TRUNG QUỐC – NHẬT BẢN: Lại tranh cãi về quần đảo tranh chấp
Trung Quốc phản đối chuyến đi đến quần đảo tranh chấp của 4 công dân Nhật Bản, trong đó có 2 chính khách
Bốn công dân Nhật Bản, trong đó có 2 chính khách, đã đến thăm quần đảo tranh chấp với Trung Quốc ở biển Hoa Đông hôm 3-1. Quần đảo này – Nhật Bản gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư Đài – được cho là nằm trong khu vực có trữ lượng dầu khí lớn và là nguyên nhân gây căng thẳng giữa 2 nước trong nhiều thập kỷ qua.
Chuyến đi tranh cãi
Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản cho biết nhóm người này đến quần đảo Senkaku và ở lại đóhơn 2 giờ.Người phát ngôn lực lượng này cho hãng tin AFP biết họ đi trên một thuyền đánh cá khởi hành từ đảo Ishigaki thuộc tỉnh Okinawa hôm 2-1 và đặt chân lên đảo Uotsuri thuộc quần đảo Senkaku lúc 9 giờ 30 phút ngày 3-1 (giờ địa phương).
Video đang HOT
Hai trong số 4 người được xác định là Hitoshi Nakama và Tadashi Nakamine, thành viên hội đồng thành phố Ishigaki. Ông Nakama từng đến thăm quần đảo này năm 2010 mà không được sự cho phép của Chính phủ Nhật Bản. Hiện chưa rõ danh tính 2 người còn lại.
Máy bay giám sát của Nhật Bản bay trên quần đảo tranh chấp với Trung Quốc. Ảnh: AP
Người phát ngôn trên cho biết: “Các tàu tuần duyên Nhật Bản luôn hoạt động gần quần đảo Senkaku. Khi thuyền đánh cá đi về hướng Senkaku, đội tuần tra đã yêu cầu họ không tiến gần thêm. Đội tuần tra cũng đã tiến hành kiểm tra an toàn con thuyền nhưng nhóm người trên đó đã lên một thuyền cao su nhỏ và tiến về phía Senkaku. Khi được cảnh báo rằng họ không được phép đặt chân lên quần đảo, nhóm người này cho biết họ đang đi đánh cá nên chúng tôi không thể ngăn họ”. Theo hãng tin AFP, Chính phủ Nhật Bản đã thuê lại các hòn đảo từ các chủ đất tư nhân và cấm mọi người đến đây để tránh xảy ra các sự cố chính trị.
Bốn người nói trên đã quay về thuyền đánh cá trước buổi trưa để trở về Ishigaki. Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản cho biết việc xử lý chuyến đi này là vấn đề của cảnh sát. Trong khi đó, cảnh sát ở tỉnh Okinawa từ chối bình luận về vụ việc.
Trung Quốc phản đối
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngay lập tức đã lên tiếng phản đối chuyến đi nói trên. Ông Hồng Lỗi, người phát ngôn bộ này, cho biết Bắc Kinh đã chính thức lên tiếng phản đối với Tokyo đồng thời tái khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Điếu Ngư . Ông Hồng Lỗi khẳng định: “Quyết tâm bảo vệ chủ quyền quần đảo của chúng tôi là không thể lung lay”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng xác nhận đã triệu một “phái viên ngoại giao” từ Đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh để phản đối vụ việc nhưng không tiết lộ danh tính người này.
Trong một động thái khác có thể khiến tình hình thêm căng thẳng, một nhóm nhà hoạt động ủng hộ Trung Quốc cũng đã lên đường đến quần đảo tranh chấp với Nhật Bản. Con tàu đánh cá chở nhóm người này khởi hành từ Hồng Kông hôm 3-1, có treo cờ Trung Quốc. Chuyến đi dự kiến sẽ mất từ 2 đến 3 ngày.
Phát biểu trước chuyến đi, ông Huang Hsi-lin, người phát ngôn của nhóm, tuyên bố: “Quần đảo Điếu Ngư là của chúng tôi. Chúng tôi phản đối thái độ và những hành động của Nhật Bản”.Nhóm nhà hoạt động này, trong đó có những người đến từ Đài Loan và Hồng Kông, từng nhiều lần tìm cách đến quần đảo tranh chấp trước đây. Ngoại trừ lần thành công duy nhất năm vào 1996, tất cả những chuyến đi còn lại đều bị tàu tuần duyên Nhật Bản chặn lại.
Tranh cãi mới nhất này diễn ra khi Nhật Bản và Trung Quốc chuẩn bị kỷ niệm 40 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao trong năm nay, đồng thời đang có những nỗ lực cải thiện quan hệ. Trong chuyến thăm Trung Quốc vào cuối năm ngoái, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã nhất trí với Bắc Kinh về việc tổ chức một cuộc gặp cấp cao bàn biện pháp giảm bớt căng thẳng trên biển.
Theo Người Lao Động