Trung Quốc nguy cơ thiếu bỉm vì khẩu trang
Những doanh nghiệp sản xuất tã, bỉm, băng vệ sinh, đang trở thành nạn nhân mới ở Trung Quốc, khi nguyên liệu sản xuất thiếu và tăng giá vì khẩu trang.
Khi Covid-19 đẩy Trung Quốc vào tình trạng phong tỏa, giới lãnh đạo đã thúc đẩy nỗ lực sản xuất đủ khẩu trang cho nhân viên y tế và 1,4 tỷ dân.
Nhưng khi mọi nơi, từ doanh nghiệp sản xuất ôtô tới doanh nghiệp dệt may đều chuyển sang sản xuất khẩu trang để đáp ứng nhu cầu, chi phí nguyên liệu bị đẩy tăng vọt và không có dấu hiệu sớm kết thúc, bởi đại dịch vẫn tiếp tục hoành hành trên toàn thế giới.
“Không phải chúng tôi không đủ năng lực sản xuất mà do chi phí quá cao”, Huang Tenglong, phó tổng giám đốc công ty sản xuất bỉm tã Fujian Time & Tianhe, nói.
“Hồi tháng 1, nguyên liệu thô để sản xuất bỉm giá khoảng 13.000 tệ (1.820 USD/tấn) nhưng khi khan hiếm, có lúc lên tới 140.000 – 150.000 tệ”, ông nói, đề cập tới giai đoạn cuối tháng trước, khi nhu cầu khẩu trang toàn cầu tăng vọt.
Công nhân may khẩu trang ở Trung Quốc. Ảnh: AFP.
Lin Yanting, phó tổng giám đốc DaddyBaby, một doanh nghiệp sản xuất bỉm khác, cho biết giá thành vải không dệt vào khoảng 50.000 – 60.000 tệ một tấn.
“Một cái bỉm sử dụng nhiều nguyên liệu hơn một cái khẩu trang”, ông nói. “Với tình hình này, rất nhiều nhà sản xuất nhỏ không thể duy trì hoạt động. Những nơi sản xuất băng vệ sinh, bỉm, mặt nạ đắp mặt và những sản phẩm làm từ vải không dệt khác cũng đều bị ảnh hưởng”.
Công ty của Huang có khoảng 400 nhân viên, đã buộc phải giảm một nửa sản lượng, giảm số lượng mặt hàng sản xuất và tăng giá bán lên 20%. Một số khách hàng tiếp tục đặt mua nhưng số lượng ít hơn, còn nhiều người đã ngừng mua.
“Tôi hy vọng đại dịch sớm kết thúc. Dù chúng tôi có thể sản xuất quần áo bảo hộ để tăng lợi nhuận nhưng tình hình này đang gây thiệt hại cho cả nền kinh tế nói chung”, ông bày tỏ.
“Cuối cùng, chúng tôi có thể mất đi mặt hàng chủ lực”, ông nói, nhắc tới các sản phẩm vệ sinh.
Shen Shengyuan, phó tổng giám đốc công ty sản xuất bỉm New Yifa, cho biết dù công ty đã cố gắng tìm nguồn cung ứng nguyên liệu thô từ nước ngoài, nhưng vận tải hàng không là cả vấn đề và thời gian vận chuyển dài tới hơn hai tuần.
Ông cho hay New Yifa nhận được ít đơn đặt hàng mới hơn và đang chật vật hoàn thiện những đơn hàng hiện có vì nguồn cung hữu hạn.
Lin nói thêm DaddyBabby đang lỗ khi sản xuất bỉm bởi giá đầu vào cao, nhưng được bù lại từ dây chuyển sản xuất khẩu trang mới đầu tư trong thời gian dịch bùng phát. Đây là nỗ lực của công ty nhằm duy trì ổn định trên thị trường.
Yang, quản lý của công ty đồ gia dụng Jiaxuan, cho biết mua vải không dệt để sản xuất hàng gia dụng bây giờ là “bất khả thi”. Công ty của cô đã dừng sản xuất mọi mặt hàng khác để tập trung vào khẩu trang.
