Trung Quốc “phải trả giá đắt” nếu quyết thu hồi Đài Loan bằng vũ lực
Một cựu tướng quân đội Trung Quốc mới đây đưa ra cảnh báo rằng đại dịch Covid-19 lây lan trên phạm vi toàn cầu không phải là cơ hội để Bắc Kinh thu hồi Đài Loan bằng vũ lực.
Cựu thiếu tướng Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh sẽ phải tập trung toàn bộ nguồn lực quốc gia nếu muốn thu hồi Đài Loan bằng vũ lực.
Theo SCMP, Qiao Liang, cựu thiếu tướng không quân Trung Quốc vốn được coi là người có tư tưởng diều hâu ở Trung Quốc. Ông Qiao lên tiếng trong bối cảnh Đài Loan ngày càng có xu hướng rời xa Trung Quốc và Mỹ chỉ trích dữ dội Trung Quốc vì đại dịch Covid-19.
“Mục đích cuối cùng của Trung Quốc không chỉ là thống nhất Đài Loan, mà còn là vì giấc mộng Trung Hoa – để 1,4 tỉ người Trung Quốc có một cuộc sống tốt”, ông Qiao hiện là giáo sư tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc ở Bắc Kinh, nói.
“Chúng ta không nên coi thu hồi Đài Loan là ưu tiên hàng đầu. Nếu thu hồi bằng vũ lực, sẽ phải huy động toàn bộ nguồn lực và sức mạnh quốc gia. Không nên bỏ hết trứng vào một giỏ, cái giá phải trả sẽ rất đắt”, ông Qiao nói.
Video đang HOT
Cựu tướng không quân Trung Quốc Qiao Liang.
Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần không thể tách rời của đại lục và sớm muộn cũng sẽ phải trở về với Trung Quốc.
Một số cựu tướng quân đội Trung Quốc coi đây là thời điểm không thể tốt hơn để thu hồi đảo Đài Loan vì cả 4 tàu sân bay Mỹ hoạt động ở Ấn Độ-Thái Bình Dương đều đang neo tại cảng do đại dịch.
Nhưng ông Qiao, đồng tác giả cuốn sách “Chiến tranh phi đối xứng: Kế hoạch tối thượng của Trung Quốc hủy diệt Mỹ”, xuất bản năm 2004 – nói chủ nghĩa dân tộc đang leo thang ở Trung Quốc là rất đáng ngại.
Trong cuốn sách, tác giả kêu gọi Trung Quốc đánh bại đối thủ sở hữu công nghệ vũ khí hiện đại như Mỹ, bằng các biện pháp kinh tế và ngoại giao, hơn là đối đầu quân sự trực diện.
“Không thể phủ nhận năng lực quân sự của Mỹ đang bị hạn chế vì dịch Covid-19, nhưng khoảng thời gian này quá ngắn để Trung Quốc giải quyết các vấn đề chiến lược”, ông Qiao nói.
Ông Qiao cho rằng nếu Trung Quốc thu hồi Đài Loan bằng vũ lực, Mỹ có thể chưa tuyên chiến ngay lập tức mà cùng các đồng minh trong khu vực phong tỏa các tuyến đường hàng hải của Bắc Kinh.
Các biện pháp cấm vận kinh tế Mỹ và phương Tây áp đặt sẽ làm tổn hại đà phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Ông Qiao nhấn mạnh vấn đề Đài Loan chưa thể được giải quyết nếu quan hệ đối đầu Mỹ-Trung chưa ngã ngũ. “Nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc quá nhiều vào đồng đô la Mỹ và chiến tranh sẽ chỉ càng khiến Bắc Kinh chịu tổn thất kinh tế”, ông Qiao nói. “Cái giá phải trả như vậy là quá lớn”.
Hàng không thế giới "cầm cự" trước Covid-19
Toàn bộ ngành công nghiệp hàng không toàn cầu đã gặp khủng hoảng bởi bệnh dịch Covid-19, trừ Nam Cực. Nhu cầu đi lại sụt giảm đã khiến các hãng hàng không cắt giảm thê thảm lịch trình chuyến bay, máy bay và yêu cầu nhân viên nghỉ phép không lương để... cầm cự.
Sân bay Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) vắng hiu hắt trong mùa dịch Covid-19
Sáng sớm 5-3, chiếc máy bay của hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ Turkish Airlines đã quay trở lại Istanbul mà không có bất kỳ hành khách nào theo yêu cầu nhà chức trách Singapore. Trước đó hôm 3-3, một hành khách tới Singapore trên chính chiếc máy bay này đã được phát hiện dương tính với Covid-19.
