Trung Quốc ngăn phóng viên Philippines tới gần bãi cạn tranh chấp trên Biển Đông
Lực lượng tuần duyên Trung Quốc đã lớn tiếng không cho phép một đoàn phóng viên của truyền hình Philippines tác nghiệp tại bãi cạn Scarborough – khu vực tranh chấp giữa hai nước trên Biển Đông.
Phóng viên Jun Veneracion trao đổi với lực lượng tuần duyên Trung Quốc khi tàu chở đoàn làm phim Philippines tới gần bãi cạn Scarborough. (Ảnh: GMA)
Theo hãng tin Rappler (Philippines), vụ việc xảy ra vào chiều ngày 8/11 tại bãi cạn Scarborough trên Biển Đông. Một đoàn làm phim của đài truyền hình GMA (Philippines) đã bị lực lượng tuần duyên Trung Quốc cản trở, không cho phép tác nghiệp trên bãi cạn khi chưa có “sự cho phép” của Bắc Kinh.
Phóng viên Jun Veneracion của GMA đang quay một bộ phim tài liệu cho chương trình truyền hình Reporter’s Notebook, dự kiến phát sóng vào 23h35 ngày 22/11. Đây cũng là chương trình từng ghi lại cảnh lực lượng tuần duyên Trung Quốc tịch thu số cá mà ngư dân Philippines đánh bắt được tại bãi cạn Scarborough.
Theo chia sẻ của phóng viên Veneracion, đoàn làm phim của anh từng tới tới bãi cạn Scarborough lần đầu tiên hồi tháng 5. Trong chuyến đi lần này tới bãi cạn, đoàn làm phim của GMA tiếp tục đi cùng nhóm ngư dân từng đi cùng họ trong quá trình quay bộ phim tài liệu cách đây gần 6 tháng. Mục đích của chuyến đi là nhằm kiểm tra xem tình hình bãi cạn có gì thay đổi hay không.
Khi camera của đoàn làm phim quay gần bãi cạn Scaborough, họ phát hiện ít nhất 3 tàu của lực lượng tuần duyên Trung Quốc ở khu vực này. Từ khoảng cách xa, một tàu Trung Quốc đã phát hiện và di chuyển về phía tàu chở đoàn làm phim Philippines.
“Tàu (Trung Quốc) rẽ nước lao tới, tạo ra những đợt sóng khi nó tăng tốc. Tàu này theo đuôi và thu hẹp khoảng cách cho tới khi áp sát tàu của chúng tôi. Những ngư dân sợ hãi nhắc chúng tôi giấu thiết bị quay phim đi. Nhưng đã quá muộn. Rõ ràng, chúng tôi đã bị phát hiện”, phóng viên Veneracion kể lại.
Khi tàu chở đoàn làm phim tới gần bãi cạn Scarborough, các ngư dân Philippines đã tìm cách thả neo. Ngay lập tức, hai tàu cao tốc Trung Quốc lao về phía tàu Philippines và “cắt mặt” tàu chở đoàn làm phim Philippines.
Video đang HOT
“Một trong số các thành viên lực lượng tuần duyên Trung Quốc, dù mỉm cười, nhưng lại la lớn và nói rằng chúng tôi đang ở vùng biển của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, phóng viên Philippines nói.
“Nếu chưa có sự cho phép của Trung Quốc, các anh không thể tiến hành cuộc phỏng vấn ở đây”, một cảnh sát biển Trung Quốc cảnh báo.
“Nhưng khu vực này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines”, phóng viên Veneracion đáp lại.
Cảm thấy cuộc trao đổi không đi đến đâu, Veneracion đã đề nghị phía Trung Quốc cho đoàn làm phim Philippines 30 phút để thu dọn trang thiết bị và rời đi. Một cảnh sát biển Trung Quốc đồng ý, nhưng cũng không quên cảnh báo: “Nếu các anh không rời khỏi đây, chúng tôi buộc phải dùng biện pháp cưỡng chế”.
“Không cần phải cảnh báo chúng tôi, thưa ngài”, phóng viên Veneracion nói.
Theo Veneracion, lực lượng tuần duyên Trung Quốc sau đó không rời khỏi khu vực cho tới khi tàu chở đoàn làm phim Philippines đi cách xa bãi cạn Scarborough.
Ảnh vệ tinh chụp bãi cạn Scarborough (Ảnh: Inquirer)
Nằm cách đảo chính Luzon của Philippines 230 km về phía tây, bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) là khu vực tranh chấp giữa hai nước từ nhiều năm nay. Bắc Kinh đã chiếm giữ Scarborough từ năm 2012 và thường xuyên ngăn cản ngư dân Philippines tới gần ngư trường dồi dào này để đánh bắt, thậm chí sử dụng cả vòi rồng để xua đuổi.
