Trung Quốc phong tỏa một phần Quảng Châu, Vũ Hán, siết biện pháp chống dịch ở Tây Ninh
Các thành phố ở Trung Quốc từ Vũ Hán ở miền trung đến Tây Ninh ở phía tây bắc đang tăng cường các biện pháp phong tỏa để kiểm soát dịch COVID-19.
Nhân viên an ninh mặc đồ bảo hộ đứng ở cổng một khu dân cư đang bị phong tỏa tại Bắc Kinh – Ảnh: REUTERS
Ngày 27-10, ca mắc mới COVID-19 trên toàn Trung Quốc đại lục vượt 1.000 ca ngày thứ ba liên tiếp. Tuy con số này khá nhỏ so với hàng chục ngàn ca mỗi ngày khiến thành phố Thượng Hải phong tỏa vào đầu năm nay, nhưng cũng đủ khiến giới chức siết chặt hơn các biện pháp phòng dịch.
Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố sẽ duy trì cách chống dịch không khoan nhượng đối với COVID-19 và thực hiện những gì các nhà chức trách cho là cần thiết để phòng dịch.
Hiện thành phố lớn thứ tư Trung Quốc là Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, đã phong tỏa nhiều tuyến phố, buộc người dân ở trong nhà.
Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc và là tâm dịch COVID-19 đầu tiên trên thế giới hồi cuối năm 2019, nay ghi nhận 20 – 25 ca mắc mới mỗi ngày trong tuần này.
Chính quyền Vũ Hán đã yêu cầu hơn 800.000 người dân trong một quận phải ở nhà cho đến ngày 30-10. Thành phố này cũng đình chỉ việc bán thịt heo ở nhiều khu vực sau khi có ca bệnh mà các nhà chức trách cho rằng có liên quan đến chuỗi cung ứng thịt heo tại địa phương.
Tại thành phố Tây Ninh, thủ phủ của tỉnh Thanh Hải, người dân lên mạng xã hội nói về tình trạng thiếu lương thực và tăng giá các mặt hàng thiết yếu.
“Để giảm nguy cơ lây nhiễm, một số cửa hàng rau và trái cây đã đóng cửa và cách ly”, một quan chức chính quyền Tây Ninh cho hay.
Theo Hãng tin Reuters, các thành phố lớn trên khắp Trung Quốc gồm Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam), Đại Đồng (tỉnh Sơn Tây) và Tây An (tỉnh Thiểm Tây) cũng áp dụng các biện pháp hạn chế mới trong tuần này để kiểm soát dịch.
Tại Bắc Kinh, công viên giải trí Universal đã đóng cửa hôm 26-10, sau khi ít nhất một du khách dương tính với SARS-CoV-2.
COVID-19 thế giới tuần qua: Trung Quốc siết chặt 'Zero COVID'; Nhiều nước tiếp tục nới lỏng phòng dịch
Trong vòng một tuần qua, tính từ ngày 28/8 - 4/9, thế giới chứng kiến các xu thế dịch bệnh đáng lo ngại và trái ngược tại các châu lục và khu vực.
Số ca mắc mới tăng trở lại ở Trung Quốc, trong khi nhiều cuộc sống đang trở lại bình thường.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Quảng Châu, Trung Quốc ngày 31/7/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 8 giờ sáng 4/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 609.891.484 ca, trong đó có tổng cộng 6.502.640 người tử vong.
Trong vòng 1 tuần qua, thế giới ghi nhận 4.007.672 ca mắc mới (giảm 21% so với tuần trước đó). Số ca tử vong vì COVID-19 trong tuần là 12.578 (giảm 17% so với 1 tuần trước).
Tuần qua, Nhật Bản là quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 nhất (1.047.657 ca), trong khi Mỹ là nước có số ca tử vong nhiều nhất thế giới (2.242 ca, giảm 24% so với tuần trước nữa).
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 586 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 20 triệu ca và trên 42.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Video đang HOT
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á tiếp tục thuyên giảm, song có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Indonesia, Thái Lan và Malaysia căng thẳng hơn so với các nước khác.
