Trung Quốc: Phó chánh án Tòa án nhân dân Tối cao bị điều tra tham nhũng
Ông Hề Hiểu Minh, Phó chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trung Quốc, là quan chức cấp cao nhất trong ngành tư pháp từng bị điều tra trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Chủ tịch nước này Tập Cận Bình.
Ông Hề Hiểu Minh, Phó chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trung Quốc. (Ảnh: Xinhua)
AFP dẫn thông báo của Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) ngày 12/7 công bố quyết định điều tra đối với ông Hề Hiểu Minh do bị nghi “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”, cụm từ thường được dùng để chỉ cáo buộc tham nhũng. Thông báo không nêu chi tiết về các cáo buộc với ông Hề.
Hiện chưa rõ liệu ông Hề có bị đuổi khỏi ngành hay không nhưng chưa đầy 2 tiếng sau khi hãng thông tấn Xinhua đưa tin về vụ việc, tiểu sử của ông đã bị xóa khỏi trang chủ của Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc.
Trụ sở Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc. (Ảnh: Getty)
Theo BBC, ông Hề (61 tuổi) công tác trong Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc từ năm 1982. Trước đây, ông Hề là một trong bốn quan chức thuộc Tòa án Nhân dân tối cao Trung Quốc, chuyên xử lý các vụ án kinh tế.
Xinhua cho hay ông Hề sinh thành tại tỉnh Giang Tô, từng là một nhân viên cảnh sát tại thành phố Thẩm Dương hồi thập niên 70, trước khi trở thành Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trung Quốc.
Tính tới nay, ông Hề Hiểu Minh, người đã có tới 40 năm tuổi đảng, được cho là quan chức ngành tư pháp cấp cao nhất của Trung Quốc bị điều tra trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” nhằm quét sạch nạn tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Video đang HOT
Cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang. (Ảnh: AFP)
Hồi tháng trước, cựu trùm an ninh Trung Quốc Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, đã phải lĩnh án tù chung thân do nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực và làm lộ bí mật nhà nước.
Bạch Trúc
Theo Dantri/BBC, AFP, Xinhua
Philippines vạch rõ chiến lược "cắt lát Biển Đông" của Trung Quốc trước tòa
Ngoại trưởng Philippines lập luận trước Tòa trọng tài rằng Trung Quốc đang dùng "chiến thuật cắt lát", tạo "sự đã rồi" trên khắp Biển Đông. Ông cũng cho rằng vụ kiện này không chỉ quan trọng với Manila, mà còn với tất cả bên có tranh chấp trên Biển Đông và các thành viên của UNCLOS.
Tòa PCA đang mở phiên điều trần vụ kiện yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông do Philippines đứng đơn. (Ảnh:AP)
Báo Rappler hôm nay trích nguồn Bộ Ngoại giao Philippines đăng tải bài phát biểu của Ngoại trưởng Albert del Rosario trước Tòa trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague (Hà Lan) vào chiều 7/7 (giờ địa phương).
Vụ kiện có "tác động toàn cầu"
Trong phiên xử chiều 7/7 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Rosario nêu ra những lý do khiến Manila đưa đơn kiện Bắc Kinh về yêu sách chủ quyền vô lý thông qua cái gọi là "đường lưỡi bò" hay "đường 9 đoạn" ở Biển Đông.
Trung Quốc nhiều lần tuyên bố không tham gia vụ kiện liên quan đến chủ quyền và phân định biển này và lớn tiếng nói rằng Tòa trọng tài thường trực không có quyền phán quyết theo Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển (UNCLOS).
Theo Rappler, tại phiên tòa, Manila phá vỡ luận điệu trên của Trung Quốc bằng cách khẳng định không yêu cầu tòa án đưa ra phán quyết về phương diện chủ quyền lãnh thổ và phân định biển trong tranh chấp giữa nước này với Trung Quốc ở Biển Đông.
"Chúng tôi có mặt ở đây vì muốn làm rõ những quyền về biển của chúng tôi ở Biển Đông. Đây là vấn đề mà tòa án có quyền phán quyết", tờ The Philippine Star dẫn lời Ngoại trưởng Rosario phát biểu.
Ngoại trưởng Philippines cũng nhấn mạnh rằng đây là vấn đề quan trọng không chỉ đối với Manila, mà còn đối với tất cả quốc gia có tranh chấp trên Biển Đông và thậm chí đối với tất cả quốc gia thành viên của UNCLOS."
Rappler cũng dẫn lời phát ngôn viên Tổng thống Philippines Abigail Valte, thuộc phái đoàn đến Tòa trọng tài thường trực, Ngoại trưởng Rosario kêu gọi tòa tuyên bố có quyền phán quyết vụ kiện về Biển Đông vì vụ này "có tác động đối với toàn cầu và đối với việc áp dụng quy tắc luật pháp trong các tranh chấp biển".
