Trung Quốc nỗ lực bình ổn giá giữa dịch virus corona
Một quan chức chính quyền từng cảnh báo những ai lợi dụng khó khăn của đất nước để thu lợi đều sẽ bị trừng phạt tới khi lụi bại.
Giữa cơn bùng phát dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (nCoV), nguy cơ tăng giá rau và các nhu yếu phẩm khác khiến giới chức Trung Quốc đang phải áp dụng những hình phạt nặng đối với các hành vi đầu cơ, bán giá cao gấp nhiều lần, đồng thời giám sát chặt chẽ hệ thống siêu thị nhằm bình ổn thị trường.
Một phụ nữ đeo khẩu trang đi mua hàng tại siêu thị ở Bắc Kinh ngày 26/1. Ảnh: Reuters.
Tại một siêu thị ở Thượng Hải, giá rau diếp đã tăng gấp gần 8 lần bình thường và giá bắp cải tăng khoảng 5 lần. Siêu thị này đã bị phạt hai triệu nhân dân tệ (286.000 USD) và phải hạ giá rau về mức bình thường. Nhiều cửa hàng tạp hóa ở các thành phố khác của Trung Quốc những ngày gần đây cũng nhận án phạt vì hành vi tăng giá quá độ.
Carrefour China, công ty sở hữu siêu thị bị phạt ở Thượng Hải, cho biết việc tăng giá là “hành động cá nhân của một nhân viên trong cửa hàng và hoàn toàn vi phạm chính sách giá mà công ty đề ra”.
Chiều 4/2, giá rau diếp cửa hàng Carrefour ở Thượng Hải bán ra là 1,99 tệ (0,28 USD) cho hơn hai lạng trên Meituan, ứng dụng giao thức ăn nổi tiếng của Trung Quốc, gần bằng mức bình thường.
Hàng loạt thành phố Trung Quốc đã bị biến thành các thành phố ma sau khi nhà chức trách áp lệnh đình chỉ phương tiện công cộng ở Vũ Hán và xung quanh Hồ Bắc, tỉnh có dân số gần 60 triệu người, tâm điểm bùng phát dịch nCoV. Lệnh giới hạn sau đó mở rộng sang các địa điểm khác xa hơn, như Ôn Châu hay Hàng Châu, cách Hồ Bắc hơn 800 km.
Video đang HOT
Ngay cả ở những khu vực số người nhiễm bệnh và thiệt mạng rất ít, chính quyền tỉnh và địa phương vẫn yêu cầu người dân hạn chế ra ngoài và không đi làm ít nhất là đến tuần tới nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Ở vài nơi, chỉ một người trong một hộ gia đình được phép ra ngoài mỗi hai ngày để mua thực phẩm và đồ dùng cần thiết.
Nỗi lo sợ trước việc chính phủ càng ngày thắt chặt các hạn chế khiến vô số người dân Trung Quốc tìm cách tích trữ nhu yếu phẩm, bao gồm rau và khẩu trang.
Tại Vũ Hán tháng trước, chính quyền địa phương khuyên người dân bình tĩnh và không tích trữ hàng hóa. Một thông báo từ chính quyền cho biết thành phố có đủ nguồn cung cấp hàng hóa, thực phẩm và các sản phẩm bảo hộ y tế. Những thông báo tương tự cũng được đưa ra trên khắp Trung Quốc.
Dù vậy, ở nhiều thành phố, hàng loạt kệ hàng siêu thị giờ đây trống trơn, hết sạch rau, gạo và đồ tươi sống. Mạng xã hội trong khi đó tràn ngập những lời than phiền về tình trạng giá cả các mặt hàng thường ngày leo thang chóng mặt.
Tại quận Tân Hải, Thiên Tân, thành phố phía bắc Trung Quốc với 12 triệu dân, giới chức địa phương đã cử hai công chức đến từng siêu thị lớn để “giám sát giá chặt chẽ mọi lúc”, chính quyền Tân Hải tuần trước cho biết trên mạng xã hội WeChat.
Chính quyền thành phố Urad Trung, Nội Mông, đã dựng 80 tấm bảng trắng để các khu chợ đăng thông tin giá cả. Các khu chợ bên cạnh đó còn phải gửi ảnh chụp giá hàng hóa về cho nhà chức trách mỗi ngày.
Tại tỉnh ven biển Sơn Đông, Phó chủ tịch Wang Shujian khẳng định việc tăng giá vật tư y tế và nhu yếu phẩm quá 35% là hành động phi pháp.
