Trung Quốc phải trả giá cho những gây hấn trên Biển Đông và Hoa Đông
Đây là nhận định của các học giả quốc tế tham dự hội thảo “Những diễn biến gần đây tại Biển Đông” diễn ra trong 2 ngày 11-12/7 tại thủ đô Washington.
Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức và đã thu hút sự tham gia của hàng chục diễn giả Mỹ và quốc tế.
Hội thảo “Những diễn biến gần đây tại Biển Đông” nóng lên ngay từ thời điểm khai mạc với bài phát biểu với những ngôn từ mạnh mẽ của Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ, Mike Rogers.
Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ, Mike Rogers
Trong bài phát biểu kéo dài tới 15 phút, ông Rogers chỉ rõ Trung Quốc đang cố tình thay đổi hiện trạng, thay đổi các mối quan hệ trong khu vực, từ việc đơn phương tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không tại biển Hoa Đông cho đến hạ đặt giàn khoan tại Biển Đông.
Những vụ việc tưởng như đơn lẻ này, nếu xâu chuỗi lại sẽ là vấn đề vô cùng nghiêm trọng, và Mỹ không thể khoanh tay đứng nhìn.
“Mỹ là một nước lớn, có những vẫn đề riêng cần giải quyết nhưng chúng ta không thể bỏ qua chuyện này. Chúng ta không cứ ngồi yên và nói rằng chúng ta đã có ô nên cứ để mặc cho cơn bão xung đột nổi lên. Đây là cơ hội để chúng ta thay đổi cục diện, để Trung Quốc hiểu rằng họ không nên nghi ngờ quyết tâm của Mỹ trong việc bảo vệ tự do hàng hải, tự do thương mại tại Biển Đông”, ông Mike Rogers nhấn mạnh.
Chia sẻ quan điểm của Hạ nghị sỹ Rogers, Giám đốc Chương trình an ninh châu Á-Thái Bình Dương thuộc Trung tâm vì một nền an ninh mới của Mỹ, Patrick Cronin nhận định rằng Chính phủ Mỹ đã nhìn nhận vấn đề Biển Đông một cách nghiêm túc hơn so với một năm trước đây.
Video đang HOT
Giám đốc Chương trình an ninh châu Á-Thái Bình Dương thuộc Trung tâm vì một nền an ninh mới của Mỹ, Patrick Cronin
Ông Cronin nhấn mạnh Trung Quốc phải trả giá cho những hành động hung hăng cũng như phớt lờ luật pháp quốc tế nhằm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông và Hoa Đông.
“Chúng ta tiếp tục tìm kiếm giải pháp hòa bình đối với các tranh chấp nhưng đồng thời cũng cần cứng rắn để Trung Quốc thấy rằng hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng bằng cưỡng ép vũ lực là không thể chấp nhận được”, ông Cronin nói.
Theo ông Cronin, Mỹ cần tăng cường sự hiện diện trong khu vực, phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác, ủng hộ xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, củng cố các thể chế khu vực với ASEAN làm trung tâm như Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị cấp cao Đông Á, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng…
Giám đốc chương trình nghiên cứu Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), Christopher Johnson cho rằng, hành động của Trung Quốc tại Biển Đông là một chiến lược đã định sẵn chứ không phải là những chiến thuật hoặc phản ứng nhất thời đối với các nước láng giềng hay Mỹ.
Theo ông Johnson, một trong những yếu tố chủ yếu khiến Trung Quốc ngày càng cứng rắn trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ là ưu thế về kinh tế trong khu vực.
Giám đốc chương trình nghiên cứu Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), Christopher Johnson
“Trung Quốc cảm thấy rằng các nước ASEAN có thể sẽ bất bình nhưng về lâu dài sẽ phải nhượng bộ vì sự phụ thuộc cũng như lợi ích trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Do vậy mà tôi cho rằng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương rất quan trọng vì đây chỗ dựa thay thế về kinh tế đối với các nước trong khu vực”, ông Johnson nêu rõ.
Trong khi đó, ông Alan Dupont, Giáo sư an ninh quốc tế thuộc trường Đại học New South Wales (Australia) nhìn nhận trong năm 5 qua, Trung Quốc đã khá thành công trong việc gây sức ép để buộc các nước ASEAN nhượng bộ đối với các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh nhưng tình hình sẽ thay đổi trong thời gian tới khi các nước ASEAN đều lo ngại về chủ nghĩa đơn phương dựa trên sức mạnh vũ lực của Trung Quốc.