Trung Quốc dùng bạo lực, gặm nhấm Biển Đông
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario. (Ảnh: AP)
Trong bài phát biểu, Ngoại trưởng Rosario khẳng định chiếu theo luật pháp quốc tế, "đường 9 đoạn" hay "đường lưỡi bò" không có cơ sở. Ông cũng nói rằng Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS thông qua việc cản trở Philippines thực hiện quyền chủ quyền cũng như quyền tài phán và làm tổn hại môi trường biển khu vực bằng cách bồi đắp đảo nhân tạo, phá hủy các rạn san hô ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Philippines cũng chỉ trích Trung Quốc "vũ lực" để áp đặt các yêu sách trên Biển Đông, ngăn chặn các quốc gia ven biển khác, trong đó có Philippines, khai thác trong khu vực nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.
"Những quan điểm và cách cư xử của Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng và gây rối hơn", ông Rosario phát biểu, "Theo các nhà quan sát, Bắc Kinh đang áp dụng chiến thuật cắt lát - triển khai những bước nhỏ mà từng bước đơn lẻ không đủ để gây nên khủng hoảng, nhưng xét tổng thể, chúng cho thấy Bắc Kinh muốn từng bước tạo ra "sự đã rồi" trên khắp Biển Đông."
Ông Rosario cũng lập luận rằng Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) được 162 quốc gia tham gia ký kết, là một "yếu tố cân bằng", giúp các nước nhỏ hơn có thể yêu cầu những nước lớn ngừng vi phạm lãnh thổ của mình. Ngoại trưởng Philippines lập luận rằng công ước này có thể bị suy giảm hiệu lực nếu không thể ngăn Trung Quốc khỏi việc vi phạm các quyền trên biển của các nước láng giềng.
Theo truyền thông Philippines, sau phần phát biểu của Ngoại trưởng Rosario, các luật sư thuộc văn phòng luật sư Foley Hoag ở Washington (Mỹ) do luật sư Paul Reichler đứng đầu, tiếp tục nêu các luận cứ cho thấy PCA có quyền phán quyết đối với vụ kiện theo UNCLOS.
The Strait Times nhận địnhcho dù Tòa trọng tài thường trực đưa ra phán quyết có lợi cho Philippines, thắng lợi này chỉ mang tính biểu tượng, vì Trung Quốc từng tuyên bố không chấp nhận phán quyết đó.
Tuy nhiên, AP dẫn lời Thẩm phán Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio cho rằng một phán quyết có lợi cho Manila sẽ khiến Bắc Kinh bẽ mặt trước cộng đồng quốc tế. Giới phân tích nhận định, nếu phán quyết của Tòa có lợi cho Philippines, Việt Nam và các nước khác cũng có cơ hội tốt để theo đuổi sự vận động pháp lý tương tự như Philippines để ép Trung Quốc phải trở lại bàn đàm phán về chủ quyền.
Tòa PCA từ ngày 7/7 bắt đầu xem xét vụ kiện của Philippines đối với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố sở hữu hầu hết Biển Đông dựa trên "đường 9 đoạn" nước này tự đưa ra. "Đường 9 đoạn" đi vào sát bờ của các nước láng giềng như Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia.
TheoGMA, Philippines đưa tới phiên tòa một phái đoàn gồm các quan chức cấp cao từ 3 cơ quan chính phủ và các luật sư nổi tiếng quốc tế, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Feliciano Belmonte, Phó Chánh án Tòa án Tối cao Antonio Carpio, Thẩm phán Tòa án Tối cao Francis Jardeleza, Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin, Bộ trưởng Tư pháp Leila de Lima... Manila mong muốn trong phiên xử kéo dài từ ngày 7/7-13/7, tòa sẽ ra phán quyết có lợi cho mình, bác bỏ tuyên bố "đường 9 đoạn" của Trung Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc từ chối dự vụ kiện. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 7/7 tiếp tục tuyên bố phản đối Philippines kiện ra trọng tài quốc tế và lớn tiếng nói Manila "chớ có đối đầu" với Bắc Kinh. Báo chí Philippines ngày 8/7 đưa tin, Việt Nam và một số bên liên quan trong tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông với Trung Quốc được Tòa trọng tài cho phép dự vụ kiện của Manila đối với "đường lưỡi bò" của Bắc Kinh.
Bạch Trúc
Theo Dantri/ Rappler, BW, AP
Tòa trọng tài cho phép Việt Nam tham dự vụ kiện "đường lưỡi bò" Việt Nam và một số bên liên quan trong tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông với Trung Quốc được Tòa trọng tài cho phép dự vụ kiện của Manila đối với "đường lưỡi bò" của Bắc Kinh, báo chí Philippines hôm nay 8/7 đưa tin. Tòa PCA hôm nay xét xử vụ kiện "đường lưỡi bò" do Philippines là nguyên đơn tại...