“Bất kỳ ai có hành vi đầu cơ, gây xáo trộn thị trường, tăng giá và tìm cách thu lợi từ khó khăn của đất nước, chúng tôi đều sẽ trừng phạt họ cho tới khi họ phá sản và khiến họ lụi bại”, Wang nói trong một cuộc họp báo ngày 2/2.
Vũ Hoàng (Theo Wall Street Journal)
Theo vnexpress.net
Trung Quốc lập nhà máy khẩu trang trong 7 ngày đối phó dịch Corona
Nhà máy có khả năng sản xuất hàng chục triệu khẩu trang mỗi tháng được hoàn thiện ở đông nam Bắc Kinh chỉ 7 ngày sau khi có yêu cầu.
Nhà máy đặt tại Khu Phát triển Kinh tế - Công nghệ Yizhuang đi vào hoạt động hôm 1/2 và sẽ hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu khẩu trang tăng cao trong cuộc chiến chống virus corona chủng mới (nCoV) ở Trung Quốc.
Nhà máy được hoàn thiện chỉ 7 ngày sau khi Union Kangli, một công ty thiết bị y tế ở tỉnh Hà Nam của Trung Quốc, gọi đến văn phòng ban quản lý Khu Phát triển Kinh tế - Công nghệ Yizhuang ở đông nam Bắc Kinh và hỏi có sẵn nhà xưởng rộng 1.000 mét vuông để sản xuất khẩu trang hay không. Hôm đó là ngày 26/1, cũng là mùng hai Tết Nguyên đán, khi mọi người đang trong kỳ nghỉ lễ dài một tuần.
Union Kangli cho biết họ có sẵn thiết bị để sản xuất khẩu trang, nhưng không có nhà máy. Trước tình hình khẩn cấp của dịch viêm phổi, việc xây dựng một nhà máy mới từ đầu sẽ là quá muộn. Thay vào đó, tận dụng một nhà xưởng để không được coi là giải pháp tốt nhất.
Hai mẹ con đeo khẩu trang phòng ngừa virus tại sân bay quốc tế Đại Hưng ở Bắc Kinh hôm 21/1. Ảnh: AFP.
Wang Lijun, một quan chức của khu Yizhuang, cho biết họ bắt đầu sàng lọc các nhà máy đủ điều kiện ngay khi nhận được yêu cầu. Đến tối 26/1, họ chọn được Unionlock, một nhà sản xuất thuốc thử chẩn đoán trong khu vực.
Dù nhà xưởng và thiết bị đã sẵn sàng, Union Kangli vẫn cần giấy phép kinh doanh để hoạt động tại Bắc Kinh. Khi đó là kỳ nghỉ Tết và tất cả cơ quan chính quyền đều không làm việc.
Để nhà máy sản xuất khẩu trang bắt đầu sản xuất càng sớm càng tốt, Khu Phát triển Kinh tế - Công nghệ Yizhuang đã mở "cửa xanh", đề nghị 13 ban ngành liên quan nhanh chóng xử lý các thủ tục cấp phép cho công ty.
Với những nỗ lực đồng bộ này, Union Kangli đã nhận được tất cả giấy phép cần thiết vào ngày 31/1. Đến tối cùng ngày, ba bộ thiết bị đã được vận chuyển đến nhà máy được chọn để bắt đầu sản xuất khẩu trang.
Trung Quốc hôm qua cũng hoàn thiện bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn chỉ trong 9 ngày để giải quyết tình trạng quá tải cho các bệnh viện khác tại Vũ Hán, tâm dịch viêm phổi cấp do nCoV. 1.400 y bác sĩ quân y Trung Quốc sẽ vận hành bệnh viện dã chiến có 1.000 giường bệnh này.
Dịch viêm phổi hiện khiến 362 người chết, trong đó có 361 người ở Trung Quốc và một người đàn ông Vũ Hán ở Philippines, số ca nhiễm cũng lên hơn 17.000. tại 25 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Theo Huyền Lê (VNE)
Sinh viên nước ngoài mòn mỏi đợi chính phủ giải cứu khỏi Vũ Hán: 'Xin cứu chúng tôi' Sinh viên nước ngoài mắc kẹt tại Vũ Hán đang phát động các chiến dịch truyền thông xã hội kêu gọi chính phủ đưa họ rời khỏi vùng tâm chấn của dịch corona càng sớm càng tốt. Khi con số thiệt mạng do dịch viêm phổi cấp lên tới 170, các quốc gia trên thế giới đang vật lộn để đưa công dân...