Bãi cạn Scarborough là một phần trong vụ kiện do Philippines khởi xướng tại tòa trọng tài thường trực quốc tế ở La Hay (Hà Lan) chống lại yêu sách “đường chín đoạn” phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong phán quyết hồi tháng 7/2016, tòa trọng tài đã chính thức bác bỏ yêu sách này, song Bắc Kinh đến nay vẫn lớn tiếng phủ nhận và ngang nhiên không tuân thủ bất kỳ kết luận nào của tòa.
Thành Đạt
Theo Dantri/ Rappler
Không cần Trung Quốc công nhận, Philippines vẫn thực thi phán quyết trọng tài về Biển Đông
Quyền Chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio ngày 12/7 tuyên bố Manila có thể thực thi phán quyết trọng tài về vấn đề Biển Đông mà không cần sự tham gia của Trung Quốc trong khi Bắc Kinh vẫn phản đối văn kiện pháp lý này.
Quyền Chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio (Ảnh: ABS CBN)
Phát biểu tại diễn đàn nhân đánh dấu 2 năm ngày tòa trọng tài quốc tế ở Hà Lan ra phán quyết trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc liên quan tới chủ quyền trên Biển Đông, Quyền Chánh án Tòa án tối cao Antonio Carpio cho biết Manila vẫn có thể thực thi phán quyết của tòa mà không cần sự tham gia của Bắc Kinh, bằng cách ký các thỏa thuận về biên giới trên biển với các nước Đông Nam Á khác.
"Philippines và Việt Nam có thể ký thỏa thuận biên giới trên biển về khu vực thềm lục địa mở rộng bị chồng lấn ngoài quần đảo Trường Sa. Một thỏa thuận biên giới tương tự cũng có thể được ký giữa Philippines và Malaysia để vạch ra các vùng đặc quyền kinh tế tiếp giáp nhau giữa Borneo và Palawan", trang tin ABS-CBN dẫn lời ông Carpio nói.
Phán quyết của tòa trọng tài quốc tế năm 2016 đã ủng hộ lập trường của Philippines, đồng thời tuyên bố yêu sách đường chín đoạn phi lý do Trung Quốc đưa ra hòng chiếm phần lớn diện tích Biển Đông là không có giá trị. Tuy nhiên, Bắc Kinh cho đến nay vẫn ngang nhiên phớt lờ phán quyết của tòa.
Ông Carpio hối thúc Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) đề nghị Mỹ và các nước Đông Nam Á công nhận bãi cạn Scarborough là "lằn ranh đỏ chính thức" trên Biển Đông. Bãi cạn này là khu vực tranh chấp từ nhiều năm nay giữa Philippines và Trung Quốc.
"DFA nên kêu gọi các nước ASEAN, đặc biệt những nước bị ảnh hưởng bởi yêu sách đường chín đoạn, công nhận bãi cạn Scarborough là lằn ranh đỏ của ASEAN, nghĩa là Trung Quốc không được phép xây dựng trên bãi cạn này. DFA cũng nên kêu gọi Mỹ công nhận bãi cạn Scarborough là lằn ranh đỏ chính thức theo Hiệp ước Phòng vệ Tương hỗ Mỹ - Philippines (MDT). Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2015 rằng bãi cạn Scarborough là một lằn ranh đỏ", ông Carpio nhấn mạnh.
Bãi cạn Scarborough trên Biển Đông (Ảnh: Reuters)
Theo trang tin Inquirer, trong các vấn đề quốc tế, lằn ranh đỏ là điều kiện do một bên thiết lập. Khi điều kiện này bị vi phạm, bên vi phạm có thể sẽ phải chịu "những hậu quả nghiêm trọng" từ trừng phạt kinh tế cho tới hành động quân sự.
Theo hiệp ước MDT do Mỹ và Philippines ký năm 1951, hai nước cam kết sẽ hỗ trợ lẫn nhau nếu một trong hai bên bị tấn công quân sự. Ngoài bãi cạn Scarborough, Philippines cũng đặt ra một lằn ranh khác là Trung Quốc không được phép tiến hành bất kỳ hoạt động khoan dò đơn phương nào đối với các tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Trung Quốc đã chiếm giữ bãi cạn Scarborough, nằm cách đảo chính Luzon của Philippines 230 km về phía tây, từ năm 2012. Phía Bắc Kinh thường xuyên ngăn chặn ngư dân Philippines tới gần ngư trường dồi dào này để đánh bắt, thậm chí có lúc còn sử dụng cả vòi rồng để xua đuổi. Tranh chấp giữa hai nước tại khu vực này là lý do khiến Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc lên tòa trọng tài quốc tế.
Thành Đạt
Tổng hợp
Theo Dantri
Trung Quốc lớn tiếng chỉ trích tàu Mỹ áp sát bãi cạn tranh chấp trên Biển Đông Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo một tàu khu trục của Hải quân Mỹ khi tàu này hoạt động gần bãi cạn Scarborough - khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông. Ảnh vệ tinh chụp bãi cạn Scarborough (Ảnh: Inquirer) Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm nay 20/1 cho biết tàu khu...