Trung Quốc, Nga và Mông Cổ thúc đẩy dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên xuyên biên giới
Thời báo Hoàn cầu ngày 20/9 đăng bài viết của nhà nghiên cứu Lý Siêu thuộc Viện Nghiên cứu Nga và Mông Cổ, cho biết các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Mông Cổ và Nga mới đây đã tiến hành cuộc họp ba bên lần thứ 6 tại Samarkand, Uzbekistan.
Một cơ sở khai thác dầu ở bán đảo Yamal thuộc vùng Tây Bắc Siberia của Nga. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Tại cuộc họp, ba bên không chỉ xác nhận việc gia hạn 5 năm “Đề cương quy hoạch xây dựng Hành lang kinh tế Trung Quốc – Mông Cổ – Nga”, chính thức khởi động nghiên cứu khả thi về nâng cấp và phát triển đường sắt tuyến trung tâm hành lang kinh tế Trung Quốc – Mông Cổ – Nga, mà còn nhất trí tích cực thúc đẩy dự án lắp đặt đường ống dẫn khí đốt Trung – Nga qua Mông Cổ. Điều này phản ánh rằng Trung Quốc, Mông Cổ và Nga sẽ tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI).
Tháng 3/2006, Trung Quốc và Nga đã ký “Bản ghi nhớ về việc cung cấp khí đốt từ Nga cho Trung Quốc”, trong đó hai nước có kế hoạch xây dựng hai đường ống dẫn khí đốt phía Đông và phía Tây, trong đó đường ống dẫn khí đốt phía Tây (Sức mạnh Siberia-2) dự kiến đi qua khu vực Altai với chiều dài hơn 2.000 km. Đường ống dẫn khí đốt phía Đông Trung – Nga đã chính thức đi vào hoạt động từ năm 2019, trong khi việc xây dựng đường ống phía Tây vẫn chưa có tiến triển.
Trong những năm gần đây, Mông Cổ đã hợp tác chặt chẽ với Nga trong việc đề xuất một chương trình quá cảnh để Mông Cổ trở thành một bên tham gia dự án đường ống khí đốt Trung – Nga. Tháng 12/2019, tập đoàn khí đốt Gazprom và Chính phủ Mông Cổ đã ký một biên bản ghi nhớ để cùng nhau đánh giá tính khả thi của kế hoạch về đường ống dẫn khí Trung – Nga qua Mông Cổ. Năm 2022, Nga và Mông Cổ đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi có liên quan và một lần nữa ký thỏa thuận thiết kế và khảo sát kỹ thuật để khởi động dự án đường ống dẫn khí đốt này.
Video đang HOT
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Mông Cổ và Nga lần này đã đánh giá tích cực về dự án lắp đặt đường ống dẫn khí đốt Trung – Nga qua Mông Cổ, khi ba bên đã đạt được sự đồng thuận cơ bản về dự án, điều sẽ đóng một vai trò xúc tác trong việc thúc đẩy công việc liên quan.
Mông Cổ trong nhiều năm đã đề xuất trở thành một quốc gia quá cảnh cho đường ống dẫn khí đốt Trung – Nga. Lý do chính là hy vọng sẽ tận dụng vị trí địa lý độc đáo của riêng mình để mang lại cho Trung Quốc và Nga sự thuận tiện về địa lý, phát triển nền kinh tế “quá cảnh”, thông qua kết nối mạng lưới giao thông, logistics và năng lượng với các nước láng giềng.
Ngoài ra, do vị trí địa lý đặc biệt và việc sưởi ấm bằng than vào mùa Đông ở các khu nhà của thủ đô Ulaanbaatar, vấn đề ô nhiễm không khí khá nghiêm trọng, khiến đòi hỏi trong nước về việc sử dụng năng lượng sạch đang ngày càng trở nên mạnh mẽ. Nếu đường ống dẫn khí đốt Trung – Nga đi qua Mông Cổ, Mông Cổ có thể là người mua khí đốt tự nhiên của đường ống, điều sẽ mang lại cơ hội sử dụng khí đốt sạch với số lượng lớn ở Ulaanbaatar.
Nga bày tỏ sự ủng hộ đối với ý định này của Mông Cổ. Một mặt, Nga luôn là nhà cung cấp nhiên liệu chính của Mông Cổ, sau khi Gazprom đã cung cấp cho Mông Cổ lô khí đốt tự nhiên hóa lỏng đầu tiên trong năm 2019, và Nga có ý tiếp tục củng cố và mở rộng hợp tác truyền thống của hai bên trong lĩnh vực năng lượng. Mặt khác, trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine, Nga muốn mở rộng thị trường xuất khẩu khí đốt tự nhiên, chấn hưng nền kinh tế, cùng với việc nhận thức được tính cấp bách của việc mở rộng và làm sâu sắc thêm thị trường năng lượng châu Á, việc quá cảnh Mông Cổ thực sự có thể cung cấp các giải pháp mới cho dự án đường ống dẫn khí đốt Trung – Nga.
