Trung Quốc nhăm nhe quần đảo Natuna
Indonesia đã có kế hoạch nâng cấp căn cứ không quân trên đảo Natuna.
Trước nay Indonesia rất tích cực với vai trò trung gian thương lượng trong giải quyết vấn đề tranh chấp biển Đông giữa Trung Quốc với Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam với tư cách là nước đứng ngoài tranh chấp. Thế nhưng sắp tới điều này có thể sẽ thay đổi. Tạp chí The Diplomat (Nhật) ngày 2-10 đăng bài viết nhận định như trên.
Hồi tháng 3, lần đầu tiên Indonesia lên tiếng chỉ trích Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn biển Đông, trong đó có quần đảo Natuna và một số quần đảo khác thuộc tỉnh đảo Riau của Indonesia.
Natuna (còn gọi là Natuna Lớn) là đảo chính thuộc quần đảo Natuna với diện tích 1.720 km, dân số khoảng 100.000 dân, có nhiều tài nguyên thủy sản và khí đốt.
Cho đến thập niên 1970, phần lớn cư dân trên quần đảo là dân Trung Quốc. Sau các vụ bạo động lớn chống Trung Quốc xảy ra vào thập niên 1960, đầu thập niên 1980 và năm 1988, số dân Trung Quốc trên quần đảo giảm dần, từ 5.000-6.000 người vào thời điểm thập niên 1970 xuống còn khoảng 1.000 người.
Căn cứ không quân Ranai ở đảo Natuna (quần đảo Natuna, Indonesia) đang được nâng cấp, mở rộng đường băng, tháng 7-2014.
Trong những năm 1980, chính phủ bắt đầu đưa dân Indonesia gốc Mã Lai đến định cư tại quần đảo Natuna. Dần dần họ chiếm đa số dân trên quần đảo.
Video đang HOT
Hiện tại chỉ có các hãng hàng không nội địa của Indonesia khai thác các tuyến bay đến đảo Natuna. Thế nhưng để đến được nơi này, du khách nước ngoài còn phải đăng ký và cung cấp bản sao hộ chiếu cho bộ phận an ninh trên đảo.
Du khách không được phép chụp ảnh trong sân bay trên đảo vì sân bay là căn cứ không quân. Khi rời đảo, du khách sẽ được nhân viên an ninh phỏng vấn đã đi những đâu trên đảo, lộ trình đi và đến thế nào. Trong quá trình tham quan đảo, nếu vô tình gặp lính hải quân, có thể du khách sẽ bị hỏi đã làm gì trên đảo.
Tạp chí The Diplomat ghi nhận Indonesia tăng cường an ninh ở quần đảo Natuna vì bất an với tham vọng thôn tính biển Đông của Trung Quốc, đặc biệt là những hành động mang tính đe dọa Trung Quốc đã làm trong hai năm gần đây như tăng cường triển khai hải quân tuần tra, triển khai giàn khoan, tấn công tàu cá, cải tạo và xây dựng trên nhiều bãi và đá trên biển Đông.
Một trong những lưu ý đầu tiên của Tổng thống mới đắc cử Joko Widodo khi ông nhậm chức vào ngày 20-10 tới sẽ là thái độ hung hăng của Trung Quốc. Ông sẽ dễ dàng nhận ra không quân và hải quân trên quần đảo Natuna chưa đủ sức mạnh.
Căn cứ không quân trên đảo Natuna chỉ có ba nhà chứa máy bay nhỏ và không có máy bay trinh sát. Hải quân trên đảo chỉ có hơn 20 người, trong đó có cả nữ quân nhân, với hai tàu hải quân nhỏ, một xuồng cao tốc thân cứng bơm phồng neo tại cầu cảng cũ kỹ làm công tác tuần tra.
Năm 1996, nhận thấy Trung Quốc đã bộc lộ dấu hiệu gia tăng tuyên bố chủ quyền tại các vùng biển gần quần đảo Natuna, Indonesia đã tổ chức tập trận hải quân lớn ở quần đảo Natuna.
Nhằm kiềm chế tham vọng của Trung Quốc, Indonesia cũng đã tăng cường hợp tác dầu khí với các công ty dầu khí của Mỹ.
Tuy nhiên, theo tạp chí The Diplomat, sau tám năm thì với tình hình phát triển sức mạnh quân sự của Trung Quốc, tình thế của Indonesia khó khăn hơn nhiều.