Trong vòng 7 ngày qua, tình hình dịch bệnh đặc biệt đáng lo ngại ở châu Á. Nhiều nước và vùng lãnh thổ ở đây đang đối mặt với nguy cơ làn sóng dịch mới, với số ca mắc mới và nhập viện tăng mạnh trở lại.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, ngày 29/8/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Hàng loạt thành phố lớn thắt chặt biện pháp phong tỏa phòng dịch COVID-19
Từ ngày 1/9, thành phố Thành Đô (Chengdu), Tây Nam Trung Quốc sẽ thực hiện lệnh giãn cách xã hội trong bối cảnh nhà chức trách đang nỗ lực dập tắt ổ dịch COVID-19 mới bùng phát tại đây.
Theo thông báo chính thức, từ 18h cùng ngày, người dân thành phố phải ở trong nhà để phòng chống làn sóng lây nhiễm mới của đại dịch COVID-19. Mỗi gia đình sẽ được cử 1 người ra ngoài để mua thực phẩm và các đồ dùng thiết yếu mỗi ngày, nhưng phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong 24 giờ trước đó. Người dân được yêu cầu không nên rời thành phố nếu không có việc gì thực sự cần thiết. Từ ngày 1-4/9, tổng cộng khoảng 16 triệu dân Thành Đô sẽ được xét nghiệm virus SARS-CoV-2.
Đây là thành phố mới nhất tại Trung Quốc thông báo lệnh giãn cách xã hội. Chính quyền thành phố cũng công bố Thành Đô ghi nhận thêm 157 ca mắc COVID-19 trong ngày 1/9, trong đó có 51 người không có triệu chứng.
Theo thông tin cập nhật của Ủy ban Y tế quốc gia, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 2.057 ca mắc trong ngày 31/8, trong đó có 368 ca có triệu chứng. Số ca mắc mới cao hơn so với con số 1.818 ca một ngày trước. Tính đến hết ngày 31/8, Trung Quốc đại lục có 243.449 ca mắc có triệu chứng. Trong khi đó, số ca tử vong hiện vẫn là 5.226 ca.
Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới vẫn theo đuổi chiến lược "Zero COVID" thông qua việc áp đặt các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt và xét nghiệm trên diện rộng nhằm đẩy lùi dịch bệnh.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Thành Đô, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Chính quyền thành phố Thâm Quyến, trung tâm công nghệ của Trung Quốc, cũng đã áp đặt phong tỏa vào 2 ngày cuối tuần này (ngày 3-4/9) trong bối cảnh chương trình xét nghiệm COVID-19 đại trà bắt đầu được thực hiện ở phần lớn khu vực của thành phố 18 triệu dân này. Ngày 2/9, Thâm Quyến ghi nhận 87 ca mới lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó có 7 ca phát hiện ở bên ngoài các vùng bị cách ly.
Lệnh phong tỏa và ngừng hoạt động dịch vụ xe buýt và tàu điện ngầm có hiệu lực trong 2 ngày. Chính quyền thành phố Thâm Quyến cho biết cư dân sinh sống ở 6 quận trong thành phố, sẽ được xét nghiệm 2 lần vào cuối tuần này. Những khu vực thuộc 6 quận lớn đã bị cho vào danh sách "khu vực nguy cơ lây nhiễm cao" sẽ vẫn bị phong tỏa trong 7 ngày, và phong tỏa này có thể được gia hạn nếu phát hiện thêm các ca bệnh.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Lin Hancheng, một quan chức y tế thành phố, kêu gọi người dân nên ở nhà càng nhiều càng tốt và tránh những nơi tụ tập. Mỗi hộ gia đình cứ 2 ngày/ lần chỉ cử 1 người được phép rời nhà đi mua đồ ăn, nước uống, thuốc và nhu yếu phẩm cần thiết.
Người dân mua sắm tại khu chợ bán thiết bị điện tử lớn nhất thế giới Hoa Cường Bắc ở Thâm Quyến, Trung Quốc, ngày 24/4/2015. Ảnh: AFP/ TTXVN
Quy định mới về cách ly phòng dịch COVID-19 giữa Trung Quốc đại lục và Hong Kong
Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), ông Lý Gia Siêu đã đề xuất thực hiện phương án cách ly đối với người Hong Kong có nhu cầu đến đại lục và phía đại lục đã nhất trí phương án này.
