Trung Quốc nỗ lực ‘đá bóng’ nguồn gốc Covid-19 sang Mỹ
Khi nhóm điều tra WHO khép lại nỗ lực truy vết nguồn gốc Covid-19 tại Vũ Hán, giới chức Trung Quốc tuyên bố Mỹ là nơi tiếp theo họ nên xem xét.
“Chúng tôi hy vọng theo gương Trung Quốc, Mỹ sẽ hành động một cách tích cực, dựa trên cơ sở khoa học và hợp tác trong vấn đề điều tra nguồn gốc đại dịch, đồng thời mời các chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tham gia”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói tuần trước.
Tằng Quang, trưởng nhóm dịch tễ học tại Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, thậm chí còn tuyên bố rằng Mỹ giờ đây nên được coi là “trọng tâm” trong nỗ lực truy vết nguồn gốc virus toàn cầu.
Việc các quan chức Trung Quốc “đá quả bóng” nguồn gốc nCoV sang Mỹ có thể khiến nhiều người bối rối, nhưng nhiều tháng qua, Bắc Kinh đã thúc đẩy nhiều giả thuyết về nơi khởi phát của đại dịch.
Người đàn ông được nhân viên y tế phun khử trùng tại bệnh viện ở Vũ Hán tháng 2/2020. Ảnh: AFP.
Các giả thuyết này được giới chức Trung Quốc đưa ra từ giai đoạn đầu đại dịch, nhưng thu hút sự quan tâm lớn của dư luận trong vài tuần gần đây, khi nhóm điều tra WHO công bố phát hiện ban đầu về nguồn gốc Covid-19.
“Phát hiện của chúng tôi cho thấy giả thuyết virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm khó có thể giải thích được việc nó xâm nhập vào cơ thể người. Do đó, chúng tôi sẽ không tập trung vào giả thuyết này trong các cuộc nghiên cứu về nguồn gốc nCoV sắp tới”, Peter Ben Embarek, thành viên nhóm điều tra WHO, nói trong buổi họp báo trước khi rời Trung Quốc.
Cùng lúc đó, Tằng Quang, trưởng nhóm dịch tễ học của CDC Trung Quốc, lại đưa ra một giả thuyết khác về Fort Detrick, phòng thí nghiệm sinh hóa của quân đội Mỹ ở bang Maryland.
“Mỹ có phòng thí nghiệm sinh học ở khắp nơi trên thế giới”, ông nói. “Tại sao Mỹ có nhiều phòng thí nghiệm như vậy? Mục đích của chúng là gì? Mỹ luôn yêu cầu nước khác phải công khai, minh bạch. Nhưng cuối cùng chính Mỹ lại là nước không rõ ràng nhất”.
Ý tưởng về nCoV xuất hiện từ phòng thí nghiệm và Covid-19 là một đại dịch “nhân tạo” không chỉ xuất hiện ở riêng Trung Quốc. Nhiều chính trị gia và người theo thuyết âm mưu cũng thúc đẩy giả thuyết này. Một cuộc khảo sát do Pew thực hiện hồi tháng 4/2020 chỉ ra 30% người Mỹ tin virus được tạo ra từ phòng thí nghiệm và hầu hết tin đó là hành động có chủ đích.
Vào khoảng thời gian đó, các thành viên hàng đầu của chính quyền Donald Trump, trong đó có ngoại trưởng Mike Pompeo, đã thúc đẩy ý tưởng rằng nCoV bị “rò rỉ” từ Viện Virus học Vũ Hán.
Trung Quốc và các nhà khoa học hàng đầu về virus đã bác bỏ ý tưởng này. Tuy nhiên, sự chú ý ngày càng tăng của dư luận quốc tế nhắm vào phòng thí nghiệm trên và làn sóng chỉ trích cách xử lý đại dịch ban đầu của Trung Quốc được cho là “chất xúc tác” khiến Bắc Kinh thúc đẩy thuyết âm mưu về Fort Detrick.
Video đang HOT
Khi sự chú ý quay trở lại Vũ Hán vào đầu năm nay, nỗ lực thúc đẩy giả thuyết này càng tăng lên, khi nhiều tài khoản chính phủ, những người có tầm ảnh hưởng và truyền thông nhà nước Trung Quốc lan truyền mạnh mẽ thông tin trên.
