Trung Quốc phản ứng với Sách Trắng quốc phòng của Nhật Bản
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc cho rằng, Nhật Bản đã vẽ lên cái gọi là “mối đe dọa Trung Quốc”.
Ngày 5/8, Chính phủ Nhật Bản đã công bố Sách Trắng quốc phòng năm 2014 thể hiện sự quan ngại sâu sắc với những động thái gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Ngay lập tức, Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích Sách Trắng quốc phòng của Nhật Bản đồng thời cáo buộc Tokyo đang sử dụng cái gọi là “mối đe dọa Trung Quốc” như một cái cớ để tăng cường sức mạnh quân sự.
Nhật Bản vừa quyết định giải thích lại Hiến pháp cho phép quân đội nước này thực hiện quyền phòng vệ tập thể (Ảnh: AP)
Thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Trung Quốc công khai phản đối Sách Trắng quốc phòng của Nhật Bản, đồng thời cho rằng Tokyo đã bỏ qua các sự kiện, cố tình tạo dựng lên những gì mà nước này cho là mối đe dọa đến từ Trung Quốc và vin vào cớ đó để điều chỉnh chính sách quân sự, an ninh và tăng cường sức mạnh cho lực lượng vũ trang.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết thêm: “Chúng tôi đang đánh giá các chi tiết về Sách Trắng quốc phòng của Nhật Bản và sẽ đưa ra thêm các bình luận trong thời gian sớm nhất”.
Trong khi đó, Tân Hoa xã đã có bài bình luận cho rằng, những quan điểm được Chính phủ Nhật Bản thể hiện trong Sách Trắng Quốc phòng một lần nữa thổi phồng lên cái gọi là “mối đe dọa đến từ Trung Quốc”.
Theo Tân Hoa xã, Nhật Bản bày tỏ mối quan tâm mạnh mẽ đến việc Trung Quốc xây dựng, củng cố sức mạnh quốc phòng và lấy đây làm một trong những lý do để cho phép quân đội nước này thực hiện quyền phòng vệ tập thể nhưng thực chất động thái này là để củng cố tham vọng và sức mạnh quân sự cho đất nước của ông Abe.
Tân Hoa xã cáo buộc rằng, Nhật Bản gọi những động thái của Trung Quốc gần đây là vô cùng nguy hiểm và có thể gây leo thang căng thẳng thậm chí là một cuộc đụng độ không mong muốn. Tuy nhiên, theo hãng thông tấn Trung Quốc, những gì diễn ra đã cho thấy sự thực là chính Nhật Bản đang tăng cường sự hiện diện và gây hấn với các nước khác trong khu vực.
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc cũng cho rằng, Nhật Bản đã vẽ lên cái gọi là “mối đe dọa Trung Quốc” để biện minh cho việc mở rộng sức mạnh quân sự của mình. Thay vì nhìn thấy Trung Quốc đang trở thành một mối đe dọa thực sự, mọi người chứng kiến Nhật Bản như một quốc gia đã phá vỡ cam kết hòa bình và có vẻ sẵn sàng khẳng định sự hiện diện quân sự ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Video đang HOT
Theo Tân Hoa xã, nếu như Tokyo vẫn tiếp tục theo đuổi những nỗ lực để phát triển sức mạnh quân sự, chính bản thân Nhật Bản sẽ trở thành một nhân tố gây mất ổn định trong khu vực.
Hãng thông tấn này cũng gọi chính sách quốc phòng của Nhật Bản là “một mớ hỗn độn” và Chính phủ của ông Abe cần phải đánh giá lại một cách khách quan và toàn diện chính sách quốc phòng, đồng thời phải tôn trọng ý chí và nguyện vọng của người dân bởi đa số người dân Nhật không ủng hộ việc diễn giải lại bản Hiến pháp hòa bình.