Phương án trên được nhất trí tại cuộc họp trực tuyến ngày 1/9 giữa ông Lý Gia Siêu với lãnh đạo tỉnh Quảng Đông và các thành phố Quảng Châu, Thâm Quyến. Theo đó, người dân Hong Kong trước khi đến đại lục phải thực hiện cách ly tại Hong Kong để phù hợp với quy định cách ly "7 3" của chính quyền trung ương để phòng, chống dịch COVID-19. Ông Lý Gia Siêu cho biết chính quyền Hong Kong đưa ra phương án này nhằm giảm gánh nặng đối với hệ thống khách sạn ở đại lục, tận dụng cơ sở vật chất của Hong Kong, đáp ứng nhu cầu của người dân Hong Kong muốn đến đại lục. Trong những ngày gần đây Hong Kong ghi nhận từ 8.000-10.000 ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày.
Liên quan tình hình dịch bệnh, cơ quan giám sát dịch bệnh của Đài Loan (Trung Quốc) đã cảnh báo nguy cơ bùng phát một làn sóng lây nhiễm mới trên đảo này sau khi ghi nhận 3 ngày liên tiếp số ca nhiễm mới vượt 30.000 ca/ngày. Thống kê của cơ quan trên cho biết ngày 1/9 Đài Loan ghi nhận 33.875 ca mắc mới và 36 ca tử vong. Đến nay, hòn đảo này đã ghi nhận tổng cộng hơn 5,13 triệu ca mắc trong cộng đồng.
Cơ quan trên ước tính số ca mắc mới do nhiễm dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron có thể tăng lên tới 60.000 ca/ngày vào giữa tháng 9 này. Trước diễn biến dịch phức tạp, nhiều trường học trên khắp đảo đã quyết định ngừng học trực tiếp dù năm học mới vừa bắt đầu hôm 30/8.
Các nhân viên y tế hướng dẫn khách nước ngoài về thủ tục xét nghiệm PCR tại điểm xét nghiệm ở sân bay Quốc tế Incheon. Ảnh: Anh Nguyên - PV TTXVN tại Hàn Quốc
Hàn Quốc xem xét bỏ quy định xét nghiệm COVID-19 trước khi nhập cảnh
Hàn Quốc để ngỏ khả năng chính phủ nước này sẽ bãi bỏ quy định xét nghiệm COVID-19 trước khi khởi hành đối với người nhập cảnh trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ Trung thu (Chuseok) sắp tới.
Trả lời phóng viên về thời điểm chính phủ sẽ nới lỏng hơn nữa các quy định về kiểm soát dịch COVID-19 đối với du khách nước ngoài, bao gồm yêu cầu xét nghiệm PCR trước khi khởi hành, ngày 30/8, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo cho biết chính phủ đang "xem xét kỹ lưỡng" vấn đề. Ông cho biết: "Tôi nghĩ quyết định sẽ được đưa ra trước kỳ nghỉ lễ Chuseok và có thể nhanh hơn bạn nghĩ".
Trước đó, ngày 28/8, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết sẽ hoàn thành quy trình đánh giá và thông báo có duy trì yêu cầu xét nghiệm COVID-19 trước khi nhập cảnh đối với du khách nước ngoài hay không vào ngày 2/9 tới. Cơ quan này cho biết đang xem xét toàn diện tác động của việc bãi bỏ quy định trên đối với công tác kiểm dịch trong nước thông qua tham vấn các chuyên gia và các bộ/ngành liên quan.
Hiện tại, Hàn Quốc yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính trong vòng 48 giờ đối với xét nghiệm PCR hoặc trong vòng 24 giờ đối với xét nghiệm kháng nguyên nhanh trước khi nhập cảnh. Sau đó, tất cả du khách đều được yêu cầu làm xét nghiệm PCR trong vòng 24 giờ sau khi nhập cảnh.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Mogadishu, Somalia. Ảnh: AFP/TTXVN
Dự báo làn sóng COVID-19 mới tại Nam Phi
Viện quốc gia về các bệnh truyền nhiễm Nam Phi (NICD) ngày 3/9 cho biết sự gia tăng số của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tại các cơ sở xử lý nước thải là dấu hiệu dự báo một làn sóng dịch bệnh mới đang đến gần.
Báo cáo giám sát nước thải hàng tuần của NICD cho hay đã có sự gia tăng đáng kể virus SARS-CoV-2 trong các mẫu nước thải được lấy vào trong tuần, kết thúc lấy mẫu hôm 23/8. Cụ thể, gự gia tăng tải lượng virus trong nước thải được nhận thấy ở nhiều khu vực tập trung dân cư lớn như Daspoort ở Tshwane, Goudkoppies ở Johannesburg, Hartebeesfontein ở Ekurhuleni, Sterkwater ở Bloemfontein và nhà máy nước thải trung tâm ở eThekwini.
