Trung Quốc phủ sóng từ Mỹ tới lục địa già
Thương nhân Trung Quốc đã có mặt ở mọi nơi trên thế giới và vào từng ngóc ngách từ sân bay, cảng biển, tới các cửa hàng hiệu mới nhất là đội bóng Ý Inter Milan.
Truyền thông Đức ngày 6/6 đưa tin, hãng hàng không giá rẻ Ryanair là hãng sử dụng chính sân bay Hahn dã hoạt động không hiệu quả trong suốt thời gian qua và đã được bán cho Tập đoàn Yiqian của Trung Quốc.
Năm nay, Ryanair dự kiến khoản thua lỗ 16 triệu USD cho hoạt động của mình tại sân bay Hahn.
Sân bay này có cổ phần của bang Rheinland-Pfalz là 82,5% và 17,5% còn lại thuộc về bang Hessen.
Sân bay Đức sớm muộn cũng là của Trung Quốc.
Dự kiến, Quốc hội bang Rheinland-Pfalz và bang Hessen sẽ họp và bỏ phiếu thông qua kế hoạch bán lại sân bay Hahn vào giữa tháng 6.
Tập đoàn Yiqian của Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực logistic, công nghiệp xây dựng và hàng không, có trụ sở chính tại Thượng Hải.
Sân bay Hahn không phải sân bay duy nhất tại Đức mà các doanh nghiệp Trung Quốc có ý định mua lại. Hồi năm 2007, một nhà đầu tư Trung Quốc cũng đã mua lại sân bay địa phương Schwerin-Parchim ở bang Mecklenburg-Vorpommern của Đức.
Thông tin mới nhất từ vụ mua lại cổ phần của đội bóng Inter Milan (Ý), Tập đoàn Suning Group Holdings, một trong 3 doanh nghiệp ngoài quốc doanh lớn nhất Trung Quốc với doanh số gần 50 tỷ USD/năm đã hoàn thành việc mua lại 69% cổ phần của CLB này với trị giá 270 triệu euro.
Qua đó, tập đoàn này sẽ thay thế Erick Thohir nắm quyền sở hữu một trong những CLB nổi tiếng nhất Italia.
Phát biểu sau khi sở hữu Inter, chủ tịch Zhang Jindong của tập đoàn Suning hứa hẹn sẽ vung tiền để đưa Nerazzurri trở về tốp đầu bóng đá châu Âu. Ông cho biết: “Suning sẽ bơm một dòng tiền đầu tư ổn định vào Inter và sẽ giúp đội bóng thu hút nhiều cầu thủ tài năng hơn”.
“Việc mua lại Inter là một phần trong chiến lược của Suning để đứng đầu ngành công nghiệp thể thao… Đây cũng là một cơ hội chưa từng có cho Inter để phát triển mạnh hơn nữa ở Trung Quốc. Trung Quốc sẽ trở thành ngôi nhà thứ hai của Inter. Ngoài ra, vốn đầu tư và nguồn lực dồi dào của Suning sẽ giúp Inter trở lại những ngày tháng vinh quang”, Chủ tịch Zhang Jindong kết luận.
Video đang HOT
Inter Milan đã đổi chủ mới.
Suning cũng là chủ của CLB Jiangsu Suning đang chơi ở giải VĐQG Trung Quốc, đội bóng nổi tiếng nhờ thương vụ mua lại Ramires cũng như Alex Teixeira mùa Đông vừa qua.
Mới tháng 5 vừa qua, Tony Xia trở thành ông chủ Trung Quốc đầu tiên sở hữu một đội bóng Anh khi bỏ ra 87,77 triệu đôla mua lại Aston Villa.
Trung Quốc đã tham gia trong các thương vụ mua lại nhiều cảng biển thế giới nhằm thực hiện mưu đồ chiến lược quân sự, đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu.
Nhật báo “Le Temps” (Thụy Sĩ) hồi năm 2013 từng nhắc lại nhiều vụ mua bán cảng biển của Trung Quốc ở châu Phi, châu Âu và châu Á.
