Trung Quốc nâng cấp vai trò thị trường tự do
Đảng Cộng sản Trung Quốc hứa hẹn sẽ giao vai trò “cầm trịch” cho thị trường tự do theo kế hoạch cải tổ kinh tế sâu rộng nhằm loại bỏ mô hình tăng trưởng lỗi thời.
Khu Thương mại tự do Thượng Hải ở Trung Quốc – Ảnh: Reuters
Trung Quốc đã công bố kế hoạch cải tổ 10 năm trong phiên bế mạc Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, diễn ra tại Bắc Kinh vào ngày 12.11. Sau 4 ngày họp kín với sự tham gia toàn bộ các Ủy viên Trung ương Đảng, Trung Quốc đã đặt mục tiêu phải đạt được các kết quả mang tính quyết định vào năm 2020, với thay đổi kinh tế làm trọng tâm cho kế hoạch cải cách toàn diện, theo Tân Hoa xã. Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh vai trò trụ cột của kinh tế nhà nước, nhưng đồng thời cũng tán thành mạnh mẽ hoạt động của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế.
Đại diện Bộ Chính trị, Tổng bí thư Tập Cận Bình đã công bố báo cáo cuộc họp, với mục tiêu tổng quát của kế hoạch cải tổ toàn diện là nhằm cải thiện và phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, đồng thời đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa và củng cố năng lực của hệ thống quản lý. Cụ thể, cải cách kinh tế từ vai trò nòng cốt đã được nâng lên tầm “quyết định”, và giải pháp cốt lõi là xây dựng quan hệ thích hợp giữa nhà nước với thị trường, giao lại vai trò quyết định cho thị trường khi phân phối nguồn lực. Báo cáo còn bao gồm nhiều mục tiêu khác như kế hoạch xây dựng quân đội hiện đại, khuyến khích đầu tư nước ngoài tại các thành phố ven biển và cam kết xây dựng hệ thống mạnh mẽ hơn để giám sát tham nhũng…
Lập Ủy ban An ninh quốc gia
Video đang HOT
Bên cạnh đó, Tân Hoa xã dẫn thông cáo khẳng định Trung Quốc sẽ “thúc đẩy cải cách ruộng đất và trao thêm nhiều quyền sở hữu cho nông dân”, nhưng không nêu rõ chi tiết những biện pháp sẽ áp dụng. Để triển khai rốt ráo kế hoạch 10 năm, một Ủy ban An ninh quốc gia sẽ được thiết lập “nhằm cải tổ hệ thống và chiến lược theo hướng đảm bảo an ninh quốc gia”. Động thái này diễn ra theo sau vụ tấn công ở Quảng trường Thiên An Môn tại thủ đô Bắc Kinh cách đây 2 tuần, khiến 5 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Thông cáo cũng đề cập đến sự cần thiết phải “ngăn chặn một cách hiệu quả và chấm dứt các bất hòa xã hội, cải thiện an ninh công cộng”. Tuy nhiên, cũng như vấn đề cải cách ruộng đất, thông cáo không nêu rõ chi tiết các kế hoạch sẽ triển khai. Những vấn đề gây tranh cãi nhất lại không được đả động đến, chẳng hạn như tình trạng sắp tới của các ngành công nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. Theo Tân Hoa xã, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ thành lập một nhóm lãnh đạo trung ương về vấn đề “cải cách sâu rộng”. Nhóm này phụ trách việc phác họa tổng thể cải cách và giám sát quá trình thực thi các kế hoạch. Thông cáo kêu gọi đảng ủy các cấp hãy hoàn thành nhiệm vụ trong việc đi đầu về cải cách.
Hội nghị toàn thể lần 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc được giới phân tích nhận định đóng vai trò thiết lập hướng đi mới cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong thập niên tới. Đây cũng là cơ hội đầu tiên để ông Tập Cận Bình trình bày tầm nhìn kinh tế của mình kể từ khi đảm nhiệm vai trò Tổng bí thư vào tháng 11.2012 và sau đó là chức Chủ tịch Trung Quốc vào tháng 3.2013. Ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đang đối mặt với áp lực tạo ra các động lực mới cho nền kinh tế. Sau 3 thập niên phát triển với tốc độ bứt phá nhờ xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng bắt đầu hụt hơi do gánh nặng từ sự quá tải của ngành công nghiệp, nợ nần và năng lực cạnh tranh bị xói mòn. Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng Trung Quốc cần phải đẩy mạnh vai trò của thị trường trong lĩnh vực tài chính và cải cách tài chính công nếu muốn thu hút sự chú ý của giới đầu tư quốc tế. Sau hội nghị trên, các bộ ngành của nước này sẽ bắt đầu lên kế hoạch chi tiết. Theo dự kiến, Hội nghị Cơ cấu kinh tế thường niên vào tháng 12 có thể hé lộ các diễn biến tiếp theo của kế hoạch 10 năm.