Cơ quan quản lý hàng không Singapore cho biết, 3 phi công và 11 phi hành đoàn khác của chuyến bay TK54 đã cất cánh rời Singapore về Istanbul vào khoảng 2h ngày 5-3. Khi tới nơi, nhóm này cũng sẽ bị đưa vào cách ly. Trên chuyến bay TK54 hạ cánh xuống sân bay Changi hôm 3-3, một hành khách đã được xác định nhiễm Covid-19. Bộ Giao thông Singapore trong một tuyên bố trên trang web của mình cho biết, nhà chức trách đang truy tìm hành khách trên chuyến bay này. Tờ Straits Times cho biết, 200 hành khách có thể tiếp xúc với trường hợp nhiễm Covid-19 nói trên. Một số đã trở về nhà tại Singapore để tự cách ly, một số khác thì đưa vào diện cách ly ở khách sạn. Sự việc có thể gọi là đáng tiếc với Turkish Airlines, nhưng đó là một trong số nhiều hãng còn duy trì được các chuyến bay, dù sao vẫn còn hơn viễn cảnh xấu nhất là phá sản, ngừng bay.
Ngày 5-3, hãng hàng không Flybe của Anh đã chính thức tuyên bố ngừng bay do lượng khách hàng giảm sút vì dịch Covid-19. Có lẽ đây là một trong những hãng đầu tiên tuyên bố ngừng hoạt động kể từ đầu mùa dịch. "Nếu bạn định bay bằng Flybe, vui lòng đừng tới sân bay trừ khi đã sắp xếp một chuyến bay thay thế với một hãng hàng không khác. Xin lưu ý rằng Flybe rất tiếc không thể sắp xếp các chuyến bay thay thế cho hành khách" - thông cáo của công ty viết vào ngày 5-3. Được thành lập năm 1979, có thời điểm đây là hãng hàng không khu vực độc lập lớn nhất châu Âu, chuyên chở 8 triệu hành khách mỗi năm và khai thác hơn 200 tuyến bay. "Rất buồn khi nghe Flybe đã ngừng hoạt động sau khi phục vụ hành khách trong 4 thập kỷ. Nhân viên chính phủ sẽ có mặt tại các sân bay của Anh sẵn sàng hỗ trợ" - ông Grant Shapps, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Anh viết trên Twitter vào cùng ngày.
Gần đây, Flybe vốn đã gặp khó khăn. Hồi tháng 1-2020, Chính phủ Anh tuyên bố rằng họ đang bàn thảo với lãnh đạo công ty về vấn đề tài chính và các lựa chọn giải cứu. Nhưng những thách thức tài chính của Flybe kết hợp với sự bùng phát Covid-19 đã dẫn đến tác động đáng kể về nhu cầu của hành khách nên họ không còn đủ sức trụ lại.
Mỗi khi xảy ra thảm họa mang tính toàn cầu, ngành công nghiệp hàng không vốn là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng ngay lập tức. Ví dụ, vụ tấn công khủng bố 11-9-2001, dịch bệnh SARS năm 2003 và khủng hoảng tài chính 2008 đều gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với một lĩnh vực luôn phải vật lộn để kiếm lợi nhuận ổn định. Lần này, theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế, đợt dịch Covid-19 có thể sẽ khiến các hãng hàng không mất hàng chục tỷ USD và giảm 4,7% lưu lượng lưu thông toàn cầu, đánh dấu sự sụt giảm nhu cầu tổng thể đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đã khiến hơn 90.000 mắc bệnh và tiếp tục lan rộng khắp toàn cầu, một số sân bay bận rộn nhất thế giới lâm vào tình trạng vắng ngắt, thậm chí giống như "thị trấn ma". Ở Mỹ, các hãng hàng không toàn cầu, bao gồm United, Delta và American đã tạm dừng các chuyến bay đến Trung Quốc, nhưng cũng đã cắt giảm các tuyến khác ở châu Á. Cathay Pacific cho biết họ sẽ giảm 40% công suất và đình chỉ các tuyến nối với một số điểm đến ở châu Á, châu Âu, Trung Đông và Australia. United Airlines đã công bố hôm 4-3 rằng họ sẽ cắt giảm 20% các tuyến quốc tế.
Theo ANTD
Né cách ly, phụ huynh cho con uống hạ sốt rồi đưa đến trường, khi thuốc hết tác dụng các giáo viên mới tá hỏa Một số phụ huynh không hợp tác trong việc phòng dịch và đưa con em đến trường khiến nhiều giáo viên Đài Loan than trời. Trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và các học sinh trở về trường chuẩn bị cho học kỳ mới, công tác phòng dịch của giáo viên và trường học ngày càng khẩn trương. Tuy nhiên, một...