Nhận thức điều đó, Indonesia đã có kế hoạch nâng cấp căn cứ không quân trên đảo Natuna, lập một trung đội máy bay chiến đấu hiện đại với các máy bay Su-27, Su-30 và trực thăng AH-64 Apache. Indonesia cũng đã đưa vũ khí đến một căn cứ trên quần đảo Anambas cách Natuna gần 400 km.
20.000 binh sĩ hải quân tham gia tập trận ở quần đảo Natuna vào năm 1996. Lúc bấy giờ, cố vấn chính phủ Dewi Fortuna Anwar, chuyên gia chính trị tại Học viện Khoa học Indonesia, đã từng nhận định: “Trung Quốc coi trọng sức mạnh. Nếu nhận thấy đối thủ có vẻ yếu đi, Trung Quốc sẽ không bỏ qua cơ hội nuốt sống”.
Theo Pháp Luật
Nhật nghi Trung Quốc cố ý 'dùng tàu cá để tranh chấp chủ quyền
Lực lượng tuần duyên Nhật vừa cảnh báo số xâm nhập vùng biển mà Tokyo tuyên bố chủ quyền gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư đã tăng nhanh chóng từ đầu năm tới nay.
Tàu công vụ Trung Quốc trong một lần xuất hiện gần Senkaku/Điếu Ngư.
Tờ Yomiuri Shimbun tối 17.9 dẫn thống kê từ JCG chỉ ra số tàu cá Trung Quốc xâm nhập vùng biển nói trên vào năm 2011 là 8, đến năm 2012, con số này tăng lên 39, và đến năm 2013 là 88. Tính từ đầu năm 2014 tới nay, con số đó tăng vọt lên 207.
Trong khi đó, số tàu công vụ Trung Quốc xuất hiện gần lại có xu hướng giảm. Cụ thể, số lần tàu công vụ Trung Quốc xâm nhập vùng biển này bị JCG phát hiện trong một năm, kể từ khi Nhật quốc hữu hóa 3 hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp (9.2012), là 216 lần, nhưng con số này giảm xuống còn 101 trong năm tiếp theo.
Từ những diễn biến trên, giới chức Nhật suy đoán rằng Trung Quốc đang tăng cường hoạt động đánh bắt "phi pháp" để củng cố tuyên bố chủ quyền đối với Senkaku/Điếu Ngư, theo Yomiuri Shimbun.
Còn một số chuyên gia thì cho rằng Trung Quốc cần rút tàu công vụ xuống , nơi nước này ngày càng có nhiều hoạt động gây quan ngại cho các nước láng giềng.
Trong khi đó, một số quan chức JCG lại cho rằng lý do số tàu cá hoạt động gần Senkaku/Điếu Ngư tăng nhanh không liên quan đến chiến lược củng cố tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh. Họ lý giải rằng do dòng chảy thay đổi vào mùa hè, nguồn thủy sản đổ về gần Senkaku/Điếu Ngư nên thu hút tàu cá Trung Quốc đến đánh bắt.
Tuy nhiên, Yomiuri Shimbun nhận định rằng vẫn có gì đó không bình thường khi lượng tàu cá Trung Quốc tăng cao bất ngờ ở vùng biển mà Tokyo tuyên bố chủ quyền, có bán kính 22 km từ Senkaku/Điếu Ngư.
Để ứng phó tình trạng này, JCG sẽ tăng lượng tàu tuần tra cao tốc. Từ đầu năm tài khóa 2012 - 2013, JCG đã phát triển một hệ thống tuần tra dành riêng cho Senkaku/Điếu Ngư, với 12 tàu tuần tra. Ngoài ra, JCG muốn dành 12 tỉ yen (110 triệu USD) trong ngân sách đề xuất cho năm tài khóa 2015 - 2016 để đóng 6 tàu tuần tra và sắm nhiều thiết bị khác.
Một quan chức JCG còn khuyến cáo cần ứng phó cả tàu cá lẫn tàu công vụ của Trung Quốc ở Senkaku/Điếu Ngư vì có tin Bắc Kinh sẽ tăng cường tàu công vụ tới khu vực trong tương lai.
Theo Thanh Niên
Ấn Độ sẽ vũ trang cho cư dân biên giới đề phòng TQ Người dân ở biên giới được huấn luyện và phát vũ khí để đề phòng nổ ra xung đột với nước láng giềng. Ngày 2/7, các nguồn tin giấu tên tại Bộ Nội vụ Ấn Độ cho biết chính phủ nước này sẽ tổ chức huấn luyện quân sự cho dân thường sinh sống dọc biên giới với Trung Quốc nhằm tạo ra...