Theo TNO
Trung Quốc công bố cải cách kinh tế quan trọng
Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm nay bế mạc kỳ họp trung ương ba, tuyên bố sẽ tiếp tục cải cách nền kinh tế và để thị trường nắm giữ vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực.
Các lãnh đạo Trung Quốc tại Hội nghị toàn thể lần thứ hai khóa 18 hồi tháng 3. Ảnh: Xinhua
Hội nghị toàn thể lần thứ ba tức Kỳ họp Trung ương ba khóa 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm nay bế mạc tại Bắc Kinh. Kỳ họp có sự tham dự của toàn bộ 205 ủy viên trung ương đảng cùng với 171 ủy viên dự khuyết và có truyền thống thiết lập các chính sách kinh tế cho chính phủ mới.
"Vấn đề cốt lõi là xử lý hợp lý mối quan hệ giữa chính phủ và thị trường để cho phép thị trường phát huy vai trò quyết định trong việc phân bổ các nguồn lực và chính phủ thực hiện vai trò của mình được tốt hơn", hãng thông tấn nhà nướcXinhua trích thông cáo của kỳ họp cho biết, tuy nhiên không nói rõ các biện pháp cụ thể là gì.
Trung Quốc "sẽ thúc đẩy cải cách ruộng đất và cấp thêm quyền sở hữu cho nông dân", bao gồm một thị trường đất đai phát triển ở cả thành phố và nông thôn, hãng thông tấn cho hay.
"Cả hai khu vực quốc doanh và ngoài quốc doanh đều là thành phần quan trọng của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và là những căn cứ quan trọng cho sự phát triển của kinh tế và xã hội", thông cáo của kỳ họp viết.
Văn bản không nhắc đến chính sách một con hoặc các nội dung khác được dự đoán cải cách ví dụ như chế độ hộ khẩu, được cho là hạn chế quyền lợi của những người lao động ngoại tỉnh làm việc tại thành phố.
Một ủy ban an ninh quốc gia sẽ được thành lập "để cải thiện hệ thống và chiến lược cho nền an ninh quốc gia", và cần phải "ngăn ngừa một cách hiệu quả, chấm dứt các tranh chấp xã hội, đồng thời cải thiện an ninh công cộng", Xinhua dẫn nguồn thông cáo viết, hai tuần sau vụ tấn công khủng bố tại quảng trường Thiên An Môn ở trung tâm thủ đô.
"Đảng sẽ phát huy tích cực vai trò lãnh đạo chủ chốt trong mọi tình hình và phối hợp với mọi thành phần và nâng cao trình độ lãnh đạo để đảm bảo sự thành công cho cải cách", thông cáo viết thêm.
Đài truyền hình trung ương CCTV cũng phát đi hình ảnh các ủy viên trung ương trong hội trường, giơ tay thông qua nghị quyết của kỳ họp. 25 thành viên Bộ Chính trị ngồi hàng đầu, Tổng bí thư Tập Cận Bình ở chính giữa.
Hội nghị lần này được coi là kỳ họp thiết lập phương hướng cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong vòng một thập kỷ tới. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết Trung Quốc dường như chưa thống nhất được các chi tiết của cải cách.
"Họ có nhắc đến một số cải cách ví dụ như tài chính, sử dụng đất ở nông thôn và đô thị nhưng nội dung rất rộng, làm cho mọi người cảm giác như thỏa thuận cụ thể có thể đã không đạt được", Wang Qinwei, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại London, nói với AFP.
Một số người dùng mạng xã hội của Trung Quốc cũng cho rằng thông báo thực ra không mới mẻ. "Chẳng có cải cách gì ở đây cả", một người dùng mạng xã hội Sina Weibo viết. Một người khác nói rằng: "Chẳng phải vẫn như cũ sao?"
Trước đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc khẳng định hội nghị "sẽ là một bước ngoặt với việc ban hành các chính sách kinh tế mạnh mẽ". Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sức ép phải thay đổi chưa thực sự lớn để Trung Quốc đưa ra cải cách triệt để nền kinh tế như trong Hội nghị trung ương ba năm 1978 thời ông Đặng Tiểu Bình.
Theo VNE
Thị trường đóng 'vai trò quyết định' trong nền kinh tế Trung Quốc Hôi nghi toan thê lân thư 3 Ban Châp hanh Trung ương đang Công san Trung Quôc khóa 18 (gọi tắt là Hội nghị), kết thúc vào hôm nay (12.11), đã thông qua một nghị quyết về "những vấn đề cải tổ sâu sắc và toàn diện", theo Tân Hoa xã. Người dân theo dõi lễ hạ cờ tại quảng trường Thiên An...