu là quan tham hoặc bị nghi tiêu cực người Trung Quốc, đang sống ở Mỹ, theo báo China Daily sáng 12.8, dẫn lời ông Liao Jinrong, lãnh đạo Cục hợp tác quốc tế thuộc Bộ Công an TQ.
Ông Liao nói: “Mỹ là điểm đến hàng đầu” của những kẻ đào tầu trốn tránh pháp luật”.
Nhưng bắt những người này trở lại TQ không dễ, vì không có thỏa ước dẫn độ giữa Mỹ và TQ. Các chính phủ nước ngoài miễn cưỡng trao trả nghi can TQ vì họ có thể bị kết án tử hình ở TQ.
Ảnh: Yu Zhendong là quan tham đầu tiên bị dẫn độ từ Mỹ
Ông Liao nói: “Chúng tôi gặp khó khăn trong việc bắt các đối tượng đã trốn qua Mỹ về nước để xét xử, do thiếu hiệp định dẫn độ, cùng thủ tục phức tạp và kéo dài”.
Chủ tịch TQ Tập Cận Bình hiện có chiến dịch chống tham nhũng mà ông xem là đe dọa sự tồn vong của đảng Cộng sản TQ (CPC). Chính phủ TQ tuyên bố sẽ không tha thứ cho nạn tham nhũng.
Nỗi quan ngại chính của chính phủ TQ là nạn “quan trần trụi”, tức các cán bộ đảng viên đã đưa chồng, vợ hoặc con cái ra nước ngoài sống,rồi sử dụng mối quan hệ này để tuồn trái phép tài sản bất chính khỏi TQ hoặc để tránh bị điều tra. Có số liệu rằng hơn 1 triệu cán bộ và người thân ở TQ đã chuyển tài sản ra nước ngoài trong 5 năm qua, theo Reuters.
Trong số “bọn xấu” trốn khỏi TQ, chỉ có 2 tên bị bắt từ Mỹ về nước trong 10 năm qua, theo China Daily. Một trong hai tên này là Yu Zhendong, từng là giám đốc một chi nhánh ngân hàng Bank of China. Hắn chiếm đoạt 480 triệu USD rồi trốn qua Mỹ.
Yu bị trả về TQ năm 2004, trở thành quan tham TQ đầu tiên bị dẫn độ từ Mỹ.
Wang Gang là một cán bộ khác của Cục hợp tác quốc tế, nói với báo này: “Hệ thống pháp lý Mỹ luôn cho rằng các cơ quan pháp lý TQ vi phạm nhân quyền của nghi can”.
Một vụ điển hình của thủ tục rắc rối của việc dẫn độ là Lại Xương Tinh,một thời là tên bị truy nã số 1 ở TQ. Năm 1999, Lại cùng gia đình trốn qua Canada bằng visa du lịch, xin tỵ nạn với lý do TQ cáo buộc hắn điều hành một đường dây buôn lậu ở Hạ Môn (đông nam TQ) và Hồng Kông.
Video đang HOT
Vụ này khiến quan hệ TQ-Canada căng thẳng, sau này Canada trục xuất Lại khi TQ hứa sẽ không xử tử hình Lại, chỉ kết án tù chung thân.
Ngày 23.7.2011, Canada trục xuất Lại và ngày 18.5. 2012, Lại bị tòa án ở Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến) tuyên án tù chung thân vì tội buôn lậu và đưa hối lộ.
Theo cáo trạng, từ tháng 12.1995 đến tháng 5.1999, đường dây của Lại buôn lậu xì gà, xe hơi, dầu thô, dầu thực vật, hóa chất, vật liệu dệt và nhiều hàng hóa khác với tổng giá trị 27.395 tỷ Nhân dân tệ (4,35 tỉ USD) và không đóng thuế 13 tỷ NDT.
Để “làm ăn” thuận lợi, Lại và mạng lưới của gã đã hối lộ 64 cán bộ với tổng số tiền hơn 39 triệu USD từ năm 1991-1999. Tòa cũng tuyên tước quyền công dân, kê biên toàn bộ tài sản của Lại và tịch thu tất cả các khoản thu nhập bất chính.
