Trung Quốc – Nga tăng mua lượng khổng lồ, một sản phẩm thế mạnh của Việt Nam thu 512 triệu USD
Trong khi Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su quan trọng nhất của Việt Nam thì xuất khẩu cao su sang Nga sẽ gặp khó khăn do tác động chiến sự Nga – Ukraine.
Tại sao giá cao su tại Trung Quốc giảm?
Trong 10 ngày giữa tháng 3/2022, giá cao su tại thị trường châu Á bị tác động bởi diễn biến của thị trường dầu thô và lo ngại tác động của chiến sự Nga Ukraine, tại các sàn giao dịch hàng hóa ở Nhật Bản, Trung Quốc, ghi nhận giá cao su liên tục giảm.
Tại Trung Quốc, số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến đã khiến một số công ty, trong đó có các công ty sản xuất lốp xe ngừng sản xuất, khiến cho nhu cầu đối với cao su giảm.
Trong khi đó, ở thị trường trong nước, từ đầu tháng 3/2022 đến nay, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước ổn định.
Tại Bình Phước giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức từ 330-340 đồng/độ mủ.
Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa giữ ở mức 348-350 đồng/độ mủ.
Giá mủ cao su tại Gia Lai được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 310-320 đồng/độ mủ, ổn định so với cuối tháng 2/2022.
2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 210.420 tấn cao su. Trong ảnh: Công nhân khai thác mủ cao su tại Bình Phước. Ảnh: I.T
Trung Quốc vẫn mua nhiều cao su nhất của Việt Nam
Video đang HOT
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 2/2022, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 101.660 tấn, trị giá 181,75 triệu USD, giảm 47,2% về lượng và giảm 45,1% về trị giá so với tháng 1/2022.
Lũy kế 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt 294.350 tấn, trị giá 512,81 triệu USD, tăng 0,2% về lượng và tăng 7,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Về giá xuất khẩu, tháng 2/2022, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.788 USD/tấn, tăng 4,1% so với tháng 1/2022 và tăng 8% so với tháng 2/2021.
Trong tháng 2, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 66,1% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, đạt 67.180 tấn, trị giá 117,15 triệu USD.
Giá cao su xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc ở mức 1.744 USD/tấn, tăng 2,5% so với tháng 1/2022 và tăng 9% so với tháng 2/2021.
Lũy kế 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 210.420 tấn cao su, trị giá 360,96 triệu USD, giảm 2,8% về lượng, nhưng tăng 5,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu ( Bộ Công Thương), thời gian tới, thị trường cao su sẽ có nhiều biến động do chiến sự Nga – Ukraine sẽ tác động đến thị trường hàng hóa, trong đó có mặt hàng cao su.
Hiện, Nga – Ukraine là hai trong số những nước tiêu thụ các sản phẩm làm từ cao su nhiều nhất thế giới.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, Nga hiện nằm trong top 10 thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2022 với lượng 3.676 tấn, trị giá 6,69 triệu USD, tăng tới 190% về lượng và 178% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Nga cũng sẽ gặp khó khăn do vận tải bị ngừng trệ, rủi ro về giao dịch ngân hàng…
Việc cấm vận hàng không cũng sẽ dẫn đến các hãng hàng không phải chọn đường bay dài hơn, chi phí tăng, áp lực gia tăng lên hệ thống vận chuyển logistics toàn cầu và giá cả hàng hóa.
Trung Quốc giảm mua loại lâm sản trồng khắp trong Nam ngoài Bắc, Việt Nam tăng tốc bán sang Hàn Quốc
Do Trung Quốc giảm thu mua, giá cao su ở nhiều sàn châu Á giảm mạnh từ cuối tháng 11, trong khi giá cao su trong nước không có nhiều biến động.
Giá cao su châu Á đảo chiều giảm mạnh do nhu cầu từ Trung Quốc giảm
Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), do Trung Quốc giảm thu mua, giá cao su ở nhiều sàn châu Á giảm mạnh từ cuối tháng 11, trong khi giá cao su trong nước không có nhiều biến động.