Angela Xiao Wu, phó giáo sư tại Đại học New York, người nghiên cứu về nỗ lực định hình dư luận mạng ở Trung Quốc, nói rằng đây “chắc chắn là chiến thuật hiệu quả của Bắc Kinh để đánh lạc hướng” chú ý. Bà thêm rằng đây cũng là cách được nhiều chính phủ khác sử dụng, trong đó có chính quyền Trump.
Suốt tháng 3 và 4/2020, truyền thông nhà nước Trung Quốc bắt đầu tập trung thông tin về Fort Detrick. Nổi bật trong đó là bài báo trên People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, kêu gọi chính phủ Mỹ đưa ra “câu trả lời rõ ràng cho thế giới” về phòng thí nghiệm sinh hóa này.
Nguồn gốc của thuyết âm mưu bắt đầu từ sự cố năm 2019, khi CDC yêu cầu dừng nghiên cứu tại Fort Detrick vì lo ngại về an toàn. Lúc đó, phòng thí nghiệm đang nghiên cứu về các mầm bệnh như Ebola, Zika và dịch hạch.
Người phát ngôn của phòng thí nghiệm năm 2019 nói với Army Times rằng vấn đề bắt đầu khi họ chuyển từ hệ thống khử trùng bằng hơi nước sang hệ thống sử dụng hóa chất từ năm 2018.
“Hệ thống mới đòi hỏi nhiều thay đổi về cơ sở hạ tầng, quy trình làm việc nên làm gia tăng mức độ phức tạp trong hoạt động của các phòng thí nghiệm”, Caree Vander Linden, người phụ trách quan hệ công chúng của Fort Detrick, nói. “Các vấn đề về cơ khí và sai sót của con người là những yếu tố khiến CDC dừng hoạt động của phòng thí nghiệm”.
Nhiều cuộc điều tra công khai về sự cố năm 2019 do cả CDC và các hãng truyền thông thực hiện đều không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nguy hiểm nào hay khả năng liên quan tới nCoV. Tuy nhiên, cuộc điều tra công khai không thể khiến nhiều người ngừng hoài nghi về hoạt động của phòng thí nghiệm này.
Tháng 3/2020, một bản kiến nghị được đăng trên trang web “We the People” của Nhà Trắng, kêu gọi mở cuộc điều tra về phòng thí nghiệm. Thông tin này sau đó đã lập tức trở thành “mục tiêu” của truyền thông và mạng xã hội Trung Quốc.
“Khi vấn đề này trở thành quan tâm hàng đầu của công chúng, chính phủ Mỹ sẽ phản ứng thế nào?”, một bài viết trên People’s Daily đặt câu hỏi.
Tới tháng 5, khi quan hệ Mỹ – Trung ngày càng lao dốc vì Covid-19, giả thuyết về Fort Detrick đã được chính các nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc chia sẻ.
Trong cuộc họp báo hôm 6/5, để trả lời câu hỏi về nguồn gốc virus từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã đề cập tới thông tin về Fort Detrick và kêu gọi chính phủ Mỹ “chấp thuận cuộc điều tra và giải quyết các lo ngại này”.
Khi Trung Quốc phần lớn phục hồi sau đại dịch và dần trở về cuộc sống bình thường trong nửa cuối năm 2020, giả thuyết Fort Detrick lắng xuống. Thay vào đó, một thuyết âm mưu khác được nêu ra rằng nCoV đã lây lan ở nhiều quốc gia khác trước khi xâm nhập vào Vũ Hán qua chuỗi cung ứng thực phẩm đông lạnh, điều mà nhóm chuyên gia WHO nói đáng điều tra thêm.
Tuy nhiên, cuộc điều tra của nhóm WHO ở Vũ Hán tháng trước đã khiến thuyết âm mưu về Fort Detrick được chú ý trở lại. Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hôm 18/1 nói rằng Mỹ “nên mở cửa phòng thí nghiệm sinh học ở Fort Detrick, minh bạch hóa hoạt động của hơn 200 phòng thí nghiệm sinh học nước ngoài và mời chuyên gia WHO tới điều tra nguồn gốc nCoV”.
