Trung Quốc nói đã ngừng cải tạo đất ở Biển Đông
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 5/8 cho biết tại một cuộc họp của khối ASEAN rằng Bắc Kinh đã ngừng hoạt động cải tạo đất ở Biển Đông. Tuy nhiên, một nguồn tin ngoại giao Đông Nam Á tiết lộ rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng phi pháp trên các đảo nhân tạo.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Ảnh: AFP)
“Trung Quốc đã ngừng rồi đấy. Các bạn nhìn xem, ai đang xây dựng? Hãy lên máy bay để kiểm chứng”, ông Vương nói với báo giới tại Kuala Lumpur khi được hỏi về công tác cải tạo đất, AFP đưa tin.
Bình luận trên của Ngoại trưởng Trung Quốc được đưa ra khi ông có mặt tại Malaysia để tham dự các cuộc họp cấp cao của ASEAN với các đối tác.
“Ngừng cải tạo đất nhưng tiếp tục xây dựng”
Tuy nhiên, một nguồn tin ngoại giao cho hay Ngoại trưởng Vương Nghị đã nói trong một cuộc gặp với những người đồng cấp trong khu vực tại diễn đàn an ninh ở Malaysia rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục các kế hoạch xây dựng trên các đảo mới bồi đắp.
Nguồn tin ngoại giao nói thêm, ông Vương nói việc cải tạo đất đã hoàn thành nhưng công tác xây dựng sẽ tiếp tục. Các dự án xây dựng bao gồm các ngọn hải đăng, các cơ sở cứu hộ khẩn cấp và y tế, các cơ sở khí tượng và hàng hải.
Trung Quốc đã gây ra những lo ngại khi bồi đắp các bãi đá nhỏ và xây dựng các cơ sở quân sự trên một số bãi đá để đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông.
Video đang HOT
Trên thực tế, Trung Quốc không có dấu hiệu dừng xây dựng trên các đảo nhân tạo tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Kể từ năm ngoái, Bắc Kinh đã tăng tốc các hoạt động xây đảo nhân tạo tại 7 bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa. Các hình ảnh vệ tinh được chụp gần đây cho thấy Trung Quốc vẫn đang tiến hành các hoạt động cải tạo, xây dựng phi pháp ở Biển Đông.
Trung Quốc hiện đang gấp rút hoàn thành công tác xây dựng một đường băng dài 3.000 m trên bãi Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa.
Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (CSIS) tại Washington mới đây còn cho biết, các bức ảnh vệ tinh mới về một bãi đá khác là Xu Bi – nơi gần 400 ha đất đã được cải tạo – cho thấy Bắc Kinh có thể đang sẵn sàng xây dựng một đường băng khác tại đây với chiều dài tương tự.
Trước khi các hội nghị cấp cao của ASEAN diễn ra tại Malaysia, Trung Quốc đã nói rằng nước này không muốn thảo luận vấn đề Biển Đông tại diễn đàn này. Tuy nhiên, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trở thành chủ đề rất được quan tâm tại các hội nghị cấp cao của ASEAN. Một số Ngoại trưởng ASEAN, trong đó có Ngoại trưởng nước chủ nhà Malaysia, đã bác bỏ đề nghị của Bắc Kinh, nói rằng vấn đề Biển Đông quá quan trọng nên không thể bỏ qua.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người cũng có mặt tại Kuala Lumpur, đã thẳng thắn nêu ra vấn đề Biển Đông trong cuộc gặp song phương với người đồng cấp Trung Quốc vào hôm nay 5/8. Ông Kerry đã bày tỏ lo ngại về việc cải tạo đất và hoạt động xây dựng trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ nhấn mạnh rằng Washington không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền tại vùng biển chiến lược, nhưng mong muốn các vấn đề này được giải quyết hòa bình theo luật pháp quốc tế.
Bắc Kinh thực lòng muốn đẩy nhanh tham vấn COC?
