Trung Quốc “phớt lờ” yêu cầu của Hội Luật gia dân chủ quốc tế
Ông Jitendra Sharma, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch danh dự, nguyên Chủ tịch của Hội luật gia dân chủ quốc tế (IADL) cho biết phía Trung Quốc đã không hề có sự hồi đáp lại IADL về yêu cầu Trung Quốc cần làm rõ những căng thẳng leo thang ở Biển Đông gần đây.
Giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981)
Với tư cách là một trong hơn 100 tổ chức thành viên của Hội luật gia dân chủ quốc tế (IADL), sáng 11/6, Hội Luật gia Việt Nam được IADL ủy quyền tổ chức cuộc họp báo ở Việt Nam để công bố bản tuyên bố thể hiện sự quan ngại về tình hình căng thẳng leo thang ở Biển Đông sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tại buổi họp báo, ông Jitendra Sharma, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch danh dự, nguyên Chủ tịch IADL đã đọc bản tuyên bố của IADL về tình hình Biển Đông, trong đó nêu bật các vấn đề mà IADL yêu cầu phía Trung Quốc cần làm rõ. Mặc dù vậy, theo ông Jitendra Sharma, phía Trung Quốc đã không hề có sự hồi đáp lại IADL.
Xin gửi tới bạn đọc toàn văn bản tuyên bố của IADL về tình hình Biển Đông.
Tháng 11/2013, trước tình hình khu vực Biển Đông đang dần trở nên phức tạp, Hội Luật gia Dân chủ quốc tế (IADL) đã đưa ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về những căng thẳng đang gia tăng giữa các nước trong khu vực liên quan đến vấn đề an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông cũng như khả năng xảy ra xung đột, đe dọa trực tiếp tới hòa bình, ổn định và an ninh khu vực Đông Nam Á. (Tuyên bố này đã được đăng tải trên trang chủ của IADL www.iadllaw.org).
Video đang HOT
Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế (IADL) là một tổ chức phi chính phủ có tư cách cố vấn tại Hội đồng kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC). Được thành lập từ năm 1946, IADL có vai trò ủng hộ và duy trì luật pháp quốc tế, bảo vệ quyền của các dân tộc được phát triển, bình đẳng về kinh tế và tiếp cận những thành quả tiến bộ khoa học cũng như các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
IADL quan ngại về tình hình căng thẳng đang gia tăng giữa các nước trong khu vực liên quan đến vấn đề an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông cũng như khả năng xảy ra xung đột, đe dọa trực tiếp tới hòa bình, ổn định và an ninh khu vực Đông Nam Á. Việc bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải ảnh hưởng tới lợi ích chung của toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tại tuyên bố vào tháng 11/2013, IADL đã kêu gọi tất cả các bên liên quan sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).
Được biết về sự leo thang vi phạm gần đây của Trung Quốc đối với lãnh thổ Việt Nam cũng như các tàu của nước này trên khu vực Biển Đông, IADL ra tuyên bố này và kêu gọi hành động nhằm giải quyết vấn đề trên.
Được biết, vào ngày 2/5/2014, Trung Quốc đã tiến hành việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) tại toạ độ 15029′58″ vĩ Bắc – 111012′06″ kinh Đông. Khu vực hạ đặt dàn khoan này nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. IADL hiểu rằng sau khi phía Việt Nam lên tiếng phản đối, Trung Quốc đã điều hơn 80 tàu và máy bay, bao gồm cả tàu quân sự tới khu vực trên. Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi tàu Trung Quốc đâm và sử dụng vòi rồng bắn vào một số tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư của Việt Nam gây thiệt hại về phương tiện và đe dọa đến tính mạng con người. IADL cũng được thông báo về một số vụ đâm vào các tàu đánh cá của Việt Nam, gây hư hại một số tàu, làm bị thương ngư dân và thậm chí khiến một tàu đánh cá của Việt Nam bị chìm.
Sau khi xem xét sự việc này, IADL đã quyết định gửi thư tới chính quyền Trung Quốc với các nội dung sau:
1. Nhắc nhở tất cả các bên có nghĩa vụ giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, tuyệt đối tuân thủ UNCLOS 1982, Công ước mà cả Trung Quốc và Việt Nam đều là quốc gia thành viên.