Video đang HOT
Shen rất lo lắng về tác động do thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu từ thị trường nước ngoài.
“Chúng tôi không thể sản xuất hàng hóa”, ông nói, nhấn mạnh một nửa các mặt hàng không phải khẩu trang của công ty đều phục vụ xuất khẩu. “Khách hàng đã đàm phán với chúng tôi, yêu cầu tăng sản xuất”.
Ông ước tính các nhà cung cấp nguyên liệu kiếm lời gấp 10 lần khi dùng nguyên liệu thô để sản xuất khẩu trang thay vì bỉm tã.
Tờ China Youth Daily đưa tin tính đến 4/4, Trung Quốc có 69.000 công ty tham gia sản xuất khẩu trang, bao gồm 19.000 công ty mới tham gia sau 25/1, vài ngày sau khi Vũ Hán phong tỏa và cả nước thực thi các quy định hạn chế để ngăn ngừa Covid-19.
Sản lượng khẩu trang hàng ngày của Trung Quốc đạt 450 triệu cái, so với hơn 5 tỷ cái cả năm 2019. Các nhà cung cấp đã rất khó khăn để đáp ứng nhu cầu.
“Họ cũng nêu đủ lý do như chính quyền địa phương yêu cầu họ chuyển đổi sản xuất sang mặt hàng chống dịch chủ lực”, Shen nói. “Năng lực sản xuất của chúng tôi không phải vấn đề, mà vấn đề ở chỗ các nhà cung cấp và toàn bộ chuỗi sản xuất của ngành công nghiệp Trung Quốc”.
Khẩu trang có làm chúng ta 'xa mặt cách lòng'?
Một số nghiên cứu cho thấy con người thường có cảm xúc vui mừng khi nhìn vào nửa dưới của khuôn mặt, và thường có cảm xúc tiêu cực từ nửa trên.
Teele Rebane than phiền đã nhiều ngày cô không thấy được khuôn mặt người, nhưng một số chuyên gia cho rằng khẩu trang là biểu hiện của sự đoàn kết trong những ngày dịch bệnh.
"Hàng trăm cặp mắt, nhưng không một cái mũi, cái môi, cặp má nào", cô mô tả trong một bài viết trên South China Morning Post. Chỉ thi thoảng, mũi của một ai đó lộ ra, thường là người đi làm ngủ gật trên tàu, hay một đứa trẻ đeo sai mà cha mẹ chưa phát hiện ra.
"10 giờ mỗi ngày, tôi dường như vô danh, không có biểu cảm, chỉ là một cặp mắt đằng sau màu xanh của chiếc khẩu trang", Rebane viết.
Hong Kong đã ghi nhận tới 57 ca nhiễm virus corona, đứng thứ tư trong xếp hạng các vùng lãnh thổ của Worldometers, sau Trung Quốc đại lục, Nhật Bản, Singapore. Người dân Hong Kong đã đổ xô đi mua khẩu trang, xếp thành hàng dài. Tâm lý của con người ảnh hưởng ra sao khi nhiều ngày ra ngoài mà không thấy một nụ cười, chỉ có một biển khẩu trang màu xanh - trắng như vậy?
Các nhà máy tăng công suất làm khẩu trang do nhu cầu tăng vọt. Ảnh: AFP.
Cảm giác xa cách giữa biển khẩu trang?
Một số nghiên cứu cho thấy con người thường có cảm xúc vui mừng khi nhìn vào nửa dưới của khuôn mặt, và thường có cảm xúc tiêu cực từ nửa trên.
Tương tự, Teele Rebane cảm thấy dường như xung quanh đều là những cảm xúc tiêu cực. Chưa kể đến nỗi lo thiếu hụt hàng hóa, dù có thể chỉ là tin đồn, cùng các bản tin hoang mang về dịch bệnh "dội xuống như mưa". "Tệ nhất là không còn cảm nhận về con người nữa", cô viết.
Tin tức tiêu cực về dịch bệnh bao gồm những vụ tranh giành giấy vệ sinh ở Hong Kong, chặn xe cướp khẩu trang, cách ly khu chung cư ở Hong Kong, nạn bài ngoài, kỳ thị người châu Á trên thế giới.