Năm 2004, trong một bản báo cáo cho Lầu Năm Góc về “năng lượng tương lai”, chuyên gia ngoại giao Mỹ Andrew Marshall đã nhận định rằng Trung Quốc đã viện lí do giữ an ninh cho con đường hàng hải nối với vịnh Persian để tạo một “chuỗi hạt” xung quanh lục địa Ấn Độ bằng cách mua lại các cảng ở Bangladesh, Myanmar, Sri Lanka hay Thái Lan. Đó là những “hạt ngọc trai” mà theo ông thì đến một lúc nào đó sẽ tạo thuận lợi cho việc triển khai hạm đội Trung Quốc trong khu vực.
Cuối tháng 1/2013, Pakistan loan báo rằng China Overseas Port Holding, một công ty do Nhà nước Trung Quốc kiểm soát, đã mua quyền quản lý cảng ở Gwadar. Đây là một thành phố nằm ở phía Đông Pakistan, cách biên giới Iran khoảng 100 km.
Từ năm 2008, thời điểm mà China Ocean Shipping Co (Cosco) thuê được phân nửa cảng Pirée của Hy Lạp trong vòng 35 năm với giá 3,4 tỷ euro, các công ty Trung Quốc đã nhân rộng việc mua các cảng nước ngoài. Cosco đã mua lại các cảng container ở Anvers (Hà Lan), Port-Said (Ai Cập) hay Singapore.
Tập đoàn China Merchants Group cũng nhảy vào thương trường mua 47,5% cổ phần cảng container của Lagos (Nigeria) vào tháng 11/2010, 50% cổ phần của cảng container Lomé (Togo) năm 2012, sau đó là các cảng của Djibouti, ngay lối vào biển Đỏ, đồng thời tiến hành xây dựng một cảng mới trị giá 500 triệu euro tại Colombo (Sri Lanka).
Ngày 25/1/2013, China Merchants báo mua được 49% Terminal Link, chi nhánh chuyên về cảng của tập đoàn vận tải hàng hải khổng lồ của Pháp CMA-CGM với cái giá 400 triệu euro. Việc sở hữu này giúp Trung Quốc có quyền ưu tiên vào khoảng 15 cảng quốc tế, trong đó có Marseille (Pháp), Zeebrugge (Bỉ) hay Tanger (Morocco).
Hồi năm 2013, Công ty Smithfield Foods của Mỹ và tập đoàn Shuanghui International Holdings của Trung Quốc cũng đã công bố việc sáp nhập.
Theo các điều khoản của thỏa thuận, Shuanghui sẽ mua toàn bộ cổ phiếu của Smithfield với giá 34 USD/cổ phiếu bằng tiền mặt. Giá mua này đã cao hơn gần 31% so với giá chứng khoán lúc đóng cửa ngày 28/5 của Smithfield.
Kim Hoa (Tổng hợp)
Theo_Báo Đất Việt
Các tên miền liên quan đến 'Bún chả Obama' đã bị thâu tóm hết
Sau khi Tổng thống Obama thưởng thức bún chả tại Việt Nam, các tên miền phổ thông với từ khóa "bunchaobama" đã được đăng ký gần hết, các cửa hàng "ăn theo" cũng xuất hiện trên khắp toàn cầu.
Ông chủ Nhà trắng vừa đem "lộc trời" đến quán bún chả Hương Liên ở phố Lê Văn Hưu, Hà Nội và đang "tán lộc" ra nhiều nơi khác.
Ông Obama và đầu bếp Bourdain cùng nhau thưởng thức bún chả tại Hà Nội. Ảnh: Instagram Bourdain
Bún chả, từ một món ăn bình dân của người Hà Nội, đã bắt đầu trở nên sáng giá không kém gì món phở, kể từ khi Tổng thống đương nhiệm Hoa Kỳ, ông Obama và đầu bếp có nhiều duyên nợ với Việt Nam, Bourdain đụng đũa.
Các tên miền bunchaobama .com .net .vn .com.vn và .org đã được mua ngay lập tức và bây giờ muốn sở hữu chúng, bạn có thể sẽ phải trả cái giá cao hơn mức vài trăm nghìn đồng như ban đầu, tuỳ theo việc người đang sở hữu nó muốn thoả thuận như thế nào.
Trên Google, có hơn 1 triệu kết quả tìm kiếm liên quan đến từ khóa "bún chả", trong khi chỉ có hơn 500.000 kết quả tìm kiếm liên quan đến từ "phở".
