Trung Quốc nói không có tự do hàng hải cho tàu chiến nước ngoài ở Biển Đông
Đại sứ Trung Quốc tại Philippines khẳng định Bắc Kinh không cho phép bất kỳ nước nào, kể cả Mỹ, đưa tàu chiến hay máy bay quân sự vào Biển Đông và ngang ngược tuyên bố đó là “lãnh hải của Trung Quốc”.
Công trường xây dựng phi pháp của Trung Quốc trên Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam – Ảnh minh họa: AFP
Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa hôm 11.8 tuyên bố rằng Trung Quốc tôn trọng tự do hàng hải ở Biển Đông nhưng không cho phép chính phủ nước ngoài can thiệp và đưa tàu chiến, máy bay quân sự xâm nhập vào cái mà Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố là “lãnh hải của Trung Quốc”, theo AP ngày 12.8.
Đại sứ Trung Quốc ở Philippines nhắc đến sự kiện máy bay săn ngầm P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ đụng độ với Hải quân Trung Quốc khi bay tuần tra ở Biển Đông hồi tháng 5.2015 cũng như phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry về tự do hàng hải ở Biển Đông ở Diễn đàn khu vực ASEAN tổ chức vừa qua tại Malaysia.
Máy bay P-8A Poseidonngày 20.5 xuất phát từ Philippines, bay qua các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng và tiến hành xây dựng phi pháp tại đây. Hải quân Trung Quốc ngang ngược thách thức, 8 lần đưa ra cảnh báo xua đuổi chiếc P-8A Poseidon. Trung Quốc cho rằng Mỹ đã “xâm phạm vùng trời của Trung Quốc” ở Biển Đông.
“Chúng tôi mới chỉ cảnh cáo thôi. Hãy cẩn thận, đừng có mà xâm nhập”, Đại sứ Triệu nói với các nhà báo bên lề một sự kiện ngoại giao tổ chức ở Manila tối 11.8, theo AP.
Mỹ chưa bao giờ công nhận đòi hỏi chủ quyền nuốt trọn gần như cả Biển Đông của Trung Quốc, cũng như tuyên bố chủ quyền của những quốc gia khác, kể cả đồng minh Philippines.
Một nhân viên Hải quân Mỹ trên chiếc P-8A chỉ vào những công trình xây dựng phi pháp của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập hiện trên màn hình. Trung Quốc đã xây dựng phi pháp một đường băng trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam – Ảnh: Reuters
“Tự do hàng hải không có nghĩa cho phép nước khác xâm nhập vùng trời, lãnh hải có chủ quyền. Không quốc gia nào được phép làm thế. Chúng tôi nói tự do hàng hải phải được giám sát theo luật quốc tế. Không có tự do cho tàu chiến và máy bay (quân sự)”, ông Triệu nói tiếp.
Video đang HOT
Đại sứ Trung Quốc nhắc lại tuyên bố của Bắc Kinh rằng việc cải tạo đất để xây đảo nhân tạo ở Biển Đông đã chấm dứt và Trung Quốc “đang xây dựng cơ sở hạ tầng trên đó để phục vụ cho tự do hàng hải, công tác tìm kiếm, cứu hộ và nghiên cứu khoa học”. Ngoài ra, ông ta còn cho rằng cơ sở “hạ tầng quốc phòng cần thiết” cũng được xây dựng tại các đảo trên.
Viên đại sứ Trung Quốc ở Philippines còn đề cập đến dải phao “xác định chủ quyền của Trung Quốc” ở Biển Đông được ngư dân Philippines phát hiện và dẹp bỏ hồi tháng 7.2015. Ông ta nói rằng mình không biết những dải phao đó, và “Ngay cả ngư dân ở đó còn không biết nó xuất phát từ đâu”.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Hiểm họa ẩn sau âm mưu quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc
Biến các đảo nhân tạo ở Biển Đông thành căn cứ quân sự, Trung Quốc nhờ đó có thể tăng cường khả năng kiểm soát trên một khu vực rộng lớn, lấn lướt các bên liên quan khỏi tranh chấp chủ quyền.