Lại Xương Tinh bị dẫn độ về TQ
Dù khó khăn trong việc tóm bọn đào tẩu, TQ vẫn mở chiến dịch “Săn cáo” hồi tháng 7, để bắt quan tham, theo Reuters. TQ tuyên bố sẽ truy nã bọn đào tẩu này khắp thế giới và sẽ trừng phạt chúng.
Giáo sư trợ giảng Zhu Jiangnan của khoa chính trị trường đại học Hồng Kông, nói: “Đó là thông điệp mới mà chính phủ gởi đến nhân dân. Trong những năm qua, chính phủ không nói rõ được rằng họ sẽ bắt bọn quan tham về nước để xét xử.
Hiện các quan chức Bộ Công an TQ đang có những phiên họp với cơ quan pháp lý Mỹ, gồm Bộ an ninh nội địa Mỹ, để lập quan hệ hợp tác trong việc truy bắt tội phạm kinh tế. China Daily nói: các cuộc họp này sẽ dẫn đến việc thương lượng về thủ tục dẫn độ và thu hồi số tài sản bị chiếm đoạt.
Theo báo cáo năm 2008 của Ngân hàng nhân dân TQ, có khoảng 16.000 đến 18.000 người bị tố cáo tham nhũng đã trốn khỏi TQ từ giữa những năm 1990, đem theo khoảng 800 tỷ NDT.
Trong nửa đầu năm 2012, chính quyền TQ đã bắt 320 tên đào tẩu, theo Tân Hoa Xã hồi tháng 7.
Hồi tháng 3, Viện kiểm sát tối cao TQ nói hồi năm 2013 đã thu hồi hơn 10 tỷ NDT (1,65 tỷ USD) “tiền bẩn” và tài sản, 762 nghi can bị bắt tại TQ hoặc ở nước ngoài.
Theo Một Thế Giới
Chu Vĩnh Khang bị giam ở đâu?
Cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang đang bị điều tra nội bộ, có thể bị giam giữ ở "nhà tù số 1 Trung Quốc", tức nhà tù Tần Thành ở Bắc Kinh, theo hãng tin Bloomberg. Và ông thuộc diện "song quy".
Lãnh đạo trại tạm giam số 1 chuẩn bị một ngày đón các nhà báo tham quan
"Song quy" (shuangui) là một hình thức tạm giam và lấy cung đối với cán bộ công chức bị cáo buộc tham nhũng, lạm dụng quyền lực cùng các tội vi phạm kỷ luật nghiêm trọng trước khi bắt đầu bất kỳ thủ tục pháp lý nào. Nghi phạm bị tạm giam suốt nhiều tháng và không được hưởng những quyền lợi pháp lý dành cho công dân TQ.
Trên lý thuyết, điều tra viên của Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI, thuộc đảng Cộng sản TQ) có thời hạn 6 tháng để hoàn tất cuộc lấy cung vốn có thể diễn ra ở khách sạn hoặc nhà trọ, theo một cuốn sách về hệ thống nhà tù TQ của chuyên viên pháp lý Flora Sapio.
Sách này in năm 2010, nêu nghi phạm bị canh gác kỹ ngay cả khi họ cần đi vệ sinh, và họ thường bị đánh đập, bị thiếu ngủ. Vì nghi can và cán bộ điều tra đều là đảng viên và cần giữ kỷ luật đảng, cuộc hỏi cung này thường tiến hành lặng lẽ, không công bố toàn bộ chi tiết.
Khi kết thúc điều tra, đôi khi điều tra viên giao nghi phạm cùng vài chứng cứ chọn lọc cho viện kiểm sát để lập thủ tục truy tố. Hàng năm, không hề có số liệu về số người bị điều tra bằng hình thức "song quy".
Giới truyền thông nhà nước TQ trong nhiều tháng gần đây đã đề cập nhiều cán bộ bị chết khi bị tạm giam, gồm một số cán bộ được cho là đã nhảy ra khỏi cửa sổ để tự tìm đến cái chết. Trong vụ xét xử Bạc Hy Lai (cựu Bí thư thành ủy Trùng Khánh) phạm tội nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực, Bạc đã nói trước tòa rằng lời khai của ông ta là "không phải tự nguyện", mà là bị các điều tra viên ép cung.