Rõ ràng, người tranh giành hàng hóa chỉ coi nạn nhân là một "đối thủ" đằng sau chiếc khẩu trang, chứ không coi họ là một con người cần tôn trọng, Rebane lập luận.
Cô kể với bạn trai một bài nhạc chế về dịch bệnh. Nhưng bạn trai cô đeo khẩu trang, và ánh sáng trên xe buýt khá mờ, cô không biết bạn trai cô có cười hay không. Đó là "cảm giác hoàn toàn xa cách", ở giữa Hong Kong, nơi nhiều thanh niên vốn cả ngày đã khép mình trong những căn hộ nhỏ hẹp hay trước máy tính cơ quan.
Người Hong Kong đeo khẩu trang trong dịch SARS năm 2002-2003. Ảnh: Getty Images.
Hay biểu tượng của tiến bộ y học?
Những "biển khẩu trang" mà Teele Rebane vừa mô tả ở Hong Kong là cảnh tượng lặp lại trên khắp châu Á. "Thế giới đang có sự gián đoạn nghiêm trọng trong thị trường thiết bị bảo hộ... nhu cầu có thể tăng 100 lần so với bình thường, giá có thể tăng 20 lần", Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, cảnh báo vào tuần trước.
Khẩu trang đắt hàng dù riêng việc đeo khẩu trang là chưa đủ để phòng bệnh. Rửa tay thường xuyên quan trọng hơn, theo các chuyên gia y tế.
Christos Lynteris, nhà nhân chủng học y tế tại Đại học St. Andrews, Scotland, nêu ý kiến cho rằng không nên chỉ nhìn nhận cơn sốt khẩu trang dưới góc độ hoang mang, lo sợ dịch bệnh, như cảm nhận của sinh viên Teele Rebane ở Hong Kong.
"Xem xét việc đeo khẩu trang dưới góc độ lịch sử, văn hóa, bạn sẽ thấy ở Trung Quốc, đeo khẩu trang không chỉ là cách bảo vệ... mà còn đánh dấu sự hiện đại về y học, và để làm yên lòng lẫn nhau, giúp xã hội tiếp tục vận hành bất chấp dịch bệnh", ông Lynteris viết trong một bài bình luận trên New York Times.
Khẩu trang y tế được dùng đầu tiên ở Trung Quốc cách đây hơn một thế kỷ - nỗ lực đầu tiên của chính quyền nhằm đối phó một dịch bệnh bằng phương pháp y - sinh học, theo ông Lynteris.
Khi bệnh dịch hạch bùng phát ở Mãn Châu, phía đông bắc Đế chế Trung Hoa mùa thu năm 1910, chính quyền phá vỡ truyền thống dùng đông y, mà giao việc chống dịch cho Wu Lien-teh, một bác sĩ tốt nghiệp Đại học Cambridge, đến từ bán đảo Mã Lai.
Tới nơi dịch đang hoành hành, bác sĩ Wu khẳng định căn bệnh không phải do chuột phát tán, mà do mầm bệnh trong không khí - một giả thuyết đi ngược quan niệm bấy giờ, nhưng sau này đã được chứng minh. Ông yêu cầu y bác sĩ, bệnh nhân, và cả người nhà bệnh nhân đeo khẩu trang, làm bằng vải kẹp trong lớp gạc.
Wu Liande trong một phòng lab ở Cáp Nhĩ Tân, miền bắc Trung Quốc, năm 1911. Ảnh: Thư viện Đại học Hong Kong.
Các đồng nghiệp châu Âu và Nhật Bản vẫn thờ ơ với đề nghị của bác sĩ Wu, cho đến khi một bác sĩ nổi tiếng người Pháp tử vong vì điều trị bệnh nhân mà không đeo khẩu trang. Bệnh dịch hạch làm 100% người bệnh tử vong, nhiều trường hợp chỉ trong vòng 24 giờ từ khi có triệu chứng.
Đến khi dịch kết thúc, 60.000 người đã tử vong, nhưng sáng kiến đeo khẩu trang của bác sĩ Wu được cho là đã cứu mạng vô số người.