Theo nội dung Sách Trắng Tokyo vừa công bố, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đặc biệt lưu ý tới nước láng giềng Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng tăng cường sức mạnh quân sự và có những hành động độc đoán trên Biển Đông và Biển Hoa Đông như: thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) chồng lấn với Vùng nhận dạng phòng không của Nhật Bản hồi tháng 11/2013, điều tàu và máy bay tuần tra tới các khu vực xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền…
Bên cạnh việc thể hiện sự quan ngại sâu sắc trước các hành động đơn phương gây căng thẳng của Trung Quốc thời gian vừa qua, Sách Trắng cũng khẳng định những nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực sẽ tạo ra những thách thức toàn cầu, gây ra hậu quả xấu cho châu Á và các khu vực khác.
Sách Trắng năm 2014 cũng cho biết, Chương trình quốc phòng của Nhật Bản từ 2014 đến năm 2019 sẽ bao gồm việc bổ sung các máy bay trinh sát không người lái, khu trục hạm chống tên lửa, các trang thiết bị vận chuyển… với chi phí lên đến 247 tỷ USD./.
Hùng Cường
Theo Vietbao
Nhật tuyên bố đứng đầu "chiến tuyến" chống Trung Quốc
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn ngày hôm qua (26/10), Thủ tướng Shinzo Abe đã tuyên bố rằng, Nhật Bản nên giữ vai trò hàng đầu trong cuộc chiến chống lại cái mà ông này miêu tả là nỗ lực của Trung Quốc trong việc dùng vũ lực để đạt được mục đích ngoại giao.
Thủ tướng Nhật Bản luôn giữ lập trường cứng rắn với Trung Quốc trong cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông.
Ông Abe không ngại ngần thể hiện quan điểm, Nhật Bản sẵn sàng cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn tờ Thời báo Phố Wall sổ ra ngày hôm qua, Thủ tướng Abe cho rằng, Nhật Bản nên đóng vai trò hàng đầu trong việc chống lại cái mà ông này gọi là một nỗ lực của Trung Quốc nhằm dùng vũ lực đạt được các mục đích ngoại giao.
Nhà lãnh đạo Nhật Bản cho hay, tại cuộc họp gần đây với lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á, ông đã nhận ra một điều rằng, khu vực này đang tìm kiếm vai trò dẫn dắt từ Tokyo liên quan đến vấn đề an ninh trong bối cảnh Trung Quốc đang thực thi một chính sách ngoại giao quyết liệt.
"Có những lo ngại về việc Trung Quốc đang tìm cách phá vỡ thế nguyên trạng bằng vũ lực thay vì bằng pháp quyền. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc lựa chọn con đường đó, nước này sẽ không thể phát triển một cách hòa bình", ông Abe nhấn mạnh với tờ Thời báo Phố Wall.
"Vì thế, Trung Quốc không nên đi theo con đường đó và nhiều nước mong chờ Nhật Bản thể hiện mạnh mẽ quan điểm này. Và họ cũng hy vọng rằng, Trung Quốc sẽ hành động một cách có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế", Thủ tướng Nhật Bản nói thêm.
Sau khi những phát biểu mạnh mẽ trên được đưa ra, Bắc Kinh đã lên tiếng đe dọa sẽ đáp trả nếu bị khiêu khích.
Một nhà ngoại giao hàng đầu đã nghỉ hưu của Trung Quốc đe dọa, bất kỳ động thái nào của Tokyo nhằm kiếm chế Trung Quốc đều được xem là một nỗ lực nhằm che giấu những động cơ lớn hơn trong khu vực và nó được cho là "cực kỳ nguy hiểm". Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cảnh báo Nhật Bản đừng xem nhẹ quyết tâm của Trung Quốc trong việc áp dụng bất kỳ biện pháp cần thiết nào để bảo vệ bản thân.
Trung Quốc đã trực tiếp "tấn công" vào thông tin mà báo chí Nhật Bản đưa ra gần đây về việc Thủ tướng Abe thông qua chính sách cho phép lực lượng của nước ông bắn hạ các máy bay không người lái của nước ngoài nếu máy bay đó phớt lờ cảnh báo rời khỏi không phận Nhật Bản.