Tại hội thảo, chuyên gia cao cấp về luật Đông Á, Giáo sư Jerome Cohen cho biết những gì mà Trung Quốc đang làm khiến người ta hoài nghi về tuyên bố “cường quốc trỗi dậy hòa bình” của Bắc Kinh.
Không chỉ sử dụng các biện pháp cưỡng ép trong đòi hỏi chủ quyền, Trung Quốc còn vi phạm cam kết đối với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển, chẳng hạn như từ chối tham gia vụ kiện của Philippines.
Giáo sư Jerome Cohen
Giáo sư Cohen, một người từng ủng hộ mạnh mẽ Trung Quốc trước đây, tỏ ý thất vọng với cách hành xử của Bắc Kinh: “Tôi rất buồn với quan điểm hiện nay của Trung Quốc. Tôi đã dành hết cả sự nghiệp của mình để thuyết trình quan điểm của Trung Quốc về luật pháp trong nước và quốc tế. Vào những năm 1960, một số nhà ngoại gia Mỹ thường trêu đùa, gọi tôi là luật sư của Trung Quốc. Nhưng bây giờ thì tôi thực sự thất vọng”.
Ngày mai (12/7), hội thảo sẽ tập trung thảo luận về triển vọng chính sách của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông và việc hợp tác, xây dựng lòng tin nhằm giúp giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay./.
Theo Nhật Quỳnh-Huy Hoàng
VOV-Washington
Nghị sĩ Mỹ thẳng thắn cáo buộc Trung Quốc "tham lam" ở Biển Đông
Chủ tịch ủy ban tình báo của Hạ viện Mỹ ngày 10/7 đã thẳng thắn cáo buộc Trung Quốc gây hấn, "tham lam" nhằm kiểm soát lãnh thổ và các tài nguyên ở Biển Đông.
Nghị sĩ Mỹ Mike Rogers.
Nghị sĩ Cộng hòa Mike Rogers đã đưa ra các bình luận trên trong một cuộc họp báo tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) tại Washington hôm qua.
Bình luận về việc Trung Quốc triển khai một giàn khoan dầu gần quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam), nghị sĩ Rogers cho hay Trung Quốc đang hành động vì các mục đích ích kỷ của riêng mình.
Từ đầu tháng 5, Trung Quốc đã triển khai trái phép giàn khoan dầu Hải Dương-981 sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việt Nam nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung đã lên án hành động ngang ngược này của Trung Quốc.
Trong cuộc họp báo hôm qua, ông Rogers cũng nhắc tới quyết định của chính phủ Nhật Bản gần đây nhằm cho phép quân đội nước này thực thi quyền phòng vệ tập thể, cũng như sự tăng cường hợp tác quân sự giữa Philippines và Mỹ.
Theo nghị sĩ Rogers, các nỗ lực như vậy nhằm đối phó với Trung Quốc đang đi đúng đường hướng.
Ông Rogers cũng hối thúc Mỹ và các đồng minh tại châu Á tăng cường hợp tác để chống lại Trung Quốc.
Các bình luận của ông Rogers được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc ngày 10/7 đã kết thúc Đối thoại kinh tế Mỹ-Trung lần thứ 6 tại Bắc Kinh. Cuộc đối thoại kết thúc mà hai bên không thu hẹp được các bất đồng. Trung Quốc nhấn mạnh rằng nước này sẽ không nhượng bộ về các hoạt động hàng hải.
An Bình
Theo Dantri/AP
Ronaldo bất ngờ nhận họ hàng ở Brazil sau... 100 năm Tại Brazil, Cristiano Ronaldo cùng tuyển Bồ Đào Nha đóng quân ở Campinas. Thật trùng hợp, đây là nơi sinh sống của gia đình người họ hàng mà bấy lâu nay anh không hề biết. Ronaldo Rogers Aveiro là người Brazil. Anh năm nay 36 tuổi, cao lớn, tóc không vuốt gel và chơi bóng đá rất tồi. Nhưng Rogers lại có họ...