Không chỉ để đề phòng, khẩu trang còn là công cụ PR tuyệt vời, chứng tỏ Trung Quốc là nước có khoa học hiện đại. Ông Wu cũng hiểu điều đó, và thường yêu cầu chụp ảnh các hoạt động chống dịch một cách cầu kỳ, làm sao để hình ảnh khẩu trang trở nên nổi bật trước quốc tế.
Khi dịch cúm Tây Ban Nha bùng phát năm 1918, khẩu trang được đeo rộng rãi. Nhưng ở phương Tây, khẩu trang không còn được dùng rộng rãi sau Thế chiến II.
Khẩu trang tạo cảm giác đoàn kết
ỞTrung Quốc, khẩu trang tiếp tục được dùng trong Chiến tranh Triều Tiên, khi lãnh đạo Mao Trạch Đông cáo buộc Mỹ dùng vũ khí sinh học. Đến cuối thế kỷ, người dân Trung Quốc và Hong Kong đều đeo khẩu trang để chống ô nhiễm không khí.
Dịch SARS bùng phát năm 2002-2003, và hơn 90% người Hong Kong đeo khẩu trang. Một lần nữa, hình ảnh khẩu trang được báo chí đăng tải khắp thế giới, khiến khẩu trang càng phổ biến ở khắp các nước Đông Á.
Đồ bảo hộ trong dịch bệnh năm 1911 tại Mãn Châu. Ảnh: Viện Pasteur.
Ở phương Tây, việc đeo khẩu trang bắt gặp một vài ánh nhìn, nhưng ở Đông Á, đeo khẩu trang còn thể hiện sự đoàn kết trong dịch bệnh, ông Lynteris cho biết.
"Nhiều nghiên cứu về dịch SARS cho thấy việc đeo khẩu trang tạo sự kết nối và tin tưởng... Kết luận của nhà xã hội học Peter Baehr đối với dịch SARS cũng đúng ngày nay: 'Văn hóa đeo khẩu trang' tạo cảm giác kết nối, cùng có trách nhiệm với cộng đồng", ông viết trên New York Times. Khẩu trang cũng giúp giảm sự hoảng loạn - mối mối đe dọa khác từ dịch bệnh.
"Đeo khẩu trang là một hành động mang tính tập thể", ông viết tiếp, và cho rằng đây là đặc điểm cần được hiểu rõ khi chống dịch bệnh.
"Mỗi người trong cộng đồng đeo khẩu trang không chỉ để phòng bệnh. Họ đeo khẩu trang còn để chứng tỏ muốn cùng đoàn kết, đối mặt với dịch bệnh".
Trong khi đó, Teele Rebane ở Hong Kong nhớ những biểu cảm khuôn mặt bình dị của mọi người, mà thường ngày ít ai coi là quý giá.
"Tôi muốn thấy học sinh cười trước điện thoại khi bạn bè nhắn tin. Tôi muốn thấy các bà cô nịnh trẻ nhỏ khi video chat với gia đình. Tôi muốn thấy một nụ cười từ người lạ", cô viết trên South China Morning Post. "Chúng ta không còn những tương tác rất bình dị mà thường ngày không để tâm đến".
"Chúng ta phải tìm một cách khác để kết nối với nhau, khi mà tụ tập đông người không được khuyến khích. Hãy liên hệ với người khác, đừng trở thành người lạ vì bạn vô hình. Đừng tranh giành với người lạ một túi gạo. Đừng để Hong Kong biến thành thành phố không chút tình người", sinh viên Đại học Hong Kong tâm sự.
Theo news.zing.vn
Cuộc cách ly trong gia đình hai bác sĩ Cặp vợ chồng bác sĩ Eunice và Pierre Chan phải tự cách ly, tránh lây bệnh Covid-19 cho con cái mình. Vào bữa tối, khi ba con gái của Eunice quây quần quanh bàn ăn, cô tự lấy phần của mình và ngồi ăn trong phòng riêng. Nữ bác sĩ 44 tuổi chỉ tháo khẩu trang khi tắm gội và ăn uống. "Tôi...