Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, âm mưu lập eo biển chiến lược
Tòa án trọng tài quốc tế có thể sẽ sớm đưa ra phán quyết về vụ kiện Đường Lưỡi bò của Philippines và Trung Quốc trong một vài tuần tới. Bắc Kinh lâu nay vẫn liên tục tuyên bố sẽ không chấp nhận và tuân thủ phán quyết, bởi Biển Đông trên thực tế được xem là khu vực phòng thủ đặc biệt quan trọng của nước này, theo Asia Times.
Các tàu chiến Trung Quốc rời cảng ở đảo Hải Nam để tập trận ở Biển Đông. Ảnh: Reuters
Phần lớn các chuyên gia phân tích quốc tế đều tin rằng, Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) của Liên Hợp Quốc sẽ ra phán quyết có lợi cho Philippines trong vụ nước này đệ đơn kiện các yêu sách chủ quyền đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngay cả chuyên gia pháp lý Trung Quốc trong một cuộc hội thảo cũng nhận định, Bắc Kinh chắc chắn không có khả năng thắng trong vụ kiện Đường Lưỡi bò.
“Tôi cho rằng ta không có khả năng thắng vụ kiện bằng con đường pháp lý vì hiện tại ta nắm rất ít cơ hội xoay xở trong tay bởi lập trường bác bỏ thẩm quyền của tòa mà chính quyền theo đuổi. Với tư cách một chuyên gia pháp lý, tôi chỉ có thể nói rằng nếu bạn từ chối xuất hiện trước tòa, bạn sẽ có rất ít cơ hội thắng”, South China Morning Post dẫn lời chuyên gia pháp lý Trung Quốc nhưng giữ kín danh tính của ông này.
Bình luận về vụ kiện Đường Lưỡi bò, trong bài phân tích đăng trên báo Asia Times ngày 21.6, ông Richard A. Bitzinger, thành viên cao cấp của Chương trình Chuyển đổi Quân sự tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore nhấn mạnh, dù PCA phán quyết thế nào, Trung Quốc cũng sẽ không quan tâm. Bắc Kinh không ít lần công khai tỏ thái độ cho thấy, họ dám táo tợn thách thức hệ thống luật pháp quốc tế.
Lý do là, Bắc Kinh đã ngang ngược xem Biển Đông là “vùng biển của nước này” và tuyên bố có chủ quyền không thể tranh cãi đối với khu vực này, ông Richard A. Bitzinger nhấn mạnh.
Chuyên gia này cũng nhận định rằng, việc Trung Quốc âm mưu bá chủ Biển Đông ít xuất phát từ các lợi ích kinh tế – liên quan đến trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tiềm năng hoặc quyền đánh bắt thủy hải sản trong khu vực. Nguyên nhân chính là về mặt quân sự, Biển Đông đơn giản được xem là khu vực phòng thủ quan trọng đối với Trung Quốc và Bắc Kinh muốn biến khu vực này thành một eo biển chiến lược do nước này hoàn toàn nắm quyền kiểm soát.
Theo ông Richard A. Bitzinger, để quân sự hóa Biển Đông, biến khu vực này trở thành “ao nhà”, eo biển chiến lược, Trung Quốc đã có nhiều động thái rõ rệt.
Động thái đầu tiên là Bắc Kinh tung “ngư dân quân” còn được gọi là “những người đàn ông mặc đồ màu xanh nước biển” tới hoạt động tại Biển Đông. Lực lượng này được đánh giá là hung hăng và không ngại đụng độ với các tàu của các quốc gia khác, bao gồm cả tàu thương mại lần tàu hải quân.
Video đang HOT
Dàn tàu cá Trung Quốc.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ nhận định, ngư dân Trung Quốc trên thực tế đang trở thành lực lượng dân quân biển của Bắc Kinh và hoạt động một cách hiệu quả như là tổ chức bán quân sự.
