Trung Quốc nghe lén Mỹ ở Guam như thế nào?
Mạng lưới cảm biến Trung Quốc rải trên biển gần căn cứ Mỹ ở vùng biển Tây Thái Bình Dương được cho là động thái giám sát hoạt động tàu ngầm, các nhà phân tích nhận định.
Căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Guam.
Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), Trung Quốc đã đặt hai cảm biến âm thanh tại vùng biển chiến lược gần đảo Guam, căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.
Thiết bị hiện đại này được cho là có khả năng thu thập tín hiệu âm thanh trong phạm vi 1.000km và có thể sử dụng cho công tác nghiên cứu khoa học như theo dõi động đất, bão và cá voi.
Nhưng các chuyên gia phân tích cho rằng, cảm biến hoàn toàn có năng theo dõi hoạt động của tàu ngầm từ khu vực Biển Đông và tín hiệu tàu ngầm gửi về căn cứ trên đảo Guam.
Các thiết bị theo dõi tối tân của Trung Quốc đã hoạt động từ năm 2016 nhưng thông tin chi tiết mới chỉ được Học viện Khoa học Trung Quốc công bố hồi tháng này.
Hai cảm biến được đặt ở khu vực biển chỉ cách đảo Guam lần lượt 300km và 500km. Cảm biến âm thanh hiện đại của Trung Quốc hoàn toàn có khả năng thu thập tín hiệu liên lạc của tàu ngầm, một chuyên gia quân sự Trung Quốc giấu tên nói.
Video đang HOT
Nội dung của tín hiệu được mã hóa, nhưng việc thu thập những tín hiệu này có thể đem lại những thông tin giá trị về hoạt động của tàu ngầm.
Một chuyên gia Mỹ nói trên SCMP rằng, đây là hoạt động thông thường của một quốc gia đang ngày càng cải thiện năng lực hải quân.
Mỹ hiện duy trì sự hiện diện của đông đảo các tàu ngầm tấn công hạt nhân ở Guam.
“Trung Quốc đang trở thành cường quốc và hành động giống như vậy”, James Lewis, phó giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, Mỹ nói. “Cường quốc quân sự nào cũng rải cảm biến dưới đáy đại dương để phục vụ tác chiến chống ngầm”.
Căn cứ trên đảo Guam hiện là nơi Mỹ duy trì hạm đội tàu ngầm hùng hậu, bao gồm tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Angeles như USS Oklahoma, USS Chicago, USS Key West và USS Topeka.
Từ Guam, cách nhanh nhất để các tàu ngầm này đến Biển Đông là đi qua khu vực nằm giữa Indonesia và Philippines. Hành trình 3.500km này kéo dài khoảng 4 ngày đối với tàu ngầm hạt nhân.
Hải quân Mỹ trên đảo Guam được cho là cũng dùng tuyến đường này để liên lạc với tàu ngầm. Mạng lưới cáp biển giúp tàu ngầm Mỹ duy trì liên lạc với căn cứ mà không cần thiết phải nổi lên để kết nối với vệ tinh.
Hoạt động của Trung Quốc gần đảo Guam dĩ nhiên không tránh được sự chú ý của Mỹ. Các nhà khoa học trên tàu nghiên cứu Trung Quốc nói với SCMP rằng, họ thấy máy bay do thám Mỹ không ngừng quần thảo quanh khu vực.
Guam nằm trong Chuỗi đảo thứ hai của Mỹ, mạng lưới phòng thủ được xây dựng từ thời Chiến tranh Lạnh để ngăn Nga hay Trung Quốc mở rộng hoạt động ra Thái Bình Dương.
Theo các nhà khoa học Trung Quốc, một trong những mục đích khiến Bắc Kinh đẩy mạnh hoạt động gần Guam và các khu vực khác ở Tây Thái Bình Dương là nhằm phá vỡ thế phòng thủ của Mỹ và đưa hải quân Trung Quốc tiến ra biển lớn.
Theo Danviet
Bộ ba oanh tạc cơ "báu vật" của không quân Mỹ đồng loạt triển khai ở Guam
Không quân Mỹ hôm 16.1 thông báo đã triển khai 6 máy bay ném bom chiến lược uy lực B-52 tới đảo Guam trong bối cảnh căng thẳng với Triều Tiên.
Máy bay ném bom B-52 của không quân Mỹ hạ cánh tại căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam vào hôm 16.1. Ảnh: US Air Force.
Japan Times đưa tin, 6 máy bay B-52 cùng với 300 quân nhân Mỹ tiếp tục được điều đến đảo Guam. Việc điều động 6 "pháo đài bay" trong bộ ba oanh tạc cơ chiến lược của Mỹ diễn ra vài ngày sau khi 3 máy bay ném bom tàng hình B-2 của không quân Mỹ được gửi đến căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam.
Căn cứ Andersen là nơi triển khai của một số máy bay ném bom hạng nặng B-1B. Như vậy, đây là lần đầu tiên, bộ ba máy bay ném bom chiến lược của không quân Mỹ: B-52, B-1B, B-2 cùng hiện diện tại tiền đồn quan trọng của Mỹ ở Thái Bình Dương. Trong bộ ba này, B-52 và B-2 đều có khả năng triển khai bom hạt nhân trong khi B-1B chỉ được thiết kế để triển khai bom thông thường.
Theo lực lượng không quân Mỹ ở Thái Bình Dương, việc triển khai B-52 tới Guam nhằm "hỗ trợ sứ mệnh liên tục hiện diện máy bay ném bom của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM)". Trước đó, Triều Tiên từng nhiều lần đe dọa tấn công tên lửa đạn đạo gần Guam.
Máy bay B-52 được Mỹ triển khai trong khu vực lần gần đây nhất là tháng 7.2016. Khi đó, các "pháo đài bay" của Mỹ thực hiện nhiều sứ mệnh huấn luyện song phương và đa phương với hải quân Mỹ, thủy quân lục chiến Mỹ, lực lượng phòng không Mỹ, không quân Hàn Quốc và không quân Hoàng gia Australia.
Động thái mới nhất của Mỹ được xem là nhằm phô trương sức mạnh, trấn an các đồng minh Châu Á đang lo lắng về cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, theo Japan Times.
"Việc B-52H trở lại Thái Bình Dương sẽ mang đến cho PACOM và các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực một nền tảng sức mạnh chiến lược đáng tin cậy cũng như chia sẻ kinh nghiệm tác chiến trong nhiều năm của các máy bay", tuyên bố của không quân Thái Bình Dương của Mỹ nêu rõ.
Japan Times cho hay, không rõ bộ ba oanh tạc cơ chiến lược của Mỹ sẽ tiếp tục cùng hiện diện ở căn cứ quân sự của Mỹ cách Triều Tiên khoảng 3.400 km trong bao lâu.
HÀ LIÊN
Theo Laodong
Mỹ điều hàng loạt "pháo đài bay" B-52 tới Thái Bình Dương Không quân Mỹ thông báo đã triển khai 6 máy bay ném bom chiến lược B-52 của nước này tới đảo Guam ở Thái Bình Dương giữa lúc căng thẳng với Triều Tiên. Máy bay ném bom B-52 của Mỹ (Ảnh: AFP) Japan Times dẫn thông báo của Không quân Mỹ hôm nay 16/1 cho biết, 6 máy bay ném bom chiến lược...