Hình ảnh đường băng trên đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam do Digital Globe công bố hôm 13/7. Ảnh: Medium
Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang tham vọng dùng các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông để phục vụ cho mục đích quân sự, Lowy Interpreter, trang web chính thức của Viện Chính sách Lowy, dẫn lời đô đốc Harry Harris, chỉ huy Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen thường niên do Viện nghiên cứu Aspen ở Washington tổ chức mới đây. Ông gọi các đảo nhân tạo này là "những tiền đồn tiềm năng" của quân đội Trung Quốc.
Bắc Kinh cố tình lấp liếm ý đồ trên bằng cách nhấn mạnh vào khía cạnh dân sự trong mục đích sử dụng của chúng như cung cấp dịch vụ công cộng, cứu nạn hàng hải, phòng chống thiên tai hay quan trắc khí tượng.
Nâng cao năng lực kiểm soát
Theo bà Bonnie S.Glaser từ Viện chính sách Lowy, chuỗi tiền đồn thuộc quần đảo Trường Sa mà Bắc Kinh cải tạo trái phép chắc chắn sẽ được lắp đặt hệ thống radar và thiết bị do thám điện tử nhằm tăng cường năng lực tình báo của Trung Quốc cũng như khả năng theo dõi, trinh sát trên biển.
Đường băng dài hơn 3.000 m mà nước này xây trên đá Chữ Thập cho phép hầu như tất cả các loại chiến đấu cơ cất và hạ cánh. Trung Quốc bên cạnh đó liên tục dựng lên nhiều nhà chứa với mục tiêu biến nơi đây trở thành một kho dự trữ máy bay chiến thuật, sẵn sàng xuất kích bất cứ lúc nào.
"Đường băng 3.000m đủ sức đón cả máy bay ném bom B-52, gần đủ lớn để trở thành bãi phóng tàu con thoi và thừa sức để một chiếc máy bay chở khách Boeing 747 cất cánh", ông Harris nói.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể điều động tới đây các loại phi cơ trinh sát, cảnh báo sớm, máy bay vận tải, máy bay tiếp liệu hay thậm chí cả chiến đấu cơ. Tùy thuộc vào những nền tảng và công trình được triển khai tại các tiền đồn này, Bắc Kinh có thể nắm trong tay khả năng giám sát gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, 24h trên 7 ngày, giành ưu thế áp đảo so với các nước láng giềng nhỏ bé hơn, cũng như đặt ra thách thức lớn cho hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực.
Tạo tiền đề lập ADIZ
Chiến đấu cơ Su-27 của Trung Quốc bay áp sát máy bay của lực lượng phòng vệ Nhật Bản trên biển Hoa Đông tháng 6/2014. Ảnh: AP
Trung Quốc có thể tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên một phần hoặc toàn bộ khu vực nằm trong cái gọi là "đường 9 đoạn" mà nước này tự đưa ra, chiếm 90% diện tích Biển Đông. Để hiện thực hóa ý định trên, Bắc Kinh chắc chắn sẽ duy trì đường băng tại một số địa điểm nhất định, bà Glaser đánh giá.
ADIZ là vùng trời trên biển hoặc đất liền mà quốc gia thiết lập, vượt ra ngoài không phận của một nước, đòi hỏi phi cơ tiến vào phải khai báo, đồng thời có quyền kiểm soát đường bay của phi cơ đó vì lợi ích an ninh quốc gia.
"Họ đã xây dựng đường băng, họ sẽ chuyển vũ khí đến đó. Về sau, khi một máy bay Mỹ đi qua, dù là chuyến bay thương mại hay loại nào khác, họ cũng sẽ đòi phải 'khai báo'", Thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ tuần trước phát biểu tại Viện Hudson, trụ sở ở Washington.