Báo cáo của NICD nhấn mạnh biến thể Omicron và các dòng phụ của nó được tìm thấy trong nước thải trên khắp tỉnh Gauteng, nơi có thủ đô hành chính Pretoria. Trên cơ sở đó, Tiến sĩ Aslam Dasoo - lãnh đạo Diễn đàn tiến bộ sức khỏe, đã dự báo khả năng xuất hiện một làn sóng COVID-19 mới sớm nhất là vào tháng 10. Tuy nhiên, theo ông Dasoo, hiện chưa có bằng chứng cho thấy làn sóng tiếp theo sẽ tồi tệ hơn làn sóng thứ 5 gần đây vì chưa có biến thể mới đáng chú ý nào được xác định.
Hiện tại các dòng phụ của Omicron ở Nam Phi đang được lưu hành và "ước tính hơn 90% dân số đã bị phơi nhiễm". Tiến sĩ Dasoo cũng nhấn mạnh rằng tiêm chủng vẫn là biện pháp bảo vệ tốt nhất chống COVID-19.
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Nhật Bản sẽ tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 3 cho trẻ từ 5-11 tuổi
Hội đồng chuyên gia của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) vừa phê chuẩn việc sử dụng vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer để tiêm mũi thứ 3 cho trẻ từ 5-11 tuổi ở nước này.
Động thái trên nhằm giúp nâng cao khả năng miễn dịch cho trẻ trong nhóm tuổi trên và ngăn chặn nguy cơ gặp phải các triệu chứng nặng khi trẻ nhiễm virus SARS-CoV-2, trong bối cảnh Nhật Bản đang phải đối mặt làn sóng lây nhiễm thứ 7 của dịch COVID-19.
Nhật Bản đã bắt đầu tiêm mũi vaccine thứ 2 cho trẻ trong nhóm tuổi trên từ tháng 2 vừa qua. Cho đến nay, nước này mới cấp phép sử dụng vaccine Pfizer để tiêm cho các em trong nhóm tuổi này. Trong cuộc họp ngày 29/8, các chuyên gia MHLW nhận định vaccine này an toàn đối với trẻ trong độ tuổi từ 5-11. Kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy các phản ứng phụ của việc tiêm vaccine bao gồm mệt mỏi, đau nhức cơ thể và sốt, nhưng phần lớn đều hồi phục với các phản ứng nhẹ hoặc không đáng kể.
Kể từ cuối tháng 6 vừa qua, Nhật Bản phải đối mặt làn sóng lây nhiễm thứ 7 của dịch COVID-19, với số ca nhiễm mới có lúc lên tới hơn 260.000 ca/ngày. Đáng chú ý, trong đợt dịch này, tỷ lệ trẻ em mắc COVID-19 khá cao. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy dịch bệnh ở nước này đang giảm dần. Ngày 29/8, Nhật Bản ghi nhận 95.919 ca nhiễm mới và 233 ca tử vong vì dịch COVID-19. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới ở nước này ở dưới ngưỡng 100.000 ca/ngày trong vòng 41 ngày qua.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Hartford, Connecticut, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Mỹ lên kế hoạch thương mại hóa sinh phẩm phòng ngừa và điều trị COVID-19
Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ ngày 30/8 cho biết chính phủ nước này đang lên kế hoạch thương mại hóa các loại vaccine ngừa COVID-19, cũng như những loại thuốc điều trị căn bệnh này trong năm tới.
Bà Dawn O'Connell - một quan chức thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ, cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ chấm dứt các khoản tài trợ liên bang để mua và phân phối vaccine ngừa COVID-19 vào tháng 1/2023, mặc dù đã mua hơn 170 triệu liều vaccine cho chiến dịch tiêm tăng cường vào cuối năm nay.
Theo bà Dawn O'Connell, Chính phủ Mỹ hiện đã mua sắm đủ thuốc kháng virus Paxlovid do hãng Pfizer sản xuất để cung cấp cho người dân tới giữa năm 2023, nhưng các loại thuốc điều trị khác do Merck và AstraZeneca có thể sẽ được bán trên thị trường thương mại sớm hơn.
Trong thông báo đưa ra sau cuộc họp với đại diện khu vực tư nhân, quan chức này nêu rõ: "Mục tiêu của chúng tôi là chuyển đổi hoạt động mua sắm và phân phối các loại vaccine ngừa COVID-19 cũng như các loại thuốc điều trị căn bệnh này từ một hệ thống được chính quyền liên bang quản lý đến thị trường thương mại một cách thận trọng và tổ chức tốt, để không ai bị bỏ lại phía sau".