Lực lượng “ngư dân quân” giúp Bắc Kinh thu thập thông tin tình báo, củng cố các tuyên bố chủ quyền đơn phương của nước này. Họ không ngại kích động các cuộc đụng độ, đối đầu với các tàu khác để cung cấp cho lực lượng hải quân và bán quân sự, đặc biệt là Cảnh sát Biển Trung Quốc cái cớ “bảo vệ dân thường” để can thiệp và tăng cường hiện diện ở Biển Đông.
Hai là, chương trình xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (thuộc Biển Đông) của Việt Nam trong vài năm qua. Chương trình này đang được đẩy mạnh để bước vào giai đoạn 2 – giúp Bắc Kinh quân sự hóa trên phạm vi toàn bộ Biển Đông. Theo đó, Bắc Kinh đã ráo riết xây đường băng trên đá Chữ Thập, đá Subi, đá Vành Khăn, triển khai trạm radar và đưa các loại vũ khí tới những khu vực này.
Đặc biệt, đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là minh chứng rõ nhất cho sự mở rộng quân sự đáng kể của Trung Quốc ở Biển Đông những năm gần đây.
Một trong những sự kiện mới nhất là Trung Quốc tiến hành bay thử chiến đấu cơ trái phép trên đảo Phú Lâm. Trên thực tế, đường băng dài 2.700 m mà Trung Quốc xây trái phép trên đảo có khả năng cung cấp nền tảng hoạt động cho hầu hết các loại chiến đấu cơ của nước này. Ngoài ra, đầu năm nay, Trung Quốc còn cải tạo bến cảng và bị tố triển khai tên lửa đất đối không tầm xa trái phép lên đảo.
Trung Quốc bị tố triển khai tên lửa đất đối không HQ-9 trái phép tới đảo Phú Lâm.
Ba là, Trung Quốc còn đang ra sức tăng cường số lượng tàu sân bay của nước này. Tại thời điểm này, Hải quân Trung Quốc mới chỉ có một tàu sân bay Liên Ninh, trên thực tế, vẫn chưa chính thức được sử dụng cho các hoạt động quân sự.
Tuy nhiên, nhiều nguồn tin tiết lộ, Bắc Kinh đang ra sức đóng thêm các tàu sân bay nội địa, nhiều khả năng sẽ lớn hơn và được trang bị nhiều vũ khí hiện đại hơn Liêu Ninh. Thậm chí, Bắc Kinh cũng có thể trang bị cho các tàu sân bay mới hệ thống phóng điện từ, như tàu sân bay mới nhất của Mỹ USS Gerald R. Ford đang sở hữu.
Chiến đấu cơ J-15 trên boong tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc trong một cuộc tập trận vào tháng 12.2015.
Hầu như các nhà phân tích đều cho rằng, Trung Quốc muốn xây dựng một hạm đội tàu sân bay có ít nhất 3, thậm chí 6 tàu. Nếu Trung Quốc sở hữu không chỉ một mà một cụm tàu sân bay, nước này sẽ thay đổi đáng kể cán cân quyền lực tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Từ 3 động thái trên, ông Richard A. Bitzinger bình luận, Trung Quốc đang âm mưu thống trị Biển Đông không chỉ bằng sức mạnh trên biển mà còn sức mạnh trên đất liền.
Về cơ bản, theo ông Richard A. Bitzinger, việc Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh triển khai sức mạnh quân sự trên đất liền ở Biển Đông theo 2 phía – trên đảo Hải Nam và đảo Phú Lâm ở phía Tây, và chuỗi đảo nhân tạo nước này xây dựng trái phép ở phía Đông – là bởi Bắc Kinh đang cố biến Biển Đông thành một eo biển.
Nói cách khác, Bắc Kinh muốn biến Biển Đông từ một tuyến đường hàng hải quốc tế, trở thành tuyến đường biển do nước này hoàn toàn nắm quyền kiểm soát, để rồi trở thành “nút cổ chai” đối với các nước khác.