Cụ thể, từ đầu tháng 12/2021 đến nay, giá cao su nguyên liệu tại Bình Phước được thu mua với giá 305 - 320 đồng/độ mủ.
Tại Đồng Nai, giá mủ cao su nguyên liệu được thu mua ở mức từ 331 - 333 đồng/độ mủ. Tại Bình Dương, giá mủ cao su nguyên liệu dao động ở mức 336 đồng/độ mủ.
Tại Bình Thuận, giá mủ cao su nguyên liệu ở mức 328 đồng/độ mủ. Tại Đắk Lắk, giá mủ cao su nguyên liệu trong khoảng 290 - 300 đồng/độ mủ.
Từ cuối tháng 11/2021, giá cao su đảo chiều giảm mạnh tại các sàn ở châu Á do các nhà đầu tư vẫn lo ngại về nhu cầu sẽ giảm, nhất là ở thị trường Trung Quốc.
Số liệu thống kê cho thấy, sản xuất ô tô Trung Quốc thấp hơn dự kiến. Doanh số bán ô tô của Trung Quốc trong tháng 10/2021 giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2020, tháng giảm thứ sáu liên tiếp.
Theo thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, tháng 11/2021, Trung Quốc nhập khẩu 661.000 tấn cao su tự nhiên và tổng hợp, trị giá 1,18 tỷ USD.
Tính chung 11 tháng năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu 6,13 triệu tấn cao su, trị giá 10,95 tỷ USD, giảm 9,2% về lượng, nhưng tăng 15,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Do Trung Quốc giảm thu mua, giá cao su ở nhiều sàn châu Á giảm mạnh từ cuối tháng 11, trong khi giá cao su trong nước không có nhiều biến động. Trong ảnh: Thu mua mủ cao su ở Công ty Cao su Dầu Tiếng (Bình Dương). Ảnh: CS Dầu Tiếng.
Xuất khẩu cao su sang Trung Quốc giảm, Việt Nam tìm đường bán cho Hàn Quốc
Trong khi xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc giảm nhẹ do Trung Quốc "siết" kiểm soát xuất nhập khẩu thì xuất khẩu cao su sang Hàn Quốc tăng.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 10 tháng năm 2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 37.620 tấn, trị giá 68,87 triệu USD, tăng 57,8% về lượng và tăng 95,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020; giá xuất khẩu bình quân đạt 1.831 USD/tấn, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Nhìn chung, trong 10 tháng năm 2021, phần lớn các chủng loại cao su xuất khẩu sang Hàn Quốc đều đạt được sự tăng trưởng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Theo thống kê của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, trong 10 tháng năm 2021, Hàn Quốc nhập khẩu 461.290 tấn cao su, trị giá 952,9 triệu USD, tăng 16,5% về lượng và tăng 41,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 4 cho Hàn Quốc với 35.880 tấn, trị giá 68,76 triệu USD, tăng 32,3% về lượng và tăng 68,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Thị phần cao su Việt Nam chiếm 7,8% trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Hàn Quốc, tăng so với mức 6,8% của 10 tháng năm 2020.
Đối với mặt hàng cao su tự nhiên, trong 10 tháng năm 2021, Hàn Quốc nhập khẩu 290.580 tấn cao su tự nhiên, trị giá 514,84 triệu USD.
Đáng chú ý, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 3 cho Hàn Quốc, với 35.730 tấn, trị giá 68,35 triệu USD, tăng 33,6% về lượng và tăng 70,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc chiếm 12,3%, tăng so với 10,6% của 10 tháng năm 2020.
Trung Quốc chi tới 12,56 tỷ USD mua một loại lâm sản phục vụ chế tạo ô tô, mua của Việt Nam bao nhiêu? Do nhu cầu vẫn tăng cao từ thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ,... triển vọng ngành cao su năm 2022 sẽ rất sáng, giá cao su sẽ tiếp tục giữ ở mức cao. Nhu cầu tăng cao từ Trung Quốc, giá cao su vẫn ổn định Do nhu cầu vẫn lớn từ các thị trường nhập khẩu như Trung Quốc, Ấn Độ,......