2. Đề nghị phía Trung Quốc làm rõ cơ sở pháp lý của các hành động:(1) đưa giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; (2) đưa tàu, máy bay và tàu quân sự tới hoạt động gần khu vực giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981); (3) tiến hành những hành vi khiêu khích như đâm, bắn vòi rồng vào các tàu chấp pháp của Việt Nam gây thiệt hại về phương tiện và đe dọa đến tính mạng con người cũng như các vụ việc tấn công tàu cá của Việt Nam xảy ra từ ngày 7/5/2014.
3. Kêu gọi Trung Quốc, với tư cách là một quốc gia thành viên của Liên hiệp quốc và là một trong 5 quốc gia thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ: (1) tôn trọng, tuân thủ và giữ gìn tuyệt đối Hiến chương Liên Hiệp Quốc; (2) xử sự đúng tư cách của một nước lớn cũng như đúng tư cách của 1 quốc gia thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ trong việc giữ gìn và bảo vệ hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và thế giới.
4. Yêu cầu chính quyền Trung Quốc đưa ra những phản hồi với IADL bày tỏ quan điểm về các vấn đề này.
Với tư cách là một tổ chức có mục tiêu hướng tới giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình, IADL đề nghị Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, dừng và kiềm chế các hành động gây phức tạp tình hình, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, đe dọa đến an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Theo Sơn Bách
VietnamPlus/TTXVN
Chuyên gia Singapore: VN thắng Trung Quốc trong "trận chiến" công luận
Chuyên gia cấp cao của trường RSIS Singapore cho rằng Việt Nam đang thắng thế Trung Quốc trong "cuộc chiến" công luận trong căng thẳng hiện nay trên Hoàng Sa, Biển Đông.
Tàu Hải cảnh 44103 Trung Quốc chồm lênđâm thẳng mạn trái đuôi tàu Cảnh sát biển Việt Nam 2012.
Phát biểu với kênh truyền hình CNN của Mỹ, Sam Bateman, thành viên cấp của của Chương trình an ninh biển tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), thuộc đại học công nghệ Nanyang, Singapore, cho rằng Bắc Kinh "đang cố đuổi kịp Việt Nam" khi đưa căng thẳng Biển Đông hiện nay giữa hai nước, cụ thể là việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ra công luận quốc tế.
"Tôi nghĩ họ (Trung Quốc) đang cố gắng bắt kịp" nhưng "tôi cho rằng Việt Nam đang giành chiến thắng trong trận chiến công luận suốt vài tuần qua, kể từ khi vụ việc này nổ ra" - ông ám chỉ kể từ khi Trung Quốc triển khai giàn khoan vào ngày 2/5 vừa qua.
Trong khi đó, Euan Graham, một thành viên cấp cao khác của RSIS cho rằng việc Trung Quốc đơn phương triển khai giàn khoan và giàn khoan được bảo vệ trong một hành lang an ninh bao gồm cả tàu hải quân và máy bay "chắc chắn không phải là phép thử". Ông cho rằng "đây rõ ràng là khiêu khích" của Trung Quốc.
Theo một bài viết của tác giả Shannon Tiezzi trên tờ Diplomat, trong gần một tháng qua, Trung Quốc có vẻ như hài lòng với cách thức đưa ra cáo buộc với Việt Nam trong tranh chấp Biển Đông qua các cuộc họp báo thường kỳ và báo chí Trung Quốc. Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc đang nỗ lực giành sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công bố một bản tài liệu dài, biện hộ cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và cáo buộc Việt Nam khiêu khích. Ngoài ra, Trung Quốc đã yêu cầu Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho lưu hành tài liệu này ở Đại hội đồng Liên hợp quốc. Tác giả cũng cho rằng đây là phản ứng trực tiếp của Trung Quốc, nhằm bắt kịp Việt Nam trong cuộc chiến trên "mặt trận" ngoại giao.
Tuy nhiên, tác giả nhận định chiến dịch thu hút sự ủng hộ này của Trung Quốc chắc chắn sẽ không thay đổi được quan điểm của ai đó. Bắc Kinh "thừa hiểu nhiều nước lớn trong khu vực, trong đó có Mỹ và Nhật, sẽ không bị lay chuyển bởi luận điệu của Trung Quốc", tác giả cho hay.
Theo Dantri
Việt Nam vạch trần vu khống trong công hàm của Trung Quốc tại LHQ Việt Nam đã có công hàm vạch trần vu khống trong công hàm Trung Quốc gửi lên Liên hợp quốc (LHQ) ở New York và yêu cầu Bắc Kinh rút giàn khoan và ngừng cản trở đối với an toàn hàng hải trên Biển Đông. Tàu Trung Quốc hung hãn phun vòi rồng vào tàu Việt Nam. Thông tin được hãng tin Pháp...