Trung Quốc nên học Ấn Độ cách giải quyết tranh chấp
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng Trung Quốc cần phải học cách giải quyết các tranh chấp, bao gồm cả khu vực Biển Đông theo trường hợp của Ấn Độ và Bangladesh.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) trong cuộc gặp với người đồng cấp Ấn Độ Sushma Swaraj.
Phát biểu trong chuyến thăm Ấn Độ ngày 31.8, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định Washington không ủng hộ các giải pháp quân sự và kêu gọi Trung Quốc tuân thủ theo phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về vấn đề tranh chấp Biển Đông.
“Mỹ tiếp tục kêu gọi Trung Quốc và Philippines tuân thủ phán quyết của PCA vì đây là phán quyết cuối cùng, có giá trị ràng buộc pháp lý với cả hai bên”. Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Kerry phát biểu trong cuộc gặp với các sinh viên ở New Delhi.
Ông Kerry nhấn mạnh rằng sau Thế chiến II, cộng đồng quốc tế đã phải mất rất nhiều thời gian và nguồn lực để tái thiết trật tự bình ổn, bởi vậy hòa bình là điều cần được các nước tôn trọng.
Viện dẫn việc giải quyết tranh chấp hàng hải giữa Bangladesh và Ấn Độ, Ngoại trưởng Mỹ nói rằng thế giới có thể học hỏi từ Ấn Độ trong việc tuân thủ phán quyết của tòa án quốc tế
“Ấn Độ quyết định chấp nhận phán quyết của tòa quốc tế trong tranh chấp biên giới hàng hải với Bangladesh năm 2014. Đây là hình mẫu trong có thể giúp đỡ giải quyết các tranh chấp nguy hiểm ở các khu vực khác… rằng hoàn toàn có thể hướng tới giải pháp hòa bình, bao gồm cả vấn đề Biển Đông”, ông Kerry nói.
Theo Times of India, trong buổi điều trần trước Quốc hội hồi đầu tháng 7, trước phán quyết của PCA về Biển Đông, Phó trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Đông Á, Abraham Danemark cũng đã từng kêu gọi Trung Quốc tương tự.
Tuyên bố của Ngoại trưởng John Kerry được đưa ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Trung Quốc vào cuối tuần này. Giới quan sát nhận định nhiều khả năng vấn đề biển Đông sẽ được nêu ra tại hội nghị.
Video đang HOT
Trước đó, có những thông tin nói Trung Quốc đề nghị Ấn Độ không nêu vấn đề Biển Đông tại hội nghị G20 vì không muốn nhận thêm sức ép của cộng đồng quốc tế.
Sau Đối thoại Thương mại và chiến lược Ấn Độ-Mỹ lần thứ hai tại New Delhi ngày 30.8, Ấn Độ và Mỹ đã ra tuyên bố chung, nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì tự do hàng hải, tự do hàng không và không cản trở thương mại trong toàn khu vực, kể cả ở Biển Đông.
Tuyên bố chung kêu gọi các bên tuyệt đối tôn trọng luật pháp quốc tế như Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển.
Theo Danviet
Sự cẩn trọng của Philippines sau chiến thắng pháp lý ở Biển Đông
Sự thận trọng của Manila sau phán quyết của Tòa Trọng tài xuất phát từ tâm lý muốn hạ nhiệt căng thẳng, nhằm đạt được thỏa thuận chấp nhận được với Bắc Kinh trên Biển Đông.
Tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: AP
Sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết có lợi có lợi cho Philippines, bác bỏ tính pháp lý của "đường lưỡi bò" Trung Quốc vẽ ra trên Biển Đông, giới phân tích quốc tế rất ngạc nhiên khi Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay lại không hề tỏ ra háo hức, vui mừng, khiến nhiều người nhầm tưởng rằng Manila đã thua kiện, theo Interpreter.
Giảng viên luật, kiêm thành viên trung tâm quốc gia Tài nguyên và An ninh biển Australia Lowell Bautista nhận định rằng chính phủ Philippines có những phản ứng ban đầu rất kiềm chế đối với chiến thắng này, và trong những tuần tiếp theo, thái độ im lặng cũng không thay đổi.
Phản ứng của ông Yasay và nhà chức trách Manila trái ngược với cách dư luận Philippines chào đón các chiến thắng quan trọng trên trường quốc tế trước đây. Người dân nước này đã hân hoan ăn mừng nhiều ngày việc một người đẹp Philippines được trao vương miện hoa hậu hoàn vũ vào năm ngoái, cùng sự kiện võ sĩ quyền anh nổi tiếng Manny Pacquiao chiến thắng ở Las Vegas hồi tháng 4.
Tuyên bố chính thức ngắn gọn của ông Yasay chỉ kêu gọi kiềm chế và tỉnh táo, thể hiện rõ chính sách "không chê - không khen" của tân Tổng thống Rodrigo Duterte.