Giáo sư Andrew Erickson, từ Đại học Hải chiến Mỹ, thì tin rằng Trung Quốc sẽ thiết lập ADIZ trên Biển Đông trong vòng 2 năm tới.
Tháng 11/2013, Trung Quốc đơn phương tuyên bố thiết lập ADIZ trên vùng biển tranh chấp ở Hoa Đông. Hành động này khi đó bị chỉ trích dữ dội. Một tướng quân đội ở Bắc Kinh còn tiết lộ Trung Quốc từ rất lâu đã có kế hoạch lập ADIZ tại tất cả các vùng biển xung quanh nước này, bao gồm Hoa Đông, Hoàng Hải và cả Biển Đông.
Phong tỏa cửa ngõ
Hải quân Trung Quốc hôm 28/7 tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông với mục đích nước này đưa ra là tăng cường năng lực tác chiến trên biển. Ảnh: PLA Daily
Trung Quốc cũng có thể lợi dụng các tiền đồn tại quần đảo Trường Sa để mở rộng vùng chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) về phía nam và đông, đến vùng biển Philippines và biển Sulu. Các đường băng trên tiền đồn ở Biển Đông sẽ cho phép các đơn vị quân đội Trung Quốc tăng cường phạm vi hoạt động của những chiến đấu cơ đóng trên đất liền hay ở đảo Hải Nam, từ đó bao quát toàn bộ Biển Đông và xa hơn nữa.
Trung Quốc cũng nhờ vậy mà gia tăng đáng kể khả năng phản ứng trước những động thái quân sự của Mỹ trong khu vực. Chiến đấu cơ Bắc Kinh sẽ thuận lợi hơn khi muốn ngăn chặn máy bay Washington ngay cả khi chúng ở cách xa bờ biển Trung Quốc, các chuyên gia đánh giá.
Đô đốc Harris cho biết Trung Quốc hiện chưa điều tên lửa hành trình chống hạm hay thiết bị hỗ trợ đến các đảo nhân tạo nhưng dự đoán Bắc Kinh trong tương lai gần sẽ triển khai tên lửa đất đối không tới đây. Thêm vào đó, bến cảng trên bãi đá Chữ Thập khá phù hợp để trở thành nơi neo đậu cho tàu ngầm của Bắc Kinh nếu so với cảng nước nông mà quân đội Trung Quốc đang sử dụng ở đảo Hải Nam.
Theo bà Glaser, khi xung đột quân sự bùng phát, các đảo nhân tạo cùng lực lượng tàu chiến và máy bay đồn trú trên đó rất dễ bị tấn công nhưng trong thời bình hay giai đoạn khủng hoảng, Trung Quốc có thể lợi dụng những tiền đồn này để đẩy Mỹ ra xa khỏi Biển Đông. Trường hợp Bắc Kinh quyết định đánh bật các bên liên quan trong tranh chấp khỏi quần đảo Trường Sa, những tiền đồn này sẽ trở thành công cụ nguy hiểm của quân đội Trung Quốc. Trực thăng, tàu đổ bộ và các loại pháo binh cơ động hoàn toàn có thể được sử dụng để triển khai tấn công chớp nhoáng.
Glaser cho rằng với những tiền đồn được quân sự hóa, Trung Quốc cũng có khả năng gây áp lực lên các bên tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông. Điển hình như Bắc Kinh dễ dàng phong tỏa và làm gián đoạn hoạt động tiếp tế của Manila tới con tàu chiến cũ nát trên bãi Cỏ Mây mà quân đội Philippines đồn trú. Hồi đầu năm 2014, tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc hai lần ngăn chặn tàu dân sự Philippines cung cấp hàng hóa cho các lính hải quân đóng tại bãi Cỏ Mây.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Philippines: Không cần gửi Trung Quốc thư mời đặc biệt dự APEC Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố không cần gửi cho Trung Quốc thư mời đặc biệt, mà chỉ là thư thường như các nước để tham dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) do Manila đăng cai tổ chức. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, ông Charles Jose - Ảnh: AFP...