Trung Quốc nói gần 300 sinh viên bị thẩm vấn khi rời Mỹ
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói hàng trăm sinh viên nước này bị “quấy rối và thẩm vấn” khi chuẩn bị rời Mỹ từ tháng 5 đến tháng 9.
“Trong mùa hè này, Mỹ đã sử dụng quyền lực tư pháp để làm phiền và thẩm vấn sinh viên Trung Quốc, thậm chí bắt và truy tố họ với những cáo buộc sai trái”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 21/10.
Theo ông Triệu, từ giữa tháng 5 đến tháng 9, gần 300 sinh viên trong chương trình trao đổi sinh viên nước ngoài của Trung Quốc đã bị quấy rối và thẩm vấn tại sân bay Mỹ. Điện thoại di động, máy tính xách tay và các đồ dùng cá nhân khác của một số người bị kiểm tra, thậm chí bị tịch thu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.
Ông Triệu không đề cập chi tiết bất kỳ trường hợp cụ thể nào, cũng không nói rõ các con số được thống kê ra sao. Thông tin được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh trở nên tồi tệ trong những tháng gần đây, khiến sinh viên Trung Quốc tới thăm và làm việc, học tập tại Mỹ chịu giám sát chặt chẽ.
Sinh viên Trung Quốc tại Đại học Nam California, Mỹ. Ảnh: AFP.
Video đang HOT
Tổng thống Mỹ Donald Trump, Ngoại trưởng Mike Pompeo và nhiều quan chức cấp cao của Mỹ đã nhiều lần cảnh báo nguy cơ sinh viên và học giả Trung Quốc hoạt động gián điệp cho Bắc Kinh. Tháng trước, hai người Mỹ nhận tội tại một tòa án tại Washington vì sử dụng hộ chiếu giả và các tài liệu giả khác để giúp công dân Trung Quốc có được thị thực du học.
Bộ Tư pháp Mỹ hồi tháng 7 bắt 4 học giả Trung Quốc vì che giấu mối quan hệ của họ với quân đội Trung Quốc trong đơn xin cấp thị thực. Hồi tháng 6, ba sinh viên Trung Quốc bị tuyên án một năm tù vì chụp ảnh căn cứ hải quân Mỹ ở Florida.
Năm 2018, Bộ Tư pháp Mỹ khởi động chương trình giám sát hoạt động bất hợp pháp của công dân Trung Quốc ở Mỹ. Bộ này sau đó tuyên bố rằng khoảng 60% các trường hợp liên quan đánh cắp bí mật thương mại có mối liên hệ với Trung Quốc.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien tuần này cho biết chính phủ đang làm việc với các trường đại học để bảo vệ quyền của các sinh viên trao đổi Trung Quốc, nhưng cũng nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các trường đại học Mỹ.
“Những sinh viên Trung Quốc đến đây để học chứ không phải để ăn cắp sẽ luôn được chào đón”, ông cho hay.
Đầu tháng này, Pompeo và Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Betsy DeVos gửi thư tới các lãnh đạo trường đại học, nói rằng chính phủ Trung Quốc có thể đang giám sát cả sinh viên Mỹ và Trung Quốc trong khuôn viên trường họ. Tháng trước, Phó cố vấn An ninh Quốc gia Matt Pottinger cho biết Mỹ đang thực hiện “phương pháp chọn lọc” để theo dõi các gián điệp tiềm năng, chỉ nhắm vào 1% trong số 400.000 sinh viên Trung Quốc đang học tập tại Mỹ.
Bất chấp mối quan hệ không mấy êm đẹp giữa hai nước, Mỹ vẫn là điểm đến phổ biến nhất của du học sinh Trung Quốc, sau Anh, Australia và Canada, theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường New Oriental. Một nghiên cứu của Đại học Georgetown tuần trước cho biết công dân Trung Quốc chiếm 16% tổng số sinh viên nước ngoài theo học khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học ở Mỹ.
Ngoại trưởng Pompeo thuyết phục Brazil giảm phụ thuộc Trung Quốc
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng, Mỹ và Brazil phải giảm phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về việc gia tăng hợp tác Mỹ-Brazil nhằm phục hồi sau đại dịch COVID-19, Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng quan hệ kinh tế song phương, đồng thời bày tỏ quan ngại về "rủi ro to lớn" xuất phát từ sự tham gia đáng kể của Trung Quốc vào nền kinh tế hai nước.
"Trong khi tìm các cách nhằm tăng cường thương mại giữa hai nước, chúng ta có thể... giảm sự phụ thuộc vào các mặt hàng quan trọng đến từ Trung Quốc. Hai nước chúng ta sẽ an toàn hơn và mỗi quốc gia sẽ thịnh vượng hơn rất nhiều, cho dù phải mất 2 năm, 5 năm hay 10 năm nữa", Ngoại trưởng Pompeo nói.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. (Ảnh: Reuters)
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ với Brazil, mong muốn giành được lợi thế trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng đối với Trung Quốc ở khu vực Mỹ Latinh.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cũng muốn đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Washington. Tuy nhiên điều này đang bị cản trở bởi Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Brazil, nước mua nhiều đậu nành và quặng sắt của nước này.
Phản ứng trước tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 20/10 cho rằng, một số chính trị gia Mỹ đang cố gắng "gieo rắc mối bất hòa". Theo ông Triệu Lập Kiên, hợp tác giữa Trung Quốc và Brazil là lâu bền và nhận được sự ủng hộ rộng rãi ở cả hai nước.
Tổng thống Bolsonaro vẫn chưa quyết định có cấm các công ty viễn thông Brazil mua thiết bị 5G từ gã khổng lồ công nghệ Huawei của Trung Quốc theo lời kêu gọi từ chính quyền Trump hay không.
Tại hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Bolsonaro đã công bố 3 thỏa thuận với Mỹ. "Trong một năm rưỡi qua, cùng với Tổng thống Trump, chúng tôi đã nâng tầm quan hệ Brazil - Mỹ. Quan hệ hai nước đang ở thời điểm tốt nhất từ trước đến nay và mở ra một chương mới trong quan hệ song phương", ông Bolsonaro nói.
Ông Pompeo cho biết Brazil đang tiến gần hơn đến việc gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhóm các quốc gia giàu có với sự hỗ trợ của Mỹ. "Chúng tôi muốn điều này xảy ra nhanh nhất có thể", ông Pompeo nói.
Ngoại trưởng Mỹ cũng cho hay, ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ sẽ hỗ trợ các dự án trị giá 450 triệu USD ở Brazil trong năm nay, trong khi Tập đoàn Phát triển tài chính Mỹ có kế hoạch đầu tư khoảng 1 tỷ USD vào các dự án ở quốc gia Mỹ Latinh này.
Thương mại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với Brazil ước tính đạt 105,1 tỷ USD trong năm 2019.
Cấm vận vũ khí Iran: Bắc Kinh hoan nghênh, Mỹ 'ra tay' với loạt công dân và thực thể Trung Quốc Ngày 19/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng, sự kết thúc lệnh cấm vận vũ khí và các hạn chế đi lại của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đối với Iran phản ánh quan điểm chung của cộng đồng quốc tế. Trung Quốc hoan nghênh dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí...