Trung Quốc ra đòn thuế quan với Australia sau tranh cãi về Covid-19
Bộ Thương mại Trung Quốc vừa thông báo về quyết định áp mức thuế chống bán phá giá lên lúa mạch của Australia từ ngày mai (19/5).
Báo điện tử ABC News của Australia thông tin, Bộ Thương mại Trung Quốc vừa ra tuyên bố cho biết, bắt đầu từ ngày mai, Trung Quốc sẽ áp mức thuế mới đối với lúa mạch nhập khẩu từ Australia do nước này cố tình bán phá giá vào thị trường Trung Quốc. Theo đó, mức thuế suất chống bán phá giá là 73,6% được đánh vào lúa mạch của các công ty Iluka Trust và JW & JI Mcdonald& Son và tỷ lệ chống trợ cấp ở mức 6,9%.
Nông dân tại bang Tây Australia đã giảm diện tích trồng lúa mạch sau khi biết tin Trung Quốc lên kế hoạch áp thuế chống bán phá giá. Nguồn ABC Rural.
Từ năm 2018, Trung Quốc đã tiến hành điều tra nghi vấn cho rằng năm 2017 các nhà sản xuất lúa mạch Australia nhận trợ cấp của chính phủ để có thể bán hàng với giá thấp hơn thị trường trong nước sang Trung Quốc.
Hôm 9/5 vừa qua, Trung Quốc cho Australia thời hạn 10 ngày để giải thích về lý do vì sao Trung Quốc không nên áp dụng mức thuế chống bán phá giá đối với lúa mạch nhập khẩu từ Australia. Chính phủ Australia và Hiệp hội các nhà sản xuất lúa mạch Australia đã gửi phản hồi tới Bộ Thương mại Trung Quốc bác bỏ cáo buộc của Trung Quốc kèm theo các bằng chứng cho thấy lúa mạch Australia không được bán phá giá sang thị trường Trung Quốc.
Video đang HOT
Trung Quốc quyết định áp mức thuế chống bán phá giá đối với lúa mạch Australia sau khi Australia đề xuất cộng đồng quốc tế điều tra độc lập về sự xuất hiện của dịch Covid-19. Ngày mai (19/5), đề xuất này có thể sẽ được đưa ra thảo luận tại khóa họp của Đại hội đồng của Tổ chức Y tế thế giới. Trung Quốc phản đối đề xuất của Australia và coi đây là hành động mang động cơ chính trị và tuyên bố sẽ trả đũa bằng việc cắt giảm nhập khẩu hàng hóa từ Australia.
Mặc dù bị Trung Quốc gây sức ép và nước này sẽ phải gánh chịu các thiệt hại nhất định về kinh tế song chính phủ Australia vẫn kiên định với đề xuất của mình. Thủ tướng Scott Morrison khẳng định mong muốn các đối tác tôn trọng giá trị của Australia và không muốn “các vấn đề quan trọng bị thỏa hiệp” hoặc mang ra “trao đổi”.
Thành phố ở Australia hủy kết nghĩa thành phố của Trung Quốc
Thành phố ở bang New South Wales của Australia hủy kết nghĩa với Côn Minh, Trung Quốc, cho rằng đây là nơi phải chịu trách nhiệm về Covid-19.
Hội đồng thành phố Wagga Wagga, bang New South Wales tối 14/4 đã bỏ phiếu thông qua việc cắt quan hệ với thành phố kết nghĩa, Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, với tỷ lệ phiếu 4 phiếu thuận và 3 phiếu chống. Hai thành phố thiết lập quan hệ từ năm 1988.
Thị trưởng Wagga Wagga Greg Conkey vắng mặt tại buổi bỏ phiếu, song cho biết ông rất "kinh hoàng" trước quyết định. Thượng nghị sĩ New South Wales Wes Fang cũng cho rằng quyết định trên "không khác gì một thảm họa".
Công nhân phun khử trùng tại nhà ga ở Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, hôm 4/4. Ảnh: Reuters.
Paul Funnel, ủy viên hội đồng thành phố, cựu chủ tịch đảng Lao động Dân chủ (DLP) Australia đề xuất chấm dứt quan hệ kết nghĩa với thành phố Côn Minh cũng như các quan hệ thân thiện với thị xã Thiết Lĩnh, tỉnh Liêu Ninh và tỉnh Giang Tô. Ông này cho rằng đây là những nơi phải chịu trách nhiệm cuối cùng về Covid-19.
Trong bản kiến nghị gửi hội đồng thành phố, ông Funnel cho rằng chính chế độ ở Trung Quốc "mang lại cái chết và sự huỷ diệt cho toàn thế giới với Covid-19". "Nếu chúng ta không ngừng quan hệ với những đơn vị trên, nghĩa là chúng ta đang ngầm chấp thuận với Trung Quốc rằng những gì họ đang làm là ổn", Funnel lập luận.
"Chúng ta phải thể hiện tình đoàn kết với tất cả các nạn nhân Covid-19, nhân viên y tế, các dịch vụ tuyến đầu, các thành phố kết nghĩa và bạn bè chúng ta ở những nơi như Fort Leavenworth, bang Kansas, Mỹ. Chúng ta không phải thể hiện sự đoàn kết với chính nơi phải chịu trách nhiệm cuối cùng về dịch bệnh", kiến nghị nêu. "Hội đồng thành phố cần làm điều đúng đắn và giữ lập trường nhằm chứng minh sự từ chối đối với chính phủ Trung Quốc, gây ra cái chết, sự hủy diệt và hỗn loạn trên toàn thế giới".
Funnel đã từ chối bình luận thông tin, song nói với Wagga News rằng nhận định của ông "không phân biệt chủng tộc".
Vanessa Keenan, một trong ba ủy viên hội đồng thành phố kịch liệt phản đối động thái này, nói với Guardian Australia rằng bà rất "sốc" trước kiến nghị. "Thật đáng hổ thẹn vì sự sợ hãi và thù hận đang được thúc đẩy trong cộng đồng chúng ta bởi hành động vô nghĩa này", Keenan nói, thêm rằng hành động của ba người không đại diện cho cộng đồng người dân Wagga.
Thượng nghị sĩ Wes Fang cũng kêu gọi thành phố huỷ bỏ quyết định trên. "Đổ lỗi cho thành phố kết nghĩa với chúng ta về sự việc ở Vũ Hán chẳng khác nào đổ lỗi cho các thành phố kết nghĩa khác, như Nordlingen ở Đức về hai cuộc thế chiến", ông nói.
Fang cho rằng đại dịch trong vài tháng qua đã gây khó khăn cho những người Australia gốc Hoa yêu nước, đồng thời chỉ trích quyết định của hội đồng thành phố Wagga khơi sâu thêm những bất đồng.
210 quốc gia, vùng lãnh thổ đã xuất hiện Covid-19 sau khi dịch khởi phát ở thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, tháng 12/2019, khiến hơn hai triệu người nhiễm, hơn 127.500 người chết trên khắp thế giới.
Mai Lâm
Mất việc vì dịch, người đàn ông lại may mắn trúng xổ số 3,1 triệu USD Giữa lúc gia cảnh túng quẫn vì mất việc, một người đàn ông tại Adelaide, Australia bất ngờ đổi đời khi trúng giải xổ số trị giá 3,1 triệu USD. Bắt đầu bùng phát từ đầu năm nay và nhanh chóng lây lan ra toàn cầu, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế thế giới, khiến nhiều người mất...