Trung Quốc rót vốn kỷ lục vào Mỹ và châu Âu
Đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu và Mỹ đạt mức cao kỷ lục là 38 tỉ USD năm 2015, tờ Financial Times trích báo cáo của hãng luật Baker & McKenzie và công ty tư vấn Rhodium Group cho biết.
Đầu tư của Trung Quốc vào các nước phương Tây được dự báo sẽ đạt kỷ lục trong năm nay 2016 – Ảnh: Reuters
Giới doanh nghiệp quốc doanh và tư nhân Trung Quốc rót kỷ lục 23 tỉ USD vào khu vực châu Âu, bao gồm cả Na Uy, Thụy Sĩ và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Ở Mỹ, các công ty Trung Quốc đầu tư 15 tỉ USD.
Trong tất cả quốc gia EU, Ý là nơi thu hút đầu tư Trung Quốc nhiều nhất, chủ yếu là nhờ thỏa thuận 7,9 tỉ USD giữa hai công ty Pirelli và ChemChina. Thành phố New York, bang California và bang Texas là ba nơi nhận nhiều tiền đầu tư từ Đại lục nhất tại Mỹ.
Năm nay, đầu tư từ Trung Quốc vào các nền kinh tế phương Tây được cho là có thể phá vỡ kỷ lục lần nữa. Các tập đoàn Trung Quốc đã công bố khoảng 70 tỉ USD giá trị các thương vụ tiềm năng.
Dù vậy, báo cáo trên cho thấy tốc độ đầu tư của Đại lục vào các nước Tây phương có thể đang chậm lại. Đầu tư vào châu Âu tăng 28% hồi năm ngoái trong khi tăng gấp đôi từ năm 2013 đến năm 2014.
Video đang HOT
Số vốn rót ra nước ngoài của Trung Quốc được công bố giữa lúc giới đầu tư lo ngại về nền kinh tế nước này. Trung Quốc tăng trưởng 6,9% trong năm 2015 và đây là tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong vòng 25 năm qua.
Michael DeFranco, cuyên gia hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) của hãng Baker & McKenzie’s nói: “Đây là thời điểm kinh tế hỗn loạn nhưng chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp Trung Quốc hành động với sự tự tin và tiếp tục có những bước đi lớn ở châu Âu và Bắc Mỹ”.
Đại lục được dự báo sẽ trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào năm 2020, theo nghiên cứu của hãng Rhodium Group và Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator của Đức. Tài sản ngoài đất nước của Bắc Kinh có thể tăng gấp ba lần từ mức 6.400 tỉ USD đến hơn 20.000 tỉ USD trong năm năm tới.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Nợ xấu tại Trung Quốc ngày càng phình to
Khi khu vực sản xuất của Trung Quốc chững lại, nước này đang phụ thuộc vào một động cơ tăng trưởng nguy hiểm hơn: Nợ.
Ảnh: Shutterstock
Chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích các ngân hàng cho vay và người dân cùng doanh nghiệp chi tiêu. Theo CNN, đây cũng là điều mà Mỹ đã làm trong nhiều năm: thúc đẩy người dân mua nhà, ô tô và tất cả mọi thứ khác bằng tín dụng. Các khoản nợ trên dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế năm 2008.
Các nhà đầu tư nổi tiếng như nhà quản lý quỹ đầu tư Jim Chanos cảnh báo rằng Trung Quốc đang chơi với lửa. Các khoản vay mới ở Đại lục đạt kỷ lục trong tháng 1, theo số liệu được công bố trong tuần này.
Cho vay luôn tăng vọt vào đầu năm vì chính phủ thường tăng hạn mức cho các ngân hàng nhà nước. Song khoản tăng trong tháng vừa qua lớn hơn nhiều so với mức tăng đầu năm thông thường và theo sau nhiều tháng gia tăng các khoản vay lớn.
Đây là tín hiệu hỗn hợp đối với nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Nếu duy trì đà này, đây sẽ là động lực cho tăng trưởng nhiều tháng tới. Tuy nhiên nếu các khoản vay tăng vọt, thì nguy cơ vỡ nợ cũng lên cao.
Chuyên gia về kinh tế Trung Quốc Brian Jackson thuộc hãng IHS Global Insight cho hay điều này gia tăng những mối lo ngại vốn đã lớn về mức nợ của Trung Quốc. Nợ xấu tăng hơn 50% từ tháng 12.2014 đến tháng 12.2015. Đây là sự gia tăng đáng kể, đặc biệt là ở đất nước bị giới chuyên gia nghi ngờ về mức độ tin cậy của các số liệu thống kê.
"Sự gia tăng nợ xấu tại các nhà băng Trung Quốc là kết quả trực tiếp của năm năm cho vay quá mức và một nền kinh tế tăng trưởng chậm lại", hãng tư vấn PwC viết trong báo cáo công bố năm ngoái. Hiện có hai mối quan tâm đặt ra về sự bùng nổ nợ của Đại lục: mức độ phát triển của nó và liệu các ngân hàng có đủ sức để xử lý một làn sóng vỡ nợ hay không.
"Những khoản nợ vẫn tăng gấp hai đến ba lần mức tăng của nền kinh tế mỗi năm", nhà quản lý quỹ Chanos nói vào tháng 9.2015. Xét một số bình diện, mối lo về nợ Đại lục là có cơ sở. Khi nền kinh tế chững lại, lo ngại về chuyện người dân và doanh nghiệp không có khả năng chi trả nợ đi lên và đó là lý do vì sao tỷ lệ phá sản sẽ là thống kê chính.
Nhắc lại kinh tế Mỹ hồi năm 2008 khi làn sóng vỡ nợ dâng cao, các ngân hàng không phải lúc nào cũng sẵn sàng để đối phó với tình hình. "Không ai biết các nhà băng Trung Quốc tệ và yếu thế nào vì không ai biết chất lượng của các khoản nợ", luật sư kiêm tác giả sách Gordan Chang cho biết.
Nhiều ngân hàng trên thế giới, đặc biệt là ngân hàng Mỹ đã và đang tăng cường lượng tiền mặt dự trữ để phòng ngừa cuộc khủng hoảng tài chính. Song hiện không rõ các nhà băng Đại lục có làm vậy hay không.
Bắc Kinh đã từng bước bỏ chuyện bảo đảm ngầm vốn là nền tảng hệ thống tài chính nước này. Năm 2014, một công ty năng lượng mặt trời nhỏ được cho phép không thanh toán, trở thành doanh nghiệp Trung Quốc đầu tiên vỡ nợ. Từ đó đến nay, đã có vài vụ vỡ nợ nhỏ xảy ra.
Dù thế, giới phân tích cho rằng chính phủ Trung Quốc có khả năng sẽ can thiệp để ngăn chặn sự sụp đổ của các ngân hàng hay doanh nghiệp quan trọng. Bắc Kinh có kho dự trữ tiền khổng lồ và nợ chính phủ, với mức 43% GDP, vẫn còn tương đối thấp so với chuẩn thế giới.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Trung Quốc xây tuyến đường sắt dài nhất thế giới Trung Quốc đang lên kế hoạch xây tuyến đường sắt dài nhất thế giới nối giữa đại lục và Đài Loan. Việc Bắc Kinh dự định xây dựng mạng lưới đường sắt tốc độ cao xuyên qua eo biển Đài Loan trong kế hoạch năm năm kế tiếp đã hé lộ một chiến lược dài hạn mới của ông Tập Cận Bình đối...