Trung Quốc rút lui khỏi thương vụ mua Sheraton
Hãng bảo hiểm Anbang của Trung Quốc vừa rút lui khỏi thương vụ mua Sheraton, “nhường đường” cho Marriott International bước tiếp.
Tập đoàn bảo hiểm Anbang của Trung Quốc vừa tuyên bố rút lại lời chào mua 14 tỷ USD cho thương vụ thâu tóm Starwood Hotels & Resorts Worldwide – hãng sở hữu thương hiệu khách sạn Sheraton.
Thương vụ sáp nhập giữa Starwood Hotels & Resort – hãng sở hữu thương hiệu khách sạn Sheraton – và Marriott International (Mỹ) sẽ tạo ra chuỗi khách sạn lớn nhất thế giới. (Trong ảnh là Khách sạn Starwood Hotels ở Quảng trường, trung tâm thủ đô London của Anh – Ảnh: Reuters)
Đại diện của Anbang thông báo: “Chúng tôi đã bị thu hút bởi cơ hội mà Starwood đưa ra vì đây là hãng có chất lượng cao, sở hữu nhiều thương hiệu khách sạn hàng đầu. Đây là những yếu tố phù hợp với tiêu chí mua lại doanh nghiệp của chúng tôi, bao gồm sự phù hợp và khả năng tạo ra lợi nhuận trong dài hạn. Tuy nhiên, do các vấn đề thị trường, tập đoàn đã quyết định không tiến xa hơn.”
Sự rút lui của Anbang có thể sẽ dọn đường cho doanh nghiệp Mỹ Marriott International và Starwood Hotelsvề “một nhà”. Sự kết hợp này sẽ tạo ra chuỗi khách sạn lớn nhất thế giới. Starwood giờ đây có thể theo đuổi thỏa thuận 13,6 tỷ USD để sáp nhập với Marriott.
Video đang HOT
Cổ phiếu của hãng Starwood và Marriott đều giảm sau khi Anbang ngưng đấu thầu. Cổ phiếu Starwood giảm 4,1% xuống còn 80,5 USD/cổ phiếu, trong khi đó cổ phiếu của Marriott hạ 5% xuống mức 67,61 USD/cổ phiếu.
Theo kế hoạch Starwood và Marriott sẽ tiến hành họp cổ đông vào ngày 8/4 tới để biểu quyết về việc sáp nhập hai tập đoàn điều hành khách sạn lớn nhất nước Mỹ./.
Mỹ và Trung Quốc tranh giành quyết liệt thương hiệu Sheraton
Trần Ngọc Theo Reuters
Theo_VOV
Thương hiệu Sheraton có thể về tay doanh nghiệp Trung Quốc
Thương vụ sáp nhập có thể tạo ra chuỗi khách sạn lớn nhất thế giới vừa tạm dừng khi Starwood Hotels & Resort, hãng sở hữu thương hiệu khách sạn Sheraton, đang xem xét đề nghị hấp dẫn hơn từ doanh nghiệp Trung Quốc.
Khách sạn Sheraton ở TP.HCM - Ảnh: Website Sheraton
Theo CNN, thương vụ hãng Marriott International mua lại Starwood Hotels & Resort đã được tạm dừng, ít nhất là vào lúc này, khi Starwood Hotels & Resort đang cân nhắc lời chào mua ra giá 12,8 tỉ USD trả bằng tiền mặt từ một nhóm nhà đầu tư Trung Quốc mà dẫn đầu là công ty bảo hiểm Anbang Insurance Group. Hãng Marriott có 5 ngày để quyết định có đưa ra lời chào mua khác hấp dẫn hơn hay không và chuỗi khách sạn này cho biết sẽ cân nhắc thêm.
Cổ phiếu Starwood tăng 5% trong phiên giao dịch hôm 18.3 lên trên mức giá 76 USD mỗi cổ phiếu mà Anbang đề nghị. Cổ phiếu Marriott cũng tăng 2% sau thông tin trên. Việc này cho thấy có thể các nhà đầu tư sẽ có một cuộc chiến đấu thầu để giành Starwood.
Nếu hãng Marriott không thâu tóm Starwood, công ty sở hữu thương hiệu Sheraton phải trả Marriott 400 triệu USD tiền phá vỡ hợp đồng.
Starwood hiện có 1.300 khách sạn và khu nghỉ dưỡng tọa lạc ở khoảng 100 nước với một số thương hiệu như Sheraton, Westin, St. Regis và W.
Reuters đưa tin Starwood Hotels & Resorts hôm 19.3 trở thành nhà điều hành khách sạn đầu tiên của Mỹ ký một thỏa thuận với Cuba kể từ năm 1959. Hãng công bố việc đầu tư hàng triệu USD vào quốc gia ở vùng biển Caribbe, một ngày trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đến thăm thủ đô Havana của Cuba.
Thương hiệu Four Points Sheraton của Starwood sẽ vận hành khách sạn của quân đội Gaviota 5th Avenue còn thương hiệu Luxury Collection của Starwood sẽ quản lý khách sạn nhà nước Gran Caribe Inglaterra. Thỏa thuận trên có thể giúp Tổng thống Obama dùng chuyến đi lịch sử để giới thiệu những gì mà ông xem là lợi ích từ việc mở cửa ngoại giao của Washington đối với nước bạn.
Về phần Marriott, hãng sở hữu 4.400 khách sạn tại 87 nước với các thương hiệu nổi tiếng như Marriott, Ritz-Carlton, Carlton và Residence Inn.
Anbang Insurance Group là công ty sở hữu khách sạn Waldorf Astoria ở New York (Mỹ). Doanh nghiệp Trung Quốc này đang hoàn tất thương vụ mua Strategic Hotels & Resorts từ Blackstone Group.
Nhà đầu tư Trung Quốc liên tục vung tiền mua tài sản nước ngoài trong thời gian gần đây. Theo Dealogic, doanh nghiệp Đại lục đã công bố kế hoạch thâu tóm 144 công ty ngoại, tổng trị giá 88 tỉ USD từ đầu năm đến nay. Hồi năm 2015, tổng giá trị các thương vụ thâu tóm của công ty Trung Quốc là 106 tỉ USD.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Lý do Mỹ bán tên lửa cho Indonesia và Malaysia Theo Cơ quan DSCA, việc bán tên lửa cho Indonesia và Malaysia sẽ giảm sự phụ thuộc của 2 nước này vào Mỹ khi cần can thiệp vào Biển Đông. Thông tin về thương vụ mua bán tên lửa này được International Business Times dẫn nguồn từ Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ (DSCA) cho biết trong một thông báo,...