Như vậy, trên Internet, kể từ khi tổng thống của Hoa Kỳ thưởng thức món bún chả, thứ đồ ăn này đã được nâng tầm trở thành món "vua" của Việt Nam, ít nhất là về độ nổi tiếng trong thời điểm hiện tại.
Bún chả Hương Liên nhanh chóng được trở thành địa điểm gợi ý đến thăm của Google
Bún chả Hương Liên được coi là "bún chả Obama chính hiệu" tại Hà Nội, cũng nhanh chóng nghiễm nhiên nằm ở 3 vị trí đầu tiên trên Google, như một địa điểm gợi ý khi tìm các từ khóa liên quan đến bún chả.
Trên tờ The New Paper (TNP), Jackie Ho, chủ nhà hàng Uncle Ho Tuckshop tại Pasir Panjang (Singapore) nói, nhờ sự kiện Obama ăn bún chả tại Hà Nội, họ đã bán được nhiều bún chả hơn.
Mỗi suất bún chả tại nhà hàng là 12,9 SGD, hàng ngày Uncle Ho Tuckshop bán được khoảng 200 suất và đã nâng lên gấp rưỡi, sau bữa ăn của Tổng thống Hoa Kỳ tại Lê Văn Hưu, Hà Nội.
Uncle Ho Tuckshop dự định sẽ phục vụ du khách "suất ăn Obama" trên thực đơn, với giá 12,9 SGD bao gồm bún chả và bia Việt Nam.
Một vài người Việt sống tại Úc cũng cho biết, "suất ăn Obama" đã xuất hiện tại nhà hàng bán đồ ăn Việt và được quảng bá là món đồ ăn mà Tổng thống Obama thích mê.
Trên phố Lê Văn Hưu, bún chả Hương Liên trong tình trạng phục vụ quá tải.
Thỉnh thoảng, người ta lại thấy một vài ông khách Tây, Nhật, Hàn... đứng chụp ảnh selfie ngoài quán, tặc lưỡi vì không thể nào chen chân vào quán bún chả trứ danh mà ông Obama đã ngồi.
Một du khách đến từ tỉnh Chiba (Nhật Bản), tên là Shindo cho biết, anh muốn đến ăn bún chả lâu rồi nhưng không biết quán nào ngon, Tổng thống Obama đã chọn quán Hương Liên, do đó anh có niềm tin và muốn ăn bún chả tại quán này.
Anh Lê Tuấn Cường, một người Hà Nội ở ngay quận Hoàn Kiếm nói, kể từ sau khi quán Hương Liên trở nên nổi tiếng, đã vài lần anh và người thân muốn ăn trưa tại đây nhưng đều... thất bại vì không thể địch nổi lượng khách đông đúc luôn luôn muốn ghé thăm nhà hàng này.
Mặc dù đông khách, nhưng bà chủ quán và nhân viên tại nhà hàng Hương Liên vẫn khá dễ chịu khi trả lời khách về việc còn bún hay không, chứ không có ý định biến quán mình thành "bún chửi".
Đặc biệt, từ lúc ông Obama đến cửa hàng, bà vẫn không tăng giá bán.
"Suất ăn Obama" gồm bún chả, nem hải sản, nem cua và bia Hà Nội dường như đã vượt ra khỏi quán bún chả Hương Liên và có thể trở thành "set" ăn cho bất cứ cửa hàng kinh doanh bún chả nào.
Hiện tại, thương hiệu "Hương Liên" và "bún chả Obama" vẫn đang gây ấn tượng rất mạnh và có thể trong tương lai, bún chả Hương Liên sẽ xuất hiện tại nhiều nơi hơn, trong một chuỗi các nhà hàng nhượng quyền thương hiệu như The Kafe hoặc Món Huế chẳng hạn.
Theo_VietNamNet
Venezuela biểu tình đòi thức ăn: Vì 150 USD mua được ... 12 quả trứng Tình hình kinh tế bi đát khiến quốc gia giàu dầu mỏ này chìm sâu trong khủng hoảng Ngày 2-6 vừa qua, Hàng trăm người dân Venezuela đã giận dữ tiến về phía dinh tổng thống Miraflores ở thủ đô Caracas và đụng độ với lực lượng Vệ binh Quốc gia và cảnh sát. Họ hô hào: "Chúng tôi cần thức ăn!" Mặc...