Đồng tình, Giáo sư Peter Dutton, Giám đốc Viện nghiên cứu hàng hải Trung Quốc thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ cũng nhận định rằng, các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông đều mang ý nghĩa chiến lược, nhằm phục vụ cho ý đồ biến khu vực này thành một “eo biển của Trung Quốc” hơn là vùng biển mở, tự do cho hàng hải toàn cầu. Ông Peter thậm chí mô tả “eo biển chiến lược” mà Trung Quốc âm mưu lập ra sẽ giống như Eo biển Hormuz – eo biển tối quan trọng với thương mại toàn cầu.
“Biển Đông, thoạt nhìn không giống như nút cổ chai về mặt địa lý. Nhưng Trung Quốc có thể tạo ra một eo biển chiến lược bằng cách triển khai các tài sản quân sự tới các khu vực vùng họ kiểm soát trái phép. Các công trình như xây đảo nhân tạo, làm đường băng phục vụ máy bay quân sự, hệ thống cầu cảng, tổ hợp radar, chuỗi kho chứa vũ khí quân sự của Trung Quốc… đều nhằm phục vụ mục tiêu thao túng Biển Đông, kiểm soát vùng theo ý muốn của nước này “, ông Peter nhấn mạnh.
Theo Danviet
EU kêu gọi tự do đi lại ở Biển Đông
Ủy ban Châu âu tuyên bố các quốc gia phải được tự do đi qua Biển Đông, sau khi chiến đấu cơ Trung Quốc chặn một máy bay quân sự Mỹ hồi tháng trước.
Tàu Mỹ tuần tra ở Biển Đông tháng 5 năm ngoái. Ảnh: US Navy
Ủy ban châu Âu tránh chỉ trích trực tiếp Bắc Kinh - đối tác thương mại lớn của họ, nhưng cảnh báo trong một tài liệu chính sách mới rằng họ phản đối "hành động đơn phương có thể làm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng". Reuters cho rằng đây là dấu hiệu thể hiện lo ngại của Liên minh châu Âu (EU) về hoạt động xây đảo nhân tạo và quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông.
EU muốn thấy tự do hàng hải và hàng không được đảm bảo ở biển Hoa Đông và Biển Đông, tài liệu này có đoạn viết. Đây là tài liệu nhằm hoạch định khung chính sách của khối với Trung Quốc trong 5 năm tiếp theo. Tài liệu này vẫn cần các chính phủ trong EU phê duyệt.
Tuy EU giữ lập trường trung lập trong vấn đề Biển Đông, Washington đã thúc giục Brussels lên tiếng chống lại yêu sách chủ quyền mà Bắc Kinh đơn phương vạch ra chiếm hầu hết diện tích Biển Đông.
Hồi tháng 5, hai chiến đấu cơ Trung Quốc đã chặn một máy bay do thám của Mỹ trên Biển Đông. Bắc Kinh sau đó yêu cầu Washington dừng thực hiện các chuyến bay giám sát gần Trung Quốc. Theo Reuters, lời kêu gọi tự do hàng hải của EU là lời nhắc nhở đầu tiên của khối đến Trung Quốc sau khi vụ việc này xảy ra.
"Do khối lượng lớn thương mại hàng hải quốc tế đi qua khu vực, tự do hàng hải và hàng không có tầm quan trọng hàng đầu đối với EU", ủy ban cho biết.
"EU nên khuyến khích Trung Quốc đóng góp có tính xây dựng cho ổn định khu vực và ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ", họ nói.
Mặc dù ủy ban sử dụng ngôn ngữ thận trọng, EU đang ngày cànq lo ngại về căng thẳng ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian tháng này kêu gọi châu Âu tuần tra ở Biển Đông.
Phương Vũ
Theo VNE
Sự thật về liên minh 60 nước ủng hộ lập trường Biển Đông của Trung Quốc Trung Quốc tuyên bố có 60 nước ủng hộ lập trường Biển Đông của họ, nhưng lại vấp phải phản ứng quyết liệt từ chính các nước này. Đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên Biển Đông. Ảnh: CSIS Vương quốc nhỏ bé Lesotho ở châu Phi không hề có mối liên quan rõ ràng nào tới Biển Đông, nhưng...