Bạc không nói ông ta bị tra tấn trong biên bản tường thuật vụ án được đưa lên mạng internet, nhưng biên bản này đã được kiểm duyệt. Cựu Bộ trưởng Đường sắt Lưu Chí Quân bị tội nhận hối lộ và lạm quyền cũng từng chịu hình thức tạm giam để điều tra này.
Song quy đã bị nhiều người chỉ trích là "ngoài vòng pháp luật" vì nhiều trường hợp người bị bắt giam đã bị tra tấn dã man và bị ép phải nhận tội.
Tuy nhiên, người bảo vệ song quy nói cán bộ điều tra cần có quyền không hạn chế để phòng chống việc cán bộ bị nghi sai phạm sử dụng tầm ảnh hưởng để ngăn chặn cuộc điều tra. Người bảo vệ nói cần phải biệt giam các nghi phạm để họ không thể tiếp xúc với người có thể liên quan, hoặc với công an, chánh án mà các nghi phạm này có thể gây ảnh hưởng.
Nhà tù Tần Thành nằm dưới núi Yên Sơn (phía bắc thủ đô Bắc Kinh), có lối vào như một ngôi chùa, theo Bloomberg. Đây là nơi cải tạo của nhiều cán bộ đảng viên tham nhũng, biến chất. "Chiến hữu" Bạc của Chu cũng bị giam ở nhà tù này, nhưng không thể rõ họ có "tái ngộ" ?
Chu Vĩnh Khang từng đi thị sát nhà tù Tần Thành
Nhà tù Tần Thành xây năm 1958, ban đầu để giam các tù nhân Quốc dân đảng. Trại tạm giam số 1 này cũng là nơi từng giam bà Giang Thanh - vợ góa cố lãnh đạo Mao Trạch Đông - suốt 3 năm, đến năm 1981 mới đưa bà ra tòa xét xử, trong nhóm "bè lũ 4 tên" gây ra các tội ác trong cuộc Cách mạng văn hóa. Đây cũng là nơi giam giữ cựu chủ tịch TQ Lưu Thiếu Kỳ.
Nhà tù Tần Thành được tiếng đối xử tử tế với tù nhân hơn so với các nhà tù khác. Chuyện kể rằng tại nhà tù này, bà Giang Thanh được nhận khẩu phần ăn trị giá 1,5 Nhân dân tệ/ngày, gồm cá, thịt và sữa. Khẩu phần này có giá trị gấp 2, 3 lần so với mức sống của dân thường TQ.
Trong cuốn sách biên khảo về Giang Thanh của nhà sử gọc Úc Ross Terrill, thuật lời kể của bà Giang Thanh khi bị giam: "Tôi ăn được, ngủ được".
Trong nhà tù này, mỗi phòng giam có diện tích 20 mét vuông, có bàn ghế, nhà vệ sinh riêng và có cả máy giặt.
Với lịch sử giam giữ các tù nhân chính trị, nhà tù này do Bộ Công an TQ quản lý, thay vì Bộ Tư pháp. Trước Chu và Bạc, các "quan tham" bị nhốt ở đây là Trần Hy Đồng (cựu chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Bắc Kinh) lãnh án 16 năm tù dưới thời chủ tịch Giang Trạch Dân, và Trần Lương Vũ (cựu bí thư Thượng Hải) bị kết án 18 năm tù thời chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Một phòng hỏi cung
Theo Một Thế Giới
Nghi án hàng loạt quan chức Trung Quốc tử tự tránh tội tham nhũng Ngày càng có nhiều quan chức Trung Quốc lựa chọn tự tử như một cách để thoát khỏi cuộc chiến chống tham nhũng quyết liệt của Chủ tịch Tập Cận Bình. Quan chức Trung Quốc nghi tự tử để tránh tội tham nhũng Theo SCMP, một quan chức ở tỉnh Chiết Giang vừa tử vong sau khi "rơi" từ một tòa nhà, chính...