Trung Quốc muốn quốc tế hóa Senkaku/Điếu Ngư?
Trung Quốc đã đệ trình đường cơ sở của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư lên Liên Hiệp Quốc (LHQ) trong một động thái được đánh giá là nhằm quốc tế hóa tranh chấp lãnh thổ với Nhật.
Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Lý Bảo Đông đã nộp hồ sơ mô tả chi tiết đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư lên Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon vào hôm 13.9, theo tờ South China Morning Post.
Động thái tương đương với việc chính thức phân ranh giới lãnh hải Trung Quốc trong khu vực được giới quan sát đánh giá là một sự thay đổi lớn từ chính sách mong muốn khai thác tài nguyên chung với Nhật thông qua đàm phán.
Tàu hải giám Trung Quốc ở gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư – Ảnh: AFP
Chuyên gia về Nhật thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc Chu Vĩnh Thăng nhận xét: “Nguyên tắc gác tranh chấp, cùng khai thác lâu nay đang được sửa đổi”.
Ông này nói việc đệ trình đường cơ sở cho thấy Bắc Kinh đang muốn sử dụng các công cụ pháp lý để tuyên bố chủ quyền và có thể sẽ hành động cứng rắn hơn với khu vực này.
Sau khi đệ trình đường cơ sở, sáu tàu hải giám Trung Quốc đã có cuộc đối đầu chóng vánh với các tàu tuần duyên Nhật ở gần Senkaku/Điếu Ngư vào sáng hôm 14.9.
Các diễn biến này xảy ra sau khi Nhật tuyên bố quốc hữu hóa ba hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp.
Video đang HOT
Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc liên tục phát đoạn băng quay cảnh một sĩ quan trên tàu hải giám Trung Quốc yêu cầu tàu Nhật Bản rời khỏi khu vực qua sóng vô tuyến.
Truyền thông Nhật cho biết toàn bộ các tàu Trung Quốc đã rời đi vào đầu giờ chiều ngày 14.9. Nhật cũng triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo Trình Vĩnh Hoa để đưa ra kháng nghị vào sáng hôm 14.9.
Một quan chức Nhật đã bác bỏ việc Trung Quốc đệ trình đường cơ sở, nói rằng đó chỉ là công việc giấy tờ.
“Nó chẳng thay đổi tình hình vì đường cơ sở đã từng được đệ trình (bởi Nhật vào năm 1996), một người phát ngôn thuộc Vụ Các vấn đề Pháp lý Quốc tế của Bộ Ngoại giao Nhật tuyên bố.
Tiến sĩ Jonathan Holslag thuộc Viện nghiên cứu Trung Quốc đương đại ở Brussels (Bỉ) nói đường cơ sở không nhất thiết biểu thị chủ quyền.
“Bạn phải được công nhận chủ quyền trước khi đệ trình đường cơ sở. Không có thỏa thuận về việc ai sở hữu quần đảo thì toàn bộ chuyện này cũng chỉ như cố đấm bị bông về pháp lý”, ông Holslag nói.
Theo tờ South China Morning Post, Bắc Kinh muốn đưa tranh chấp với Nhật ra quốc tế qua việc đệ trình đường cơ sở. Các lãnh đạo Trung Quốc hy vọng động thái này đủ để gây áp lực buộc Tokyo quay trở lại với các cuộc đàm phán song phương.
“Tokyo đã bỏ qua thực tế rằng chủ quyền quần đảo là tranh chấp giữa Nhật và Trung Quốc. Bằng cách đệ trình lên LHQ, Bắc Kinh đang buộc Tokyo phải thừa nhận rằng đây là vấn đề tranh chấp và phải được giải quyết thông qua đàm phán với Trung Quốc”, giáo sư Liêm Đức Côi tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải phát biểu.
Giáo sư Quý Chí Nghiệp thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc thận trọng nói rằng việc đệ trình không bảo đảm cho việc LHQ công nhận chủ quyền của Trung Quốc.