Video về tuyên bố của bà Hoa được đăng trên Beijing News đã thu hút gần một triệu lượt xem trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc. Video sau đó tiếp tục được nhiều người nổi tiếng ở Trung Quốc chia sẻ. Video này hiện đã đạt hơn 74 triệu lượt xem, trong khi các bình luận trong bài đăng cũng nhận được hàng trăm nghìn lượt thích.
Theo một phân tích dữ liệu Weibo, trong thời gian video bà Hoa phát biểu được lan truyền, hashtag “Bộ Ngoại giao” đã thu hút hơn 210.000 bài đăng từ ngày 18 tới 25/1, với 790 triệu lượt xem. Cùng lúc đó, 229.000 bài đăng sử dụng hashtag “Fort Detrick” đạt hơn 1,48 tỷ lượt xem.
Một nhân viên làm việc tại phòng thí nghiệm ở Fort Detrick, bang Maryland năm 2006. Ảnh: AP.
Theo một báo cáo của hãng tin AP và Phòng nghiên cứu pháp lý kỹ thuật số (DFRL) thuộc tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương, thuyết âm mưu về Fort Detrick bắt nguồn từ các trang web tiếng Trung, sau đó lan truyền khắp thế giới thông qua Facebook và nhiều nền tảng khác. Chúng còn được các chính trị gia ở Nga và Iran “để mắt tới”.
Trong khi đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyên bố họ “được minh oan” sau cuộc điều tra của WHO, đồng thời chỉ trích Washington và truyền thông phương Tây vì nghi ngờ kết quả điều tra.
“Nhóm chuyên gia của WHO gần như loại trừ khả năng Covid-19 bị rò rỉ từ Viện Virus học Vũ Hán và để ngỏ giả thuyết virus xuất hiện bên ngoài Trung Quốc trước khi bùng phát ở Vũ Hán. Đó là cơ sở khoa học”, một bài viết trên Global Times, tờ báo thuộc People’s Daily, có đoạn.
Bài viết này thêm rằng truyền thông Mỹ “là một trong những lực lượng tích cực nhất trong việc truyền bá thông tin thêu dệt của phương Tây chống lại Trung Quốc”.
WHO phát hiện đã có 13 biến thể nCoV ở Vũ Hán vào tháng 12/2019
Nhóm điều tra WHO tại Trung Quốc tìm thấy 13 biến thể nCoV ở Vũ Hán trong đợt bùng phát cuối năm 2019, cho thấy dịch bệnh có thể lớn hơn báo cáo.
Thông tin được điều tra viên thuộc phái đoàn của Tổ chức Y tế Thế giới Peter Ben Embarek cho biết hôm 14/2. Nhóm chuyên gia WHO tới Trung Quốc để điều tra được giới chức nước này cho nói chuyện với những bệnh nhân đầu tiên, gồm một nhân viên văn phòng khoảng 40 tuổi, được xác nhận nhiễm virus hôm 8/12.
Dữ liệu từ chuyến đi của phái đoàn WHO có thể tăng thêm lo ngại của các nhà khoa học đang nghiên cứu về nguồn gốc của Covid-19. "Virus đã lưu hành rộng rãi ở Vũ Hán vào tháng 12, đây là một phát hiện mới", Embarek nói.
Chuyên gia của WHO cho biết thêm phái đoàn đã được các nhà khoa học Trung Quốc trình bày về 174 ca nhiễm nCoV tại thành phố Vũ Hán và vùng lân cận vào tháng 12/2019. 100 trường hợp trong số này được xác nhận nhiễm nCoV bằng các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm và 74 người còn lại được xác nhận thông qua chẩn đoán lâm sàng dựa trên các triệu chứng của bệnh nhân.
Phái đoàn WHO thăm Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Động vật Hồ Bắc ở Vũ Hán, Trung Quốc, hôm 2/2. Ảnh: Reuters.
Embarek cho biết dữ liệu trên cho thấy Covid-19 có thể đã ảnh hưởng đến hơn 1.000 người ở Vũ Hán vào thời điểm cuối tháng 12/2019 và các bác sĩ Trung Quốc có thể chỉ chú ý sớm đến các ca nhiễm nghiêm trọng như 174 trường hợp trên.