Trong một diễn biến liên quan, cũng trong ngày 5/8, Ngoại trưởng Trung Quốc và Thái Lan cho hay Trung Quốc và ASEAN đã nhất trí đẩy nhanh các cuộc tham vấn về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Trong nhiều năm, ASEAN đã kêu gọi Trung Quốc đàm phán về COC để ngăn chặn các hành động có thể dẫn tới xung đột. Bắc Kinh tỏ ra không mấy quan tâm, nhưng vào năm 2013 đã nhất trí tham gia các cuộc tham vấn về COC, mặc dù không phải các cuộc đàm phán đầy đủ.
“Các quốc gia cạnh Biển Đông… nên đẩy nhanh các cuộc tham vấn COC và tích cực tìm kiếm các biện pháp đề phòng để quản lý các rủi ro trên biển”, ông Vương nói.
Tuy nhiên, các nhà phân tích từ lâu vẫn nói rằng Trung Quốc đang tìm cách làm chậm tiến trình trong khi đẩy nhanh sự hiện diện trên các bãi đá.
An Bình
Theo Dantri
Trung Quốc có thể chuẩn bị xây đường băng phi pháp thứ 2 ở Trường Sa
Trung Quốc có thể đang chuẩn bị xây dựng một đường băng phi pháp thứ 2 dài 3.000 mét trên một hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông, Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (CSIS) tại Washington cho biết.
Trung Quốc có thể xây đường băng dài 3.000 mét trên bãi Xu Bi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Ảnh: CSIS)
Bắc Kinh hiện đang gấp rút xây dựng một đường băng dài 3.000 m trên đảo Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là đường băng dài nhất trong khu vực và có thể được sử dụng cho các sứ mệnh chiến đấu khi hoàn thành, CSIS cho hay.
Theo nguồn tin trên, đường băng trên bãi Chữ Thập, cách đảo Hải Nam khoảng 1.000 km, đang ở giai đoạn xây dựng "cao độ". Việc thi công đường băng này bắt đầu từ năm ngoái.
Tuy nhiên, CSIS cho biết thêm, các bức ảnh vệ tinh mới về một bãi đá khác là Xu Bi - nơi gần 400 ha đất đã được cải tạo - cho thấy Bắc Kinh có thể đang sẵn sàng xây dựng một đường băng khác tại đây với chiều dài tương tự.
"Một căn cứ không quân của Trung Quốc tại bãi Chữ Thập cho thể cho phép Bắc Kinh quan sát tình hình tốt hơn nhiều", CSIS cho hay, nói thêm rằng căn cứ có thể cho phép Trung Quốc triển khai các đội máy bay chiến đấu và máy bay giám sát hàng hải trong khu vực.
"Trung Quốc có thể dễ dàng dùng căn cứ không quân cho các cuộc tuần tra hoặc các hoạt động tấn công hạn chế nhằm vào các bên khác cũng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, hoặc thậm chí là các tài sản quân sự của Mỹ", CSIS cảnh báo.
Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động xây đảo nhân tạo tại các bãi đá ở Trường Sa và xây dựng các căn cứ mà nước này nói là nhằm thúc đẩy an toàn hàng hải và nghiên cứu biển, cũng như phục vụ các mục đích quân sự.
Các hoạt động xây đảo nhân tạo c ủa Trung Quốc dự kiến sẽ bị chỉ trích tại các hội nghị an ninh cấp cao của châu Á tại Malaysia trong tuần này.
Hồi tuần trước, Hải quân Trung Quốc đã ngang nhiên tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông, với sự tham gia của ít nhất 100 tàu hải quân, hàng chục máy bay, các đơn vị phóng tên lửa và binh sĩ chiến đấu.
An Bình
Theo Dantri/AFP
Mỹ cảnh báo Trung Quốc tiếp tục xây đảo và quân sự hóa Biển Đông Một bản báo cáo của Bộ ngoại giao Mỹ được công bố mới đây nhận định, Trung Quốc sẽ tiếp tục hoạt động xây đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông. Tuy nhiên khả năng xảy ra đụng độ quân sự quy mô lớn là rất thấp. Trung Quốc vẫn đang rầm rộ xây đảo nhân tạo trên Biển Đông (Ảnh:...