Trung Quốc phát hiện ổ dịch cúm A/H5N1 gần Vũ Hán
Chưa có trường hợp người nhiễm virus cúm A/H5N1 tại ổ dịch mới được phát hiện.
Trung Quốc thông báo phát hiện ổ dịch do virus cúm A/H5N1 gây ra ở tỉnh Hồ Nam. Ảnh: SCMP
Ngày 1-2, Trung Quốc phát hiện một ổ dịch cúm A/H5N1 ( cúm gia cầm) ở gần trung tâm vùng dịch do virus Corona mới (2019-nCoV) gây ra ở miền trung nước này, báo South China Morning Post đưa tin.
Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc thông báo: “Ổ dịch được phát hiện tại một trang trại ở quận Song Thành, thành phố Thiệu Dương (tỉnh Hồ Nam). Trang trại có 7.850 con gà và 4.500 con trong số này đã chết vì bị lây nhiễm. Giới chức địa phương đã tiêu hủy 17.828 con gia cầm sau khi dịch bùng phát”.
Hiện tại, Trung Quốc chưa ghi nhận trường hợp virus cúm A/H5N1 lây sang người ở ổ dịch trên.
Video đang HOT
Giới chức Trung Quốc tiêu hủy gà nhiễm virus cúm A/H5N1 trong đợt bùng phát năm 2013. Ảnh: NYT
Virus cúm A/H5N1 thường được gọi là virus cúm gia cầm, là chủng virus gây bệnh đường hô hấp ở các loại chim. Chủng virus này được phát hiện lần đầu tiên năm 1996 ở Trung Quốc.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chủng virus này có khả năng lây nhiễm sang con người. Hầu hết người nhiễm bệnh là do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm nhiễm bệnh. Tuy nhiên, thế giới đã có vaccine phòng ngừa loại virus này.
Điểm nguy hiểm của loại virus này là tỷ lệ tử vong ở người nhiễm bệnh cao. Theo thống kê của South China Morning Post trong vòng 15 năm qua, số trường hợp tử vong chiếm khoảng 60% tổng số ca nhiễm ở người, cao hơn rất nhiều so với virus SARS (khoảng 10%) hay virus Corona mới (khoảng 2%).
Ổ dịch cúm A/H5N1 được phát hiện giữa lúc Trung Quốc đang dồn toàn lực kiểm soát sự lây lan của virus 2019-nCoV. Đã có 259 người tử vong sau khi nhiễm virus 2019-nCoV (tất cả đều ở Trung Quốc), trong khi số ca nhiễm trên toàn cầu vượt qua con số 12.000 người.
Theo PLO
Chuyên gia từng tiên phong dập dịch SARS "bất lực" trước virus Vũ Hán
Giáo sư bệnh truyền nhiễm Hồng Kông Quản Dật cho rằng nhà chức trách Trung Quốc hành động quá chậm chạp, khiến dịch bệnh viêm phổi do virus corona bùng phát nghiêm trọng.
Ông Quản Dật là chuyên gia virus học, hiện là Chủ nhiệm Phòng thí nghiệm trọng điểm về bệnh truyền nhiễm mới kiêm Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu dịch cúm của Đại học Hồng Kông. Nhóm các nhà nghiên cứu của ông đã đến TP Vũ Hán vào ngày 21-1 hầu mong truy ra nguồn gốc dịch bệnh.
Vào thời điểm đó, nhóm của ông nhận thấy người dân không thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp và không có biện pháp đặc biệt nào được triển khai tại sân bay để khử trùng. Khu chợ ẩm thấp và chưa đến 10% người dân địa phương đeo khẩu trang.
Ông Quản Dật là người đã cùng các cộng sự điều tra và chẩn đoán mầm bệnh SARS năm 2003. Ảnh: RTHK
Ông Quản cho biết nhà chức trách địa phương đã xáo tung khu chợ ở TP Vũ Hán, nơi phát tán virus corona mới gây bệnh viêm phổi lạ chết người, khiến các nhà nghiên cứu khó xác định được virus đến từ đâu. Đó chưa kể đến việc nhiều viện nghiên cứu từ chối hỗ trợ. Ông Quản từng góp mặt trong nhiều đợt chống dịch bệnh trước đây như cúm gia cầm, SARS, cúm A... nhưng chưa bao giờ ông cảm thấy bất lực như lần này.
Lệnh phong tỏa của chính quyền địa phương đưa ra quá muộn và sẽ không ngăn chặn được sự lây lan của virus, theo ông Quản. Bởi vì rất nhiều người rời Vũ Hán trong tuần trước, nhiều người nhiễm bệnh đã mang virus đến các thành phố khác của Trung Quốc. Báo chí Trung Quốc ước tính khoảng 300.000 người đã rời khỏi Vũ Hán vào ngày 22-1, trước khi chính quyền ban lệnh phong tỏa. Chính điều này làm ông Quản lo rằng số ca nhiễm bệnh có thể gấp 10 lần so với dịch SARS năm 2003.
Dịch bệnh SARS đã từ Trung Quốc lan ra 31 quốc gia và khu vực trên thế giới với 8.096 người nhiễm bệnh, 774 người chết; trong đó riêng Trung Quốc có 5.327 ca nhiễm bệnh, chết 348 người; Hồng Kông có 1.755 ca mắc bệnh, chết 299 người; Đài Loan 307 ca nhiễm bệnh, chết 47 người.
Nhân viên khử trùng phía trước nhà ga xe lửa Hán Khẩu ở Vũ Hán ngày 24-1. Ảnh: REUTERS
Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Tài Tân, ông Quản Dật chỉ ra rằng theo dữ liệu chính thức, bùng phát viêm phổi mới đầu tiên ở Vũ Hán xảy ra vào ngày 12-12-2019. Thế nhưng, trường hợp khởi phát sớm trên thực tế có thể tiến triển khoảng nửa tháng đến một tháng trước đó, tức là vào giữa tháng 11-2019.
Theo ông Quản Dật, hồi xảy ra dịch SARS (Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng), trường hợp phát bệnh đầu tiên vào ngày 16-11-2002, cho đến cuối tháng 1-2003 thì dịch bệnh lan mạnh. Dịch bệnh lần này, thời điểm hiện nay cũng vào khoảng giữa tháng 1, nhiều dấu hiệu về tình dịch phát bệnh và lây lan của virus viêm phổi mới ở Vũ Hán tương tự như phát triển giai đoạn đầu của SARS.
Liên quan đến nguy cơ lây truyền virus từ người sang người, ông Quản Dật cho rằng cơ quan chức năng cần rút kinh nghiệm từ bài học dịch SARS để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực trên toàn cầu như dịch SARS.
Ông Quản Dật là người đã cùng các cộng sự điều tra và chẩn đoán mầm bệnh SARS ở Quảng Đông, đi tiên phong trong xác định virus corona của SARS, chứng minh động vật hoang dã trên thị trường là nguồn gốc phát sinh virus gây bệnh SARS.
H.Bình
Theo Tài Tân/nguoilaodong
Nóng: Xuất hiện dịch cúm A/H5N6 ở Kon Tum, tiêu hủy 1.000 con gà Ngay sau khi có kết quả dương tính với virus cúm A/H5N6, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) đã tổ chức tiêu hủy 980 con gà 45 ngày tuổi của gia đình một nông dân ở xã Đăk Kan. Ngày 12/10, ông Đặng Văn Nam - Chánh Văn phòng UBND huyện Ngọc Hồi, cho biết trên địa bàn vừa phát hiện ổ dịch cúm...