Trung Quốc phát sốt trước tốc độ đóng tàu sân bay Nhật – Ấn
Thời gian qua, các phương tiện truyền thông Trung Quốc rất quan tâm đến tình hình phát triển vũ khí, trang bị của các nước láng giềng. Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” ngày 1 và 2 tháng 8 đã liên tiếp đăng tải loạt ảnh và bày tỏ sự quan ngại, về tiến độ các dự án đóng tàu sân bay của Nhật Bản và Ấn Độ.
Thời gian qua, tiến độ đóng tàu sân bay trực thăng thế hệ mới nhất 22DDH của Nhật Bản luôn là tâm điểm chú ý của dư luận trong và ngoài nước. Ngày 15/7 vừa qua, trên trang Web của lực lượng tự vệ trên biển (hải quân Nhật Bản) đã công bố thông tin, nghi lễ hạ thủy và đặt tên chính thức cho chiếc tàu sân bay trực thăng đầu tiên lớp 22DDH đầu tiên của Nhật Bản, sẽ được tổ chức vào ngày 06/08/2013.
Tàu sân bay trực thăng lớp 22DDH được thiết kế theo mô hình tàu đổ bộ tấn công F-35B của Mỹ
Tàu sân bay trực thăng thế hệ mới nhất lớp 22DDH, được Nhật gọi là tàu khu trục chở trực thăng, có lượng giãn nước tiêu chuẩn 24.000 tấn, tối đa 27.000 tấn, trang bị 3 hệ thống phòng không tầm gần Phalanx, 2 hệ thống phóng tên lửa phòng không Ram. Dự kiến tàu sân bay này, sẽ được đưa vào biên chế chính thức của lực lượng tự vệ trên biển của Nhật Bản, vào tháng 3/2015.
Bức ảnh chụp tháng 1 vừa qua, 22DDH cơ bản chưa thành hình
Thông báo cho biết, buổi lễ hạ thủy và đặt tên chính thức sẽ được tổ chức lúc 15h15′ ngày 06/08/2013, tại Nhà máy đóng tàu Yokohama, thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn liên hợp hải dương Nhật Bản. Tham dự buổi lễ có Thượng tướng, Đô đốc hải quân Tomohisa Takei, đại diện của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, đại biểu của lực lượng tự vệ trên biển và tổng cục trang bị Nhật Bản.
Video đang HOT
Bức ảnh tháng 5 vừa qua, 22DDH chưa lắp đặt cột buồm và các thiết bị liên quan
Song song với nó, để phát triển năng lực tấn công trên biển, Nhật cũng đã cân nhắc khả năng mua sắm máy bay chiến đấu cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng F-35B. Hiện Bộ Quốc phòng nước này đã quyết định đóng 2 tàu sân bay trực thăng lớp 22DDH, nên có đầy đủ phương tiện chuyên chở, để làm bệ phóng cho loại máy bay này. Khi đó, 22DDH sẽ trở thành vũ khí mà Trung Quốc ngán ngại nhất trong tranh chấp biển đảo.
Bức ảnh chụp trung tuần tháng 7, các hạng mục cơ bản đã hoàn thành
Rất có khả năng, trước sự gia tăng các hoạt động của hải quân Trung Quốc trên biển Đông và biển Hoa Đông, Nhật sẽ mua F-35B để trang bị cho lực lượng hải quân đánh bộ. Tàu sân bay trực thăng thế hệ mới nhất 22DDH tuy được chỉ định chuyên chở trực thăng tấn công, nhưng nó được thiết kế, chế tạo theo mô hình các tàu đổ bộ tấn công Mỹ, nên có khả năng mang theo tới 10 chiếc F-35B.
Đầu tháng 8, tàu sân bay 22DDH đã tháo dỡ các giàn giáo, cơ bản đã thành hình chờ ngày hạ thủy
Tàu có thiết kế mặt boong và nhà kho máy bay chứa được ít nhất 14 máy bay trực thăng hạng nặng, có thể cất, hạ cánh đồng thời 5 chiếc. Từ lượng giãn nước, bố cục cho đến chức năng của nó, đều phù hợp với tiêu chuẩn của 1 tàu sân bay hạng nhẹ.
Hiện Bộ Quốc phòng nước này đã quyết định đóng 2 tàu sân bay trực thăng lớp 22DDH. Trong tương lai, 2 tàu sân bay này, sẽ là những vũ khí mà Trung Quốc ngán ngại nhất trong tranh chấp biển đảo.
Thời báo Hoàn Cầu cũng công bố một số bức ảnh cho thấy, tàu sân bay quốc nội Vikrant của Ấn Độ cũng đang sắp hoàn tất.
Toàn cảnh khu vực ụ đóng tàu sân bay INS Vikrant
Việc đóng tàu INS Vikrant được ứng dụng công nghệ đóng theo kiểu module tiên tiến, theo đó sẽ có tổng cộng 874 blocks được chế tạo và ghép nối. Trong tháng 7-2013, Thời báo Hoàn Cầu cũng đã công bố một số bức ảnh cho thấy, nó còn thiếu phần đuôi và phần mũi, nhưng đến đầu tháng 8, dường như tất cả các modul thân tàu cơ bản đã hoàn thiện.
Theo thiết kế tàu sân bay mới của Ấn Độ, lớp Vikrant dài 260 m, rộng 60 m, mớn nước 8,4m lượng giãn nước đầy tải gần 46.000 tấn. Nó được trang bị động cơ LM 2500, của công ty Mỹ General Electric, đảm bảo cho tàu chạy với vận tốc tối đa 28 hải lý/h.
Phần thân được đóng rời sau đó ghép các khối lại
Thân tàu dùng vỏ thép độ bền cao, do nhà sản xuất trong nước chế tạo, với sự hỗ trợ từ Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO). Ấn Độ có sự hỗ trợ từ cục thiết kế Hải quân Nga, trong việc thiết kế hệ thống phóng máy bay trên tàu sân bay. Boong phóng có đường bay hạ cánh và đường bay cất cánh trang bị ba dây hãm.
Trong tháng 7, các khối cơ bản đã hoàn thành chờ ghép nối nhưng vẫn thiếu phần mũi
Về hệ thống phòng vệ, Vikrant vũ trang hệ thống tên lửa hải đối không tầm xa (ống phóng chứa đạn tên lửa đặt theo phương thẳng đứng) cùng hệ thống pháo bắn nhanh tầm gần dùng để đối phó với tên lửa đối hạm và máy bay đối phương. Ngoài ra, theo thiết kế thì tàu còn có 4 pháo hạm siêu tốc OTO Melara 76mm, có tốc độ bắn 120 viên/phút, tầm bắn 30km.
So với các bức ảnh trước đây, tháng 8 này sân bay Vikrant đã hoàn tất phần mũi
INS Vikrant có thể chở tối đa 30 máy bay gồm: 12 tiêm kích đa năng MiG-29K; 8 tiêm kích HAL Tejas Mark 2 (Ấn Độ tự chế tạo) và 10 trực thăng cảnh báo sớm Kamov Ka-31 hoặc trực thăng săn ngầm Westland Sea King. Tổng số nhân viên phục vụ khoảng 1.600 người. Dự kiến, chiếc tàu sân bay nội địa đầu tiên của Ấn Độ mang tên INS Vikrant sẽ chính thức đi vào phục vụ năm 2014, chiếc thứ hai dự kiến biên chế vào năm 2017.
Nguyễn Ngọc
Tổng hợp theo “Thời báo Hoàn Cầu”/Trung Quốc
Theo ANTD