Các phản ứng thận trọng, có chủ ý này đã giảm nhẹ sức ép đối với Trung Quốc, đối thủ của Philippines trong vụ kiện. Điều này trái ngược hoàn toàn với thái độ cứng rắn đối với Bắc Kinh của chính quyền của tổng thống tiền nhiệm Benigno Aquino.
Theo ông Bautista, phản ứng khó hiểu và kín tiếng của tân Tổng thống Duterte, một người nổi tiếng với những phát ngôn bạo miệng và thái độ không thể đoán trước, được cho là xuất phát từ tâm lý thận trọng, trong bối cảnh tình hình khu vực đang căng thẳng.
Những phản ứng từ Bắc Kinh cho thấy cách tiếp cận hòa giải, thậm chí được cho là thân thiện của chính quyền Tổng thống Duterte, không phải là không có nguyên do.
Nhiều tuần sau phán quyết của Tòa Trọng tài, ông Duterte thường né tránh thảo luận về chủ đề này. Ông cũng chưa đề ra bất cứ chiến lược cụ thể nào để thực thi phán quyết có lợi cho Manila hay chí ít là nối lại các đàm phán song phương với Bắc Kinh. Động thái duy nhất của chính quyền Manila là việc bổ nhiệm không công khai cựu tổng thống Fidel Ramos làm đặc phái viên tại Trung Quốc trong thời gian tới.
Không tạo ra thay đổi lớn trên thực địa
Bãi cạn Scarborough chụp từ vệ tinh. Ảnh: Inquirer.
Tại những diễn đàn gần đây của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ông Yasay được cho là đã không thúc đẩy mạnh mẽ để đưa phán quyết của Tòa Trọng tài vào tuyên bố chính thức của khối, chính vì thế ông đã bị một số nhà ngoại giao kỳ cựu của Philippines chỉ trích.
Rõ ràng về mặt pháp lý, chiến thắng của Philippines mang tính ràng buộc và tối hậu, bất chấp sự phản đối ngang ngược của Trung Quốc, và sẽ là cơ sở cho việc giải quyết tranh chấp trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Philippines khó có thể tỏ ra quá kiêu ngạo với chiến thắng của họ, bởi trên thực tế, phán quyết của tòa không tạo được nhiều thay đổi đối với hiện trạng trên Biển Đông. Sự chênh lệch trong cán cân quân sự và kinh tế giữa các bên tuyên bố chủ quyền với Trung Quốc sẽ vẫn được duy trì trong nhiều năm tới.
Các tranh chấp trong khu vực cũng đang hết sức phức tạp, với những vấn đề tranh cãi về đền bù và trách nhiệm quốc gia phải được giải quyết.
Bautista đánh giá rằng Manila cũng muốn giải quyết những vấn đề rắc rối hơn như việc bàn bạc phá dỡ các thực thể nhân tạo, phi quân sự hóa và giảm nhiệt căng thẳng. Tất cả cần phải có những bước đi cẩn trọng trọng để tránh những tính toán sai lầm có thể dẫn đến xung đột vũ trang hay tổn thất về nhân mạng.
Philippines có nhiều vấn đề để xem xét và cân nhắc lợi hại, như thực trạng của nền kinh tế, sự an toàn và lợi ích của người Philippines ở Trung Quốc cũng như các mối quan hệ thương mại và kinh doanh của nước này.
Manila cũng cần đánh giá lại tiềm lực quân sự, hải quân và thừa nhận rằng họ không thể dựa vào các cường quốc phương Tây để bảo đảm an ninh trong khu vực, bảo toàn sự toàn vẹn lãnh thổ hay chủ quyền quốc gia.
Các luật sư đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mang lại chiến thắng tinh thần và pháp lý lịch sử cho Philippines. Giai đoạn tiếp theo đòi hỏi các nhà ngoại giao, các nhà chiến lược và những chuyên gia về chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế vào cuộc để biến chiến thắng đó thành thực chất và lâu dài đối với Philippines.
"Điều này sẽ mất khá nhiều thời gian, nỗ lực to lớn. Vào thời điểm này, tốt nhất là nên cẩn trọng và tập trung vào tương lai do cả Philippines và Trung Quốc đều phải chờ cho tình hình lắng dịu để xác định lại hướng đi mới", Bautista nhận định.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Philippines sẽ không nhân nhượng Trung Quốc Philippines sẽ không nhân nhượng Trung Quốc về bất cứ nội dung nào trong phán quyết của PCA. Philippines sẽ không nhân nhượng Trung Quốc trong quá trình thực hiện phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) về vụ kiện của Philippines với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông, hãng tin AFP (Pháp) dẫn lời luật sư...