"Đừng đánh giá thấp quyết tâm và sức mạnh của quân đội Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Nếu Nhật Bản dùng đến các biện pháp như bắn hạ máy bay, đó sẽ là một hành động khiêu khích nghiêm trọng đối với chúng tôi, một hành động gây chiến tranh", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc - ông Geng Yansheng đã tuyên bố cứng rắn như vậy trên website của cơ quan này.
Tuyên bố của ông Geng còn cảnh báo: "Chúng tôi sẽ có những hành động kiên quyết để đáp trả và bên gây rắc rối sẽ phải gánh chịu mọi hậu quả".
Tranh chấp lãnh thổ
Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang xấu đi một cách trầm trọng trong thời gian qua vì mâu thuẫn chính liên quan đến cuộc tranh chấp nóng bỏng và quyết liệt giữa hai nước xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
Quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á còn bị ảnh hưởng thêm bởi chuyến thăm của giới nghị sĩ Nhật Bản đến đền thờ Yasukuni ở Tokyo trong tháng này nhằm tưởng nhớ những người đã chết trong chiến tranh.
Trung Quốc cũng có tranh chấp với nhiều quốc gia Đông Nam Á ở Biển Đông.
Phát biểu tại một diễn đàn ở thủ đô Bắc Kinh, cựu Ngoại trưởng Trung Quốc Tang Jiaxuan cho rằng, Nhật Bản đang hy vọng sẽ tranh thủ được Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế để kiềm chế các hành động của Trung QUốc trong khu vực.
Ông Tang không đả động gì đến những phát biểu mới nhất của Thủ tướng Abe nhưng nói rằng, bất kỳ nỗ lực kiềm chế Trung Quốc nào đều hoặc là để đưa ra một quan điểm bóp méo về Trung Quốc hoặc "cố tình minh họa &'về mối đe dọa' Trung Quốc nhằm đạt được mục đích chính trị cao hơn".
Theo lời của ông Tang, động thái của Nhật Bản "không chỉ vô ích mà còn cực kỳ nguy hiểm".
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây sau khi chính phủ ở Tokyo hồi tháng 9 năm ngoái quyết định mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang nằm trong tranh chấp với Bắc Kinh.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện đang nằm trong sự quản lý của Tokyo nhưng Bắc Kinh đang tìm cách phá vỡ thế nguyên trạng ở đây. Trong suốt nhiều tháng qua, Trung Quốc thường xuyên đưa tàu thuyền và sau này là cả máy bay chiến đấu đến tiếp cận quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư nhằm thách thức quyền quản lý của Nhật Bản ở đây. Hành động này của Trung Quốc nhiều lần đẩy hai nước Trung-Nhật đến sát bờ vực của một cuộc xung đột.
Thủ tướng Nhật Bản Abe lên cầm quyền từ hồi năm ngoái. Kể từ đó đến nay, ông này luôn duy trì một lập trường cứng rắn, kiên quyết không lùi bước trong cuộc tranh chấp với nước láng giềng Trung Quốc. Nhật Bản quyết liệt đối đầu với Trung Quốc. Thủ tướng Abe đã ra sức củng cố sức mạnh quân sự của Nhật Bản đồng thời tăng cường tìm kiếm liên minh để sẵn sàng đối phó với Trung Quốc.
Tuy nhiên, gần đây, Trung Quốc bắt đầu có một số dấu hiệu dịu nhẹ hơn. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có những phát biểu mang tính hòa giải hơn tại một hội nghị về ngoại giao diễn ra trong tuần này. Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nói rằng, mối quan hệ hữu hảo với các nước láng giềng là vô cùng quan trọng đối với một chính sách đối ngoại ổn định.
Kiệt Linh - (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Trung Quốc phản ứng mạnh với Sách Trắng quốc phòng Nhật Bản Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc cho rằng, Nhật Bản đã vẽ lên cái gọi là "mối đe dọa Trung Quốc". Ngày 5/8, Chính phủ Nhật Bản đã công bố Sách Trắng quốc phòng năm 2014 thể hiện sự quan ngại sâu sắc với những động thái gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Ngay lập tức,...