"Chúng tôi không thực hiện bất cứ mô hình dự đoán nào kể từ đó. Nhưng chúng tôi biết, trong số liệu về những người bị nhiễm nCoV, khoảng 15% là các ca bệnh tiến triến nặng, còn phần lớn là ca bệnh nhẹ", Embarek đưa ra căn cứ dự đoán.
Chuyên gia WHO cho biết thêm phái đoàn của họ cũng đã có thể thu thập 13 chuỗi gen khác nhau của nCoV từ tháng 12/2019. Các chuỗi này, nếu được kiểm tra với dữ liệu bệnh nhân nhiễm virus rộng hơn ở Trung Quốc vào năm 2019, có thể cung cấp manh mối tiềm năng về địa điểm và thời gian bùng phát Covid-19 trước tháng 12.
"Một số đến từ các khu chợ, nhưng một số khác thì không. Đây là thứ mà chúng tôi đã tìm thấy như một phần trong sứ mệnh của mình", Embarek nói về các chủng nCoV.
Những thay đổi trong cấu trúc gen của virus là điều phổ biến và thường vô hại, xảy ra theo thời gian khi bệnh truyền giữa người hay động vật. Chuyên gia Embarek từ chối đưa ra kết luận về việc liệu 13 biến thể virus có ảnh hưởng như nào đối với lịch sử xuất hiện của Covid-19 trước tháng 12.
Tuy nhiên, việc phát hiện ra rất nhiều biến thể khác nhau của nCoV cũng có thể cho thấy virus này đã lưu hành lâu hơn chỉ trong vòng tháng 12/2019, như một số nhà virus học đã gợi ý trước đây.
"Vì đã có sự đa dạng di truyền trong các trình tự nCoV được lấy mẫu từ Vũ Hán vào tháng 12/2019, có khả năng là virus đã lưu hành trong khoảng thời gian dài hơn là chỉ trong vòng một tháng đó", Giáo sư Edward Holmes, nhà virus học tại Đại học Sydney, nói.
Holmes, người đã nghiên cứu về thời gian xuất hiện của nCoV, cho biết 13 chủng virus này có thể cho thấy nCoV đã lây lan trong một thời gian mà không bị phát hiện trước khi bùng phát dịch ở Vũ Hán, trong đó lần đầu được phát hiện ở chợ hải sản Hoa Nam.
Nhóm chuyên gia quốc tế thuộc WHO vừa kết thúc cuộc điều tra tại thành phố Vũ Hán, nơi Covid-19 khởi phát, với đánh giá rằng không đủ bằng chứng để kết luận nCoV đã lan truyền tại Vũ Hán trước tháng 12/2019, thời điểm những ca nhiễm đầu tiên được chính quyền công bố.
Dominic Dwyer, chuyên gia Australia và cũng là một thành viên nhóm điều tra của WHO, cho biết Trung Quốc đã từ chối cung cấp dữ liệu thô về 174 trường hợp nhiễm nCoV đầu tiên ở Vũ Hán, bao gồm thông tin chi tiết về các các ca bệnh. Thay vào đó, Bắc Kinh chỉ đưa ra bản tóm tắt.
Anh, Mỹ đã bày tỏ lo ngại về cuộc điều tra Covid-19 của WHO, đặc biệt là về mức độ tiếp cận thông tin mà nhóm được phía Trung Quốc cung cấp. Đáp lại, đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ cáo buộc Washington "làm tổn hại sâu sắc hợp tác quốc tế trong ứng phó Covid-19, nhưng lại ra vẻ như chưa có gì xảy ra và đang đổ lỗi cho WHO, cùng các nước ủng hộ cơ quan này".
Nhóm điều tra WHO: Trung Quốc từ chối cung cấp dữ liệu các ca COVID-19 ban đầu Trung Quốc từ chối cung cấp dữ liệu thô (raw data) về các ca COVID-19 ban đầu ở nước này cho nhóm điều tra nguồn gốc đại dịch do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dẫn đầu, theo một thành viên của nhóm điều tra. Các thành viên của nhóm điều tra nguồn gốc virus corona do WHO dẫn đầu đến thăm...