Đối với Trung Quốc, địa hình của Mông Cổ tương đối bằng phẳng, chi phí lắp đặt đường ống thấp hơn, đường ống dẫn khí đốt Trung – Nga quá cảnh Mông Cổ, gần thị trường tiêu thụ khí đốt tự nhiên chính của Trung Quốc, có lợi thế về chi phí vận chuyển, và có thể tối ưu hóa việc bố trí các đường ống dẫn khí đốt xuyên biên giới hiện có. Đồng thời, sáng kiến BRI được thiết kế để thúc đẩy việc phân bổ hiệu quả các nguồn lực của các quốc gia dọc BRI và sự phát triển nhanh chóng của các nền kinh tế và thị trường của các quốc gia dọc theo BRI.
Trong “Đề cương quy hoạch Hành lang kinh tế Trung Quốc – Mông Cổ – Nga” được công bố vào năm 2016, nội dung hợp tác ba bên về đường ống dẫn khí đốt tự nhiên đã được bao gồm. Do đó, việc thăm dò và thúc đẩy các dự án đặt đường ống dẫn khí đốt Trung – Nga qua Mông Cổ cũng là một biện pháp quan trọng để Trung Quốc thúc đẩy việc xây dựng BRI với các nước láng giềng.
Việc thúc đẩy hơn nữa dự án lắp đặt đường ống dẫn khí đốt Trung – Nga qua Mông Cổ vẫn còn phải được giải quyết bởi các vấn đề thực chất như giá khí đốt tự nhiên qua đường ống, chi phí quá cảnh của nước thứ ba và thi công xây dựng. Vì vậy dự án có thể trở thành một yếu tố quan trọng trong việc thực hiện “Đề cương quy hoạch Hành lang kinh tế Trung Quốc – Mông Cổ – Nga” của ba nước trong tương lai.
Nếu đường ống này được triển khai sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế và thương mại thực chất và cùng có lợi giữa ba bên, giúp chuyển đổi tài nguyên và lợi thế địa lý của các quốc gia dọc theo hành lang kinh tế thành lợi thế phát triển. Trong khuôn khổ Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Mông Cổ – Nga cũng sẽ hình thành quan hệ hợp tác chiến lược trong sản xuất, quá cảnh và sử dụng khí đốt tự nhiên, và ba bên sẽ tiêm sức sống mới vào việc xây dựng Hành lang kinh tế Trung Quốc – Mông Cổ – Nga thông qua các dự án năng lượng cùng có lợi và cộng đồng chung vận mệnh năng lượng khu vực.
Nga thảo luận dự án cung cấp khí đốt cho Trung Quốc qua Mông Cổ
Tổng thống Vladimir Putin ngày 7/9 xác nhận Nga đang thảo luận một dự án mới về cơ sở hạ tầng quy mô lớn để vận chuyển khí đốt tới Trung Quốc qua Mông Cổ.
Toàn cảnh giếng khí đốt Bovanenkovo thuộc sở hữu của Tập đoàn Gazprom (Nga) ở bán đảo Yamal. Ảnh: Reuters/TTXVN
Thông tin trên được Tổng thống Putin đưa ra trong cuộc gặp Thủ tướng Mông Cổ Luvsannamsrai Oyun-Erdene bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) tại thành phố Vladivostok. Tổng thống Putin nêu rõ: "Hiện nay, chúng tôi đang đề cập tới khả năng triển khai một dự án cơ sở hạ tầng lớn - đó là cung cấp khí đốt của Nga cho Trung Quốc thông qua lãnh thổ Mông Cổ".
Ngoài ra, Tổng thống Putin cũng tuyên bố Moskva và Ulaanbaatar đã nhất trí về mọi điều khoản liên quan hợp đồng cung cấp dầu mỏ cho Mông Cổ.
Từ nhiều năm qua, tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga đã nghiên cứu khả năng xây dựng đường ống "Sức mạnh Siberia 2" (Power of Siberia 2) - tuyến đường ống có khả năng hợp nhất các hệ thống vận chuyển khí đốt ở miền Đông và miền Tây nước Nga - để vận chuyển khí đốt đến Trung Quốc qua Mông Cổ. "Sức mạnh Siberia 2" dự kiến có thể vận chuyển 50 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên mỗi năm, thấp hơn một chút so với công suất của đường ống "Dòng chảy phương Bắc 1" (Nord Stream 1) nối Nga với Đức qua biển Baltic.
Tuyến đường ống Sức mạnh Siberia hiện hành, chạy từ Nga sang Trung Quốc, được đưa vào vận hành từ cuối năm 2019 với công suất hàng năm lên đến 61 tỷ mét khối khí đốt. Tuyến đường ống này được xác định là nguồn doanh thu chủ chốt của Nga trong những năm tới, bởi châu Âu đang cố gắng xoá bỏ sự phụ thuộc lịch sử vào khí đốt của Nga.
Nga tăng cường bơm khí đốt sang Trung Quốc Gazprom cho biết lượng khí đốt chuyển giao cho Trung Quốc thông qua "siêu đường ống" Sức mạnh Siberia đang tăng mạnh, trong bối cảnh nhiều nước châu Âu ngừng nhập khẩu khí đốt Nga. Nga tăng cường xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc sau khi mất một số đối tác truyền thống ở châu Âu. Tập đoàn năng lượng khổng lồ...