“Trung Quốc muốn giải quyết tranh chấp thông qua các cuộc đàm phán song phương song điều này khó có khả năng xảy ra trong tình hình hiện tại. Trung Quốc có thể sẵn sàng đưa vấn đề ra tòa án quốc tế”, ông Quý nói.
Trong khi đó, giáo sư Nguyễn Tông Trạch thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc nhận định Bắc Kinh có thể sẽ cử thêm nhiều ngư dân đến quần đảo, đặc biệt sau khi một lệnh cấm đánh cá tạm thời hết hiệu lực vào ngày mai, 16.9.
“Có khả năng các ngư dân sẽ đến quần đảo và nhà chức trách Trung Quốc sẽ không ngăn cản họ”, ông Nguyễn nói.
Theo TNO
Quân đội Trung Quốc "diễu võ dương oai" với Nhật
Một cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tăng cường những lời đe dọa vào hôm 12.9 trong động thái được xem là lời cảnh báo đến Nhật rằng họ sẵn sàng bảo vệ chủ quyền Trung Quốc giữa lúc căng thẳng tăng cao giữa hai nước.
Trong một bài báo đăng ở trang nhất vào hôm 12.9, tờ PLA Daily loan tin hải quân, không quân và lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận kết hợp ở Hoàng Hải và sa mạc Gobi vào đầu tháng này, mô tả chi tiết một loạt các cuộc tập trận bắn đạn thật của Quân khu Nam Kinh.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của quân khu này là phụ trách biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc và Nhật có tranh chấp chủ quyền về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Kênh truyền hình vệ tinh Thâm Quyến vào hôm 12.9 cho biết các quân khu Thành Đô, Tế Nam và Quảng Châu cũng đã tiến hành những cuộc tập trận chuyên sâu trong những ngày qua, bao gồm các cuộc tấn công trên biển và diễn tập bắn tên lửa đánh chặn hải đối hải.
Tờ South China Morning Post dẫn lời các chuyên gia nhận xét rằng các cuộc tập trận là lời cảnh báo gửi đến Nhật.
Nhà nghiên cứu Từ Quang Dụ thuộc Hiệp hội Kiểm soát vũ khí và Giải trừ quân bị Trung Quốc tại Bắc Kinh nói với tờ South China Morning Post: "Chuỗi các cuộc tập trận của PLA có mục đích cảnh báo Tokyo rằng nếu họ nỗ lực triển khai lực lượng phòng vệ trên biển để đương đầu với các tàu tuần tra của chúng ta thì chúng ta sẵn sàng bảo vệ lợi ích quốc gia khi xung đột xảy ra".
Bắc Kinh đã điều hai tàu hải giám đến vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào hôm 11.9 trong động thái phản ứng việc chính phủ Nhật mua lại quần đảo.
Vụ trưởng châu Á vụ thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc La Chiếu Huy, khi gặp gỡ người đồng cấp Nhật Shinsuke Sugiyama vào hôm 12.9, đã kêu gọi Nhật hãy rút lại quyết định mua quần đảo từ chủ sở hữu tư nhân người Nhật .
Ông Sugiyama nói cả hai nước sẽ tiếp tục liên lạc về vấn đề tranh chấp. Song, Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba phát biểu trong cuộc họp báo vào hôm 12.9 tại Tokyo thì lại nêu quan điểm rằng Nhật không thể hủy bỏ việc mua quần đảo.
Theo TNO
Nghị sĩ Philippines muốn biến Trường Sa thành khu du lịch Một nghị sĩ Philippines vừa đề xuất với quốc hội về việc xây dựng cơ sở hạ tầng để biến các đảo ở Trường Sa thành địa điểm du lịch, chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc công bố kế hoạch mở tuyến du thuyền ra quần đảo. "Tôi đã viết một bức thư cho tổng thống nói về đề nghị của tôi",...