Dựa trên những kế hoạch hiện tại, bà O'Connell cho rằng việc cung cấp thuốc điều trị dự phòng Evusheld (của hãng AstraZeneca) sẽ kết thúc vào đầu năm 2023, tiếp theo là thuốc kháng virus Lagevrio (của hãng Merck) trong quý I hoặc quý II/2023.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Sydney, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN
Australia giảm thời gian cách ly đối với người mắc COVID-19
Từ ngày 9/9, Australia tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19, theo đó hành khách trên các chuyến bay nội địa sẽ không còn phải đeo khẩu trang và thời gian cách ly đối với người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 song không có triệu chứng sẽ giảm từ 7 ngày xuống còn 5 ngày.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese ngày 31/8 đã công bố quyết định trên, cho biết việc giảm thời gian cách ly sẽ giúp khắc phục phần nào những khó khăn về thiếu lao động mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải.
Việc giảm thời gian cách ly không áp dụng với người làm việc ở môi trường có nguy cơ cao như chăm sóc người cao tuổi và người khuyết tật. Theo đó, những người này vẫn phải cách ly 7 ngày nếu có kết quả xét nghiệm dương tính, dù có triệu chứng bệnh hay không.
Theo báo cáo mới nhất, kể từ dịch COVID-19 bùng phát đến nay số ca mắc tại Australia đã vượt 10 triệu người. Ngày 31/8, nước này ghi nhận 10.000 ca mắc mới và hơn 60 ca tử vong. Hiện có gần 3.000 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại các bệnh viện của Australia, trong đó có 84 ca đang được điều trị tích cực.
Vaccine ngừa COVID-19 của Moderna và Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN
Thêm nhiều nước nới lỏng các biện pháp phòng dịch
Ngày 31/8, CH Síp chính thức gỡ bỏ toàn bộ các biện pháp hạn chế đối với hoạt động tập trung đông người cũng như quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại các khu vực có số ca mắc COVID-19 giảm.
Tuy nhiên, theo Bộ Y tế Síp, quy định bắt buộc đeo khẩu trang vẫn được thực hiện tại bệnh viện, nhà dưỡng lão và trên phương tiện giao thông công cộng.
Giới chức Síp vẫn khuyến nghị người dân đeo khẩu trang tại các khu vực đông người và xét nghiệm mỗi tuần 1 lần. Hiện tỷ lệ dương tính với COVID-19 tại quốc gia châu Âu này là 4,48%.
Học sinh tại một trường học ở Lima, Peru. Ảnh: AFP/ TTXVN
Từ ngày 29/8, việc đeo khẩu trang sẽ không còn là quy định bắt buộc đối với trẻ em tại trường học ở Peru. Đây là lần đầu tiên quy định này được nới lỏng kể từ khi Peru mở lại trường học hồi cuối tháng 3 vừa qua.
Tuy nhiên, các nhân viên nhà trường vẫn bắt buộc phải đeo khẩu trang vì nhà chức trách cho rằng đây là nhóm dễ bị tổn thương trong dịch COVID-19. Sắc lệnh của chính phủ cũng nêu rõ các cơ sở giáo dục cần đảm bảo hệ thống thông gió đúng quy định. Bộ trưởng Giáo dục Rosendo Serna cho biết quy định mới là một "bước tiến lớn" hướng tới việc đưa các trường học trở lại bình thường và tạo điều kiện cho giao tiếp xã hội giữa trẻ.
Chính phủ Peru đã khởi động chương trình tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi sau khi trường học được mở cửa trở lại. Mục đích là tạo miễn dịch cho 4.201.842 trẻ ở nhóm tuổi này, và 58,5% trong số này đã được tiêm phòng đầy đủ.
Liên hợp quốc: Dân số thế giới sắp chạm mốc 8 tỷ người Thế giới có thể chào đón công dân thứ 8 tỷ vào ngày 15/11 tới đây và Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc trở thành nước đông dân nhất trên Trái Đất vào năm 2023. Đây là dự báo được Liên hợp quốc (LHQ) đưa ra ngày 11/7 nhân Ngày Dân số Thế giới (11/7). Cảnh đông đúc tại một nhà ga ở...